Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Báo Anh: Trung Quốc dùng hiệp định dầu khí để áp đặt chủ quyền Biển Đông.

philippines-china

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) và tổng thống Philippine Rodrigo Duterte, tại Manila, ngày 20/11/2018.
Mark Cristino/Pool via Reuters

Trong chuyến viếng thăm hai nước Đông Nam Á Brunei và Philippines, từ 18 đến 21/11/2018, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chứng kiến lễ ký kết hai biên bản ghi nhớ về thăm dò và khai thác dầu khí chung với hai nước này.

Mục tiêu của Bắc Kinh khi thúc đẩy việc ký các hiệp định khai thác dầu khí chung chính là nhằm ngăn chận các nước bên ngoài khu vực vào khai thác các nguồn tài nguyên rất dồi dào trong các khu vực đang có tranh chấp ở Biển Đông.

Theo tờ nhật báo Anh Financial Times hôm nay, 23/11/2018, những người chỉ trích trong khu vực đã ngay lập tức lên án đề nghị của Trung Quốc.
Họ cảnh báo là những hiệp định kiểu như vậy sẽ tạo ra những cơ sở pháp lý mới cho các đảo nhân tạo và các cơ sở quân sự mà Bắc Kinh đang xây dựng ở Biển Đông.
Hai chính khách Philippines đối lập với tổng thống Rodrigo Duterte đã đệ trình một nghị quyết phản đối biên bản ghi nhớ ký với Trung Quốc, xem văn bản này là vi hiến.
Trong nghị quyết, hai vị này khẳng định : « Khi ký kết với Trung Quốc văn bản này, Philipines coi như công nhận quyền đồng sở hữu với Trung Quốc vùng Biển Tây Philippines ( Biển Đông ) ».
Họ yêu cầu chính phủ công bố nội dung của văn bản ký với Bắc Kinh.

Theo Finanacial Times, giới báo chí Philippines cũng đòi chính phủ công bố toàn văn biên bản ghi nhớ, nhưng Ngoại trưởng Teodoro “Teddyboy” Locsin, nói thẳng là ông phải có sự đồng ý của Trung Quốc mới được quyền công bố văn bản này.
Brunei, cũng là một quốc gia tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, cũng đã không công bố biên bản ghi nhớ ký với Trung Quốc nhân chuyến viếng thăm của chủ tịch Tập Cận Bình.

Các chuyên gia về công nghiệp cho rằng, mặc dù việc thăm dò dầu khí chung, nhất là thăm dò chung với Trung Quốc, vẫn còn là một viễn cảnh xa vời, nhưng việc ký kết các biên bản ghi nhớ nói trên đã là một thắng lợi đối với Bắc Kinh.

Financial Times trích nhận định của nhà tư vấn Eufracia Taylor thuộc Verisk Maplecroft :
 « Biên bản ghi nhớ có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị. Đây là một thắng lợi đối với riêng Bắc Kinh, vì họ đã thành công trong việc thúc đẩy nước láng giềng chấp nhận thăm dò trong vùng đặc quyền kinh tế của chính họ theo những điều kiện của Trung Quốc ».

Nhật báo Anh nhắc lại rằng Philippines hiện nay cần dầu khí hơn là Trung Quốc.
Mỏ khí chính của Philippines tại Malampaya, ngoài khơi đảo Palawan, theo dự kiến sẽ cạn kiệt vào năm 2030.
Thế nhưng, do áp lực của Trung Quốc, Manila không thể thăm dò khu vực Reed Bank, nơi được xem là có trữ lượng rất lớn.

Chính phát ngôn viên của tổng thống Duterte đã gián tiếp thừa nhận thế yếu của Philippines trước Trung Quốc, khi ông tuyên bố rằng, mặc dù phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực năm 2016 công nhận chủ quyền của Manila trên vùng đặc quyền kinh tế của mình, nhưng Philippines lại không thể một mình buộc các nước khác tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế này.

Theo nhật báo Financial Times, các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, đã theo dõi sát việc ký kết các biên bản ghi nhớ giữa Trung Quốc với Brunei và Philippines.

Dưới áp lực của Trung Quốc, từ năm 2017, Hà Nội đã phải đình chỉ hai dự án dầu khí với công ty Repsol của Tây Ban Nha.
Công ty Rosneft của Nga vào tháng Năm đã bắt đầu khoan thăm dò một mỏ khí tại một nơi khác ở Biển Đông, nhưng cũng đã bị bộ Ngoại Giao Trung Quốc phản đối.

Tờ báo Anh cũng lưu ý rằng trong bản dự thảo mà họ đề nghị cho Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông ( COC), hiện đang thương lương với ASEAN, Trung Quốc có thêm vào một điều khoản quy định rằng các nước trong khu vực này không được tập trận chung với các nước bên ngoài, và không được cho phép các công ty bên ngoài vào khai thác tài nguyên ở Biển Đông mà không có sự chấp thuận của các nước khác trong khu vực.

Switch mode views: