Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bí ẩn kỳ thú về sự « lu mờ » của Trung Quốc - Phần II

xu fu expeditions
media
(wikipedia)

Vào thế kỷ XVIII, nước Anh bé nhỏ tiến hành một cuộc cách mạng công nghiệp trong lúc đế chế Trung Hoa khổng lồ bắt đầu đi xuống. Vì sao như vậy ?

Cây bút xã luận của nhật báo kinh tế Les Echos, Jean-Marc Vittori, trong bài viết « Bí ẩn kỳ thú về sự lu mờ của Trung Quốc », ngày 14/10/2016 (cập nhật ngày 20/10), đã viện dẫn đến Marco Polo, Adam Smith, Max Weber và Karl Marx để làm sáng tỏ bức màn bí ẩn.

Và giải thích làm thế nào Trung Quốc nhanh chóng bắt kịp các nước khác vào cuối thế kỷ XX.

PHẦN II

Những « hec-ta đất ma » được canh tác tại thuộc địa

Sau giá cả và lương, năng lượng là yếu tố thứ hai giải thích sự « khác biệt vĩ đại ».
 Sử gia người Mỹ, ông Kenneth Pomeranz, trong tác phẩm « Sự khác biệt vĩ đại » xuất bản cách đây 15 năm, cũng đã tìm cách giải thích vì sao cách mạng công nghiệp chỉ xảy ra ở châu Âu chứ không tại châu Á.

Theo các tính toán gây nhiều tranh cãi của ông, thì vùng hạ lưu thung lũng Dương Tử (Yangzi ) và Vương quốc Anh vào thế kỷ XVIII có mức sống ngang nhau.
Mô hình canh tác nông nghiệp của vùng Dương Tử và Vương quốc Anh đều sắp hết thời. Dân số tăng trong lúc cả hai đều thiếu đất đai và tài nguyên.

Thế nhưng, người Anh đã khai thác hai lợi thế chủ chốt : đó là than đá và thuộc địa. Than đá bổ sung cho củi gỗ để sản xuất năng lượng.
Thuộc địa cung cấp bông và đường giá rẻ, qua việc canh tác những « hec-ta đất ma » mà nước Anh nhỏ bé thiếu thốn (đất canh tác tại thuộc địa để bù lại sự thiếu hụt ở chính quốc).

Một số nhà nghiên cứu khác, như nhà địa lý học người Mỹ James Blaut còn đi xa hơn theo hướng này. Theo họ, động lực giúp Anh quốc cất cánh là cướp bóc và khai thác nô lệ tại châu Mỹ.

Họ phát triển phân tích của Karl Marx, vì Marx cho rằng buôn bán với thuộc địa là một trong những nguồn « tích lũy nguyên thủy tư bản » cho phép xây dựng nhà xưởng luôn luôn lớn hơn và hiệu quả hơn.

Nhưng cướp bóc không thôi cũng chưa đủ để giải thích cho sự «khác biệt vĩ đại ». Bởi vì cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp, trước tiên đó là những phát minh – như máy hơi nước, máy dệt, luyện kim.

 Cho dù những đột phá khoa học kỹ thuật này có cội nguồn từ những phát minh quan trọng và thường được thực hiện tại Pháp hay tại Đức, ngay cả khi trong lịch sử phát minh này có một vài người Pháp như Joseph Jacquard hay Denis Papin (di cư sang Luân Đôn), thì đa số những người đặt các cột mốc trên con đường dài tiến bộ với các « phát minh nhỏ - micro-inventions » của mình - theo cách nói của nhà sử học Joel Morkyr – đều là người Anh.

Ví dụ, trong lĩnh vực máy hơi nước, thì có Thomas Savery, Thomas Newcomen, James Watt. Ngành dệt sợi có John Kay, James Hargreaves, Richard Arkwright, Samuel Crompton, Edmund Cartwright. Và cha con nhà Darby trong ngành luyện kim….
Không có người Trung Quốc nào trong danh sách này.

Hệ thống tập trung quyền lực tại Trung Quốc

Đó chính là vì Trung Quốc không thực sự sống cùng trong một thế giới, trong cái không khí sôi sục bao trùm châu Âu kể từ khi có cuộc cách mạng công nghiệp được khởi đầu từ thời nhà thiên văn Copernic vào thế kỷ XVI.

Trong khi đó, với 2000 năm lịch sử, đế chế Trung Hoa đã lựa chọn con đường tiếp nối truyền thống xa xưa thay vì đoạn tuyệt, lựa chọn duy trì nông nghiệp thay vì phát triển thương mại và công nghiệp.

Năm 221 trước Công Nguyên, hoàng đế Tần Thủy Hoàng, đã đưa ra một quyết định quan trọng. Tất cả đều thuộc về hoàng đế, kể cả đất đai. Ưu tiên của ông là sự trường tồn trật tự xã hội.
Tổ chức thi tuyển dụng các quan chức cao cấp để điều hành đế chế, vốn được phân cấp theo các đơn vị hành chính.

Duy chỉ có ngai vàng là cha truyền con nối. Không có giới quý tộc, cũng không có giới phong kiến. Chỉ có hoàng đế, quan chức quản lý hành chính và thần dân là các gia đình.

Đương nhiên, trải qua nhiều thế kỷ, các nguyên tắc này cũng bắt đầu gây tranh cãi, khi mà đế chế bị chia năm xẻ bảy – sau khi triều đình nhà Hán sụp đổ vào thế kỷ thứ III, rồi vào cuối thiên niên kỷ đầu tiên.
Nhưng triều đại nhà Minh, kể từ năm 1368, rồi nhà Thanh lên cầm quyền năm 1644, đã cai trị đất nước theo phương thức rất tập trung quyền lực.

Vậy mà mô hình cai trị đó đã mê hoặc kinh tế gia Adam Smith. Ông viết : tại Trung Quốc, « nguồn thu của nhà vua chủ yếu là từ nguồn thuế điền (ruộng). Mức thuế này tăng hay giảm tùy theo sản lượng canh tác được hàng năm tăng hay giảm ».

 Do đó, cần dành ưu tiên cho nông nghiệp, và tất cả những gì có thể hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp và giá nông sản. Nhà vua đầu tư xây đường sá và các công trình thủy lợi để lập ra một « thị trường rộng lớn nhất có thể ».

Hối phiếu được phát triển tại châu Âu vào thế kỷ XIV. Thế nhưng trước đó rất lâu, các định chế tại Trung Quốc cho phép chuyển tiền nhưng chỉ chú ý tới yếu tố không gian (từ nơi này sang nơi khác) mà không quan tâm đến yếu tố thời gian (vay trả), hậu quả là không thể tích lũy để đầu tư.
 Thế nhưng, nhiều nghiên cứu gần đây về giá hạt giống ở thế kỷ XVIII cho thấy là vào thời kỳ đó, thị trường Trung Quốc đang trên đà tan rã, trái ngược với thị trường châu Âu.

Châu Âu thời ấy không có gì là một hệ thống tập trung quyền lực, và đắm chìm trong một cuộc cạnh tranh vừa tàn khốc vừa làm kiệt quệ. Đầu tiên là cạnh tranh giữa các nước với nhau, trong lúc Trung Quốc chỉ lo đối phó với các đợt xâm lăng từ phương Bắc.

Cứ ba năm thì Luân Đôn có tới hai năm chiến tranh. Nợ công từ mức 5% tổng sản phẩm quốc nội vào cuối thế kỷ XVII tăng vọt lên hơn 200% sau trận Waterloo, trong khi đó Trung Quốc chẳng hề đi vay mượn.

Thế nhưng các cuộc xung đột thường trực này lại trực tiếp hỗ trợ nền kinh tế và tăng trưởng, qua việc thúc đẩy các quốc gia cải thiện kỹ thuật quân sự và các cải tiến này lại trở nên hữu ích cho lĩnh vực dân sự, ví dụ trong vận tải đường biển.

 Theo phân tích mang tính khiêu khích của hai nhà nghiên cứu Jean-Laurent Rosenthal và R. Bin Wong, thì các cuộc xung đột cũng có những tác động gián tiếp đối với nền kinh tế và tăng trưởng :
 « Chiến tranh đã làm dấy lên tiến trình công nghiệp hóa trong các thành phố tại châu Âu ; chính sự thành kiến chú trọng đô thị này đã dẫn đến mức đầu tư cao và việc chấp nhận sử dụng máy móc ».

Sức mạnh của giới tư sản Anh quốc

Tiếp đến là cạnh tranh ngay trong lòng các quốc gia. Chính các vị vua khắt khe nhất ở châu Âu cũng phải chung sống với các lãnh chúa, giám mục, thương nhân và thậm chí cả với giới ngân hàng. Tệ hơn nữa, những vị vua này còn vay mượn tiền của họ để chinh chiến. Đổi lại, nhà vua nhượng cho họ nhiều lợi ích.

Tại Anh, Nghị viện nắm lấy quyền kiểm soát về tài chính công sau cuộc Cách Mạng Vinh Quang 1688-1689.
Giới tư sản mới hình thành đã áp đặt được những thay đổi luật pháp, chính trị, xã hội, cho phép cuộc cách mạng công nghiệp xuất hiện và phát triển.

 Chính vì lý do này mà nhiều kinh tế gia như Douglass North – giải Nobel năm 1993- cho rằng các định chế chính trị và việc bảo hộ quyền sở hữu đã đóng vai trò trung tâm trong sự trỗi dậy của nước Anh.
Một số chuyên gia khác thì nhấn mạnh đến việc các thương nhân có được nhiều quyền tự do hơn trong giao thương hàng hải.

Thế nhưng, cần phải đi ngược thời gian xa hơn nữa thì mới hiểu được khúc mắc chằng chịt về sự khác biệt đó, thậm chí cả trước khi có cuộc cách mạng khoa học tại châu Âu, trong khi tại Trung Quốc không hề có một cuộc cách mạng tương tự. Ít ra là phải trở ngược đến thế kỷ XV, thời điểm mà Trung Quốc và Anh quốc đưa ra những quyết định đối nghịch nhau.

Năm 1403, hoàng đế Minh Thành Tổ quyết định xây dựng một hạm đội gồm 200 thuyền buồm, trong đó có một số chiếc dài hơn 100m – dài gấp bốn lần các thuyền châu Âu thời bấy giờ.

Hạm đội này đã tiến hành 7 cuộc thám hiểm, đến tận Hồng Hải và duyên hải châu Phi. Nhưng khi Minh Thành Tổ qua đời, căng thẳng dữ dội đã xảy ra trong hoàng cung.
Cần phải có kinh phí để đẩy lùi các đợt xâm lăng từ các bộ tộc du mục phương bắc.

Năm 1436, hoàng đế Hồng Hi, người kế thừa Minh Thành Tổ đã quyết định dừng các cuộc thám hiểm và ra lệnh phá hủy các thuyền. Để bảo toàn sự thống nhất, Trung Quốc quyết định đóng cửa cho đến tận thế kỷ XIX.

 Trong khi đó, châu Âu có một sự lựa chọn ngược lại. Câu chuyện nhà thám hiểm Christohpe Colomb là biểu tượng cho sự khác biệt này.
 Ông là một nhà hàng hải, chứ không phải là vua. Đó là sáng kiến cá nhân chứ không phải của triều đình, cho dù nguồn kinh phí đến từ nữ hoàng Castille.

Christophe Colomb muốn khám phá chứ không muốn diễu võ giương oai. Khi mở rộng cánh cửa châu lục ra bên ngoài thế giới, các nhà thám hiểm lớn đã tạo đà phát triển kinh tế tuyệt vời cho châu Âu.

Sử gia Fernand Braudel viết : « Châu Âu đã ca khúc khải hoàn trên các hải tuyến hoàn cầu, nối liền nơi này với nơi khác, tạo ra sự hợp nhất thế giới có lợi cho châu Âu ».  Và đương nhiên đó là một sự sáng tạo của người Anh.
Thế nhưng sự đối lập giữa tư tưởng chinh phục và ưu tiên ổn định bên trong không chỉ xuất phát từ những quyết định của một vài người.

Sự đối nghịch đó có cội nguồn sâu thẳm trong « những giá trị văn hóa » theo cách nói của sử gia người Mỹ David Landes và đây là giải thích sau cùng về sự khác biệt vĩ đại này.

 Trong tác phẩm Đạo đức Tin lành và tư tưởng về chủ nghĩa tư bản (Ethique protestante et l’esprit du capitalisme), nhà xã hội học Max Weber cho rằng đạo Tin Lành, phát triển mạnh mẽ ở Anh quốc hơn là tại Pháp, đã tạo ra mảnh đất màu mỡ thuận lợi cho cách tân và tích lũy vốn, những điều kiện không thể thiếu cho một cuộc cách mạng công nghiệp.

Rồi trong một tác phẩm khác, ít nổi tiếng hơn, Tư tưởng Khổng giáo và Lão giáo (Confucianisme et taoisme), Max Weber cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã có được những giai đoạn thái bình lâu dài, thuận lợi cho việc nẩy nở và phát triển chủ nghĩa tư bản, thế nhưng họ lại thích thưởng ngoạn hơn là hành động, ưu tiên vai trò của gia đình hơn là sáng kiến cá nhân, không ưa thích phát minh vì lo ngại nguy cơ gây rối loạn các tư tưởng truyền thống cổ xưa.

Đối với Khổng Tử, sự hiểu biết đến từ ông bà tổ tiên ; nhưng với Socrate, người sống cùng thời với Khổng Tử, thế kỷ thứ IV trước Công Nguyên, thì ngược lại, sự hiểu biết bắt nguồn từ việc thường xuyên xem xét lại vấn đề. Do đó, so với Socrate, triết lý đạo Khổng không chuẩn bị tốt cho sự ra đời của cuộc cách mạng công nghiệp.

Nhưng sự cất cánh thần kỳ của Trung Quốc từ những năm 1980 buộc phải xem xét lại toàn bộ những giải thích trên đây hoặc ít ra là phải điều chỉnh lại cách nhìn. Điều gì cho phép Trung Quốc đuổi kịp sự phát triển này ?

Câu trả lời thường hay được đưa ra nhất, đó là việc mở cửa biên giới. Sau hơn nửa thiên niên kỷ cô lập, chính sách « mở cửa » đã được áp dụng, nhưng trong đoạn thứ hai của tiến trình cải cách.
Giai đoạn đầu tiên của công cuộc cải cách là cho nông dân được tự do bán số lượng sản phẩm dư thừa sau khi hoàn thành nghĩa vụ chỉ tiêu theo kế hoạch của Nhà nước.

Nói một cách khác, giải phóng tư duy doanh nghiệp và quá trình tích lũy nguyên thủy tư bản, cho phép tài trợ các đầu tư trong công nghiệp.
Đó chính là điểm mà Trung Quốc đã thiếu để tiến hành cách mạng công nghiệp. Điều này không phải do Ricardo nói ra, mà chính là Schumpeter… và Karl Marx đã bảo vậy.

HẾT

Switch mode views: