Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Cộng hoà còn bực với ObamaCare

GoldenGate-closed


Khu di tích đồn biên phòng dưới chân cầu Golden Gate đóng cửa hôm qua 3 tháng 10-2013. Getty Images

 

Sự kiện chính phủ liên bang Hoa Kỳ đóng cửa trong mấy ngày qua nói lên một điều là Đảng Cộng hòa không muốn Tổng thống Barack Obama đem lại quyền lợi y tế cho toàn dân Mỹ, một chính sách đưa nước Mỹ tiến một bước gần hơn đến xã hội chủ nghĩa.

Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền liên bang đối đầu với sự việc như thế. Dưới thời Tổng thống Ronald Reagan đã nhiều lần chính quyền đóng cửa vì Bạch Ốc và Quốc hội không đạt được đồng thuận về ngân sách.

Lần sau cùng xảy ra vào đầu năm 1996 dưới thời Tổng thống Bill Clinton và kéo dài ba tuần lễ.

Từ giữa đêm thứ Hai vừa qua, trong số 800 nghìn công chức liên bang có đến một phần ba phải tạm ngưng việc vì nhà nước không có tiền để trả lương do bởi Quốc hội không thông qua ngân sách cho tài khoá 2013-14, bắt đầu vào ngày 1-10.

Hơn 60% số công chức vẫn tiếp tục làm việc vì họ là nhân viên cần thiết hay biệt lệ theo qui định của Văn phòng Quản lý và Ngân sách, nghĩa là dù có khủng hoảng những nhân viên này không được ngưng làm việc.

Những nơi có đông công chức phải nghỉ việc là cơ quan Quản lý Công viên Quốc gia, cơ quan bảo trì đền đài, Viện Y tế Quốc gia và cơ quan hành chính cựu chiến binh.

Tại San Francisco, sáng thứ Ba những chuyến phà không chở du khách ra quần đảo ngục tù Acaltraz vì địa điểm du lịch này trực thuộc liên bang nên đóng cửa, cũng như nhiều đài tưởng niệm ở Thủ đô Washington.

Chỉ ở San Francisco, mỗi ngày có khoảng 5 nghìn du khách thăm đảo tù, mỗi vé tham quan 35 đô-la, như thế làm thiệt hại tài chánh đáng kể cho kinh tế địa phương. Ở miền tây Hoa Kỳ, các công viên Muir Wood, Yosemite, Zion, Grand Canyon cũng đều đóng cửa.

Trong ngày 30-9, Hạ viện do Đảng Cộng hoà nắm đa số đã biểu quyết thông qua một dự luật không chi cho chương trình cải tổ bảo hiểm y tế ObamaCare nếu không hoãn thi hành luật này một năm.
Thượng viện do Đảng Dân chủ nắm đa số không đồng ý. Thế là không có ngân sách.

Tuy chính quyền liên bang đóng cửa, nhưng không thể để cho an ninh nước Mỹ bị đe dọa nên Quốc hội thông qua ngân sách tạm để trả lương cho binh lính, nhân viên bộ nội an, cơ quan kiểm soát không lưu và cho các vị đại diện dân ở Quốc hội.

 Dân chúng nhiều người bực mình khi các dân cử vẫn tiếp tục được nhận lương vì chính họ gây ra việc đóng cửa chính phủ.

Các thăm dò ý kiến cho thấy hai phần ba cho rằng lỗi tại Đảng Cộng hoà trong Quốc hội.
ChutichHavien

Chủ tịch Hạ viện John Boehner.

 

Với quyết định không muốn luật cải tổ bảo hiểm y tế được thi hành, Hạ viện một lần nữa, sau 40 lần trong ba năm qua, đã đưa ra những dự luật để ngăn cản thi hành hay khai tử chính sách y tế toàn dân của Tổng thống Obama, một ưu tiên trong đối nội của ông từ khi nhận chức tổng thống tháng 1-2009.

Luật có tên chính thức là Affordable Care Act, thường được gọi là ObamaCare, sẽ hiệu lực từ ngày đầu năm 2014.
Ngày 1 tháng Mười vừa qua là thời điểm mở ra cho dân Mỹ tìm mua các bảo hiểm y tế qua nhiều chương trình được chính phủ tài trợ.

Trước ObamaCare, 85% dân Mỹ đã có bảo hiểm và số người không có bảo hiểm y tế là khoảng 50 triệu người.
Tuy nhiên, trong những trường hợp khẩn cấp nếu không có bảo hiểm họ vẫn được chữa trị tại những cơ sở y tế công.

Với ObamaCare, mọi người dân sẽ được mua bảo hiểm y tế có trợ cấp từ chính phủ tùy mức thu nhập qua hình thức giảm tiền thuế. Một người với lương 11.490 đô-la một năm hay một gia đình 4 người có thu nhập 23.550 đô-la là thành phần nghèo nhất.
 Nhân số thu nhập trên với 4 sẽ là mức cao nhất để được chính phủ trợ cấp tài chánh mua bảo biểm y tế. Như thế một cá nhân với thu nhập dưới mức 45,960 đô-la một năm, hay 94,200 đô-la cho một gia đình bốn người, sẽ được trợ giúp tài chánh để mua bảo hiểm. Trợ giúp càng nhiều nếu thu nhập càng thấp.

Nhìn chung, ObamaCare giúp dân nghèo và trung lưu trả chi phí bảo hiểm sức khoẻ vừa với mức thu nhập.
Hiện nay một gia đình bốn người trả trung bình 10 nghìn đô-la một năm cho bảo hiểm y tế.

ObamaCare sau khi ban hành vào tháng 3-2010 đã bị kiện lên Tối cao Pháp viện và phải chỉnh sửa để cuối cùng không vi phạm hiến pháp vì chính sách thuế hay vì ép buộc mọi người dân phải mua bảo hiểm.

Bảo hiểm y tế toàn dân đã là nỗ lực của Đảng Dân chủ từ bốn thập niên qua.
 Cố Thượng Nghị sĩ Edward Kennedy đã đệ trình một đạo luật tương tự tại Quốc hội cuối thập niên 1970.
 Đến thập niên 1990 Đệ Nhất Phu nhân Hilary Clinton cũng vận động cho một chính sách tương tự nhưng cũng không thành công.

Năm 2009, dù Hạ viện với đa số dân biểu Dân chủ, dự luật này đã bị đánh bại nhiều lần vì đại đa số dân cử Cộng hoà mạnh mẽ phản đối, trong khi đó một số dân cử Dân chủ cũng không đồng ý với kế hoạch của Tổng thống Obama.

Sau nhiều thương lượng giữa hành pháp và lập pháp, ObamaCare được ban hành năm 2010 nhưng chỉ được từ từ áp dụng từng giai đoạn. Dù nay đã thành luật, phải một thập niên nữa luật mới được thi hành hoàn toàn.

Điều luật áp dụng đầu tiên là cho con em trong gia đình được tiếp tục đứng trong chính sách bảo hiểm y tế của cha mẹ cho đến khi 26 tuổi.

Tiếp theo là điều khoản không được từ chối bán bảo hiểm hay bán với giá cao hơn bình thường vì một người nào đã có bệnh từ trước.

Ba là những công ty hay cơ sở thương mại với 25 công nhân làm việc toàn thời gian, ít nhất 30 giờ một tuần, chủ nhân bắt buộc phải mua bảo hiểm y tế cho nhân viên. Đây là luận điểm mà những người chống ObamaCare nhắm vào vì cho rằng như thế giới tiểu thương sẽ không muốn mướn nhân công làm việc toàn thời gian vì phải trả tiền bảo hiểm y tế cho họ.
Giới tiểu thương không thuê mướn thêm người sẽ ảnh hưởng nhiều đến kinh tế vì phát triển kinh tế phần lớn là nhờ giới tiểu thương.

Thực ra chỉ những cơ sở với 50 nhân viên trở lên thì luật mới buộc chủ nhân phải mua bảo hiểm y tế cho công nhân.
Những nơi có 25 nhân viên, với số lương trung bình một năm ít hơn 50 nghìn đô-la thì chính phủ sẽ trợ giúp tài chánh cho chủ mua bảo hiểm cho người làm.

Phần tiếp của ObamaCare đang gây bế tắc trong chính quyền liên bang Mỹ là dân phải có bảo hiểm y tế kể từ đầu năm 2014 và ngày 1-10-2013 là thời điểm mở ra để cho những ai muốn tìm mua bảo hiểm qua các công ty tư với sự tài trợ của liên bang. Ai không mua sẽ phải đóng thuế phạt.

Đến nay dù ObamaCare đã thành luật ba năm nhưng Đảng Cộng hoà vẫn muốn rút lại hay gây khó khăn cho việc thi hành.
 Trước thời hạn một ngày, Hạ viện chuyển lên Thượng viện luật ngân sách có khoản không chi cho ObamaCare.
 Nghị sĩ Ted Cruz của Đảng Cộng hoà đã đăng đàn 21 giờ không nghỉ để hết giờ thảo luận.

Đúng 12 giờ đêm thứ Hai vẫn không có luật ngân sách nên chính phủ phải ngưng hoạt động.

Tối thứ Tư 2-10 Tổng thống Obama mời lãnh đạo hai đảng vào Bạch Ốc để thảo luận tìm cách chấm dứt việc ngưng hoạt động. Sau 90 phút bàn luận giữa Tổng thống cùng Chủ tịch Hạ viện John Boehner (Cộng hoà), trưởng khối thiểu số Hạ viện Nancy Pelosi (Dân chủ) và trưởng khối đa số tại Thượng viện Harry Reed (Dân chủ), cuộc họp không đem đến kết quả nào. Hai đảng tiếp tục đổ lỗi cho nhau và không bên nào muốn nhượng bộ.

Đảng Cộng hòa vẫn còn bực vì ObamaCare đã thành luật. Chính sách của Tổng thống Obama trong những năm qua chứng tỏ ông nghiêng về phía trái Đảng Dân chủ và đang gặp chống đối mạnh mẽ từ những dân biểu cực hữu thuộc nhóm Tea Party trong Đảng Cộng hoà.

Nhiều người cho rằng Tổng thống Obama có khuynh hướng theo xã hội chủ nghĩa. Những chính sách về thuế và bảo hiểm y tế của ông phản ánh điều đó.

Một người Mỹ có thu nhập trên 150 nghìn đô-la một năm, 250 nghìn hay cao hơn cho một cặp vợ chồng nay sẽ phải trả thuế nhiều hơn. Bây giờ mọi người dân lại có bảo hiểm y tế.

Như thế Hoa Kỳ đang gần giống với các nước bắc Âu, Anh, Pháp. Đó là khuynh hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tiến đến một xã hội công bằng hơn.

Ở Hoa Kỳ chỉ còn học phí đại học là quá cao. Cấp lớp từ 1 đến 12 đã hoàn toàn miễn phí. Nếu lệ phí giáo dục đại học mà thấp hay miễn phí như ở nhiều nước khác thì Hoa Kỳ đích thực đang tiến tới thiên đường xã hội chủ nghĩa.


Switch mode views: