Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 06- 07-2017
- Thứ Năm, 06 tháng Bảy năm 2017 22:18
- Tác Giả: Trọng Thành
Hạt nhân Bắc Triều Tiên : Donald Trump bế tắc
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tự hào sau vụ thử tên lửa liên lục địa ngày 04/07/2017.
KCNA/via REUTERS
Châu Âu không tìm được giải pháp trước làn sóng thuyền nhân vào Ý, thượng đỉnh khối G20 tại Hamburg đầy bất trắc và nguy cơ khủng hoảng Bắc Triều Tiên vượt tầm kiểm soát là một số chủ đề thời sự chính trên báo Pháp ngày 06/07/2017.
Về khủng hoảng Bắc Triều Tiên, Le Monde có bài phân tích « Trump bế tắc trong vấn đề Bắc Triều Tiên ».
Trong cuộc điện đàm ngày thứ Hai 03/07, tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Quốc có cùng một nhận định chung, đó là quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đang xấu đi.
Donald Trump đe dọa sẽ hành động đơn phương trong « hồ sơ Bắc Triều Tiên gai góc » không cần đến Trung Quốc.
Chỉ 24 giờ sau đó, Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công hỏa tiễn xuyên lục địa đầu tiên, có thể bắn đến Mỹ.
Ngày tiếp theo, Hoa Kỳ tỏ ra cứng rắn hơn với cuộc tập trận chung trên biển cùng Hàn Quốc, một loạt tên lửa được phóng cùng với những lời đe dọa.
Hy vọng dùng Trung Quốc để giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên của tổng thống Mỹ đã không mang lại kết quả. « Tuần trăng mật » ngắn ngủi giữa Washington và Bắc Kinh, mở đầu với chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tại tư dinh của tổng thống Mỹ ở Florida, hồi tháng 4/2017, dường như đã kết thúc.
Cuộc gặp dự kiến giữa Trump và Tập tại thượng đỉnh G20 ở Hamburg cuối tuần này chắc chắn « sẽ lạnh nhạt hơn nhiều » so với cuộc gặp lần trước.
Theo Le Monde, chủ trương của tổng thống Trump cho đến nay là gắn liền triển vọng của quan hệ Mỹ-Trung với việc giải quyết hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Trong khi đó, về phía Trung Quốc, những tiến triển trong vấn đề này sẽ không thể nhanh chóng. Nói một cách khác, Washington sẽ khó có thể trông cậy ở Bắc Kinh.
Các giải pháp thu hẹp
Theo cựu bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ William Perry, vụ bắn thử tên lửa xuyên lục địa vừa qua làm thay đổi « mọi tính toán », thu hẹp các giải pháp của Hoa Kỳ trong vấn đề này.
Cựu bộ trưởng Perry là người từng chủ trương đánh phủ đầu để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Năm 2006, ông ủng hộ việc tấn công trực tiếp để phá hủy các hỏa tiễn ngay trên bệ phóng. Tuy nhiên, mới đây cựu lãnh đạo quốc phòng Mỹ cũng thừa nhận là ý tưởng này đã lạc hậu, bởi hiện tại Bình Nhưỡng đã phát triển được một hệ thống « quá đa dạng », khiến chiến thuật này bị vô hiệu hóa.
Cũng trong bài phân tích nói trên, Le Monde chỉ ra tính mơ hồ trong chiến lược của Donald Trump.
Khác với tổng thống George W. Bush hồi 2006, sau vụ Bắc Triều Tiên thử hạt nhân lần đầu tiên, đã đặt ra một « lằn ranh đỏ ».
Đó là Bình Nhưỡng sẽ phải chịu « hoàn toàn trách nhiệm » nếu chia sẻ công nghệ hạt nhân với một quốc gia hay một tổ chức khủng bố.
Còn đối với Donald Trump, đã không có một lằn ranh đỏ rõ ràng. Trong một tweet tung ra hồi đầu năm, ông Trump chỉ tuyên bố chung chung là Bắc Triều Tiên sẽ không thể có được tên lửa tấn công Hoa Kỳ.
Quan điểm của Bình Nhưỡng
Về phía Bình Nhưỡng, hồi tháng trước, đại diện của Bắc Triều Tiên tại Pháp, ông Kim Yong Il, nhắc lại quan điểm của Bắc Triều Tiên là muốn đàm phán trực tiếp với Mỹ và Bình Nhưỡng sẽ ngưng chương trình hạt nhân, đổi lại Mỹ ngưng tập trận tại khu vực bán đảo Triều Tiên.
Đây cũng là một đề nghị mà Trung Quốc đưa ra từ lâu. Trong thượng đỉnh Nga-Trung hôm 04/07, tổng thống Nga Putin cũng ủng hộ quan điểm này.
Tổng thống Mỹ không có chiến lược đối phó
Vẫn về khủng hoảng Bắc Triều Tiên, Le Figaro có bài « Bắc Triều Tiên : Trump tìm cách trả đũa » và nhận xét : « Các tweet của Donald Trump có thể hiệu quả khi đả phá truyền thông, nhưng sẽ không giúp gì trong các khủng hoảng quốc tế ».
Theo Le Figaro, tổng thống Mỹ tới Hamburg dự thượng đỉnh G20, đã không hề có chiến lược nào để đối phó với thách thức khẩn cấp Bắc Triều Tiên.
Trước khi lên máy bay, ông Trump chỉ nói : « Chúng tôi sẽ lo liệu ổn thỏa ».
