Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trung Quốc vất vả đối phó với ô nhiễm không khí

CHINA-POLLUTION-12

Trong ngày thứ ba liên tiếp kể từ khi phát lệnh báo động đỏ lần thứ hai, ngày 21/12/2015, Bắc Kinh vẫn chìm trong màn khói mù dày đặt.
REUTERS/Jason Lee

Ngày 19/12/2015, lần thứ hai, Trung Quốc đã báo động đỏ ô nhiễm không khí, tức là báo động ở mức cao nhất, ở thủ đô Bắc Kinh.
Điều này cho thấy hiện tượng được mệnh danh là « airpocalypse » ngày càng trầm trọng.

Thành phố Bắc Kinh đã phát lệnh báo động đỏ ô nhiễm không khí lần đầu tiên vào ngày 07/12.

Không chỉ thủ đô Trung Quốc mà nhiều thành phố khác của quốc gia đông dân nhất thế giới này cũng gặp tình trạng tương tự.

Nhưng đối phó với « airpocalyse » không phải là đơn giản, cho dù chính quyền Bắc Kinh đã thi hành biện pháp tạm ngưng hoặc giảm bớt sản xuất ở hàng ngàn nhà máy và hạn chế lưu thông xe hơi.

Hôm nay, một lớp khói mù rộng đến 660 ngàn km vuông, tức là rộng gấp 40 lần thành phố Bắc Kinh, vẫn còn bao phủ phần lớn miền Bắc Trung Quốc, tức là bao phủ không chỉ Bắc Kinh, mà cả 70 thành phố ở các tỉnh khác của Trung Quốc, trong đó có tỉnh Hà Bắc, bao quanh thủ đô, tỉnh Hà Nam ở miền Nam và tỉnh Sơn Đông ở miền Đông.

Vì sao tình hình ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh lại trầm trọng như thế ?
Trước hết, đó là do những khí thải độc hại từ các vùng công nghiệp chung quanh thủ đô Bắc Kinh.
Thứ hai, đó là do vào mùa đông, nhu cầu sưởi ấm gia tăng, cho nên việc sử dụng điện tăng rất mạnh, mà điện ở Trung Quốc phần lớn là từ các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than.

Hiện nay, 70% sản lượng điện của Trung Quốc là từ than. Tỷ lệ này lên tới 90% ở các vùng miền Bắc Trung Quốc.
Bên cạnh đó, với mức sống ngày càng tăng, số xe hơi cá nhân lưu thông trên đường phố thủ đô Trung Quốc cũng ngày càng tăng, góp phần phát ra những khí độc hại.

Nói cách khác, ô nhiễm không khí chính là hậu quả của chính sách phát triển kinh tế quá nhanh, nhưng lại không bền vững.

Trong nhiều năm, chính quyền Bắc Kinh chỉ chú trọng đến tỷ lệ tăng trưởng, mà không quan tâm khía cạnh môi trường.
Việc kiểm soát ô nhiễm trong mấy năm qua cũng rất là lỏng lẻo, nhất là ở các địa phương. Nay họ mới đối phó thì đã quá trễ.

Chính phủ Trung Quốc hôm nay, 21/12/2015 vừa thông báo đã ra lệnh cho 2.100 nhà máy tạm ngưng hoặc giảm bớt sản xuất để đối phó với làn khói mù dày đặt vẫn bao phủ thành phố Bắc Kinh trong ngày thứ ba liên tiếp kể từ khi lệnh báo động đỏ được ban hành lần thứ hai vào ngày 19/12.

Trong thời gian báo động đỏ, chính quyền thành phố Bắc Kinh hạn chế phân nữa số xe hơi lưu thông trên đường, quy định luân phiên lưu thông các xe mang biển số chẳn và mang biển số lẻ ( ngoại trừ xe bus, taxi, xe chạy bằng điện, xe cứu thương… ), đồng thời tăng cường hệ thống chuyên chở công cộng, trong đó có hệ thống tàu điện ngầm, để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân thủ đô.

Các trường học và vườn trẻ ở Bắc Kinh được lệnh đóng cửa trong hai ngày 21 và 22/12.
Học sinh sẽ được truy nạp các bài học và bài tập qua mạng Internet. Người già và trẻ nhỏ thì được khuyên là nên ở trong nhà, hạn chế tối đa đi ra ngoài đường.

Nói chung, lệnh báo động đỏ về ô nhiễm không khí đã gây một cú sốc lớn trong công luận Bắc Kinh.
Người dân ở thành phố này trong những ngày qua đã đua nhau mua khẩu trang hoặc máy lọc không khí, đến mức những mặt hàng này đã nhanh chóng trở nên khan hiếm.

Nhiều cha mẹ ồ ạt đem trẻ nhỏ đến khám ở các bệnh viện vì lo ngại cho tình trạng sức khoẻ của con mình.

Theo hãng tin AFP, một số người dân Bắc Kinh không tin vào hiệu quả của biện pháp hạn chế lưu thông chẳn lẻ.
Có người đặt câu hỏi : « Nếu biện pháp luân phiên lưu thông góp phần giảm bớt khói mù, thì tại sao chính quyền lại không áp dụng biện pháp này luôn ? »

Nhiều bậc phụ huynh cũng không đồng ý biện pháp đóng cửa các trường học, nhất là nhiều cặp vợ chồng mà cả hai đều đi làm đã không kịp xoay xở để tìm người giữ con.

Họ muốn con em họ tiếp tục đến trường, nhưng yêu cầu là các trường phải gắn máy lọc không khí.
Vấn đề mà theo các chuyên gia, máy lọc không khí sẽ lại càng làm trầm trọng hơn tình trạng ô nhiễm không khí, vì sẽ làm tăng lượng khí CO2 ngay trong các lớp học.

Như đã nói ở trên tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề hiện nay là hậu quả của chính sách phát triển kinh tế mấy thập niên qua ở Trung Quốc.
Thách đố hiện nay của chính quyền Bắc Kinh là làm sao duy trì được mức tăng trưởng cao mà vẫn kềm chế được ô nhiễm ?
Trung Quốc bắt buộc phải tìm một mô hình tăng trưởng khác, bởi vì tình trạng ô nhiễm này nếu kéo dài sẽ gây tác hại nặng nề cho sức khoẻ của người dân Trung Quốc.

Một số công trình nghiên cứu cho thấy là, do ô nhiễm không khí, tuổi thọ của người dân miền Bắc Trung Quốc thấp hơn 5 năm so với tuổi thọ của dân miền Nam.
Cũng do ô nhiễm không khí mà mỗi năm ở Trung Quốc có đến 1,6 triệu người chết sớm.

Ấy là chưa kể những tác động gián tiếp vào nền kinh tế, vì các công ty sẽ ngày càng khó tuyển mộ những người chấp nhận làm việc tại những thành phố có môi trường không khí ô nhiễm nặng nề như ở Bắc Kinh.

Ngay cả ngành thể thao cũng sẽ bị ảnh hưởng lây. Vào năm 2022, Trung Quốc sẽ tổ chức Thế vận hội mùa Đông, nhưng tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề khiến nhiều vận động viên và huấn luyện viên quan ngại về tính an toàn của việc tham gia thi đấu ở nước này.

Mặc dù các nhà tổ chức Thế vận hội khẳng định xem ô nhiễm không khí là mối đe dọa nghiêm trọng cần phải xử lý, nhưng họ chưa đưa một kế hoạch cụ thể nào để giảm khói mù.

Các chuyên gia Trung Quốc đang thúc giục các chính quyền địa phương đề ra thời hạn cho việc cắt giảm 50% lượng khí thải gây ô nhiễm để chất lượng không khí ở Bắc Kinh có thể trở lại mức có thể chấp nhận được.

Nhưng cho tới nay, nhiều chính quyền địa phương ở Trung Quốc chưa ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và việc thực hiện các quy định liên quan đến vấn đề này còn rất kém cõi.


Switch mode views: