Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Chính quyền Thái Lan gia tăng trấn áp truyền thông trước ngày trưng cầu dân ý

Jatuporn Prompan

Lãnh đạo phong trào Áo Đỏ Thái Lan, ông Jatuporn Prompan, trước trụ sở truyền hình Peace TV, Bangkok, ngày 10/10/2014
CHRISTOPHE ARCHAMBAULT / AFP

Càng gần đến ngày trưng cầu dân ý về bản dự thảo Hiến pháp mới, chính quyền quân sự Thái Lan gia tăng trấn áp các phương tiện truyền thông đối lập.

Hôm nay, 21/07/2016, Ủy ban Viễn thông và Phát thanh Truyền hình Thái Lan đã ra lệnh cho Peace TV, một đài truyền hình chống chính quyền quân sự, phải ngưng phát sóng trong 30 ngày.
Đài này bị cáo buộc là đã đưa những thông tin “gây rối loạn, mang tính khiêu khích, kích động xung đột và gây chia rẽ”.

Điều hành đài Peace TV là những người thuộc phe Áo Đỏ, tức là những người ủng hộ cựu thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra.

Lãnh đạo phe Áo Đỏ Jatuporn Prompan, có một chương trình mỗi ngày trên đài Peace TV, cho biết ông sẽ kháng cáo lệnh cấm phát sóng. Nhưng không chắc là tòa dám bác bỏ quyết định này.

Cuộc trưng cầu dân ý về bản dự thảo Hiến pháp sẽ diễn ra vào ngày 07/08. Đây sẽ là lần đầu tiên cử tri Thái Lan đi bỏ phiếu kể từ khi quân đội giành chính quyền cách đây 2 năm.
Thế nhưng, chính quyền Bangkok đã ra luật cấm mọi vận động cho cuộc bỏ phiếu này, vì họ không muốn cử tri nghe những lời chỉ trích về dự thảo Hiến pháp mới.

Theo các tướng lãnh cầm quyền, bản dự thảo Hiến pháp này sẽ giúp chấm dứt khủng hoảng chính trị đã kéo dài từ một thập kỷ qua ở Thái Lan.
Nhưng những người chỉ trích thì cho rằng bản dự thảo này chỉ là một mưu toan để củng cố quyền lực của quân đội trong chính trường, thông qua một thượng viện mà các thành viên sẽ do chính quyền chỉ định.

Dự thảo Hiến pháp cũng quy định thủ tướng không phải là một người dân cử, đồng thời tăng cường quyền hạn của các tòa án.

Cũng là chiếu đạo luật cấm chỉ trích dự thảo Hiến pháp mà một nhà báo và bốn nhà hoạt động vào ngày 11/07 vừa qua đã bị truy tố.
Taweesak Kerdpoka, phóng viên chuyên viết về nhân quyền và môi trường cho tờ báo mạng Prachatai, đã bị bắt trước đó một ngày cùng với bốn thành viên của Phong trào Dân chủ Mới, một trong số ít nhóm hoạt động dám chống lại chính quyền quân sự Thái Lan.
Nếu bị buộc tội, họ có thể lãnh án lên tới 10 năm.

Thủ tướng chính quyền quân sự Prayut Chan-o-Cha, khẳng định cảnh sát bắt giữ năm người nói trên là “hoàn toàn đúng luật”.
Ông còn chỉ trích giới báo chí là thường kêu gọi cải tổ nhưng “lại không tự cải tổ”.

Chính quyền quân sự đã hứa là sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào năm 2017, nhưng không nói rõ là nếu dự thảo Hiến pháp bị bác bỏ trong trưng cầu dân ý thì họ có sẽ thực hiện lời hứa đó hay không.

Kể từ khi quân đội giành chính quyền ở Thái Lan, nhiều nhà hoạt động đã bị bắt giam và các vụ xử về tội khi quân gia tăng.
Nhưng điều đáng nói là cho tới nay, Thái Lan vẫn bị chia rẽ giữa một bên là những người ủng hộ cựu thủ tướng Shinawatra và bên kia là những thành phần được quân đội hỗ trợ.

Switch mode views: