Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nguy cơ từ việc Trung Quốc gia tăng đầu tư vào Việt Nam

VIETNAM-ECONOMY-FDI


Dây chuyền sản xuất tại một xí nghiệp xe máy Piaggio tại Vĩnh Phúc, 11/06/2011.Tăng trưởng của Việt Nam phần lớn là nhờ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
REUTERS/Kham


Việc Trung Quốc gia tăng đầu tư vào Việt Nam đang gây lo ngại cho các chuyên gia về nguy cơ Việt Nam mất quyền kiểm soát kinh tế, đặc biệt với việc các công ty Trung Quốc dần dần thâu tóm các công ty Việt Nam.

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, trong năm 2013, vốn đầu tư ngoại quốc trực tiếp FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng đột biến, lên đến mức hơn 2,3 tỉ đôla so với 345 triệu đôla của năm 2012, đặc biệt là đầu tư vào hai lĩnh vực bất động sản và dệt may.

 Ngoài ra, doanh nghiệp Trung Quốc còn đẩy mạnh tiếp cận các lĩnh vực: khai khoáng, sản xuất và chế biến, xây dựng và cơ sở hạ tầng...

Trong bối cảnh đó, vào tuần trước, Thông tấn xã Việt Nam loan tin là Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định vừa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho một công ty dệt may của Trung Quốc xây dựng một nhà máy với tổng vốn đầu tư 68 triệu đôla (tương đương hơn 1.400 tỷ đồng) tại khu công nghiệp Bảo Minh (huyện Vụ Bản).
 Thời hạn sử dụng đất 46 năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Dự án này được loan báo vào lúc mà các doanh nghiệp dệt may Trung Quốc đang gia tăng đầu tư vào Việt Nam, với hy vọng sau này được hưởng những điều kiện ưu đãi khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), với thuế suất xuất khẩu may mặc của Việt Nam sẽ được giảm xuống đến mức có thể chỉ còn 0% khi nhập vào Mỹ, thị trường lớn nhất của Việt Nam trong số các nước tham gia TPP.

Điều này đang gây lo ngại cho các doanh nghiệp may mặc của Việt Nam, hiện có sức cạnh tranh còn rất yếu, vì chủ yếu vẫn là gia công và phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.

Các nhà phân tích tại Việt Nam đã cảnh báo rằng dù sau này là thành viên của TPP, Việt Nam cũng không thể tận hưởng toàn bộ những lợi thế của một thành viên và phần ngon nhất của « chiếc bánh » TPP sẽ vào tay Trung Quốc.

Nhưng không chỉ trong lĩnh vực may mặc, Trung Quốc cũng đang gia tăng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản của Việt Nam.

Theo báo Đất Việt ngày 18/01/2014, cùng với các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, một số nhà đầu tư Trung Quốc đang đổ tiền đầu tư bất động sản tại khu vực miền Trung.

Báo cáo mới nhất của Công ty dịch vụ bất động sản CBRE cho biết, các nhà đầu tư Hồng Kông, Trung Quốc đang ngấp nghé nhiều dự án nghỉ dưỡng kèm theo loại hình kinh doanh giải trí ở Đà Nẵng.

Cách đây không lâu, nhiều người đã lên tiếng báo động về việc Trung Quốc trúng thầu và thâu tóm hơn 90% các công trình trọng điểm quốc gia ở khắp Việt Nam.
 Nay các công ty Trung Quốc cũng đang dần dần thâu tóm các công ty Việt Nam.

Lợi dụng lúc nhiều công ty Việt Nam đang gặp khó khăn về mặt tài chính, phải bán một phần vốn cho doanh nghiệp nước ngoài, công ty Trung Quốc tham gia mua cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhiều.

Các chuyên gia trong nước lo ngại là sau một thời gian, những công ty đó có nguy cơ biến thành công ty Trung Quốc, không còn là công ty Việt Nam, nếu như họ mua được nhiều cổ phần và chiếm đa số ghế trong hội đồng quản trị.

Trang mạng Diễn đàn Doanh nghiệp ngày 14/02 vừa qua đã có bài báo động về nguy cơ này với hàng tựa: « Trung Quốc “âm thầm” thâu tóm doanh nghiệp Việt ». Tiêu biểu là vụ công ty Firstland (Trung Quốc) mới đây đã trở thành cổ đông lớn của Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh (BMI) với tỷ lệ sở hữu 5,63%.

Cuối tháng 12/2013 vừa qua, Gaoling, một quỹ của nhà đầu tư Trung Quốc, cũng đã chi 40 triệu đôla để mua 6,2 triệu cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn thứ 2 của công ty Vinacafe Biên Hòa.

Tại hội thảo "Triển vọng kinh tế và tầm nhìn chính sách năm 2014" mới đây, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết rằng, không chỉ doanh nghiệp Trung Quốc, mà hiện các doanh nghiệp nước ngoài khác cũng tham gia ngày càng sâu vào nền kinh tế Việt Nam.

Theo bà Phạm Chi Lan, hoạt động của doanh nghiệp FDI có thể có lợi trước mắt, nhưng về lâu dài Việt Nam lại đang đẩy kinh tế vào tay các nhà đầu tư nước ngoài.

Bà Phạm Chi Lan đặc biệt lo ngại về việc ở Hà Tĩnh thời gian vừa qua, « mức độ có mặt của người Trung Quốc nhiều đến mức có thể cắt Việt Nam làm đôi », đặt ra những thách thức không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, đối với một số chuyên gia kinh tế như tiến sĩ Nguyễn Quang A, việc Trung Quốc gia tăng đầu tư vào nước láng giềng Việt nam là chuyện bình thường.

Nguy cơ ở đây chính là do bản thân nền kinh tế Việt Nam còn quá yếu kém, doanh nghiệp tư nhân thì không được tạo điều kiện phát triển, doanh nghiệp Nhà nước thì hoạt động thiếu hiệu quả, nên phải dựa ngày càng nhiều vào đầu tư nước ngoài.

Switch mode views: