Chính sách mới của Mỹ về vũ khí hạt nhân gây lo ngại
- Thứ Năm, 25 tháng Giêng năm 2018 23:23
- Tác Giả: Thanh Phương
Các nhà tranh đấu phong trào chống vũ khí hạt nhân quốc tế ICAN biểu tình với mặt nạ tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, trước Đại sứ quán Bắc Triều Tiên, Berlin, ngày 13/09/2017.
Britta Pedersen / dpa / AFP
Vào tuần tới, Lầu Năm Góc sẽ công bố chính sách của tổng thống Donald Trump về vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ.
Một bản dự thảo của chính sách mới này vừa được báo chí Mỹ tiết lộ và đang gây lo ngại cho các chuyên gia, vì họ sợ nó sẽ kéo theo một cuộc chạy đua vũ trang mới và làm tăng thêm nguy cơ tính toán sai lầm dẫn đến chiến tranh nguyên tử.
Trong bản Đánh giá Khả năng Hạt nhân ( Nuclear Posture Review ), bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ muốn xem xét lại kho vũ khí hạt nhân của nước này và muốn phát triển một loại vũ khí nguyên tử mới, có cường độ hạn chế.
Như vậy là Washington nay có chính sách khác hẳn chính sách của cựu tổng thống Barack Obama, người mà vào năm 2009 ở Praha đã ra lời kêu gọi tiêu hủy hoàn toàn các loại vũ khí hạt nhân.
Đánh giá rằng tình hình thế giới hiện nay phức tạp hơn rất nhiều so với năm 2010 ( thời điểm mà bộ Quốc phòng Mỹ công bố bản đánh giá mới nhất ), Lầu Năm Góc cho rằng kho vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ phải thích ứng với những mối đe dọa mới, đặc biệt là từ Bắc Triều Tiên, Trung Quốc và Nga.
Trong lời mở đầu của bản dự thảo nói trên, bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ nay đang đối đầu với một mối đe dọa hạt nhân đa dạng hơn và lớn hơn bao giờ hết.
Cho nên, Lầu Năm Góc đề nghị phát triển những loại vũ khí nguyên tử mới, với cường độ hạn chế, còn được gọi là « vũ khí hạt nhân mini ».
Những vũ khí này có khả năng phá hủy các căn hầm hoặc các cơ sở chôn sâu dưới đất.
Đặt trong giả thuyết là Hoa Kỳ sẽ không bao giờ sử dụng các vũ khí hạt nhân quy ước, quá mạnh và có sức tàn phá quá lớn, Lầu Năm Góc dự trù phát triển những vũ khí có sức công phá thấp hơn, nhưng có khả năng đánh sâu vào hàng phòng thủ của đối phương, chẳng hạn như các tên lửa hải đối địa.
Đối với ông Barry Blenchman, đồng sáng lập viên trung tâm nghiên cứu chính sách Stimson Center ở Washington, một chuyên gia về chống phổ biến hạt nhân, bản đánh giá nói trên là một bước lùi so với những nỗ lực của những chính quyền trước đây nhằm làm giảm bớt nguy cơ xung đột hạt nhân.
Về phần Hans Kristensen, giám đốc dự án thông tin hạt nhân của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, ông cho rằng chiến lược quân sự của Mỹ không cần đến một loại vũ khí nguyên tử mới.
Theo ông Kristensen, có thể dự trù một kịch bản trong đó tổng thống Mỹ sẽ bớt ngần ngại sử dụng một vũ khí nguyên tử, nếu ông nghĩ rằng nó sẽ không gây nhiều thương vong cho thường dân.
Trong khi đó, dân biểu Adam Smith ( Dân Chủ ), thuộc Ủy ban Quân sự Hạ viện Mỹ, tức là ủy ban giám sát các hoạt động của Lầu Năm Góc, thì nhận định rằng những đề xuất của bộ Quốc Phòng không giúp gia tăng bảo đảm an ninh cho Hoa Kỳ, mà trái lại sẽ kéo theo một cuộc chạy đua vũ trang mới và làm gia tăng nguy cơ tính toán sai lầm dẫn đến chiến tranh hạt nhân.
Tuy nhiên, đối với ông Matthew Costlow, một nhà phân tích quốc phòng thuộc Viện quốc gia chính sách công, những mối quan ngại nói trên là quá đáng, vì trật tự hạt nhân của thế giới sẽ không thể bị xáo trộn do việc thêm bớt một vài đầu đạn nguyên tử bởi một cường quốc hạt nhân có trách nhiệm như Hoa Kỳ.
Vấn đề là vào năm 2010, cựu tổng thống Obama đã ký với tổng thống Nga thời đó là Dmitri Medvedev một hiệp ước gọi là START mới, dự trù giảm đáng kể kho vũ khí hạt nhân của hai nước.
Hiệp ước này sẽ hết hạn vào năm 2021, thời điểm có thể ông Donald Trump làm tổng thống nhiệm kỳ hai.
Một số chuyên gia sợ rằng ngôn từ của chính sách mới về vũ khí hạt nhân Mỹ có thể khiến cho thương thuyết với Nga về việc triển hạn hiệp ước này thêm khó khăn.
Tin mới
- Ấn Độ tăng cường hợp tác với ASEAN để ngăn chặn ảnh hưởng Trung Quốc - 26/01/2018 22:23
- Biển Đông : Paris lên án chính sách « chuyện đã rồi » của Bắc Kinh - 26/01/2018 22:15
- Biển Đông: Ấn Độ - ASEAN yêu cầu giải quyết tranh chấp theo luật quốc tế - 26/01/2018 22:08
- Seoul kêu gọi Bình Nhưỡng tranh thủ Olympic để đàm phán với Mỹ - 26/01/2018 20:33
- Luân Đôn tố cáo Nga âm mưu khuynh đảo nước Anh - 26/01/2018 20:26
- Davos : TT Trump bảo vệ chính sách thương mại của Mỹ - 26/01/2018 20:21
- Dreamers : Tổng thống Mỹ rộng lượng có điều kiện - 26/01/2018 17:46
- Hàn Quốc : 41 người chết vì hỏa hoạn, phòng cháy chữa cháy bị chỉ trích. - 26/01/2018 17:38
- U23 Việt Nam 'nay đã ở trong lòng' người hâm mộ Hàn Quốc - 26/01/2018 03:24
- Ấn Độ và ASEAN họp thượng đỉnh ở New Delhi - 25/01/2018 23:29
Các tin khác
- Một nhà ngoại giao Mỹ từ nhiệm Ủy ban về người Rohingya của Miến Điện - 25/01/2018 23:04
- Tranh cãi về việc sử dụng xe tăng Đức ở Syria - 25/01/2018 22:48
- Nghi án Nga : TT Trump ''sẵn sàng tuyên thệ khi trả lời thẩm vấn'' - 25/01/2018 22:23
- Brazil : Xử phúc thẩm, cựu tổng thống Lula bị kết án 12 năm tù vì tội tham nhũng - 25/01/2018 22:11
- Syria : Vòng đàm phán thứ 9 chưa mở đã có nguy cơ thất bại - 25/01/2018 22:05
- Tunisia : Mùa xuân dang dở - 25/01/2018 21:58
- Giám đốc CIA bị thẩm vấn trong cuộc điều tra Nga phá bầu cử Mỹ - 25/01/2018 03:56
- LITTLE SÀIGÒN, QUẬN CAM có còn là thủ đô của người tỵ nạn ??? - 25/01/2018 03:46
- Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis thăm Việt Nam - 25/01/2018 00:23
- HRW kêu gọi Việt Nam trả tự do cho một nhà hoạt động nhân quyền - 25/01/2018 00:17