Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Viện Việt Học kỷ niệm 15 năm thành lập


WESTMINSTER (NV) - Viện Việt Học sẽ tổ chức kỷ niệm 15 năm thành lập vào ngày 18 Tháng Giêng, 2015, tại trụ sở của viện, Westminster, vào lúc 11 giờ sáng.

vienviethocCác phong bao mừng tuổi trong các dịp lễ Tết của Viện Việt Học phát động đồng hương dùng thay thế các phong bao lì xì của Trung Quốc. (Hình: Nguyên uy/Người Việt)


Được thành lập vào năm 1999 do các cựu Giáo Sư Đại Học Sài Gòn và một số các sinh viên Việt Nam tốt nghiệp từ các đại học Hoa Kỳ nặng lòng với tiếng Việt, văn hóa Việt.

Do từ quan niệm dân tộc Việt Nam hiện nay không chỉ sinh sống trong lãnh thổ Việt Nam mà đã trải rộng khắp thế giới, Viện Việt Học tự đảm nhận chức năng nghiên cứu và quảng bá cùng giảng dậy ngôn ngữ, văn học, văn hóa, lịch sử, địa lý Việt Nam tại hải ngoại để các thế hệ trẻ Việt Nam tại hải ngoại không xa lìa gốc rễ văn hóa dân tộc.

Mục đích của viện, được quảng bá, là để:

- Tạo sự cảm thông và góp phần duy trì mối liên hệ mật thiết giữa người Việt đang sống tại khắp nơi trên thế giới.

- Phân tích một cách nghiêm túc ưu, nhược điểm của văn hóa Việt Nam. Thẩm định một cách khách quan địa vị cùng vai trò của văn hóa ấy trong toàn thể văn hóa nhân loại.

- Tìm cách bồi dưỡng và phát huy những nét đẹp, đáng trân trọng gìn giữ trong nếp sống tinh thần của người Việt Nam.

- Góp ý một cách cụ thể, sáng tạo và hướng thượng trước nhu cầu thích nghi một cách hài hòa văn hóa Việt Nam và văn hóa địa phương cũng như thế giới.Với các mục tiêu đề ra như trên Viện Việt Học đã mở ra nhiều hoạt động như:

- Thư Viện để lưu trữ sách báo, các tác phẩm văn học, nghệ thuật.

- In ấn các tác phẩm của các tác giả, nhân sĩ trí thức có cùng chung một mục đích với viện. Số ấn phẩm này cả Việt ngữ lẫn Anh ngữ hiện đã lên đến hàng trăm và được phổ biến đi khắp nơi.

- Một Diễn Đàn Văn Học được mở thường xuyên để trao đổi kiến thức, quảng bá những nghiên cứu tìm tòi mới về văn học nghệ thuật Việt Nam giữa các tác giả và quần chúng độc giả.

- Một câu lạc bộ sinh hoạt thường xuyên trong tháng, trong tuần có nội dung nhắc lại những giá trị văn học nghệ thuật qua những giai đoạn lịch sử cận đại mà chế độ Cộng Sản ở trong nước đã tiêu hủy để thay thế bằng nền văn học Mác Xít.

- Mở các lớp Việt ngữ theo phương pháp mới.

- Những buổi triển lãm sách báo văn học nghệ thuật giá trị.

- Phát động phong trào dùng Phong Bao Việt Nam trong các dịp lễ Tết.

- Tạo một nơi sinh hoạt văn hóa cho các thân hữu của Viện. Công việc của viện sau 15 năm có mặt đã khai triển trên nhiều mặt trong sinh hoạt của cộng đồng. Đảm đương được những hoạt động ấy là một Ban Giáo Sư cố vấn, giảng huấn và một ban điều hành của các thế hệ kế tiếp.

Ban Cố Vấn và Giảng Huấn gồm các Giáo Sư Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Ngọc Bích, Phạm Văn Hải, Nguyễn Đình Hòa, Nguyễn Khắc Hoạch, Đoàn Khoách, Trần Ngọc Ninh, Đàm Trung Pháp, Nguyễn Văn Sâm.

Cố Giáo Sư Nguyễn Khắc Kham là một trong những vị sáng lập và tích cực đóng góp công sức cho viện khi còn sinh tiền. Cụ là một nhà giáo dục, một nhà mô phạm đúng nghĩa, từng giảng dậy ở nhiều trường trung học và đại học của Việt Nam từ Thăng Long, Hoài Đức, Văn Lang, Minh Tân Văn Hóa, Chu Văn An tại Hà Nội, Petrus Ký tại Sài Gòn và Đại Học Văn Khoa Hà Nội trước 1954. Sau 1954, giáo sư tiếp tục dạy tại Văn Khoa, Sư Phạm, Vạn Hạnh Sài Gòn và Đại Học Huế. Giáo sư cũng đã giữ nhiều chức vụ văn hóa trong các chính quyền của VNCH và tham dự nhiều sinh hoạt văn hóa, văn học thế giới.

Sau năm 1975, giáo sư tị nạn Cộng Sản tại Hoa Kỳ và dù tuổi đã cao, giáo sư vẫn nghĩ ngay đến việc thành lập Viện Việt Học để cho các thế hệ trẻ hải ngoại giữ được nề nếp văn hóa, văn học của ông cha.

Một vị giáo sư khác là Giáo Sư Trần Ngọc Ninh, năm nay đã ngoài 90 nhưng vẫn hăng hái có mặt trong những hoạt động của viện.

Mặc dù tốt nghiệp Thạc Sĩ Y Khoa tại Pháp năm 1961 nhưng giáo sư Trần Ngọc Ninh cũng có nhiều công trình khảo cứu văn hóa, văn minh và văn chương Việt Nam. Các tác phẩm về văn học của Giáo Sư Trần Ngọc Ninh đã xuất bản ở trong nước cũng như ở hải ngoại đã lên đến hàng chục cuốn. Trong số những tác phẩm này có bộ Cơ Cấu Việt Ngữ dự trù đến 8 cuốn được bắt đầu từ năm 1974. Đây là một bộ sách mà cho đến nay vẫn chưa có một tác phẩm tương tự nào.

Về thành phần “trẻ,” lớp tuổi trên dưới 40 trong Viện từ ngày thành lập là những sinh viên đã tốt nghiệp từ các đại học ở California, lớp tới lớp đi vì sinh kế, kể có đến gần cả trăm người. Họ đã đóng góp vào công việc điều hành của Viện như thành lập thư viện, thu thập sách báo, phân tích hệ thống hóa sách báo do đồng hương từ khắp nơi gởi về cho viện lưu giữ, tổ chức những sinh hoạt văn học trong cộng đồng v.v...

Người trực tiếp điều hành Viện hiện nay là Giáo Sư Nguyễn Minh Lân và các bạn như Kim Ngân, cô giáo Hương...

Mười lăm năm có mặt, Viện Việt Học đã không ngớt vun trồng “cây văn hóa Việt Nam” trên những miền đất của người Việt tị nạn, ngày càng tươi tốt khiến sinh hoạt của cộng đồng người Việt hải ngoại đã tạo nên một Việt Nam Tự Do bên ngoài đất nước mà cộng đồng thế giới đã mặc nhiên công nhận.

Viện Việt Học chỉ mở cửa các ngày Thứ Hai, Thứ Tư và Thứ Sáu, từ 4 đến 6 giờ chiều. Thứ Bảy từ 10:30 sáng đến 12:30 trưa. Chủ Nhật nghỉ trừ khi có các sinh hoạt của viện. Điện thoại để liên lạc: (714) 775-2050.

Switch mode views: