Mỹ- Trung: Đã đến lúc « tính sổ » lẫn nhau
- Thứ Năm, 06 tháng Sáu năm 2019 21:43
- Tác Giả: RFI
Báo Le Monde: Cuộc đọ sức Mỹ - Trung giờ chỉ mới bắt đầu!
REUTERS/Aly Song
Năm 1989, bất chấp vụ trấn áp đẫm máu phong trào sinh viên đòi dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn, Hoa Kỳ và trong một chừng mực nào đó là các nước Tây Âu, vẫn chìa tay giữ quan hệ với Trung Quốc.
Thế nhưng, ba mươi năm sau, Mỹ và Trung Quốc đối đầu nhau dữ dội trên mọi phương diện.
Cây bút xã luận Alain Frachon, trên báo Le Monde ngày 01/06/2019 mỉa mai nhận định : Trung Quốc và Hoa Kỳ đã đến giờ « tính sổ lẫn nhau ».
Lợi ích của Mỹ là trên hết
Đầu tiên hết tác giả đặt câu hỏi: Chuyện gì đã xảy ra?
Để trả lời cho câu hỏi này, tác giả nêu ra một chi tiết ít ai biết đến : Vài tuần sau vụ đàn áp đẫm máu phong trào Thiên An Môn tháng 06/1989, tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là George H.W. Bush đã bí mật cử lãnh đạo Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, tướng Brent Scowcroft đến Bắc Kinh, cầm theo một bức thư gởi ban lãnh đạo Trung Quốc.
Về mặt chính thức, Hoa Kỳ đã có phản ứng khi thông báo ngừng trao đổi chính trị với Trung Quốc.
Nhưng Scowcroft đến cải chính là không nên có sự hiểu lầm. Thông điệp của ông Bush gởi đến Đặng Tiểu Bình gói gọn trong một câu: Tất cả những điều này quả thật là đáng tiếc nhưng không làm thay đổi gì cả mối quan hệ của chúng ta.
Từ cuối những năm 1970, mối quan hệ này đã trở nên chặt chẽ đến mức hình thành mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau cả trong kinh tế lẫn tài chính.
Mối quan hệ này đã tạo thuận lợi cho sự cất cánh thần kỳ của Trung Quốc.
Cũng nhờ mối quan hệ đặc biệt này mà Hoa Kỳ trở thành một trong những nước đầu tiên được đầu tư vào nền kinh tế mới mẻ của Trung Quốc.
Và trên bình diện chiến lược, mối bang giao này còn giúp Hoa Kỳ có thể cô lập được Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh lạnh.
Vào thời điểm đó, có thể nói, chính sách của Mỹ với Trung Quốc chịu ảnh hưởng của ngoại trưởng Kissinger – người thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc.
Cuộc chiến công nghệ
Sự cố Thiên An Môn xảy ra cũng không làm « sứt mẻ » mối bang giao của hai nước.
Trung Quốc quá quan trọng để mà Mỹ cũng như là châu Âu lên tiếng phản đối vấn đề nhân quyền.
Lợi ích của nước Mỹ là trên hết. Thị trường rộng bao la và một tầng lớp trung lưu giầu có mới trỗi dậy đã làm cho Mỹ và phương Tây lóa mắt.
Do vậy, khó có thể mà chọc giận Trung Quốc vì chuyện nhân quyền.
Ba mươi năm sau, tháng 6/2019, Mỹ và Trung Quốc xoay lại đối đầu nhau từ thương mại cho đến công nghệ, với nguy cơ tiềm tàng dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự tại vùng biển Tây Thái Bình Dương.
Một cách tổng quát, cuộc đối đầu này sẽ kiến tạo diện mạo thế kỷ XXI.
Mỹ và Trung Quốc là hai siêu cường kinh tế thế giới và trong tương lai sẽ là những siêu cường hải quân ngang hàng nhau.
Tác giả cho rằng, dù có đạt được một thỏa thuận thương mại, thì cuộc xung đột giữa hai nước cũng sẽ không suy giảm.
Cách nhìn của Mỹ về Trung Quốc vì thế đã thay đổi.Hoa Kỳ giờ đây mới vỡ lẽ ra rằng sự « thành công mô hình xã hội chủ nghĩa theo đặc tính Trung Hoa đã không sản sinh ra một sự tự do chính trị nào cả ».
Dưới thời Tập Cận Bình, chế độ còn cứng rắn hơn. Trong lĩnh vực kinh tế, Hoa Kỳ tố cáo Trung Quốc chơi không « sòng phẳng » : khép cửa thị trường nội địa, đánh cắp công nghệ để nâng cao chất lượng và giá trị các sản phẩm Trung Quốc, thao túng tiền tệ…
Tóm lại là cạnh tranh bất chính gây thiệt hại cho Hoa Kỳ, kèm theo đó là chính sách bành trướng kinh tế - chính trị hung hăng của Bắc Kinh ra toàn địa cầu.
Chậm trễ phát hiện, nên giờ đây Washington phải trực diện với một cường quốc, mà lần đầu tiên kể từ năm 1945, được xem như là một đối thủ trong mọi lĩnh vực – kinh tế, công nghệ, quân sự, chính trị.
Tình trạng này còn khó khăn hơn do những mối liên hệ kinh tế giữa hai nước vẫn còn quá quan trọng.
Nước Mỹ có cảm giác như bị đánh lừa. « Đồng thuận Kissinger » giờ bị cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ cùng phản bác.
Cuộc song đấu mới chỉ bắt đầu
Giờ đây, cử tri Mỹ ủng hộ Donald Trump và một bộ phận đảng Dân Chủ cho rằng 40 năm toàn cầu hóa theo xu hướng tân tự do được Ronald Reagan khởi xướng năm 1980, đã giúp cho Trung Quốc trỗi dậy nhưng lại nhấn chìm nước Mỹ xuống hố sâu.
Do vậy cần phải « kềm hãm » Trung Quốc.
Chiến lược này đã được bắt đầu dưới thời tổng thống Barack Obama.
Tổng thống thuộc Dân Chủ muốn ngăn chận các tham vọng của Trung Quốc trong vùng châu Á – Thái Bình Dương bằng dự án Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP : Một liên minh khu vực về kinh tế và chiến lược mà Trung Quốc không được mời dự.
Ấy vậy mà ông Trump đã từ bỏ để rồi sau đó thú nhận lấy làm tiếc và khởi động lại cuộc đối đầu.
Một cách tự nhiên, cuộc đối đầu dần chuyển sang lĩnh vực công nghệ cao.
Trung Quốc đang đe dọa – không biết đúng hay là sai – một trong những trụ cột của sức mạnh Hoa Kỳ : Khả năng sáng tạo tương lai.
Vụ Hoa Vi thể hiện rõ mối liên hệ chặt chẽ giữa công nghệ và an ninh quốc gia, giữa những bộ vi xử lý và các loại vũ khí hiện nay cũng như là trong tương lai. Do vậy, xung đột không còn là chuyện cán cân thương mại nữa mà là cân bằng chiến lược thế giới.
Theo chiều hướng này, thế giới sẽ lại chứng kiến một cuộc đối đầu Đông – Tây mới, như lời kết luận trong một hồ sơ đặc biệt trên tuần báo The Economist (18-24/05/2019).
Đối với Bắc Kinh, thách thức rất đơn giản : chẳng qua là vì Hoa Kỳ không chấp nhận ý tưởng Trung Quốc đã thành công và vươn lên thành cường quốc.
Với Washington, Bắc Kinh đang tìm cách kiến tạo một trật tự thế giới mới chỉ có lợi cho riêng mình.
Tác giả kết luận : Cuộc đọ sức thế kỷ chỉ mới bắt đầu mà thôi !
Tin mới
- Di dân nhập cư : Tổng thống Mỹ và Mêhicô hoan nghênh thỏa thuận - 09/06/2019 19:01
- Căng thẳng tại hội nghị G20 Tài Chính vì cuộc đọ sức thương mại Mỹ - Trung - 09/06/2019 18:26
- Đổ bộ Normandie : « Đến giờ chót, Eisenhower vẫn lo toát mồ hôi » - 08/06/2019 18:36
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07-6-2019 - 08/06/2019 18:16
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08-6-2019 - 08/06/2019 14:49
- Nga-Mỹ đổ lỗi cho nhau về sự cố trên biển Hoa Đông - 08/06/2019 14:00
- Nhật Bản ra biện pháp mới giảm thiểu rác thải nhựa - 08/06/2019 13:49
- Bóng đá : Cuộc đấu tranh dài hơi của các tuyển thủ nữ - 08/06/2019 05:29
- Hồng Kông : Giới luật sư tuần hành phản đối luật dẫn độ - 08/06/2019 05:01
- Thân phận Đài Loan trong quan hệ căng thẳng Mỹ-Trung - 06/06/2019 21:56
Các tin khác
- Mùa Xuân Bắc Kinh 1989 : Ước mơ dân chủ tan vỡ nhưng ký ức không phai - 06/06/2019 21:15
- Các liên minh lâm nguy vì Trump - 06/06/2019 20:20
- Pháp và các đồng minh long trọng kỷ niệm 75 năm cuộc đổ bộ vào Normandie - 06/06/2019 15:36
- Pháp công bố chiến lược gia tăng bảo đảm an ninh tại Ấn Độ-Thái Bình Dương - 05/06/2019 17:47
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-6-2019 - 05/06/2019 15:58
- Tưởng niệm Thiên An Môn : 180 ngàn dân Hồng Kông canh thức - 05/06/2019 15:40
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-6-2019 - 04/06/2019 16:10
- Thương mại : Trung Quốc chuẩn bị "trường kỳ kháng chiến" - 04/06/2019 15:25
- Trung Quốc thắt chặt an ninh và kiểm duyệt vào dịp 30 năm Thiên An Môn - 04/06/2019 13:50
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-6-2019 - 03/06/2019 22:35