Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 17-12-2013

 Khí đốt : Vũ khí cuối cùng của Nga chống lại Ukraina

RUSSIE-UKRAINE-GAZ
Trụ sở chính của Gazprom tại Matxcơva, Nga
Reuters


Tại Ukraina, hàng trăm ngàn người biểu tình phản đối chính phủ lại xuống đường Chủ nhật như đã làm liên tục từ bốn tuần nay.

Trong khi đó, Tổng thống Ianoukovitch sang Nga hôm nay 17/12/2013 để tiếp tục các thương thuyết, đặc biệt liên quan đến các trợ giúp kinh tế mà Kiev hy vọng nhận được từ Matxcơva trong bối cảnh Ukraina « đang bên bờ vực phá sản tài chính » (Le Figaro).

Báo Pháp hôm nay có nhiều bài về hồ sơ này, đáng chú ý có bài « Khí đốt Nga, vũ khí cuối cùng của Matxcơva chống lại Ukraina » (Le Monde).

Mục tiêu của phong trào phản kháng chống chính quyền Kiev hiện nay là ngăn chặn Tổng thống Ianoukovitch ký kết bất cứ một thỏa thuận nào đó với Matxcơva.

Về mặt chính thức, mục tiêu chuyến công du của lãnh đạo Ukraina là tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Nga, với một nội dung trọng tâm là đàm phán nhằm dỡ bỏ lệnh cấm vận sôcôla của Ukraina. Tuy nhiên, khí đốt mới chính là chủ đề trung tâm.

Ukraina có một nền công nghiệp phụ thuộc vào khí đốt (với các ngành ngốn nhiều năng lượng như luyện kim hay phân bón).

Hiện tại, Kiev phải mua khí đốt của Nga với giá hơn 400 đô la/1.000 mét khối, so với 360 đô la mà Nga bán cho Đức.

Tổng thống Ukraina hy vọng Matxcơva sẽ giảm đáng kể giá khí đốt. Trong những tuần gần đây, Matxcơva tỏ ý có thể hạ giá khí đốt cho Ukraina xuống còn 280 đô la.

Đổi lại nhân nhượng này, Nga muốn Ukraina phải ra khỏi Cộng Đồng Châu Âu về năng lượng, mà nước này đã gia nhập vào năm 2011.

Mục tiêu của Cộng đồng này là tự do hóa thị trường năng lượng, chống lại các nhà độc quyền, mà trước hết là tập đoàn Nga Gazprom.

Một điều nghịch lý là, đối tượng hưởng lợi chính của Cộng đồng trước hết lại là nhà tài phiệt Dmytro Firtach, một trong những nguồn cung cấp tài chính chủ yếu cho « đảng Các vùng » (thân Nga) của Tổng thống Ianoukovitch.

Để có hy vọng tái đắc cử vào năm 2015, Tổng thống Ukraina muốn nhận ngay được một khoản tín dụng lớn từ Matxcơva để lấp đi khoản thâm hụt 8% GDP và tránh đồng tiền quốc gia bị mất giá ít nhất cho đến kỳ bầu cử.

Về chủ đề này, Le Figaro có bài : « Ianoukovitch trở lại Matxcơva để xin tiền ».

Theo Le Figaro, Ukraina hy vọng nhận được 17 tỷ đô la tín dụng của Nga trong bối cảnh nền kinh tế nguy ngập. Nợ công của Ukraina là gần 180% GDP và dự trữ ngoại tệ chỉ còn đủ cho hai tháng rưỡi nhập khẩu.

Trong khi đó, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế - một chủ nợ của Kiev - từ chối giải ngân số tiền 11,8 tỷ đô la dự kiến cho Ukraina, với lý do Kiev tăng lương cho viên chức, giữ giá đồng tiền quá cao và không tạo thuận lợi cho kinh doanh.

Còn theo Tổ chức minh bạch quốc tế, Ukraina xếp thứ 144 về tham nhũng, và theo các chuyên gia, tình trạng của Ukraina sẽ khó cải thiện khi quan hệ với Nga.

Le Figaro cũng ghi nhận xu hướng kinh tế Ukraina ngày càng gắn chặt hơn với nhóm các nước thuộc khối Liên Xô cũ, với xuất khẩu vào khu vực này tăng 36% trong 10 năm gần đây, trong khi xuất khẩu sang Châu Âu giảm 25% trong cùng thời gian.

Để hiểu hơn về quan hệ Ukraina-Nga, báo La Croix có bài « Kiev dưới áp lực các quà tặng kinh tế của Kremlin ».

La Croix giải thích, nước Nga chiếm đến một phần tư xuất khẩu của Ukraina, một loạt các ngành kinh tế chủ chốt của Ukraina sống nhờ đơn đặt hàng từ Nga. Nga rất hy vọng Ukraina chấp nhận gia nhập liên minh thuế quan cùng với Bielorussia và Kazakhstan, tiền thân của một Liên minh Âu-Á rộng lớn và hứa hẹn nhiều lợi ích cho Kiev.

Một Liên minh Âu-Á bao gồm các quốc gia Xô Viết cũ, trong đó có Ukraina, để đối trọng lại với Liên Hiệp Châu Âu, Trung Quốc và Hoa Kỳ là mục tiêu lớn của Tổng thống Nga Putin.

Theo Le Monde, các đàm phán Nga-Ukraina diễn ra hết sức bí mật. Theo nhà chính trị học Volodymyr Fessenko, Liên minh này sẽ chính thức ra đời vào tháng 3/2015, đúng vào thời điểm bầu cử Tổng thống Ukraina. Đây là kịch bản mà phong trào phản kháng hiện nay kiên quyết chống lại vì lo ngại « Ukraina bị bán đứng cho Nga » (La Croix).

Đức : Những bí ẩn trong chính sách của Liên minh chính phủ hữu – tả

Việc thành lập chính phủ liên hiệp hữu-tả ở Đức là chủ đề chính trên trang nhất của nhiều báo Pháp. 86 ngày sau cuộc bầu cử Quốc hội Đức, Thủ tướng mãn nhiệm Agela Merkel đạt được thỏa thuận với đảng Xã hội Dân chủ để lập chính phủ liên hiệp. Đây là thời gian kỷ lục cho việc thành lập một chính phủ sau bầu cử tại Cộng hòa Liên bang Đức, theo ghi nhận của Les Echos.

« Angela Merkel công bố thành phần của liên minh lớn » là hàng tựa của Le Figaro. Le Monde có bài « Sigmar Gabriel, hay nghệ thuật trục lợi nhiều nhất sau thảm bại bầu cử ».

Sigmar Gabriel, Chủ tịch đảng Xã hội Dân chủ Đức, là người sẽ nắm chức Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng trong chính phủ liên hiệp. « Những bí ẩn trong nhiệm kỳ thứ ba của nữ Thủ tướng Đức » là tựa của Les Echos.

Tờ báo kinh tế dành một cuộc điều tra để tìm cách giải mã những ý đồ của Thủ tướng Đức trong nhiệm kỳ tới với bài viết đáng chú ý : « Angela Merkel, một nhiệm kỳ thứ ba để làm gì ? ».

Theo Les Echos, ưu tiên của Thủ tướng Angela Merkel có thể là những điều bà đã từng công bố hồi giữa tháng 10/2013, ít lâu sau khi thắng cử, trong một phát biểu tại đại hội của Nghiệp đoàn hóa chất, lực lượng ủng hộ chính thức cho một chính phủ liên hiệp hữu-tả.

Bốn ưu tiên đó là : Ổn định khu vực đồng euro, chuyển đổi thành công mô hình năng lượng mà không hủy hoại nền công nghiệp Đức, xây dựng lại mối quan hệ giữa chính quyền Liên bang với các bang và cuối cùng là chuẩn bị để nước Đức đối mặt với xu thế dân số già đi. Theo Les Echos, kế hoạch hành động của chính phủ liên hiệp vừa được thành lập hiện chưa xứng tầm với các đòi hỏi kể trên.

Việc đảng Xã hội Dân chủ tham gia chính phủ liên minh của Thủ tướng Angela Merkel được hy vọng là một nhân tố mang lại hòa dịu trong quan hệ giữa Berlin và Paris. Còn đối với Châu Âu, theo một nhà chính trị học của Open Society Initiative for Europe, nếu vùng euro không tan vỡ, thì Angela Merkel sẽ được ghi công đầu, như một người cứu thoát đồng euro.

Nam Phi : Đại hội dân tộc Phi không thể ẩn đằng sau vinh quang

Về thời sự quốc tế, báo l’Humanité hướng cái nhìn về Nam Phi với hàng tựa trên trang nhất : « Nam Phi : Còn bao nhiêu việc cần làm… ».

Sau khi tiễn đưa nhà lãnh đạo huyền thoại Nelson Mandela về nơi an nghỉ cuối cùng, chính quyền Nam Phi phải đối mặt với thực trạng của đất nước. Báo L’Humanité ghi nhận, đảng Đại hội Dân tộc Phi vẫn bất lực trước việc ngăn chặn nạn nghèo đói.

Một phóng sự của l’Humanité thực hiện tại một thị xã cách không xa thủ đô Johanesburg, nơi đa số dân nghèo vẫn là người da đen.

Theo một số thống kê, năm 2012, 24,4% người ở độ tuổi lao động bị thất nghiệp. Theo một dự báo, con số này sẽ còn tăng hơn trong năm 2013.

Uy tín của đảng Đại hội Dân tộc Phi bị xấu đi với nhiều bê bối tham nhũng. Tờ báo cánh tả Pháp có bài phỏng vấn với Phó Giám đốc đại học Wits ở Johannesburg với tựa đề « Đại hội Dân tộc Phi không thể chỉ ẩn đằng sau uy tín lịch sử của mình ».

Pháp : Tranh luận về quyền tự sát

Về thời sự nước Pháp, cuộc tranh luận về quyền được chủ động kết liễu cuộc đời mình là chủ đề chính của hầu hết các nhật báo Pháp, sau khi nhóm làm việc gồm 18 công dân (thành lập theo yêu cầu của Ủy ban tư vấn quốc gia về đạo lý) công bố các kết luận (dài khoảng mươi trang).

Trong bài viết « Tự sát được trợ giúp trở thành công việc mang tính công dân », báo Libération thuật lại công việc của nhóm làm việc 18 người, được tuyển chọn từ những thành phần rất đa dạng trong xã hội, hoạt động độc lập, không chịu bất cứ áp lực nào từ bên ngoài dù nhỏ nhất, làm việc liên tục trong 4 kỳ nghỉ, và không nhận lương.

Kết luận cuối cùng của nhóm 18 công dân khẳng định quyền quyết định chấm dứt cuộc đời mình, trong trạng thái minh mẫn, tỉnh táo của những người mắc phải một bệnh tật nan y hay vào lúc sức sống đã hoàn toàn cạn kiệt.

Libération nhận định, « đây là một bước ngoặt trong việc nhìn nhận về các vấn đề lâm chung, an tử (euthanasie) và trợ tử (suicide assisté).

Các cánh cửa đã mở ra. Giờ đây không thể bác bỏ mọi khả năng biến chuyển trong lĩnh vực này. Hội thảo của nhóm 18 công dân đề nghị một thay đổi sâu sắc trong luật mang tên Leonetti năm 2005 (…)

Vào tháng Giêng tới, Ủy ban đạo lý sẽ dựa vào các công việc này để lập một báo cáo chuyển đến chính phủ. Tiếp theo đó chính phủ sẽ đệ trình một dự luật lên Quốc hội vào mùa xuân này ».

Về phần mình, báo Công giáo La Croix bày tỏ nghi ngờ. Theo La Croix, kết luận của hội đồng công dân vừa đưa ra, mặc dù có đi kèm với một số dè dặt nhất định, là một điều gây lo ngại.

La Croix đặt câu hỏi : « Danh dự của một xã hội phải chăng nằm ở chỗ bảo tồn phẩm giá con người cho đến cùng, hơn là vội vã thúc đẩy người ta đi đến cái chết ? ». Tờ báo Công giáo tỏ ý nghi ngờ triết lý ẩn đằng sau quyết định công nhận quyền của một cá nhân tự chấm dứt cuộc đời mình, cứ như là không tính đến những người có liên quan như cha mẹ, cộng đồng hay y bác sĩ…

Thượng đỉnh quyền lực Pháp : Lưỡng đầu chế ?

Vẫn liên quan đến thời sự nước Pháp, một chủ đề lớn được quan tâm là những trục trặc giữa Phủ Tổng thống và Phủ Thủ tướng.

Trang nhất Libération cảm thán « Thủ tướng Ayrault đảo chính hụt ».

Tờ báo cánh tả thuật lại với độc giả tham vọng không thành công của Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault muốn nắm lại quyền bính tại Bộ Kinh tế và Tài chính, với chủ trương đột ngột thay đổi chính sách và nhân sự của bộ đầu não này.

Tuyên bố bất ngờ xem xét lại toàn bộ hệ thống thuế của Thủ tướng Ayrault cách đây một tháng, bất ngờ ngay với cả Bộ trưởng Tài chính, cho đến nay đã không có kết quả. Các lãnh đạo chủ chốt của Bộ này vẫn tại vị, còn chủ trương thay đổi lớn trong chính sách thuế hiện không còn là vấn đề thời sự nữa.

Báo Libération đặt câu hỏi về mối quan hệ giữa Tổng thống Hollande và Thủ tướng Ayrault.

Vẻ bên ngoài hai người không hề có mâu thuẫn nào, ngay từ khi nhậm chức, đã thể hiện như là hết sức gắn bó, hài hòa. Thế nhưng « Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược » (tựa đề bài xã luận) là thực trạng hiện nay của quan hệ giữa Tổng thống và Thủ tướng, đặc biệt sau nỗ lực nắm Bộ Kinh tế không thành công của Thủ tướng Pháp.

Dù sao, Libération ghi nhận quan hệ giữa Tổng thống Hollande và Thủ tướng Ayrault vẫn chứa đựng nhiều điều bí hiểm, dường như họ đã tìm thấy lại thế cân bằng, cứ sau mỗi lần quan hệ của họ đứng trước nguy cơ đổ vỡ.


Switch mode views: