Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nhà thờ Đức Bà Rouen, rực rỡ kiến trúc Gothic vùng Normandie Pháp

rouen3

Nhà thờ Đức Bà Rouen, Notre-Dame de Rouen, nhìn từ tháp Đồng hồ.RFI / Tiếng Việt

Notre-Dame de Rouen là một trong số những nhà thờ nổi tiếng nhất nước Pháp (Amiens, Paris, Chartres, Reims và Bourges), nằm bên dòng sông Seine chảy qua thành phố nổi tiếng với hàng trăm tháp chuông.

Notre-Dame de Rouen còn được mệnh danh là nhà thờ “nhân bản” nhất vì thiếu đối xứng giữa hai tòa tháp ở mặt tiền hướng tây và những họa tiết trang trí không theo sự hài hòa như ở Nhà thờ Đức Bà Paris hay ở Reims.

Lịch sử nhà thờ Rouen bắt đầu từ thế kỷ IV.
Thay vì xây nhà thờ trên mộ của những người tử vì đạo, thường được chôn ngoài khu dân cư như thông lệ thời đó, Saint-Victrice, giám mục Rouen (393-409) cho xây nhà thờ đầu tiên giữa trung tâm đô thị.

Nhà thờ đầu tiên này dường như vẫn còn tồn tại cho đến khi một nhà thờ mới theo phong cách La Mã được xây lên trong những năm 1020 và liên tục được mở rộng từ thế kỷ XII đến thế kỷ XVI.

Khoảng 500 năm xây dựng và trùng tu được ghi dấu trên mặt tiền hướng tây của Nhà Thờ Đức Bà Rouen với những nét không đồng đều do nhiều lần thay đổi thiết kế, tạm dừng, rồi lại trùng tu và thêm thắt những chi tiết mới.

Bắt đầu từ Tháp Saint-Romain, cao 82 mét, nằm ở bên phải (hướng bắc) mặt tiền và là phần cổ nhất của nhà thờ.

Tháp cũng được xây trong hai giai đoạn khác nhau. Bốn tầng đầu tiên được bắt đầu vào năm 1145 và hoàn thiện vào đầu thế kỷ XIII.
Tầng thứ năm, có mầu thẫm hơn, và tháp chuông được Guillaume Pontifs, chủ công trình lúc đó, cho xây thêm trong những năm 1468-1478 theo kiến trúc gothic “rực rỡ” (gothique flamboyant).

Phong cách kiến trúc này rất thịnh hành sau cuộc chiến Trăm Năm (1337-1453) với đặc trưng là những họa tiết trang trí mảnh và mềm mại như ngọn lửa, cùng với các vân cung, mái vòm vuốt nhọn…
Ba cổng vào nhà thờ được xây dựng vào khoảng những năm 1180-1190, song bị ngừng vào năm 1200 vì một trận hỏa hoạn lớn.

Sau khi được tiếp tục, người ta thêm vào rất nhiều họa tiết trang trí, cột nhỏ và tượng.
 Các vòm trên cổng bắc và nam, kể chuyện thánh Jean-Baptiste và thuật lại việc thánh Etienne bị ném đá, đều được thực hiện vào cuối thể kỷ XIII.

Riêng cổng chính, ở chính giữa, bị phá vào đầu thế kỷ XVI. Sau đó, vì lý do an toàn, nhà điêu khắc nổi tiếng Roulland Le Roux đề xuất gia cố cửa chính bằng hai cột ốp lớn, nhưng rất khó nhận ra vì được trang trí nhiều họa tiết.

 Ông cũng đưa ra ý tưởng trang trí mặt tiền hướng tây của Notre-Dame de Rouen như một tấm đăng-ten bằng đá, dầy đặc những bức tượng và hoàn toàn theo phong cách gothic “rực rỡ”.

Với sự giúp đỡ của Roulland Le Roux, Guillaume Pontifs cho xây Tour de Beurre (Tháp Bơ, 1485-1506), cao 75 mét, cũng theo phong cách gothic “rực rỡ”, nhưng tôn trọng cách phân chia chiều cao và bề ngang như của Tour Saint-Romain.

Tên gọi Tour de Beurre có hai cách giải thích : Giải thích thứ nhất là do mầu vàng óng của loại đá xây Tháp Bơ.
Thời đó, đá thường có mầu trắng, được khai thác ở các khu mỏ nằm dọc sông Seine.
Còn những tảng đá có mầu vàng xây Tháp Bơ có lẽ đến từ vùng sông Loire.

Giải thích thứ hai có nguồn gốc từ lễ Phục Sinh (Pâques).
Trong vòng 40 ngày trước lễ Phục Sinh, giáo dân không ăn chất béo. Nhưng dường như dân vùng Normandie thích ăn bơ đến mức họ mua sự xá tội ở nhà thờ để tiếp tục được ăn chất béo trong thời gian ăn chay.
Chính nhờ khoản tiền xá tội này mà Tháp Bơ được xây dựng.

cathedrale de rouen au matin
Mặt tiền nhà thờ Notre-Dame de Rouen, Tour Saint-Romain (T) và Tour de Beurre (P).
Wikipedia

Mặt tiền của Nhà thờ Đức Bà Rouen hút hồn du khách thế giới nhờ công của họa sĩ Claude Monet, như giải thích với RFI tiếng Việt của ông Dominique Fossard, tình nguyện viên tại khu Đón tiếp của nhà thờ :

“Du khách đến đây, chủ yếu là người nước ngoài, người Mỹ, Nhật, thích xem mặt tiền vì từng được họa sĩ Claude Monet vẽ trong loạt tranh về Nhà thờ Đức Bà Rouen (từ 1892 đến 1894, gồm 30 bức tranh vẽ mặt hướng tây từ nhiều góc độ khác nhau).

Họ còn nghĩ là sẽ được xem các tác phẩm hội họa của Monet ở bên trong nhà thờ, nhưng chúng tôi không có, vì quá đắt.
Hiện chỉ có một tác phẩm của Monet được trưng bầy ở bảo tàng Nghệ thuật Thành phố”.

Bên trong nhà thờ, phần lớn được xây theo kiến trúc Gothic thời Phục Hưng.
Nếu như gian giữa cao sừng sững được dựng lại ngay sau vụ hỏa hoạn năm 1200, thì phải chờ đến năm 1270, dưới sức ép của các hội thờ, tổng giám mục Eudes Rigaud mới cho xây các nhà nguyện dọc hai bên sườn phía bắc và nam của nhà thờ.

Tổng cộng, Notre-Dame de Rouen có đến 23 nhà nguyện, mỗi bên có 11 nhà và chính giữa là nhà nguyện Đức Mẹ Đồng Trinh, được xây vào đầu thế kỷ XIV.
Ông Fossard giới thiệu tiếp :

“Đức Mẹ rất được ca tụng ở Rouen vì người ta nghĩ rằng, trước tiên, Đức Mẹ bảo vệ thành phố khỏi bệnh dịch hạch vào thế kỷ XVI. Và sau đó, vào năm 1844, người ta tìm thấy tượng Đức Mẹ không bị xây xước một chút nào trong đống đổ nát vì phần phía nam của Nhà thờ bị hư hỏng nghiêm trọng. Người ta nghĩ rằng, nhờ Đức Mẹ mà Nhà thờ đã không bị sập”.

Vẫn bên trong nhà nguyện Đức Mẹ Đồng Trinh là mộ của các hồng y xứ Amboise, một kiệt tác của Roulland Le Roux, được xây từ 1516 đến 1521.

Công trình thể hiện rõ sự phát triển của các loại hình nghệ thuật trong thời kỳ Phục Hưng của Rouen. Ở bên trái, đối diện với mộ các hồng y xứ Amboise là mộ của Louis De Brézé, vị quan án cuối cùng của xứ Normandie và là chồng của Diane de Poitiers.
 Sau này, bà trở thành người tình của Henri II, nhưng lại hơn vị vua Pháp đến 20 tuổi.

“Nhà thờ còn nổi tiếng với bốn ngôi mộ, ở quanh chính điện, như mộ của Rollon.
Rollon được chôn tại đây và được coi là công tước đầu tiên của vùng Normandie dù ông không có tước hiệu đó mà chỉ là công tước Rouen.
Ở bên phía bắc của chính điện, là mộ của con trai, đồng thời là người kế nhiệm của Rollon, tên là Guillaume-Longue-Epée.

Sau mộ Rollon, là tượng nằm của Richard - Coeur de Lion (vua Richard đệ Nhất Sư Tử Tâm của nước Anh), nhưng bên trong chỉ có trái tim của ông.
 Richard rất yêu thành phố Rouen. Ngày xưa, người ta chia thi thể thành ba phần : thi thể, nội tạng, và trái tim.

Thường thì người ta mang trái tim của người chết về nơi mà người quá cố yêu quý.
Nội tạng thì được đưa đến thành phố mà người chết không thích, còn thi thể thì do người quá cố chọn trước, ví dụ thi thể của Richard được an táng ở tu viện Fontevraud, bên cạnh mộ của cha mẹ ông là vua Anh Henri II và vương hậu Aleanor xứ Aquitaine.

Đối diện với tượng nằm Richard, ở bên kia là tường nằm của Henri, em trai của Richard. Nhà thờ cũng có trái tim của vua Charles V, được chôn dưới hầm mộ”.

cathedrale notre-dame de rouen

Nhà nguyện Đức Mẹ bên trong nhà thờ Notre-Dame de Rouen.
CC/Raimond Spekking

Một kho báu khác của Notre-Dame de Rouen chính là những ô cửa sổ lớn bằng kính ghép mầu, có từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XX, trên hai cánh ngang, hành lang quanh chính điện và ở các nhà nguyện.

Sự phong phú của “bộ sưu tập” có nguồn gốc từ vào lòng hảo tâm của giáo dân và phong cách nghệ thuật thịnh hành vào từng giai đoạn.

Loạt cửa kính ở bên trái nhà thờ bị thay thế vào thế kỷ XVI.
Ngoài ra, rất nhiều kính ghép mầu gốc bị phá, không phải vì chiến tranh, mà vì các linh mục phụ tá muốn có thêm ánh sánh trong nhà thờ nên cho tháo dỡ.
Hiện Notre-Dame de Rouen vẫn giữ được hai cửa sổ có từ thế kỷ XIII và được gọi là “Les Belles Verrières” (Những tuyệt tác cửa kính ghép mầu).

“Sau đó, còn có thể nói đến Saint-Romain, là thánh chủ của thành phố Rouen, từng là giám mục Rouen.
Các miệng ống máng mang hình những con vật như rồng, quái vật trong vùng sình lầy ở Rouen. Saint-Romain nói là sẽ giết những con quái vật đó và cần một người giúp.

 Thế nhưng, chỉ có một người bị kết tội chết chấp nhận giúp giám mục. Thế là Saint-Romain và người tử tù đi lùng quái vật, bắt được nó rối giết chết.
Chính vì thế, sau này, thành phố Rouen có một truyền thống là hàng năm thả một tử tù.
Việc này kéo dài đến năm 1793, sau Cách Mạng Pháp”.

Rộng 62 mét, dài 137 mét, Notre-Dame de Rouen là nhà thờ cao nhất nước Pháp với chiều cao 151 mét tính đến đỉnh chóp mũi tên trên mái.

Bị phá huỷ trong cuộc xâm chiếm của người Viking vào năm 841, bị hư hại phần lớn trong một trận cháy năm 1200, lại bị hỏa hoạn năm 1822, rồi lại bị quân đồng minh ném bom nhầm một phần vào năm 1944, bị bão làm sập một phần mái vào năm 1999, Nhà thờ Đức Bà Rouen giờ còn phải đối mặt với sự tàn phá vì ô nhiễm và thời gian.

Để trùng tu từng họa tiết, nghệ nhân phải tẩy rửa, loại bỏ rêu mốc từng ly từng tí.
Những họa tiết bị thời gian ăn mòn, được thay mới.

Và người thợ vẫn sử dụng những kỹ thuật từ xa xưa, từng động tác đục đẽo có từ cách đây vài thế kỷ, để tôn trọng nguyên bản và thần thái của một trong những công trình nổi tiếng nhất nước Pháp.

Switch mode views: