Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thương mại : Trung Quốc chuẩn bị "trường kỳ kháng chiến"

global economy 2



Mỹ-Trung bước vào một cuộc chiến dài hơi.Reuters

 

Trong 14 tháng kể từ khi chiến tranh thương mại khai mào, Trung Quốc giữ thế "thủ" trước những đòn tấn công của Hoa Kỳ, để rồi đột ngột đổi thái độ.

Bắc Kinh cứng giọng với Washington vào lúc Nhà Trắng tuyên bố "phong tỏa" Hoa Vi.

 

Đây là dấu hiệu cuộc đọ sức Mỹ -Trung trở nên quyết liệt hơn, hay Tập Cận Bình chuẩn bị dư luận trước một cuộc chiến dài hơi ?

Đàm phán thương mại Mỹ-Trung gặp bế tắc từ ngày 10/05/2019 khi Donald Trump cáo buộc Bắc Kinh "bội ước", tăng mức áp thuế đánh vào hàng Trung Quốc và ban hành lệnh "phong tỏa" Hoa Vi.

Sau Hoa Vi, Washington nhắm tiếp tới 5 công ty khác của Trung Quốc trong ngành công nghệ cao và kỹ thuật số.
Cũng chính từ thời điểm này, Bắc Kinh đổi chiến lược : Báo chí chính thức nêu lên một số khả năng đáp trả mạnh mẽ.

Đứng đầu trong số này là "vũ khí đất hiếm", vì Trung Quốc là nguồn cung cấp đến 80 % nhu cầu cho Hoa Kỳ.
Biện pháp thứ nhì là khả năng Trung Quốc ồ ạt bán đi công trái phiếu của Mỹ mà họ đang nắm giữ trong tay.

Về phía chính quyền, bộ trưởng Quốc Phòng Ngụy Phượng Hòa tuyên bố tại diễn đàn an ninh châu Á Singapore không đóng cửa đàm phán, nhưng Trung Quốc đã "sẵn sàng" đương đầu với Mỹ.

Bắc Kinh công bố "Sách Trắng" về thương mại và cũng đang chuẩn bị một "danh sách đen các tập đoàn nước ngoài không đáng tin cậy".
Giọng điệu của Bắc Kinh gay gắt hơn hẳn một khi Mỹ mở mặt trận nhắm vào các tập đoàn viễn thông Trung Quốc.

Nhìn đến những phương tiện Trung Quốc đang có để mặc cả với Mỹ, trong tạp chí tuần trước RFI đã đề cập đến giải pháp ngừng bán đất hiếm cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Còn giải pháp Bắc Kinh bán bớt một phần lớn trong số 1.120 tỷ đô la công trái phiếu của Hoa Kỳ mà họ đang có trong tay, đây cũng sẽ là một bước đường cùng, bởi "bán đổ bán tháo công trái phiếu của Mỹ" sẽ làm đồng đô la mất giá.

Khi đó thì nợ của Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ cũng bị mất giá theo. Nói một cách đơn giản, dùng đến biện pháp này không khác chi Trung Quốc "tự bắn vào chân mình".
Cả hai giải pháp nói trên cùng gây khó khăn cho Mỹ nhưng cùng là những con dao hai lưỡi và có hại cho tăng trưởng của Trung Quốc.

Do vậy, nhiều bài phân tích của báo chí phương Tây cho rằng, Bắc Kinh đổi chiến thuật trên hồ sơ thương mại vì nhiều lý do : một là có một sự bất đồng sâu rộng ở thượng tầng cơ quan quyền lực Trung Quốc.
Khả năng thứ hai là Bắc Kinh cũng biết dùng đòn hù dọa đối phương như Washington, cho dù đến nay các tuyên bố mạnh mẽ nhất mới chỉ dừng lại ở lời nói.
Khả năng thứ ba là Tập Cận Bình cũng nóng lòng không kém Donald Trump đạt đến một "thỏa thuận ngừng bắn" về thương mại.

Nhưng kịch bản được giới phân tích chú ý đến hơn cả là, ngay từ đầu, cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đều biết rằng xung đột giữa hai siêu cường kinh tế hàng đầu thế giới này không dừng lại trên mặt trận thương mại.
Đấy là một cuộc đọ sức dài hơi, để tranh ngôi vị thống lĩnh thế giới trong thế kỷ 21.

Trả lời RFI Việt ngữ chuyên gia Jean –François Boittin, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu về Triển Vọng Kinh Tế Thông Tin Quốc Tế của Pháp CEPII, cho rằng, thương mại chỉ là một cái cớ dẫn tới căng thẳng Mỹ-Trung hiện nay.

Ông Boittin sống nhiều năm tại Washington và đã nghiên cứu về chính sách kinh tế của Hoa Kỳ trong suốt giai đoạn từ sau Thế Chiến Thứ Hai.
Jean –François Boittin : Ngay từ đầu, cuộc chiến thương mại do Washington khởi động đã đề ra những mục tiêu rất khó đạt được.

Bởi vì phía Mỹ gần như là đòi Trung Quốc đầu hàng vô điều kiện.
Dù vậy trong thời gian đầu, Bắc Kinh phản ứng một cách chừng mực, tránh tạo cơ hội cho Mỹ leo thang.
Nhưng thái độ đó của Trung Quốc đã thay đổi trong thời gian gần đây, một khi Washington tấn công vào các đại tập đoàn viễn thông của Trung Quốc, vì ngoài Hoa Vi, Mỹ còn nhắm tới một vài tên tuổi khác trong ngành công nghệ cao của Trung Quốc.

Trước đó Washington đã dọa giới hạn việc cấp giấy phép cho sinh viên Trung Quốc sang Hoa Kỳ ... Cuộc đọ sức Mỹ -Trung đã vượt ra ngoài khuôn khổ thương mại.

RFI : Ban đầu chính quyền Trump tố cáo Trung Quốc "cướp" việc làm của người Mỹ, "ăn cắp" công nghệ của các doanh nghiệp Mỹ và do vậy mở cuộc chiến thương mại.

Nhà Trắng đòi thu hẹp mức nhập siêu của Hoa Kỳ với bạn hàng Trung Quốc.
Nhưng cuộc chiến thương mại đã bước sang một lĩnh vực mới khi Washington nhắm vào Hoa Vi, tập đoàn viễn thông lớn thứ nhì trên thế giới, chỉ sau có Samsung của Hàn Quốc và đang dẫn đầu công nghệ 5G.
Chiến tranh thương mại phải chăng đã lan sang lĩnh vực nhậy cảm hơn nhiều, đó là xung đột về công nghệ cao ?

Jean –François Boittin :

Tôi cho rằng, ban đầu, khi đề cập tới chiến tranh thương mại, một số người ở Washington cho rằng đây sẽ là một cuộc chiến dễ giành lấy phần thắng.

Bản thân ông Trump cũng đã nói lên điều đó. Nhưng rồi với thời gian, chúng ta thấy rằng Mỹ ngày càng đóng lại nhiều cánh cửa đối thoại.
Trung Quốc thì đã đổi giọng và tính tới nhiều mưu kế phản công : nào là khả năng ngưng bán đất hiếm cho Mỹ, nào là giải pháp bán công trái phiếu của Hoa Kỳ.

Trái với điều mà Donald Trump từng khẳng định, Bắc Kinh không bắt người dân Mỹ mua hàng Trung Quốc.
Thành thử thâm hụt cán cân thương mại của Mỹ với Trung Quốc là do dân Mỹ, các doanh nghiệp Mỹ cần mua hàng Trung Quốc.

Đã có lúc dây chuyền siêu thị Walmart là khách hàng đứng hàng thứ 9 hay thứ 8 của Trung Quốc. Walmart cần hàng của Trung Quốc để phục vụ người tiêu dùng Mỹ.
Chính vì thế mà Bắc Kinh nắm giữ nhiều đô la trong tay.
Câu hỏi đặt ra là Bắc Kinh có muốn và có dám dùng đến loại vũ khí này để đối đầu với Mỹ ?

RFI : Cuộc chiến dài hơi giữa Mỹ với Trung Quốc xuất phát từ đâu ?

Jean –François Boittin : Tôi nghĩ là Mỹ thực sự đang hoang mang, thiếu tự tin về khả năng của chính mình và lo sợ Trung Quốc sẽ chiếm thế thượng phong về công nghệ.
Nhìn lại lịch sử một chút thôi ta thấy ngay là trong quá khứ, công luận Mỹ đã từng bị khủng hoảng về cái gọi là "phong trào Sputnik" ở những năm 1960-70.

 Khi đó Hoa Kỳ từng lo sợ bị Liên Xô qua mặt về công nghệ không gian.
 Đến thập niên 1980-1990, công luận ở đây cũng đã lo khi thấy các tập đoàn Nhật Bản phát triển rất mạnh. Giờ thì mọi chú ý hướng về Trung Quốc.

Theo tôi, tâm lý lo sợ ở Hoa Kỳ dấy lên kể từ khi Bắc Kinh công bố kế hoạch phát triển cho tương lai mang tên Make in China 2025.
Trong kế hoạch này, chính quyền của ông Tập Cận Bình đã đề ra khoảng một chục ưu tiên cho giai đoạn 10 năm sắp tới và Bắc Kinh có tham vọng đứng đầu thế giới trong những lĩnh vực đó.

Giới phân tích ở Washington vội vã cho rằng, Trung Quốc có khả năng hoàn thành được tất cả những mục tiêu đã đề ra.

 Thực tế cho thấy, các chiến lược phát triển, không của riêng gì Trung Quốc mà cả các nước phương Tây, luôn có những thành công và thất bại.
 Tuy vậy, điều kiến giới phân tích Mỹ hoảng loạn, chính là sức mạnh tài chính quá lớn của Trung Quốc.
Trong sự hấp tấp đó, nhiều người quên mất rằng Trung Quốc cũng có rất nhiều những điểm yếu.

RFI : Ông đánh giá thế nào về khả năng Mỹ và Trung Quốc hưu chiến ?

Jean –François Boittin :
Theo tôi vấn đề chính dẫn tới bế tắc nằm ở chỗ, ngay từ đầu Washington khai mào cuộc chiến để rồi sẽ ký với đối phương những bản đình chiến.
Nhưng về thực chất đây là một cuộc đọ sức dài hạn và sẽ kéo dài trong nhiều năm, có thể là hàng chục năm.

 Bản thân ông Trump đơn giản tuyên bố đây là một cuộc chiến mà Hoa Kỳ dễ giành lấy phần thắng.
 Ngược lại, ban cố vấn của ông chủ trương đặt lên bàn đàm phán với Trung Quốc một loạt các điều kiện, để rồi từ đó đàm phán từng bước.
 Họ muốn dùng những đòn hù dọa như những bản án treo – như là biện pháp tăng thuế nhập khẩu chẳng hạn, để gia tăng áp lực với phía Trung Quốc.

Vấn đề đặt ra là Trung Quốc khó có thể chấp nhận để Mỹ áp đặt luật chơi.
Thành thử tôi nghĩ là trong những năm tới đây, Mỹ-Trung Quốc sẽ đi từ thỏa thuận ngừng bắn tạm thời này đến một thỏa thuận tạm thời khác. Đôi bên sẽ đàm phán triền miên.

Bắc Kinh và Washington sẽ "lúc cương, lúc nhu" tùy theo tình hình, tùy vào các cuộc họp thượng đỉnh song phương.
Riêng đối với tổng thống Donald Trump, bài toán thêm nan giải vì ông đang cần ghi điểm với công luận Mỹ, ông cần trông thấy chỉ số chứng khoán trên thị trường Wall Street tăng cao để khoe thành tích.

Tôi không loại trừ khả năng Trump đổi ý, nếu chính sách cứng rắn của ông với Bắc Kinh làm suy yếu thị trường chứng khoán Mỹ.
Trong buổi nói chuyện dành cho RFI Việt ngữ, chuyên gia trung tâm nghiên cứu kinh tế CEPII của Pháp, Jean-Francois Boittin cũng lưu ý rằng, tổng thống Mỹ đã nhiều lần thay đổi lập trường trên các hồ sơ lớn và ông là một doanh nhân rất thực dụng.

Trong mọi trường họp, cuộc đọ sức kéo dài từ mùa xuân năm ngoái giữa Washington và Bắc Kinh cho thấy, dưới vỏ bọc thương mại, cả Mỹ và Trung Quốc cùng muốn thống lĩnh kinh tế toàn cầu và nhất là tránh để bị lệ thuộc lẫn nhau trong các lĩnh vực nhạy cảm như công nghệ cao.
Cuộc đọ sức này thêm phần phức tạp bởi vì Donald Trump không có nhiều thời gian và cần ghi điểm với công luận trước cuộc tranh cử 2020.

Ông Tập Cận Bình, với chiếc ghế chủ tịch mãn đời, có nhiều thời gian hơn tổng thống Trump, nhưng chiếc ghế lãnh đạo đó sẽ bị đe dọa, nếu Bắc Kinh đánh mất sự thịnh vượng kinh tế.

 

Switch mode views: