Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tranh luận chưa dứt về máy bay không người lái.


WASHINGTON (AP) - Bài nói chuyện của Tổng Thống Obama hôm Thứ Năm về tương lai cuộc chiến chống khủng bố được đón nhận với nhiều ý kiến mâu thuẫn, tán thành cũng như chưa đồng ý.

Reaper-Hoaky

Một máy bay không người lái MQ-9 Reaper với hỏa tiễn Hellfire gắn dưới thân. (Hình: Ethan Miller/Getty Images)

 

Một số nhà lập pháp Cộng Hòa lo ngại sự chuyển hướng quá sớm trong chủ trương coi việc đối phó khủng bố là mục tiêu ưu  tiên hàng đầu sẽ tạo hoàn cảnh cho những tổ chức này trỗi dậy.

Ngược lại phái cấp tiến và những tổ chức nhân quyền cho rằng huấn lệnh về sự giới hạn các cuộc oanh kích bằng máy bay không người lái do Tổng Thống nêu lên hãy còn nhiều điểm chưa minh bạch.

Riêng về chuyện máy bay không người lái, các giới chống đối muốn có những tiêu lệnh rõ ràng,  bảo đảm tính cách hợp pháp và theo đúng luật lệ quốc tế về chiến tranh.

Nhưng các chuyên gia an ninh quốc gia cho rằng không thể biết sáng tỏ đến mức nào mới là đủ bởi vì bó buộc phải có những khoảng không thể minh định cụ thể trong hoàn cảnh phức tạp của cuộc chiến chống khủng bố.

Theo chỉ hướng mới, bắt giữ được coi là ưu tiên hơn hạ sát đối tượng và chỉ coi là mục tiêu nếu đối tượng này là đe dọa thường trực và trực tiếp cho an ninh quốc gia.

Nhưng không thể xác định trường hợp nào việc bắt giữ là giải pháp khả thi và thế nào là đe dọa trực tiếp.

Do đó theo ý kiến của James Andrew Lewis, một cựu viên chức ngoại giao, thì Tổng Thống phải giữ lại một số khả năng linh động cần thiết khi quyết định.

Tổng Thống Obama cũng bênh vực chiến thuật tấn công bằng máy bay không người lái, ít gây tổn thất phụ hơn là chiến dịch oanh tạc không quân.

Thăm dò của viện Gallup cho biết 65% dân Mỹ tán thành sử ụng máy bay không người lái oanh kích những mục tiêu khủng bố ở nước ngoài, nhưng nếu mục tiêu ấy có thể là công dân Mỹ thì chỉ có 41% tán thành.

Trong chính sách vẫn còn áp dụng đến nay, con số các phi vụ tấn công bằng máy bay không người lái cũng như ước lượng về tổn thất nhân mạng là những bí mật không được công bố.

Thống kê theo dõi của tổ chức New America Foundation cho biết thì từ trước đến nay CIA và quân đội đã thực hiện 416 phi vụ oanh kích ở Pakistan và Yemen, gây tổn thất nhân mạng 3,364 người gồm cả khủng bố, phiến loạn và thường dân.

 Cao điểm của những cuộc oanh kích vào năm 2010 với 112 phi vụ, từ đầu năm đến nay chỉ còn 12.

Hai loại máy bay không người lái thông dụng nhất trong các phi vụ tấn công là MQ-18 Predator và MQ-9 Reaper, không phải là những kiểu mới nhất.
Các máy bay này dùng động cơ cánh quạt, thời gian hoạt động dài, được điều khiển từ xa bởi 2 chuyên viên ở một căn cứ không quân trên nước ngoài hay tại Hoa Kỳ.

Predator dài 27 feet, sải cánh 55 feet, nặng 1,130 pounds (chưa có trang bị), mang được 2 hỏa tiễn Hellfire điều khiển bằng laser. Giá mỗi máy bay $20 triệu.

Reaper dài 36 feet, sải cánh 66 feet, nặng 4,900 pounds (chưa có trang bị), mang 2 hỏa tiễn Hellfire và bom hướng dẫn bằng laser. Giá mỗi máy bay: $57 triệu.  (HC)

Switch mode views: