Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Pháp nhức đầu vì các nhà máy hạt nhân

france-drought


Nhà máy điện hạt nhân ở Tricastin, Pháp. Ảnh chụp ngày 10/09/2018.
Reuters

Pháp là quốc gia đứng hàng thứ hai thế giới về số lò phản ứng hạt nhân ( 58 lò phản ứng ), chỉ sau Hoa Kỳ ( 99 lò phản ứng ).

 Tại Pháp, hơn 70% lượng điện là đến từ các nhà máy hạt nhân.

Nhưng hiện nay, giữa một bên là nhu cầu điện năng và bên kia là áp lực của giới chống năng lượng nguyên tử, chính phủ Pháp đang đau đầu về chuyện xử lý những lò phản ứng đã quá cũ và có thể không còn an toàn nữa, cũng như về chuyện giảm tỷ trọng của năng lượng hạt nhân trong tổng sản lượng điện của quốc gia.

Vào tuần tới, chính phủ Pháp sẽ phải quyết định một trong ba kịch bản dự trù đóng cửa từ 0 đến 6 lò phản ứng từ đây đến năm 2028, chưa kể hai lò của nhà máy điện nguyên tử Fessenheim, sẽ đóng cửa trong nhiệm kỳ hiện nay của tổng thống Emmanuel Macron.

Hệ thống điện hạt nhân của Pháp

Hiện giờ, các nhà máy điện hạt nhân của Pháp nằm tại 19 địa điểm khác nhau, với công suất tổng cộng là 63 ngàn megawatt ( MW ).
Tỷ trọng điện hạt nhân trong sản lượng điện ở Pháp ( 71,6% ) là mức cao nhất thế giới hiện nay, bỏ xa các nước kế tiếp Slovaquia ( 54% ), Ukraina ( 54% ), Bỉ ( 52% ) và Hungary ( 51% ).

Toàn bộ 58 lò phản ứng còn hoạt động đều sử dụng công nghệ gọi là công nghệ « thế hệ thứ hai », lò phản ứng nước áp lực, tất cả do tập đoàn Điện lực Quốc gia Pháp ( EDF ) quản lý.
Trong số các nhà máy hạt nhân còn hoạt động của Pháp, cũ nhất chính là nhà máy Fessenheim ở vùng Haut-Rhin, nằm dọc theo sông Rhin.

Theo dự kiến, nhà máy này sẽ phải đóng cửa trong khoảng thời gian từ cuối năm nay đến đầu năm sau. Tuy nhiên, kế hoạch đóng cửa nhà máy này có thể bị dời lại đến cuối năm 2019 hoặc hơn nữa.
Đa số các nhà máy điện hạt nhân hiện nay đã được đưa vào hoạt động trong thập niên 1980, hai nhà máy điện mới nhất thì bắt đầu sản xuất điện vào năm 2000 và 2002.

Một lò phản ứng EPR ( lò phản ứng thế hệ thứ ba ) đang được xây dựng từ năm 2007 ở Flamanville.
Công nghệ EPR được xem là công nghệ hàng đầu của ngành điện hạt nhân Pháp, với công suất dự trù lên tới 1.650 MW cho mỗi lò phản ứng và với nhiều hệ thống bảo đảm an toàn.

Thế nhưng, công trình xây dựng lò phản ứng EPR đã gặp nhiều chậm trễ.

 Theo dự kiến ban đầu, lò phản ứng ở Flamanville lẽ ra đã được đưa vào hoạt động từ năm 2012, nhưng cuối cùng phải đến cuối năm 2019, lò phản ứng này mới có thể bắt đầu được vận hành và bắt đầu sản xuất điện từ năm 2020, với « tuổi thọ » được thẩm định là 60 năm.
Chi phí xây dựng lò EPR Flamanville đã tăng gấp ba so với dự toán ban đầu, lên tới gần 11 tỷ euro.    

Kế hoạch tháo dỡ các lò phản ứng

Tập đoàn EDF thẩm định « tuổi thọ » của các nhà máy điện hạt nhân thế hệ thứ hai của Pháp ít nhất là 40 năm.
 Thế nhưng các tổ chức bảo vệ sinh thái, như tổ chức Sortir du nucléaire ( Ra khỏi hạt nhân ), không đồng ý với thẩm định đó.
Họ cho rằng hệ thống nhà máy điện nguyên tử của Pháp hiện đang « lão hóa », khiến cho sự an toàn hạt nhân bị đe dọa nghiêm trọng.

Vào tháng 01/2018, tập đoàn EDF đã tuyên bố là họ không muốn đóng cửa lò phản ứng nào khác ngoài các lò của Fessenheim trước năm 2029.
Tập đoàn này vào cuối năm 2015 đã thẩm định tổng chi phí cho việc tháo dỡ toàn bộ 58 lò phản ứng nước áp lực là khoảng 75 tỷ euro, nhưng một báo cáo của Quốc Hội Pháp vào tháng 02/2017 cho rằng EDF đã thẩm định quá thấp chi phí đó.

Trong quá khứ, EDF đã từng tháo dỡ 9 lò phản ứng thế hệ thứ nhất, được đưa vào hoạt động trong khoảng thời gian từ 1963 đến 1986.

Ba kịch bản cho mục tiêu giảm tỷ trọng điện hạt nhân

Ban đầu chính phủ Pháp đã đề ra mục tiêu là từ đây đến năm 2025 sẽ giảm tỷ trọng điện hạt nhân xuống còn 50%, nhưng vào cuối năm 2017, họ đã đẩy lùi thời điểm này là từ đây đến năm 2030 hoặc 2035.

Để đạt được mục tiêu đó, trong khuôn khổ kế hoạch năng lượng đến năm 2028, chính phủ Pháp hiện đang xem xét chọn một trong ba kịch bản, theo các tài liệu mà hãng tin AFP có được.

Trong kịch bản thứ nhất, ngoài 2 lò phản ứng hạt nhân ở Fessenheim sẽ đóng cửa trong nhiệm kỳ tổng thống Macron, tổng cộng sẽ có 6 lò phản ứng đóng cửa trong thời gian từ 2023 đến năm 2027, theo đúng yêu cầu của các tổ chức chống năng lượng nguyên tử.

Kịch bản này cũng dự trù là trong khoảng thời gian từ 2028 đến 2035, sẽ đóng cửa thêm 6 lò phản ứng nữa.
Theo kịch bản này, chính phủ Pháp sẽ bồi thường EDF cho việc đóng cửa các lò phản ứng.

Như vậy là tổng cộng sẽ có 14 lò phản ứng trên 58 lò hiện có sẽ ngưng hoạt động để Pháp đạt được mục tiêu giảm tỷ trọng điện hạt nhân xuống còn 50% ngay từ năm 2030.
Trong kịch bản này, không loại trừ khả năng là Pháp sẽ xây các lò phản ứng mới, nhưng sẽ không có lò phản ứng mới nào được đưa vào hoạt động trước năm 2035, ngoài lò phản ứng EPR ở Flamanville.    

Cũng theo kịch bản này, song song với việc tháo dỡ một số lò phản ứng hạt nhân, Pháp sẽ nỗ lực phát triển các nguồn năng lượng sạch, chủ yếu là điện gió và điện Mặt trời, để làm sao đạt được mục tiêu nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 40% ngay từ năm 2030.

Kịch bản thứ hai mà chính phủ Pháp xem xét dự trù là ngoài hai lò phản ứng ở Fessenheim, sẽ không có lò phản ứng nào bị đóng cửa trong thời gian từ đây đến năm 2028, theo đúng yêu cầu của chủ tịch tổng giám đốc EDF, Jean – Bernard Lévy.

Cũng giống như trong kịch bản 1, kịch bản này dự trù đóng cửa 12 lò phản ứng, nhưng việc đóng cửa các lò này tập trung vào giai đoạn 2028-2035, mà chính phủ không bồi thường đồng nào cho EDF.
Kịch bản thứ hai cũng để ngỏ khả năng xây các lò phản ứng hạt nhân mới, nhưng sẽ không có lò phản ứng nào được đưa vào hoạt động trước năm 2035.
Cũng theo kịch bản này, mục tiêu 40% năng lượng sạch sẽ đạt được trễ nhất là năm 2032.

Trong khi đó thì kịch bản thứ ba là có lợi nhất cho điện nguyên tử, vì kịch bản này dự trù là sẽ chỉ có 9 lò phản ứng đóng cửa trong khoảng thời gian từ 2028 đến 2035.
Nhưng phải đến năm 2040, Pháp mới có thể đạt được mục tiêu giảm tỷ trọng điện hạt nhân xuống còn 50%.
Kịch bản này cũng ghi rõ bằng giấy trắng mực đen là ngoài 2 lò phản ứng EPR ở Flamanville, Pháp sẽ xây thêm 4 lò phản ứng mới trong giai đoạn 2034 đến 2041.
 Trong kịch bản thứ ba thì nhịp độ phát triển năng lượng sạch sẽ chậm hơn, tức là phải đến năm 2034 mới có thể đạt được mục tiêu 40%.

Phản ứng của giới chống năng lượng hạt nhân

Nhưng các tổ chức bảo vệ môi sinh đều đã phản đối cả ba kịch bản nói trên và theo họ, chính phủ không thật sự nỗ lực để giảm tỷ trọng điện nguyên tử.

Tuyên bố với hãng tin AFP, một đại diện của tổ chức Greenpeace nhắc lại yêu cầu của họ là phải đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân trong nhiệm kỳ của tổng thống Macron và theo đại diện này, cả ba kịch bản nói trên đều không thể chấp nhận được.

Một đại diện của tổ chức CLER-Reseau Action Climat thì cho rằng chính phủ đã nhượng bộ trước sức ép của giới vận động hành lang cho ngành điện hạt nhân.
Về phần tổng giám đốc của tổ chức WWF France, Pascal Canfin, ông kêu gọi chính phủ Pháp không nên dời việc đóng cửa các lò phản ứng đến một thời điểm quá xa và trước mắt ông yêu cầu là phải ngưng đầu tư vào công nghệ EPR, vì công nghệ này đã không chứng tỏ được hiệu quả.

Về mục tiêu giảm tỷ trọng điện hạt nhân xuống còn 50%, ông Canfin cho rằng không nên để quá năm 2035, vì dẫu sao thì đến thời điểm, toàn bộ các lò phản ứng hiện nay đều sẽ hết hạn sử dụng và sẽ phải đóng cửa.
Vào tuần tới, tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng Edouard Philippe sẽ chính thức thông báo là chính phủ chọn kịch bản nào.

Trước mắt, ưu tiên của chính phủ, mà tổng thống Macron đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần, là đóng cửa 4 nhà máy nhiệt điện chạy bằng than cuối cùng của Pháp, tức là những nhà máy gây ô nhiễm rất nặng.

Switch mode views: