Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-11-2017

Mỹ: Donald Trump làm được gì sau một năm ở Nhà Trắng

Trump- one year

Donald Trump tại Nhà Trắng, Washington DC, ngày 13/10/2017.
REUTERS/Kevin Lamarque

Cách nay một năm, Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Nhân dịp này, xã luận báo Le Monde có bài « Trump một năm sau ».

Theo tờ báo, việc Donald Trump trúng cử là một trong những sự kiện mà người dân Mỹ ghi nhớ rõ, giống như thông tin lần đầu tiên, con người đặt chân lên mặt trăng, hay vụ ám sát tổng thống Mỹ JF. Kennedy.

Một năm sau cơn chấn động chính trị, phần lớn dân chúng Mỹ vẫn còn bị choáng váng bởi nhiệm kỳ tổng thống không bình thường này.
 Nỗi bàng hoàng xen lẫn sự khó hiểu về một thắng lợi mà rất ít người dự báo được.

Trong khi đó, đông đảo cử tri ủng hộ đảng Dân Chủ thì vẫn bị dày vò bởi những lời giải thích ít nhiều thuyết phục vì sao phe của họ lại thua.
Một số người chỉ trích việc lựa chọn Hillary Clinton làm ứng viên. Thế nhưng, Le Monde cho rằng làm như vậy là đi không đúng hướng, bỏ qua vấn đề cơ bản cho phép hiểu được vì sao Trump thắng cử.

Nếu Donald Trump thắng cử, trước tiên là vì ông đã biết tập trung hướng vận động tranh cử vào một bộ phận cử trị có cảm giác bị bỏ quên.

Ngoài các vùng trù phú ở miền duyên hải và các thành phố lớn, phần còn lại của nước Mỹ đã âm thầm chịu đựng sự thiệt thời trước sự thờ ơ của giới tinh hoa chính trị và một bộ phận truyền thông.

Các số liệu vĩ mô kinh tế đáng phấn khởi mà Barack Obama để lại đã che dấu những rạn nứt, hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính 2008 và tiến trình toàn cầu hóa, trong khi đó chính quyền lại không có những biện pháp để hỗ trợ các nạn nhân này.

Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống với tỷ lệ được lòng dân rất thấp.
Một năm sau, tỷ lệ này không thay đổi.
Với 38% tỷ lệ ủng hộ, dường như tổng thống Mỹ vẫn duy trì được một bộ phận cử tri trung thành với ông, ít quan tâm đến những cáo buộc về khả năng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ hiện đang gây « ô nhiễm » bầu không khí của nhiệm kỳ tổng thống.

Những cử tri trung thành này cũng không thay đổi ý kiến cho dù bản tổng kết thành tích một năm cầm quyền của Donald Trump khá sơ sài so với những gì ông đã hứa lúc vận động tranh cử : chương trình cải cách hệ thống y tế, xóa bỏ Obamacare không được Quốc Hội thông qua, dự án xây tường biên giới với Mêhicô vẫn chưa có nguồn tài chính, trong lúc đó, tư pháp liên tục bác bỏ những sắc lệnh của ông về nhập cư.

Tuy vậy, theo Le Monde, Donald Trump vẫn thành công trong việc lừa gạt cử tri của ông bằng cách liên tục tấn công vào những quyết định mà người tiền nhiệm đã đưa ra, như trong lĩnh vực môi trường, đối ngoại.

Về điểm này, Le Monde nhấn mạnh, nhiều người đã đánh giá thấp mức độ phản đối của một bộ phận cử tri trước các quyết định của Obama. Những người này đã im lặng bất bình trong suốt 8 năm qua.

Khai thác tư tưởng dân tộc chủ nghĩa là một chuyện, áp dụng chính sách mà các cử tri đang mong đợi lại là một chuyện khác.
Và tình hình có nguy cơ trở nên phức tạp đối với Donald Trump.
Trong lúc tranh cử, ông đã hứa làm khô cạn vùng lầy Washington, tức là xóa bỏ các nhóm vận động hành lang vì tiền, làm tê liệt nền dân chủ Mỹ để phục vụ các lợi ích riêng tư.

Thế nhưng, thay vì gạt bỏ các hoạt động này, ông trùm địa ốc lại thiết lập một chế độ đầu sỏ tài chính mà các mục tiêu của chế độ này trái ngược hoàn toàn với những mong đợi của những người đã bỏ phiếu cho ông, những người vốn bị hệ thống chính trị hiện hữu không đoái hoài tới.

Các kế hoạch nới lỏng quản lý hệ thống tài chính, cải cách thuế có lợi cho những người giàu có, cắt giảm ngân sách giáo dục và các chuơng trình xã hội, Le Monde cho rằng, khó mà tưởng tượng được là về lâu dài, những người đã bỏ phiếu cho Donald Trump vào Nhà Trắng lại có thể tiếp tục ủng hộ một chính sách có nguy cơ làm cho tình hình thêm nghiêm trọng.

Trong lĩnh vực đối ngoại, các báo Pháp rất quan tâm đến chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Hoa Kỳ.
Le Monde cho biết « Tập Cận Bình dành cho Donald Trump một sự đón tiếp như hoàng đế ».
Dường như biết tính cách của tổng thống Mỹ, Bắc Kinh nhấn mạnh đây là chuyến công du cao hơn cấp Nhà nước.

Rất hài lòng về sự đón tiếp này, Donald Trum đã đáp lại với những câu ca ngợi hết lời, như hội đàm giữa hai nguyên thủ là một « cuộc gặp rất ấn tượng », « không có chủ đề nào quan trọng hơn là quan hệ Trung-Mỹ ».

Sáng hôm qua, tổng thống Mỹ hứa hẹn là cùng làm việc với Trung Quốc để không chỉ giải quyết các vấn đề giữa hai nước mà cả những vấn đề của thế giới.
 Gợi ý này dường như đáp ứng mong đợi của Trung Quốc vì trước đây, Bắc Kinh muốn lập một dạng cơ chế thượng đỉnh G2 Trung-Mỹ nhưng đã bị Obama bác bỏ.

Theo nhận định của chuyên gia Jean-Pierre Cabestan, Đại học Baptist Hồng Kông, điều mà Trung Quốc đạt được ở bề ngoài, đó là có được quy chế một cường quốc lớn, ngang hàng để cùng quản lý vấn đề an ninh tại châu Á.

Thế nhưng, đây chỉ là sự ngang hàng giả tạo bởi vì Hoa Kỳ vẫn thống trị với các liên minh quân sự vững chắc, trong khi Trung Quốc chỉ có những quốc gia bạn bè, đi theo Bắc Kinh tùy theo tình hình.
Cùng chủ đề, Le Figaro chạy tựa « Tập Cận Bình thể hiện sự hoành tráng của Trung Hoa khi gặp Donald Trump ».

Trong lĩnh vực kinh tế, chuyến công du Trung Quốc của Donald Trump là một « Vụ thu hoạch các hợp đồng », tựa của Le Monde.
Theo hướng này, Les Echos cho biết « Vụ thu hoạch các hợp đồng biểu tượng của Trump tại Trung Quốc »,còn theo Le Figaro, đó là « Vụ mùa kỳ diệu các hợp đồng ».
Chủ đề thời sự khác được nhiều báo Pháp quan tâm, đó là vụ lách luật tránh thuế « paradise papers ».
Le Monde có nhiều bài về hồ sơ này. Theo tờ báo « Gửi tiền ở thiên đường thuế khóa, một phản xạ đối với các đầu sỏ tài chính Nga ».

Vụ « paradise papers » cho thấy, tổng số tiền mà các cá nhân, doanh nghiệp Nga đặt ở nước ngoài có thể lên tới khoảng 1000 tỷ đô la.
Những người thân cận của Vladimir Putin đều làm như vậy.
Một doanh nhân ngoại quốc giải thích : Càng gần gũi với chính quyền, thì tài sản của giới tài phiệt càng mong manh.

Dường như có một sự hiểu ngầm giữa chính quyền và giới đầu sỏ tài chính là những khoản tiền khổng lồ của họ chỉ là sở hữu ủy quyền.
Chính quyền có thể lấy lại bất kỳ lúc nào. Chính vì thế mà một số người trong số này đã tìm cách cất giấu một phần tài sản của họ.

Trong lĩnh vực kinh tế, Les Echo chạy trên trang nhất thông tin đáng mừng là « Tăng trưởng của châu Âu đạt mức cao nhất kể từ 10 năm qua ».
Theo dự báo của Bruxelles, khu vực đồng euro sẽ có mức tăng trưởng là 2,2-2,3%, thâm hụt ngân sách của các thành viên Liên Hiệp Châu Âu đều giảm.
Do vậy, tờ báo kêu gọi, đây là lúc tiến hành các cải cách sâu rộng.

Le Monde nói tới « Tăng trưởng có thể đạt mức 2,3% trong Liên Hiệp Châu Âu năm 2017 » và khẳng định, khu vực đồng euro thoát ra khỏi khủng hoảng và thậm chí tăng trưởng còn tăng tốc trong những tháng gần đây.

 Theo ủy viên châu Âu phụ trách kinh tế, ông Pierre Moscovici, thì khu vực đồng euro phải tiến hành cải cách : đồng nhất về cơ cấu và củng cố khu vực đồng tiền chung, đó là hai điều kiện để tăng trưởng có thể kháng cự được những cú sốc mạnh trong tương lai và trở thành một động lực bền vững cho sự thịnh vượng chung.

Về xã hội, báo La Croix quan tâm đến « Cội nguồn của hiện tượng quấy rối tình dục » và đây cũng là chủ đề trên trang nhất của tờ báo.
 Kể từ khi vụ quấy rối tình dục của nhà sản xuất điện ảnh Hollywood Weinstein bị phát giác, ngày càng nhiều vụ tố cáo về quấy rối tình dục hoặc những hành vi không phù hợp của nam giới đối với phụ nữ.

Đến mức là người ta phải đặt ra câu hỏi về nguồn gốc của hiện tượng quấy rối tình dục : hành vi này của một số người đàn ông phải chăng có cội nguồn từ bản chất nam giới hay đó là hệ quả của một dạng văn hóa được tạo dựng qua hàng thế kỷ lịch sử.

Trong khi đó, Le Monde và Le Figaro chú ý tới thời sự Pháp.
 « Macron chỉ đạo các ê-kíp của mình như thế nào ». Đó là tít một của Le Monde.

Trong cuộc họp chính phủ vừa qua, tổng thống Emmanuel Macron đã nhắc nhở các bộ trưởng : Không dãi bày tâm tư ở bên ngoài. Ông không ưa gì các kiểu nói kháy, chỉ trích giữa các bộ trưởng.
Thậm chí, có lần, ông trao đổi, gửi tin nhắn SMS cho các bộ trưởng và cộng sự đến tận 3 giờ sáng, để yêu cầu họ đẩy mạnh nhịp độ làm việc và tỏ thái độ hoàn toàn trung thành với tổng thống.

Theo ông Christophe Castaner, phát ngôn viên của tổng thống, thì khi nói một điều gì, ông Macron nói rõ và mạnh mẽ và điều này đủ để mọi người phải hiểu và lắng nghe.
Còn trang nhất của Le Figaro cho biết « Macron yêu cầu các bộ trưởng bảo vệ tốt hơn chính sách của mình ».

Theo tờ báo, cuộc thăm dò dư luận do viện nghiên cứu Odoxa thực hiện cho thấy đa số các bộ trưởng trong chính phủ của ông Macron không được mọi người biết đến, ngoại trừ ba nhân vật : bộ trưởng Môi Trường Nicolas Hulot, bộ trưởng Thể Thao Laura Flessel và thủ tướng Edouard Philippe.

Switch mode views: