Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Cái bắt tay rắn chắc của Macron khi gặp Trump khẳng định đẳng cấp lãnh đạo cường quốc

usa-trump-france

Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) bắt tay nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron, Bruxelles, Bỉ, ngày 25/05/2017
REUTERS

Emmanuel Macron đã khẳng định tư thế là một trong những nhà lãnh đạo các cường quốc lớn trên thế giới qua cái bắt tay rắn chắc khi gặp tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như khi tham dự lần đầu tiên, thượng đỉnh Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO, tại Bruxelles, cho dù tân tổng thống Pháp vẫn chỉ là « tân binh » trên chính trường quốc tế.

Đắc cử ngày 07/05 và nhậm chức một tuần sau đó, ông Macron đã mở đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình với chuyến công du Đức, rồi sau đó, ông sang Mali để úy lạo binh sĩ Pháp.
 Thế nhưng, đây là hai động thái cần phải có đối với tân tổng thống Pháp.

Do vậy, chính cuộc gặp với tổng thống Mỹ Donald Trump mới đánh dấu những bước đi đầu tiên của nguyên thủ Pháp trên chính trường quốc tế.

Tổng thống Mỹ dường như muốn thử sức đồng nhiệm trẻ Pháp, kém ông hơn 30 tuổi, qua cái bắt tay quen thuộc có giáng dấp như một cuộc đọ sức cơ bắp.
Thế nhưng, Emmanuel Macron dường như đã chống cự lại được, vẫn ngồi nguyên thẳng trên ghế, với một nụ cười hơi gượng gạo trên môi.

Donald Trump đã hoan nghênh Emmanuel Macron giành « thắng lợi tuyệt vời » trong cuộc bầu cử, cả hai nguyên thủ này có một điểm chung là đã bị coi như kẻ ngoại cuộc trong cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ và Pháp.

Trong bữa ăn trưa ở sứ quán Mỹ tại Bruxelles, Donald Trump thậm chí còn tuyên bố « Tôi đã ủng hộ ông », khẳng định rằng bất chấp những gì truyền thông nói, ông không ủng hộ ứng viên đảng cực hữu Pháp Mặt Trận Quốc Gia (FN).

Tuy nhiên, ý định không rõ ràng của Hoa Kỳ đối với Thỏa thuận Paris về khí hậu mới là món ăn chính trong bữa cơm trưa ngày hôm qua.
Về điểm này, thông điệp của Emmanuel Macron chuyển tới tổng thống Mỹ vốn vẫn lưỡng lự, có thể tóm gọn trong vài từ : không nên có « quyết định vội vã ».

Một thời điểm biểu tượng khác trong ngày làm việc hôm qua (25/05) của tân tổng thống Pháp : đó là cuộc gặp với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Đoạn tuyệt với phong cách kín đáo quan sát của người tiền nhiệm, François Hollande, khi công du nước ngoài, liên quan đến vấn đề nhân quyền, theo phủ tổng thống Pháp, ông Macron đã « can thiệp hỗ trợ » một phóng viên báo ảnh Pháp, Mathias Depardon, bị giam giữ ở Thổ Nhĩ Kỳ từ 15 ngày qua.

Phủ tổng thống Pháp cho biết thêm là đáp lại đề nghị của Emmanuel Macron, người hùng của chính quyền Ankara đã khẳng định rằng ông sẽ xem xét « nhanh chóng tình cảnh » của nhà báo trẻ hiện đang tuyệt thực để phản đối việc bị giam giữ.

Không ngây ngô về châu Âu

Emmanuel Macron cũng đã tranh thủ chuyến công du đầu tiên tới Bruxelles để khẳng định sự khác biệt của ông trong các vấn đề châu Âu.
Nguyên thủ Pháp báo trước với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu : « Tôi ủng hộ châu Âu, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi là kẻ ngây ngô về châu Âu »

Vào trưa hôm qua, 25/05, ngay sau khi tới Bruxelles, trong cuộc hội đàm với thủ tướng Bỉ Charles Michel, tổng thống Pháp đã khẳng định lại quyết tâm tái dựng châu Âu.

Nguyên thủ Pháp giải thích : « Ngày 07/05 vừa qua, người dân Pháp đã bầu tôi trên cơ sở một dự án chú trọng nhiều đến châu Âu và đã giành thắng lợi trước những ý đồ co cụm, thu hẹp và tàn phá châu Âu ».
Tân tổng thống Pháp trẻ tuổi khẳng định, « quá trình tái dựng châu Âu này, chúng ta cùng nhau tiến hành và đó sẽ là trách nhiệm của thế hệ chúng tôi ».

Hôm qua (25/05) quả là một ngày quan trọng đối với Emmanuel Macron, cho dù ông còn phải mất nhiều thời gian để khẳng định vị thế của mình trên lãnh địa xa lạ này.
Luôn luôn nhấn mạnh chủ trương « một nước Pháp mạnh trong một châu Âu che chở », trong suốt chiến dịch vận động tranh cử tổng thống, Emmanuel Macron không lạ gì cơ chế hoạt động của các thượng đỉnh châu Âu và quốc tế.

Theo Gaspard Gantzer, vốn là « người phụ trách truyền thông » của cựu tổng thống Pháp thuộc đảng Xã Hội, được AFP trích dẫn, thì « những gì mà Macron đang trải qua hiện nay với tư cách là tổng thống của Cộng Hòa Pháp, thì ông cũng đã trải nghiệm với tư cách là cố vấn kinh tế của tổng thống Hollande, cách nay 5 năm ».

Vẫn theo quan chức này, Emmanuel Macron « đã là cố vấn chính của tổng thống (François Hollande) trên tất cả các vấn đề kinh tế, cũng như hồ sơ G8 hoặc G20, điều này đã cho phép ông duy trì quan hệ với thủ tướng Đức Angela Merkel và các cố vấn của bà, ông cũng đã có dịp gặp Vladimir Putin ».

Hôm nay, 26/05, Emmanuel Macron dự thượng đỉnh G7 tại Taormia, Ý.
Thứ Hai tới, ông sẽ tiếp tổng thống Nga tại cung điện Versailles, gần Paris, và đây sẽ là một trắc nghiệm ngoại giao quan trọng, trước khi ông đến dự thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức, vào đầu tháng Bẩy tới.

Switch mode views: