Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Mỹ hoãn hội đàm với Nga về Syria

Đoàn thanh tra viên LHQ

syria un inspectors convoy

Đoàn thanh tra viên LHQ đã bị tấn công

 

Cuối ngày thứ Hai, giờ địa phương, Hoa Kỳ thông báo đã quyết định hoãn cuộc hội đàm về tiến trình hòa bình tại Syria với giới chức ngoại giao Nga, với lý‎ do nước này đang “trong quá trình tham vấn” về các cáo buộc liên quan đến việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria.

Vài tiếng sau đó, phía Nga nói nước này lấy làm tiếc vì quyết định trên.

Cả hai nước trước đó đã có kế hoạch gặp mặt tại The Hague, Hà Lan, vào thứ Tư 28/8 để bàn việc mở hội thảo quốc tế nhằm tìm giải pháp chính trị cho xung đột tại Syria.

Thủ tướng Anh David Cameron cũng đã cắt ngắn kỳ nghỉ hè và quay về London để giải quyết khủng hoảng Syria.

Hôm thứ Hai, ông Cameron đã nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Putin nói rằng cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy chính phủ Syria đã dùng vũ khí hóa học chống lại quân nổi dậy.

Trong lúc đó, các thanh tra viên Liên Hiệp Quốc đang chuẩn bị bước vào ngày thứ hai của cuộc điều tra các vụ 'tấn công hóa học' ở ngoại ô thủ đô Damascus hồi tuần trước.

Nhóm thanh tra viên đã bị bắn tỉa khi tìm cách thăm một khu ở phía tây thành phố hôm thứ Hai 26/8.

Hoa Kỳ và các đồng minh đang cân nhắc tấn công quân sự đối với Syria, tuy Nga - đồng minh của Syria, thì cảnh báo không nên làm việc nàt.

Chính phủ Damascus và quân nổi dậy đổ trách nhiệm cho nhau trong các vụ tấn công.

Trước đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói việc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học là điều "không thể chối cãi".

Ông cũng nói các vụ tấn công gần đây ở thủ đô Damascus là "trái đạo đức".

    Hoa Kỳ và các đồng minh đang xem xét một hình thức đáp trả.

Đoàn xe của nhóm thanh tra LHQ bị các tay súng bắn tỉa nhắm vào khi họ đang trên đường tới một trong năm địa điểm ở Damascus, nơi hàng trăm người bị cho là đã thiệt mạng trong các vụ tấn công ngày 21/8.

Từ Hàn Quốc, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã lên án vụ tấn công và yêu cầu chính quyền Syria và lãnh đạo phe đối lập ngăn ngừa điều này lặp lại một lần nữa, đồng thời cũng đòi hỏi bảo đảm an toàn tính mạng cho các nhóm thanh tra.

Ông cũng cho biết đoàn thanh tra của LHQ đã phỏng vấn các nhân chứng, những người sống sót, các bác sỹ, và đã thu thập một số mẫu xét nghiệm từ hai bệnh viện trong khu vực.

Các nhân viên điều tra cũng dự kiến sẽ có chuyến thị sát đến khu vực ngoại ô ở Ghouta.

Chính phủ Syria đã phủ nhận mọi trách nhiệm liên quan đến việc sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc tấn công và thay vào đó, quay sang đổ lỗi cho quân nổi dậy.

'Gây chấn động'

"Những gì chúng ta đã chứng kiến ở Syria vào tuần trước làm chấn động lương tâm thế giới. Chúng phản lại mọi chuẩn mực đạo đức," Ngoại trưởng Mỹ Kerry nói trong cuộc họp báo vào thứ Hai 26/8.

"Tổng thống Obama cho rằng những kẻ sử dụng loại vũ khí kinh khủng nhất thế giới nhắm vào những người dân dễ bị tổn thương nhất phải chịu trách nhiệm."

Chính phủ Hoa Kỳ đã có trong tay một số thông tin khác liên quan đến các vụ tấn công và sẽ công bố vào những ngày tới, ông nói thêm.

Ông Kerry nói sự do dự trong việc cho phép thanh tra viên của Liên Hiệp Quốc tiếp cận hiện trường các vụ tấn công là dấu hiệu cho thấy chính quyền Syria có điều gì đó muốn giấu.

"Thay vào đó, họ đã gia tăng các cuộc bắn phá vào khu vực này, cố tình phá hủy chứng cứ. Đó không phải là hành động của một chính quyền không có gì che giấu," ông Kerry nói.

syria  TanPha
Cảnh đổ nát ở Syria

Trái luật quốc tế

Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã cảnh báo về dự định can thiệp quân sự của Hoa Kỳ trong một cuộc phỏng vấn với tờ Izvestiya của Nga vào thứ Hai.

"Nếu ai đó đang mơ tưởng rằng có thể biến Syria thành con rối của phương Tây, điều này sẽ không xảy ra," ông nói.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng nói với các phóng viên vào thứ Hai rằng phương Tây chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy quân đội của Tổng thống Assad đã sử dụng vũ khí hóa học.

Phát biểu của ông Lavrov được đưa ra nhằm đáp lại ý kiến của một số nước phương Tây trong đó cho rằng có thể hành động quân sự với chính phủ Syria mà không cần LHQ cho phép.

Ông Lavrov nói việc sử dụng vũ lực mà không có sự đồng thuận của Hội đồng Bảo an là một sự "vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế."

Hội đồng Bảo an LHQ vẫn đang ở thế chia rẽ. Mặc dù Nga và Trung Quốc vẫn chống lại một giải pháp quân sự, cả Anh và Pháp đã cảnh báo rằng sự cho phép của LHQ là không cần thiết nếu nhu cầu nhân đạo quá cấp bách.

Washington gần đây đã tăng cường sự hiện diện của hải quân nước này ở khu vực phía Đông Địa Trung Hải, trong khi các lãnh đạo quân sự từ Hoa Kỳ, Anh quốc và các nước đồng minh đã có cuộc họp tại Jordan.

Giới quan sát cho rằng có nhiều khả năng Hoa Kỳ sẽ sử dụng tên lửa hành trình từ các chiến hạm để tấn công các mục tiêu quân sự của Syria.

Thống kê nói hơn 100 nghìn người đã thiệt mạng kể từ khi cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Assad nổ ra hơn hai năm trước đây.

Cuộc xung đột cũng đã khiến hơn 1,7 triệu người phải đi tỵ nạn.

Switch mode views: