Biến đổi khí hậu gây bất ổn an ninh lương thực thế giới
- Thứ Ba, 17 tháng Hai năm 2015 01:02
- Tác Giả: Minh Anh
Đợt hạn hán lịch sử ở phía Tây nước Mỹ. Ảnh chụp tháng 08/ 2012.© Getty Images/John Moore
Biến đổi khí hậu sẽ làm cho sản xuất nông nghiệp thế giới trở nên bất ổn hơn trong những thập niên tới và xã hội loài người chắc chắn sẽ có những biến đổi sâu sắc để đối phó với hiện tượng thiên nhiên này.
Trên đây là những lời cảnh báo do các nhà khoa học đưa ra trong ngày hôm qua 15/02/2015.
Ông Jerry Hatfield, giám đốc phòng nghiên cứu quốc gia Mỹ về Nông nghiệp và Môi trường, cho rằng « Chúng ta có thể nuôi sống cả thế giới vào năm 2050 nhưng để làm được điều đó cần phải thực hiện một số biện giáp nhằm hạn chế tối đa tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu lên sản xuất nông nghiệp ».
Theo giải thích của Jerry Hatfield, nhân Hội thảo American Society for the Advancement of Science (AAAS), diễn ra tại San Jose, bang California, sản xuất lương thực cần phải được tăng lên gấp đôi trong vòng 35 năm tới để có thể nuôi sống được 9 tỷ người.
Số dân mà hành tinh xanh của chúng ta sẽ có vào năm 2050 so với mức 7 tỷ như hiện nay.
Mức sản lượng này sẽ tương đương với mức cả ngành nông nghiệp thế giới sản xuất ra từ năm thế kỷ nay.
Thế nhưng, theo ông Jerry Hatfield : « Tình trạng mưa bốc hơi nhanh trên các cánh đồng tại Hoa Kỳ chẳng hạn, hạn hán gia tăng kèm theo nhiệt độ tăng cao đang ảnh hưởng lên sản lượng nông nghiệp.
Điều đó cho thấy cần phải hành động để hạn chế tối đa hiện tượng khí hậu ấm dần ».
Đó là chưa tính đến tình trạng khai thác đất nông nghiệp hiện nay và gia tăng năng suất đã làm cho đất canh tác xuống cấp trầm trọng.
Đất đai bị xuống cấp nhanh
Đồng chia sẻ quan điểm với Jerry Hatfield, khi nghiên cứu tác động của hiện tượng khí hậu ấm dần lên trồng trọt bắp tại vùng Middle West, ông Kenneth Kunkel - nhà khí tượng học thuộc cơ quan đại dương và khí hậu Hoa Kỳ nhận thấy :
« Xác suất nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng lên ở vùng Middle West – vựa lúa mì chính của Hoa Kỳ là rất lớn. Hạn hán sẽ nghiêm trọng hơn và mưa lớn sẽ xảy ra thường xuyên hơn ».
Nhà khoa học này khẳng định là mối đe dọa lớn nhất đến vấn đề an ninh lương thực chính là nạn hạn hán tại khu vực này.
Ngay buổi đầu tiên hội thảo, một số nhà khoa học dự báo các vùng đồng bằng Hoa Kỳ có thể sẽ bị những đợt hạn hán cũng tệ hại như đã từng xảy ra trong thiên niên kỷ gần đây nhất.
Các dự báo này được dựa theo các tính toán thực hiện trên 17 mô hình tin học về biến chuyển khí hậu.
Theo quan điểm của nhà khí tượng học Kenneth Kunkel, « biến đổi khí hậu diễn ra nhanh chóng đến mức chúng ta sẽ phải đối mặt với một tình huống chưa từng có trong lịch sử nhân loại, đối mặt với một hiện tượng mà chúng ta không có lấy chút kinh nghiệm nào ».
Ông Kunkel cho rằng nếu loài người "giảm được lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kinh, chúng ta có thể kìm hãm được hiện tượng trái đất ấm dần, chúng ta có thể sẽ có nhiều thời gian hơn để tìm ra các giải pháp".
Tuy nhiên, nhà khí tượng học này lấy làm tiếc là nỗ lực giảm khí thải đó dường như không diễn ra do thiếu sự đồng thuận trong xã hội để hành động chống lại biến đổi khí hậu.
Giảm hoang phí
Hoang phí lương thực – thực phẩm cũng là một trong những yếu tố góp phần gây ra khủng hoảng lương thực. James Gerber, chuyên gia nông nghiệp đại học Minnesota lưu ý là phải tính đến việc giảm tình trạng phung phí trong tiêu thụ cũng như giảm lượng thịt đỏ trong chế độ ăn uống.
Điều đó cho phép giảm kích cỡ trại nuôi súc vật và các tác động của chúng lên môi trường.
Các trại nuôi này gánh lấy 15% trách nhiệm khí thải trên toàn cầu về khí metan, một loại khí gây hiệu ứng nhà kính rất mạnh.
Ngoài ra, nhà nghiên cứu này còn cho rằng « giảm nguồn dự trữ ngũ cốc thế giới dẫn đến giảm khả năng bảo đảm lương thực ».
Ông Gerber lấy làm lo lắng về việc phần lớn sản xuất ngũ cốc đều tập trung ở những khu vực nhạy cảm với hiện tượng hâm nóng khí hậu.
Trong tình hình này, theo quan điểm của Jerry Hatfield, giám đốc phòng nghiên cứu quốc gia Mỹ về nông nghiệp và môi trường, bất chấp các trở ngại đó, để gia tăng năng suất trông trọt cần phải dựa vào di truyền học và phải có một chương trình quản lý khác về môi trường.
Cuối cùng, Paul Ehrlich, chủ tịch “Trung tâm bảo tồn sinh học”, Đại học Stanford bi quan đánh giá « chúng ta đang phải đối mặt với một vấn đề to lớn đòi hỏi một sự thay đổi thật sự về xã hộivà văn hóa về trái đất và chúng ta có rất ít thời gian.
Nếu như chúng ta có 1000 năm để giải quyết vấn đề này thì thật là quá thoải mái, nhưng đáng tiếc là chúng ta có thể chỉ có 10 hay 20 năm thôi ».
Tin mới
- Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhậm chức - 18/02/2015 00:11
- Chống IS : Ai Cập mong muốn một Nghị quyết Liên Hiệp Quốc - 18/02/2015 00:04
- Phiến quân Ukraina tấn công Debaltseve bất chấp lệnh ngưng bắn - 17/02/2015 23:44
- Ai Cập cần chiến đấu cơ Rafale của Pháp để bảo vệ an ninh - 17/02/2015 20:57
- Tổng thống Pháp đến nghĩa trang Do Thái bị phá hoại - 17/02/2015 20:48
- Các bảo tàng Paris ăn khách kỷ lục - 17/02/2015 20:41
- Tổng thống Miến Điện : Không để phiến quân chiếm một tấc đất - 17/02/2015 20:07
- Úc: nhiễm viêm gan siêu vi A do ăn trái cây đông lạnh từ Trung Quốc - 17/02/2015 19:55
- Tăng trưởng kinh tế Thái Lan ở mức thấp nhất từ năm 2011 - 17/02/2015 01:23
- Quân đội bác bỏ tin đồn âm mưu đảo chính - 17/02/2015 01:17
Các tin khác
- Biến đổi khí hậu : Quốc tế đạt thỏa thuận về văn bản đàm phán chính thức - 17/02/2015 00:49
- Nợ công: Hy Lạp bắt đầu cuộc đàm phán khó khăn tại Bruxelles - 17/02/2015 00:14
- Kiev tố cáo phiến quân thân Nga vi phạm lệnh ngưng bắn - 17/02/2015 00:07
- Một ngân hàng Nga phá sản - 16/02/2015 23:57
- Cảnh sát Trung Quốc truy lùng quan chức tham ô chạy ra nước ngoài - 16/02/2015 16:32
- Đại dương ô nhiễm vì hàng triệu tấn rác nhựa - 15/02/2015 21:08
- Quốc tế bày tỏ tình liên đới với Đan Mạch - 15/02/2015 21:00
- Ý sẵn sàng chỉ huy liên quân chống thánh chiến Hồi giáo - 15/02/2015 20:54
- Lãnh đạo đối lập Đài Loan dọn đường tranh cử tổng thống 2016 - 15/02/2015 19:36
- Philippines: "Đường lưỡi bò" không còn giá trị khi Bắc Kinh tham gia UNCLOS - 15/02/2015 19:34