Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Biến đổi khí hậu : Quốc tế đạt thỏa thuận về văn bản đàm phán chính thức

Genève



Phụ trách vấn đề biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc Christiana Figueres trong hội nghị Genève ngày 13/02/2015.REUTERS/Denis Balibouse

Cộng đồng quốc tế vừa trải qua một thời điểm hiếm có trong các thương thuyết về hạn chế biến đổi khí hậu.

Tại Genève, tối qua 13/02/2015, 195 quốc gia đã thông qua được một văn bản quan trọng.
Văn bản này sẽ được dùng làm cơ sở cho đàm phán chính thức, nhằm hướng đến một thỏa thuận chung, dự kiến sẽ được thông qua tại hội nghị Paris tháng 12/2015.

 Sau sáu ngày thương lượng căng thẳng dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, đại diện 195 quốc gia họp đã đạt thỏa thuận về một tài liệu 86 trang, gồm bao gồm lập trường của tất cả các bên, kể cả những quan điểm đối lập nhau nhất.

 Kết quả này được hoan nghênh như là một cơ sở cho sự minh bạch và việc tái lập niềm tin giữa các bên, trong bối cảnh đối đầu Bắc-Nam (tức giữa các nước phát triển và đang phát triển) thường rất căng thẳng trong các thương thuyết lâu nay.

Thuật lại quá trình đi tới kết quả này, người phụ trách vấn đề khí hậu của Liên Hiệp Quốc Christiana Figueres giải thích với báo giới :
 “Sau các tham khảo không chính thức, các quốc gia đã đi đến kết luận, trước mắt không nên thu hẹp (độ dài của văn bản), thay vào đó, hãy đề nghị các bên tham gia đưa ra những đóng góp riêng”.

Hai đồng chủ trì các thương lượng đã chọn hướng mở rộng văn bản cho mọi ý kiến đóng góp mới, thay vì sứ mạng được xác định trước đó là thu hẹp dự thảo văn bản.

Nhờ vậy, người phụ trách vấn đề khí hậu của Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh, đã có nhiều cơ hội để trao đổi với “phương thức mở, thẳng thắn, minh bạch và không mang tính đe dọa”.

Ông Ahmed Sareer, Chủ tịch Liên minh các tiểu quốc trên biển, nhóm các nước thuộc hàng có nguy cơ bị biến đổi khí hậu đe dọa nhiều nhất, bày tỏ sự hài lòng là văn bản đạt được dù dài, nhưng “đã phản ánh được lập trường của tất cả các bên và được tất cả các bên ủng hộ”.

Nhóm LMDC (Like Minded Group of Developing Countries), gồm hơn 20 quốc gia đang phát triển, trong đó có Trung Quốc, cũng nhận định đây sẽ là “một điểm xuất phát tốt cho các thương thuyết” trong tháng 6 tới.

Về phần mình, đại diện Liên Hiệp Châu Âu Elina Bardram lấy làm tiếc là văn bản đã không được thu gọn hơn, nhưng cũng nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của tuần làm việc vừa qua.

Theo bà, bên cạnh văn bản chính thức cho thương thuyết đã đạt được là “những thảo luận hữu ích bên lề” hội nghị.

Chuyên gia về đàm phán khí hậu Alden Meyer – thuộc cơ quan tư vấn Hoa Kỳ Union of Concerned Scientist -, dự đoán các đàm phán sắp tới trên cơ sở văn bản này hứa hẹn sẽ “căng thẳng”, “nhưng nếu như các thương thuyết sẽ căng thẳng xét về (những bất đồng) quan điểm, thì hy vọng chúng sẽ không bị náo loạn trên phương diện quan hệ con người”, vì văn bản vừa được thông qua đã tạo lập được “một nền tảng tinh thần minh bạch, cởi mở và tạo điều kiện cho sự lắng nghe”.

Chuyên gia về đàm phán khí hậu Alden Meyer là người đã theo sát vấn đề này từ 25 năm nay.
Từ nay cho đến hội nghị Thượng đỉnh khí hậu tại Paris (COP 21) đầu tháng 12/2015, còn ba đợt thương thuyết trung gian, mà đợt trước mắt là vào tháng 6.

Theo đặc phái viên Pháp Laurence Tubina (người phụ trách chuẩn bị Thượng đỉnh Paris), trong ba đợt thương thuyết tới, phải có những bước tiến triệt để, nếu không muốn xẩy ra “những bất ngờ tồi tệ” tại COP 21.

Một trong những điểm bất đồng hết sức lớn là sự chia sẻ nỗ lực giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển.
Các nước đang phát triển cho rằng họ cũng có quyền phát triển và các nước giàu phải có “trách nhiệm lịch sử” đối với việc Trái đất bị hâm nóng.

 Trong khi các nước giàu nhấn mạnh rằng Trung Quốc hay Ấn Độ có vai trò rất lớn trong lượng khí thải toàn cầu hiện nay.

Kết quả là, mục “tài chính” trong văn bản vừa được thông qua đã giữ lại nhiều giải pháp để thảo luận, bao gồm từ “cam kết chính thức của các nước phát triển” đến một thỏa thuận “không có cam kết được lượng hóa”.

Năm 2009, cộng đồng quốc tế đã quyết định đưa ra mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống dưới mức +2°C so với thời tiền công nghiệp.
Vì quá mức nhiệt độ này, các thiệt hại do thiên tai sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát của con người.

Thỏa thuận tới Paris sắp tới nếu đạt được, sẽ cho phép thay thế Nghị định thư Tokyo, kể từ năm 2020.
 Đây là lần đầu tiên một thỏa thuận về hạn chế biến đổi khí hậu được sự tham gia của tất cả các quốc gia trên hành tinh.


Switch mode views: