Bầu cử Cam Bốt : Hun Sen chắc thắng, bất kể sự phấn khích của đối lập
- Thứ Sáu, 26 tháng Bảy năm 2013 16:39
- Tác Giả: Trọng Thành
Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen và phu nhân vận động cho đảng PPC tại Phnom Penh. Ảnh ngày 27/06/2013
Reuters
Chủ nhật tới 28/07/2013, cử tri Cam Bốt đi bỏ phiếu bầu Quốc hội mới. Sau gần 30 năm cầm quyền, Thủ tướng Hun Sen - « người hùng » Cam Bốt – tin tưởng chắc chắn vào thắng lợi của đảng Nhân dân Cam Bốt, thậm chí không cần vận động tranh cử.
Phe đối lập, phấn khích vì sự trở về của nhà lãnh đạo Sam Rainsy, đoàn kết hơn bao giờ hết và huy động toàn lực vào cuộc quyết đấu. Tuy nhiên, theo giới phân tích, đảng này rất khó đảo ngược được thế cờ.
Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen, 60 tuổi, hứa hẹn sẽ còn cầm quyền trong một thập niên nữa.
Sau ba thập niên độc quyền lãnh đạo xứ Chùa Tháp, kiểm soát gần như toàn bộ báo chí, truyền hình, hệ thống hành chính, quân đội và cảnh sát, đảng Nhân dân Cam Bốt chiếm ưu thế tuyệt đối so với các đảng phái đối lập.
Cầm chắc thắng lợi, bốn tuần trước cuộc bầu cử, ông Hun Sen thậm chí không cần tổ chức các mít tinh hay huy động cử tri bỏ phiếu cho mình.
Giải thích về điều này, ông Hun Sen cho biết : « Tôi sẽ không tiến hành tranh cử. Tôi không muốn chọn sự đối đầu, bởi vì trong thời điểm này, sẽ có nhiều người đứng ra chỉ trích đảng Nhân dân Cam Bốt cầm quyền ».
Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, đa số áp đảo với 90 trên tổng số 123 ghế nghị sĩ của đảng cầm quyền tại Quốc hội Cam Bốt có thể bị đảng Cứu nguy Dân tộc (CNRP) đe dọa.
Ông Jackson Cox, chuyên gia thuộc nhóm tư vấn Woodmont International, nhận định : « Điều chắc chắn là phe đối lập đang thống nhất và được tổ chức tốt hơn bao giờ hết ».
Các ủng hộ của quần chúng trên đường phố dành cho đảng đối lập là điều hiển hiện, dù rằng « khó mà tưởng tượng được việc đảng này đánh bại được đảng Nhân dân Cam Bốt (CPP) ».
Đảng cầm quyền CPP đã đứng đầu Cam Bốt trong cuộc chuyển biến của quốc gia này, từ một đất nước ngập chìm trong chiến tranh hàng chục năm trời, đến khi trở thành một trong các nền kinh tế năng động nhất của vùng Đông Nam Á, đặc biệt với sự phát triển của ngành dệt may hướng về xuất khẩu.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh chóng của Cam Bốt cũng đi kèm với một tình cảm bất bình ngày càng dâng cao, liên quan đến mức lương bổng và điều kiện làm việc của công nhân tại các doanh nghiệp, cũng như nạn đất đai của dân chúng bị tước đoạt, để phục vụ cho các doanh nghiệp ngoại quốc và tầng lớp tinh hoa.
Hệ thống truyền thông dưới sự kiểm soát của chính quyền hoàn toàn làm thinh trước sự trở về của lãnh đạo đối lập Sam Rainsy, với sự đón mừng của khoảng 100.000 người Cam Bốt tại Phnom Penh.
Nhờ các mạng xã hội, phe đối lập mới huy động được sự tham gia của các cư dân đô thị và giới trẻ. Tuy nhiên, trong một đất nước chỉ có từ 3% đến 5% dân cư truy cập được internet, phe đối lập khó mà đến được với phần còn lại của dân chúng, mà đa số sống ở nông thôn.
Trước sự thống nhất chưa từng có của đối lập, chuyên gia về chính trị Cam Bốt Lao Mong Hay nhận xét :
« Ông Hun Sen tỏ ra nóng giận hơn trước. Ông ấy có thể sử dụng các biện pháp dọa nạt ».
Cũng theo chuyên gia này, bản thân chiến thuật kể trên ngày càng ít hiệu quả hơn. Bên cạnh việc duy trì quyền lực dựa trên sự hăm dọa có hệ thống, ưu thế của đảng cầm quyền của ông Hun Sen còn được thực hiện thông qua việc mua phiếu bầu và một hệ thống bầu cử nằm dưới sự chi phối của đảng cầm quyền.
Theo ông Naly Pilorge, Chủ tịch Liên đoàn vì nhân quyền Cam Bốt, trong tình thế hiện tại, chính quyền có thể sử dụng « mọi thủ đoạn để giành chiến thắng ».
Tại một số khu vực, nơi đối lập được coi là mạnh, số lượng cử tri tham gia bầu dự kiến có thể sẽ vượt quá 100%, có nghĩa là sẽ có những phiếu bầu giả mạo.
Nhà tranh đấu Mom Sonando, chủ một đài phát thanh tư nhân, người đã nhiều lần bị tù đày, thì hy vọng rằng nếu các cuộc bầu cử được tổ chức tự do và công bằng, phe Hun Sen có thể thất bại. Bởi vì theo ông, « mọi người đã đau khổ quá lâu rồi. (…) Hiện tại họ không còn chấp nhận nữa ».
Ông Koul Panha, Chủ tịch Ủy ban vì bầu cử tự do và công bằng tại Cam Bốt, nhận định trong những kỳ bầu cử trước, thực tế còn tồi tệ hơn, đối lập phải chấp nhận nhiều quy định nghiệt ngã hơn, đặc biệt là việc đảng cầm quyền mua phiếu bầu « một cách hệ thống ».
Trong khi đó, Ủy ban bầu cử của chính quyền thì cam đoan rằng không hề có bất cứ một bằng chứng nào cho thấy có sự gian lận hay bất hợp lệ trong các cuộc bỏ phiếu.
Theo một chuyên gia về Cam Bốt - nhà phân tích Chea Vannath, một trong những chìa khóa dẫn đến thắng lợi của ông Hun Sen trước đây, đó là ông cùng quân đội Việt Nam, được coi là người giải phóng xứ Chùa Tháp khỏi nạn diệt chủng Khmer Đỏ.
Nhà nghiên cứu giả định là đông đảo dân chúng Cam Bốt rất thận trọng trước việc thay đổi ban lãnh đạo đất nước và điều này có thể do « những chấn thương (tâm lý) trong quá khứ » dưới thời Khmer Đỏ vẫn còn di lụy đến nay.
Tin mới
- Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan từ chức vì binh sĩ tử nạn - 29/07/2013 16:41
- Nhật bị ghét ở Đông Bắc Á, nhưng được Đông Nam Á ưa thích - 29/07/2013 16:32
- Đài Loan bắt một tàu cá với 9 thủy thủ Indonesia bị tình nghi sát nhân - 29/07/2013 03:16
- Ấn Độ giúp Việt Nam mua thêm 4 tàu tuần tra - 28/07/2013 23:07
- Hoa Kỳ siết chặt quy định thực phẩm nhập khẩu - 28/07/2013 00:05
- Không nhận tội, hai thành viên Pussy Riot vẫn ở tù - 27/07/2013 23:01
- Bắc Kinh ra lệnh giảm sản xuất trong 19 ngành công nghiệp - 27/07/2013 22:38
- Viễn cảnh thống nhất hai miền Triều Tiên còn xa vời - 27/07/2013 22:32
- Thành quản, cái nghề bị ghét nhất ở Trung Quốc - 27/07/2013 17:48
- Ông Sang khẳng định “muốn hợp tác toàn diện với Mỹ” - 26/07/2013 19:39
Các tin khác
- Khi xôi Việt Nam đón bánh McDonald's - 26/07/2013 04:15
- Người Hồi Giáo Ai Cập: Tư lệnh quân đội muốn nội chiến - 26/07/2013 03:53
- Tổng thống Mỹ Obama nhận lời thăm Việt Nam - 25/07/2013 20:22
- Mỹ cử con gái cố Tổng thống Kennedy làm đại sứ tại Nhật - 25/07/2013 19:47
- Ít nhất 77 người chết trong tai nạn tàu hỏa - 25/07/2013 19:40
- Internet : Đã có tên miền con trai hoàng tử Anh - 25/07/2013 19:34
- Thủ tướng Pháp đến Seoul kêu gọi Hàn Quốc đầu tư - 25/07/2013 19:27
- Áp lực buộc Miến Điện xét lại hợp đồng khai thác mỏ đồng với Trung Quốc - 25/07/2013 16:33
- Đại diện các Blogger trao tuyên bố 258 cho Sứ quán Mỹ ở Hà Nội - 25/07/2013 16:10
- Ứng cử viên thị trưởng New York thú nhận gởi ảnh khiêu dâm - 25/07/2013 04:53