Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Guam : Đảo thiên đường Mỹ thành mục tiêu của tên lửa Bắc Triều Tiên

usa-guam

Du khách trên đảo Guam, ngày 10/08/2017.
REUTERS/Erik De Castro

Nằm lọt giữa Thái Bình Dương, Guam, hòn đảo nhỏ thuộc lãnh thổ Mỹ có 160.00 dân, bỗng được báo chí nhắc đến nhiều từ vài ngày qua khi « chiến tranh răn đe » nổ ra giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.

Vài điều ít được nói đến về hoàn đảo nhỏ đang trong thanh bình.

Guam có diện tích 550 km2. Với những bãi cát trắng trải dài tít tắp bên bờ biển xanh ngọc và những hàng cọ xanh dưới cái nắng chói chang nhiệt đới, Guam xứng đáng là một thiên đường cho du lịch.

Mặc dù vậy, khi căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng bị đẩy lên cao độ, đảo Guam trở thành mục tiêu tấn công trực tiếp của tên lửa Bắc Triều Tiên.

Sau khi tổng thống Donald Trump dọa « trút lửa căm giận » chưa từng có nếu Bắc Triều Tiên tiếp tục đe dọa Hoa Kỳ, thì Bình Nhưỡng đáp lại bằng tuyên bố Guam sẽ là mục tiêu đầu tiên của tên lửa đạn đạo.
Bình Nhưỡng còn chi tiết thêm là cuộc tấn công sẽ diễn ra vào giữa tháng 08/2017.

Ngược dòng lịch sử, đảo Guam được nhà hàng hải nổi tiếng người Bồ Đào Nha Magellan phát hiện từ năm 1521. Đến năm 1526 bị người Tây Ban Nha chiếm.
Guam chỉ trở thành thuộc địa của Mỹ từ năm 1898, theo Hiệp ước chấm dứt chiến tranh giữa Tây Ban Nha và Mỹ.

Đến năm 1941, đảo Guam bị chuyển sang tay người Nhật, không lâu sau trận Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) trong cuộc chiến Thái Bình Dương.
Hòn đảo nhỏ này cuối cùng trở lại thuộc quyền quản lý của Mỹ từ tháng 07/1944, khi cuộc Chiến Tranh Thế Giới thứ 2 sắp kết thúc cùng sự bại trận của quân đội Nhật Hoàng.

Từ đó đến nay, Guam là phần lãnh thổ hải ngoại Mỹ nhưng không được hưởng quy chế của một tiểu bang.

Mặc dù 160.000 dân đảo hiển nhiên là công dân Mỹ, đa số nói tiếng Anh và một phần dùng thổ ngữ Chamorro, một bộ tộc thổ dân thuộc quần đảo Mariana, nhưng dân Guam không được hưởng đầy đủ quyền như một công dân Mỹ ở chính quốc.
Ví dụ họ không được tham gia các cuộc bầu cử Mỹ. Guam cũng đón nhận đông người Philippines đến định cư.

Với phong cảnh thiên nhiên thần tiên, thu hút khá đông du khách, phần đông là người Nhật. Tuy nhiên, hoạt động chủ yếu của Guam không phải là từ du lịch mà lại là từ quân đội Mỹ.

Thực tế, từ cuối năm 1944, Guam là một trong những căn cứ quân sự quan trọng nhất của Mỹ, gồm căn cứ không quân Andersen và một căn cứ hải quân khác.
Các căn cứ quân sự Mỹ chiếm gần 30% đất đảo.

 Theo đài truyền hình Mỹ ABC, hiện có 6.000 lính Mỹ đồn trú thường trực tại Guam.
Vị trí chiến lược của Guam còn ở chỗ, nó nằm giữa quần đảo Mariana, cách bán đảo Triều Tiên có 3.370km.
Năm 2010, đô đốc Robert Williard đã nói trên nhật báo USA Today rằng Guam « là phần lãnh thổ cực tây của nước Mỹ. Đó là một phần của quốc gia. Guam có vị trí cốt tử ».

Dù có vị trí chiến lược, nhưng các căn cứ quân sự trên Guam không tham chiến nhiều, ngoại trừ hồi đầu thập niên 1970, trong cuộc chiến tranh Việt Nam các máy bay B-52 Mỹ đã cất cánh từ Guam để ném bom xuống Hà Nội và một số tỉnh miền bắc Việt Nam.
Còn lại, hòn đảo hầu như được sống trong cảnh thanh bình từ sau cuộc Thế Chiến thứ 2.

Giờ đây, nhiều cơ sở hạ tầng du lịch đã mọc lên trên đảo với những tổ hợp khách sạn, cửa hàng miễn thuế, khu bãi tắm đẹp.
Năm 2016, Guam thu hút 1,5 triệu du khách, chủ yếu là khách Nhật Bản và Hàn Quốc.
Thu nhập tính theo đầu người dân đảo là 35.439 đô la trong năm 2015.

Guam cũng đòi độc lập ?

Về chính trị, Guam có một thống đốc do dân bầu, hiện là ông Eddie Calvo.
Đảo cũng có một đại diện trong Hạ viện Mỹ, bà Madelaine Bordallo.
Tuy có hoạt động kinh tế riêng, nhưng Guam vẫn bị lệ thuộc rất nhiều vào trợ cấp xã hội của chính quốc Mỹ.

Gần 45.000 dân đảo nhận trợ cấp lương thực và được hưởng chế độ y tế của Nhà nước.

Mặc dù vậy, thời gia gần đây đã có nhiều tiếng nói đòi độc lập cho vùng đất nổi giữa Thái Bình Dương và ở rất xa với chính quốc này.
Trong dịp kỷ niệm lần thứ 73 Guam thoát khỏi sự chiếm đóng của Nhật Bản hồi tháng 07/2017, cựu thượng nghị sĩ Eddi Duenas đã đề nghị tổ chức trưng cầu dân ý về tương lai của Guam.

Gợi ý trên đã được chính thống đốc Eddi Calvo tán thưởng. Ông muốn đề nghị 3 giải pháp cho Guam : Độc lập, trở thành một tiểu bang Mỹ, giữ lại tình trạng « liên kết tự do » với Washington.
Nhưng hiện tại cuộc tranh luận về vấn đề này vẫn chỉ là ở trên lý thuyết.
Tòa án Liên bang Mỹ đã có phán quyết chống trưng cầu dân ý về quyền tự quyết.

Những căn cứ quân sự chiến lược

Trở lại với những leo thang căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và Washington.
Tại sao Kim Jong Un chọn Guam là mục tiêu trước tiên cho cuộc tấn công nước Mỹ ?

Điểm khiến lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un lo lắng chính là căn cứ không quân và hải quân Andersen Air Force Base.
Gần 6.000 quân nhân Mỹ đồn trú tại đây, cùng với nhiều tầu ngầm và máy bay ném bom B-52.

Căn cứ này là cảng neo đậu của khoảng mười đơn vị thuộc Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ (United States Pacific Command, PACOM) , Hạm Đội Thái Bình Dương (United States Pacific Fleet, USPACFLT) và Hạm đội 7 của Hải Quân Hoa Kỳ.

Từ những năm 1990, Andersen Air Force Base cũng là một trong những căn cứ hiếm hoi trong vùng có thể chứa máy bay ném bom B-2 của Không Lực Mỹ, cũng như các hàng không mẫu hạm của Hải Quân Hoa Kỳ.

Căn cứ tại Guam đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với lực lượng quân sự Mỹ trong vùng Thái Bình Dương.
Được xây dựng vào năm 1944 để phục vụ cuộc chiến trên Thái Bình Dương, căn cứ Guam có nhiệm vụ tiếp nhận máy bay ném bom B-29 tham chiến với quân đội Nhật Hoàng, chống đế quốc Nhật.
Tên gọi Andersen Air Force Base hiện nay được đặt vào năm 1949 để vinh danh tướng Roy Andersen.

Một mối đe dọa thực sự

Đây không phải là lần đầu tiên Kim Jong Un đe dọa tấn công các vùng lãnh thổ gần với Bắc Triều Tiên về mặt địa lý thuộc về kẻ thù quân sự.

Hiện giờ, mối đe dọa dường như ở rất gần. Tên lửa liên lục địa Hỏa Tinh-12 (Hwasong-12), mà Kim Jong Un mới cho thử gần đây, có tầm bắn từ 3.700 đến 6.000 km.
Trong khi đó, Bình Nhưỡng cách Guam 3.400 km.

Vấn đề ở chỗ đầu đạt hạt nhân, được gắn trên tên lửa hay không ?
Liệu Bắc Triều Tiên đã nắm được công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân chưa ?

Câu trả lời là « Có », theo một báo cáo mật của Cơ Quan Tình Báo Quân Sự Mỹ (DIA) mà tờ Washington Post đã đăng lại phần kết luận vào ngày 08/08/2017.

Theo báo cáo này, chế độ Bình Nhương đã thu nhỏ được kích thước đầu đạn hạt nhân để có thể gắn vào các tên lửa liên lục địa.
Vẫn theo nhật báo Mỹ, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản cũng đưa ra kết luận như vậy.

Liệu Guam được bảo vệ như thế nào trước mối đe dọa tên lửa Bắc Triều Tiên ?
Hệ thống THAAD đã được Hoa Kỳ triển khai trên đảo Guam từ tháng 04/2013, sau những hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên.

Được trang bị cho quân đội Mỹ từ năm 2008, hệ thống THAAD có khả năng bắn chặn trên cao một tên lửa tầm trung.
Thêm vào đó là hai tầu khu trục Aegis chống tên lửa cũng được triển khai ở Tây Thái Bình Dường để đối phó các tên lửa của Bình Nhưỡng.

THAAD là một hệ thống trên mặt đất, được đặt trên xe tải.
Ngoài các tên lửa bắn chặn, hệ thống còn có một bệ phóng tên lửa di động, một radar có thể xác định nguồn gốc và hành trình của một tên lửa có gắn kèm một hệ thống khai hỏa tự động.

(Tổng hợp từ L'Obs, Le Figaro)

Switch mode views: