Cam Bốt : Đọ sức sống còn giữa Hun Sen và Sam Rainsy
- Thứ Ba, 17 tháng Chín năm 2013 21:55
- Tác Giả: RFI
Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen (P) và lãnh đạo đối lập Sam Rainsy, tại cuộc gặp lần thứ ba, ở Quốc hội, Phnom Penh, 17/09/2013
REUTERS
Sau cuộc biểu tình ngày 15/09 của phe đối lập phản đối kết quả bầu cử Quốc hội làm một người thiệt mạng, trong hai ngày qua, Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen đã gặp lãnh đạo đối lập Sam Rainsy, tại Quốc hội, ở Phnom Penh.
Đây là cuộc đọ sức giữa hai nhân vật gần như ngang ngửa nhau về mưu lược, thủ đoạn chính trị. Theo giới quan sát, trong cuộc tỷ thí này, không bên nào dễ dàng chấp nhận lùi buớc.
RFI phỏng vấn ông Jean Louis Margolin, chuyên gia về lịch sử đương đại, thuộc Đại học Aix Marseille, miền nam nước Pháp.
Về các cuộc gặp giữa Thủ tướng Hun Sen và thủ lãnh đối lập Sam Rainsy, ông Margolin nhận định :
Đây rõ ràng là cuộc xung đột rất nghiêm trọng giữa hai nhân vật Hun Sen và Sam Rainsy. Tôi có thể ví von như một cuộc đọ sức sống còn. Bởi vì Cam Bốt thường xuyên cho chúng ta thấy những biến cố đầy bạo lực trong lịch sử đương đại của nước này cũng như những thay đổi ngoạn mục, những cuộc hòa giải gây ngạc nhiên.
Đặc biệt, tôi nghĩ đến vai trò của Thủ tướng Hun Sen. Trước kia, ông thuộc phe cộng sản, cùng với Khmer Đỏ, sau đó, ông chạy sang phía Việt Nam, rồi hòa giải với Vua Norodom Sihanouk.
Ông Hun Sen là một dạng người đã nhiều lần có các ngoắt ngoéo chính trị. Ông chấp nhận sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc trong những năm 1990, rồi có lúc ông ta chấp nhận chia sẻ quyền lực với một lãnh đạo chính trị khác.
Rất khó biết được mọi việc sẽ diễn tiến ra sao, nhưng nếu nhìn vào tính cách, sự kiên quyết, khéo léo bám giữ quyền lực, thì có thể nghĩ rằng ông Hun Sen sẽ không lùi bước một cách dễ dàng và đơn giản là ông ta không sẵn sàng nhường lại vị trí nắm giữ quyền lực, thừa nhận là có gian lận ồ ạt trong cuộc bầu cử vừa qua.
Chuyên gia Margolin phác họa chân dung lãnh đạo đối lập Cam Bốt Sam Rainsy :
Tôi đã nêu tính cách của ông Hun Sen đối với các định chế dân chủ, nhưng cũng cần phải nói một chút về nhân vật đối lập, ông Sam Rainsy, để không chỉ coi có mình ông Hun Sen là nhân vật gây tranh luận.
Trong quá khứ, ông Sam Rainsy là một chính trị gia khôn khéo, một Bộ trưởng Tài chính giỏi trong liên minh cầm quyền.
Sau đó, ông ta xây dựng một phong trào chính trị, hơi kỳ cục, thành lập một chính đảng lấy tên ông ta, đảng Sam Rainsy, trước khi đổi sang một cái tên thông thường.
Điều này cho thấy rõ quyết tâm muốn tranh giành quyền lực của cá nhân ông Sam Rainsy.
Cũng cần phải nói là ông Rainsy khai thác tư tưởng bài ngoại, dân tộc cực đoan, rất chống Việt Nam, thậm chí gần như kỳ thị chủng tộc, có thể làm dấy lên một số lo ngại từ phía các tổ chức, cộng đồng tại Cam Bốt, trong số đó có cộng đồng thiểu số Việt Nam, hoặc người có hai dòng máu Khmer-Việt Nam, cũng như từ phía các nước láng giềng.
Có thể nói đây là cuộc đấu đá giữa hai chính trị gia mà không một ai trong số này tỏ ra chú ý tôn trọng các thể chế dân chủ tại Cam Bốt.
Trong những ngày qua, lực lượng an ninh phong tỏa các trục giao thông chính ở Phnom Penh, theo chuyên gia Margolin, chính quyền của ông Hun Sen sẽ tỏ ra cứng rắn và các cuộc biểu tình có nguy cơ bị đàn áp.
Các cuộc biểu tình của phe đối lập ngày càng lan rộng và nghiêm trọng hơn. Thực ra, tình hình cũng đã nghiêm trọng rồi vì có ít nhất một người chết.
Tại một đất nước như Cam Bốt, rất tiếc là tình trạng này không có gì là lạ lẫm cả.
Các xung đột chính trị thường rất quyết liệt và dẫn đến thiệt hại nhân mạng, cho dù trong những năm vừa qua, mọi việc dường như đã phát triển theo hướng có phần tích cực.
Tôi nghĩ rằng, hiển nhiên là chính quyền không chấp nhận việc phản đối kết quả bầu cử như đã được công bố, bất kể giá trị kết quả này như thế nào.
Tất nhiên, tại Cam Bốt, có các trường hợp gây áp lực đối với cử tri, thậm chí gian lận. Thế nhưng, từ đó mà suy luận rằng kết quả cuộc bỏ phiếu, cho dù kết quả này có lợi cho đảng cầm quyền, là hoàn toàn gian lận, thì không đúng lắm. Tôi không có đủ thông tin để nói việc này.
Trong mọi trường hợp, rõ ràng là chính quyền hiện nay cho rằng cần phải hướng tới một sự hòa giải nào đó, và không nhất thiết là đường phố phải tiếp tục lên tiếng. Do vậy, nếu các cuộc biểu tình lại diễn ra thì có nguy cơ vấp phải một sự đàn áp mạnh mẽ hơn.
Phe đối lập đe dọa tẩy chay phiên khai mạc Quốc hội mới, vào thứ Hai tới. Ông Margolin đánh giá :
Đây là những tình huống đã từng xẩy ra trong quá khứ. Đương nhiên, về mặt tượng trưng thì việc tẩy chay có một tầm quan trọng nào đó. Có thể coi đó là động thái hướng tới một bộ phận công luận quốc tế, để làm nổi bật tính chất đáng ngờ vực của cuộc bầu cử vừa diễn ra.
Tôi không thấy có một cuộc bầu cử nào tại Cam Bốt mà không gây nhiều tranh cãi, ngoại trừ cuộc bỏ phiếu dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc năm 1993.
Chính cuộc bầu cử này đã dẫn đến sự thất bại của đảng của ông Hun Sen, đó là thất bại duy nhất trong lịch sử của đảng này, nhưng điều đó không ngăn cản ông ta quay lại cầm quyền sau đó.
Tôi nghĩ là trong bối cảnh hiện nay, việc tẩy chay Quốc hội không mang lại nhiều hiệu quả trực tiếp, bởi vì Quốc hội Cam Bốt chỉ có vai trò phụ và toàn bộ quyền lực nằm trong tay Thủ tướng hoặc những người thân cận, mà người ta thường gọi là phe cánh của ông.
Đó là những người, ngoài sự thèm khát quyền lực, đã làm giàu rất nhanh, tức là vì lý do kinh tế. Và họ không hề muốn rời bỏ quyền lực.
Tin mới
- Khoảng cách việc làm giữa giới giàu và nghèo ở Mỹ ngày càng xa - 18/09/2013 17:23
- Vũ khí hóa học Syria : Nga chỉ trích thanh tra LHQ - 18/09/2013 17:13
- Hy Lạp: Công chức đình công biểu tình phản đối cải cách của chính phủ - 18/09/2013 16:58
- Tổng thống Brazil hoãn công du Hoa Kỳ vì vụ gián điệp Mỹ - 18/09/2013 16:52
- Mỹ-Philippines bắt đầu tập trận tại Biển Đông - 18/09/2013 16:33
- Giáo dân Vinh đối đầu với chính quyền bằng lời cầu nguyện - 18/09/2013 16:25
- Tổng kết vụ thảm sát trong căn cứ hải quân Washington - 18/09/2013 01:19
- Tai nạn tàu ngầm hạt nhân Nga Tomsk nghiêm trọng hơn báo cáo ban đầu - 18/09/2013 01:13
- Báo cáo Liên hiệp quốc càng khiến phương Tây tăng sức ép lên Syria - 18/09/2013 01:06
- Pháp và Nga bất đồng trên hồ sơ Syria - 17/09/2013 22:08
Các tin khác
- Đạt Lai Lạt Ma : Tu sĩ Miến Điện phải theo đúng Phật pháp để chấm dứt đổ máu - 17/09/2013 21:32
- Việt Nam đề nghị Nhật Bản cung cấp tàu tuần tra biển - 17/09/2013 21:20
- Đối lập Cam Bốt biểu tình tại Phnom Penh, 1 người chết - 16/09/2013 19:24
- Nhật Bản : Báo động đặc biệt do bão lớn - 16/09/2013 19:18
- Philippines không kích vào lực lượng nổi dậy ở miền nam - 16/09/2013 19:12
- Cam Bốt đang lún sâu vào khủng hoảng chính trị - 16/09/2013 18:58
- Khu công nghiệp Kaesong mở cửa trở lại - 16/09/2013 03:26
- Colorado tiếp tục bị lụt, trực thăng di tản hàng ngàn người - 16/09/2013 03:16
- Ban hành chính sách để tham nhũng - 16/09/2013 03:08
- Xí nghiệp phá sản, nhà nước là thủ phạm - 16/09/2013 02:57