Báo cáo Liên hiệp quốc càng khiến phương Tây tăng sức ép lên Syria
- Thứ Tư, 18 tháng Chín năm 2013 01:06
- Tác Giả: Anh Vũ
Một thường dân Syria bị trúng khí độc sarin đang được cấp cứu 21/08/2013 - REUTERS /Ammar Dar
Một ngày sau khi Liên hiệp quốc công bố báo cáo điều tra khẳng định việc sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc tấn công hôm 21/08, các nước phương Tây đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao nhằm có được một nghị quyết mạnh mẽ hơn của Hội đồng Bảo an về việc tháo gỡ kho vũ khí hóa học của Syria và buộc Damas gánh chịu hậu quả về những việc làm của mình.
Tuy không nêu đích danh thủ phạm sử dụng vũ khí hóa học tại Syria, bản báo cáo của các chuyên gia Liên hiệp quốc được Tổng thư ký Ban Ki-moon công bố hôm qua chứa đựng nhiều chi tiết có thể quy kết trách nhiệm của Damas.
Ngay lập tức Washington, Paris và Luân Đôn đều đồng thanh tuyên bố báo cáo của Liên hiệp quốc đã cho thấy « trách nhiệm rất rõ ràng » của chế độ Bachar al-Assad trong các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 21/8 vừa qua ở ngoại ô Damas.
Trước đó chưa đầy 2 ngày, tuy Nga và Mỹ đã đạt được thỏa thuận giải trừ kho vũ khí hóa học của Syria, nhưng Matxcơva vẫn không chấp nhận bất kỳ văn kiện thông qua tại Liên hiệp quốc để ràng buộc, hay nói cách khác là trừng phạt Syria trong trường hợp nước này không tuân thủ các nghĩa vụ đối với quốc tế.
Khi công bố bản báo cáo về sử dụng vũ khí hóa học hôm qua trước 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Tổng thư ký Ban Ki-moon đã lên án vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 21/08 là một « tội ác chiến tranh ».
Ông Ban Ki-moon yêu cầu Hội đồng Bảo an ra một « nghị quyết rõ ràng » trong đó dự trù những « hậu quả » mà Damas phải gánh chịu nếu không tôn trọng kế hoạch giải trừ kho vũ khí hóa học.
Vấn đề còn lại là làm sao thuyết phục được Nga và Trung Quốc, hai thành viên của Hội đồng Bảo an từng ba lần dùng quyền phủ quyết bác bỏ nghị quyết về Syria, thông qua một dự thảo nghị quyết mạnh mẽ về Syria.
Sau cuộc gặp hại ngoại trưởng Anh và Mỹ hôm qua tại Paris, hôm nay Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã tức tốc bay đến Matxcơva để gặp đồng nghiệp Nga Serguei Lavrov để tìm cách thuyết phục Matxcơva về một nghị quyết « mạnh mẽ và ràng buộc » trong tiến trình tháo gỡ kho vũ khí hóa học của Syria.
Thế nhưng, sau cuộc gặp, hai bên vẫn chỉ dừng lại ở mức độ thừa nhận « bất đồng về phương pháp tiếp cận » hồ sơ Syria.
Về phía Washington, ngày 19/09 tới, ông John Kerry sẽ tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mà như thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ thì trọng tâm được đề cập đến trong buổi làm việc này là hồ sơ Syria.
Dự thảo nghị quyết do Paris trình ra vào uần trước trong đó nêu khả năng sử dụng vũ lực với Syria đã bị Matxcơva đánh giá là « không thể chấp nhận được ».
Đến lúc này các nước phương Tây nhất trí với nhau cần thiết phải có một nghị quyết ràng buộc Damas phải lên lịch trình cụ thể sao cho từ nay đến giữa năm 2014 phá hủy hoàn toàn kho vũ khí hóa học.
Trước các nỗ lực gây sức ép liên tục đối với Syria, Nga đã nhắc nhở Hoa Kỳ không nên đi quá xa giới hạn của thỏa thuận Genève. Ngoại trưởng Sergei Lavrov cảnh báo :
« Nếu có ai đó muốn đe dọa, hoặc kiếm cớ để tấn công , thì đó là cách để họ phá hoại viễn cảnh cho hội nghị Genève 2 », tức hội nghị hòa bình về Syria mà Nga và Mỹ đã có ý định tổ chức từ ba tháng nay.
Nếu thỏa thuận Geneve hôm 14/9 được cho là đã góp phần đẩy lùi viễn cảnh can thiệp quân sự vào Syria, thì văn kiện này cũng được diễn đạt một cách khác nhau giữa Washington và Matxcơva.
Theo ông Lavrov, thỏa thuận Genève không dự trù đưa vào nghị quyết về Syria điều khoản cho phép sử dụng vũ lực trong trường hợp các nghĩa vụ không được tôn trọng ( tức điều 7 Hiến chương Liên hiệp quốc).
Trong khi đó, ông John Kerry vẫn tin tưởng nội dung thỏa thuận đã hàm chứa điều khoản ràng buộc này.
Phát ngôn viên Ngoại giao Mỹ Marie Harf đã khẳng định, khả năng sử dụng vũ lực với Syria vẫn được « đặt trên bàn » khi đề cập đến sự cần thiết phải có một nghị quyết của Liên hiệp quốc quy định những « cơ chế thi hành mạnh mẽ nhất có thể ».
Với các đồng minh phương Tây, có thể viễn cảnh mở chiến dịch quân sự trừng phạt chế độ Damas đã lùi xa dần nhưng lối thoát cho cuộc khủng hoảng ở Syria vẫn chưa có.
Bản báo cáo của Liên hiệp quốc về việc sử dụng vũ khí hóa học tại Damas hôm 21/08 và nội dung thỏa thuận Geneve hôm 14/09 là cơ sở giúp các đồng minh phương Tây tiếp tục đi xa hơn nữa nhằm giải quyết vấn đề Syria.
Trước mắt là một giải pháp ngoại giao cũng cứng rắn hơn để tiếp tục gây áp lực lên chế độ Bachar al-Assad.
Mặt trận ngoại giao này hứa hẹn không kém phần gay go trong những ngày tới.
Tin mới
- Con buôn Trung Quốc ồ ạt vét tôm Việt - 18/09/2013 20:42
- Xe Cứu Hỏa không nước, cháy 25 triệu đô - 18/09/2013 17:32
- Khoảng cách việc làm giữa giới giàu và nghèo ở Mỹ ngày càng xa - 18/09/2013 17:23
- Vũ khí hóa học Syria : Nga chỉ trích thanh tra LHQ - 18/09/2013 17:13
- Hy Lạp: Công chức đình công biểu tình phản đối cải cách của chính phủ - 18/09/2013 16:58
- Tổng thống Brazil hoãn công du Hoa Kỳ vì vụ gián điệp Mỹ - 18/09/2013 16:52
- Mỹ-Philippines bắt đầu tập trận tại Biển Đông - 18/09/2013 16:33
- Giáo dân Vinh đối đầu với chính quyền bằng lời cầu nguyện - 18/09/2013 16:25
- Tổng kết vụ thảm sát trong căn cứ hải quân Washington - 18/09/2013 01:19
- Tai nạn tàu ngầm hạt nhân Nga Tomsk nghiêm trọng hơn báo cáo ban đầu - 18/09/2013 01:13
Các tin khác
- Pháp và Nga bất đồng trên hồ sơ Syria - 17/09/2013 22:08
- Cam Bốt : Đọ sức sống còn giữa Hun Sen và Sam Rainsy - 17/09/2013 21:55
- Đạt Lai Lạt Ma : Tu sĩ Miến Điện phải theo đúng Phật pháp để chấm dứt đổ máu - 17/09/2013 21:32
- Việt Nam đề nghị Nhật Bản cung cấp tàu tuần tra biển - 17/09/2013 21:20
- Đối lập Cam Bốt biểu tình tại Phnom Penh, 1 người chết - 16/09/2013 19:24
- Nhật Bản : Báo động đặc biệt do bão lớn - 16/09/2013 19:18
- Philippines không kích vào lực lượng nổi dậy ở miền nam - 16/09/2013 19:12
- Cam Bốt đang lún sâu vào khủng hoảng chính trị - 16/09/2013 18:58
- Khu công nghiệp Kaesong mở cửa trở lại - 16/09/2013 03:26
- Colorado tiếp tục bị lụt, trực thăng di tản hàng ngàn người - 16/09/2013 03:16