Tối hôm qua, 05/07, tại Hội Đồng Bảo An, Hoa Kỳ được sự ủng hộ của Pháp cho biết sẽ đệ trình một dự thảo nghị quyết đề nghị gia tăng trừng phạt Bình Nhưỡng, trong những ngày tới.
Tuy nhiên Matxcơva phản đối các trừng phạt mới và không chấp nhận biện pháp quân sự.
Về khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên, Les Echos phỏng vấn ông Scott Snyder, thuộc Council on Foreign Relations (CFR), một tổ chức tư vấn Mỹ có nhiều ảnh hưởng. Chuyên gia về Triều Tiên này thừa nhận chính quyền Mỹ không có một chiến lược thực sự trong giai đoạn hiện tại.
Ông dự báo vụ thử hỏa tiễn xuyên lục địa, có thể tấn công nước Mỹ, sẽ dấy lên tranh luận dữ dội tại Hoa Kỳ.
Chuyên gia CFR vẫn đặt hy vọng vào việc quốc tế gia tăng áp lực và trừng phạt Bình Nhưỡng, đồng thời sẵn sàng cho khả năng can thiệp quân sự.
G20: Hamburg, thành phố « bị phong tỏa »
Trở lại thành phố cảng Hamburg, nơi sẽ khai mạc thượng đỉnh G20 ngày mai. Theo Le Figaro, Hamburg có dáng dấp của một thành phố « bị phong tỏa ». Phong trào tranh đấu chống « chủ nghĩa tư bản » muốn biến Hamburg thành một đấu trường.
Khoảng 20.000 cảnh sát đã được huy động để bảo vệ an ninh, trong lúc khoảng 8.000 người tranh đấu bạo động dự kiến sẽ có mặt.
Việc lựa chọn tổ chức G20 tại trung tâm một thành phố bị phê phán. Kể từ thượng đỉnh G8 năm 2001, G20 luôn được tổ chức tại các vùng ngoại vi.
Trong dịp G8 tại thành phố Genes, Ý, bạo động diễn ra trong ba ngày, khiến một người chết và 600 người bị thương.
Đức tỏ ra thắm thiết với Trung Quốc
Bài « Merkel ca tụng tình hữu nghị Đức-Trung trước thềm G20 » trên Le Figaro giới thiệu việc Angela Merkel-Tập Cận Bình đến thăm hai gấu trúc tại vườn thú Berlin.
Hai gấu trúc mà Bắc Kinh mới cho Đức mượn, với hợp đồng 15 năm, được thủ tướng Đức gọi là « hai nhà ngoại giao dễ thương ». Hôm qua, Đức và Trung Quốc ký nhiều hợp đồng, trị giá khoảng 2,8 tỉ đô la.
Theo Le Figaro, thủ tướng Đức muốn gửi đến tổng thống Mỹ « một thông điệp », khi dàn cảnh quan hệ nồng ấm với Trung Quốc.
Sau cuộc gặp chủ tịch Trung Quốc, bà Angela Merkel tỏ ra không mấy hy vọng vào « một đồng thuận » tại G20.
Bà nói : « Tôi hy vọng là chúng ta có thể vượt qua một số trở ngại, cho dù tôi chưa hình dung được kết quả cuối cùng sẽ là gì ».
Trong thượng đỉnh G7 hồi tháng 5, thủ tướng Đức đã thừa nhận nhiều bất đồng với chính quyền Donald Trump, đặc biệt trong vấn đề khí hậu, hay cuộc chiến chống chủ nghĩa bảo hộ của Washington, để bảo vệ trước hết ngành sản xuất thép.
Thỏa thuận Âu - Nhật trước G20 : Tín hiệu mạnh với Donald Trump
Ngay trước thềm thượng đỉnh G20, Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản dự kiến ký kết thỏa thuận « về nguyên tắc » đối với Hiệp định tự do thương mại song phương (JEFTA), dự kiến sẽ mang lại thêm 0,76% GDP cho châu Âu.
Bài « Thương mại : việc Mỹ co lại thúc đẩy Tokyo và Bruxelles xích gần nhau » trên Les Echos tin tưởng là thỏa thuận sẽ được ký kết, các thỏa hiệp đã được đúc kết trong hai lĩnh vực chủ chốt là công nghiệp thực phẩm và xe hơi.
Theo Le Monde, Ủy Ban Châu Âu đã cố tình lựa chọn ngày 06/07, ngay trước thềm G20, như để biểu thị thái độ mạnh mẽ chống lại tổng thống Mỹ, « người theo chủ nghĩa bảo hộ ».
Bài « CETA, TAFTA, JEFTA ! » của Le Monde nhận xét Hiệp định thương mại giữa Liên Âu và Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, cho đến nay rất ít được các tổ chức phi chính phủ, truyền thông và chính giới chú ý, trong khi các hiệp định với Hoa Kỳ (TAFTA) và Canada (CETA) lại khiến mọi người « sôi sục ».
Mới đây, ngày 23/06, tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace mới để lộ ra 200 trang tài liệu về các thương thuyết liên quan đến Hiệp định tương lai.
Tuy nhiên, các thông tin này cũng không được truyền thông hồ hởi đón nhận.
Le Monde bảo vệ Ủy Ban Châu Âu trước cáo buộc đã che giấu các đàm phán với Nhật, khởi sự từ năm 2013.
Theo tờ báo, nhiều tài liệu quan trọng đã được định chế này công bố.
Tuy nhiên, vấn đề là Liên Âu đã không rút ra được bài học về thất bại của TAFTA, không chỉ do phía Mỹ, mà còn do công luận nhiều nước ngày càng ngờ vực.
Le Monde đặt câu hỏi : Tại sao Nghị Viện Châu Âu chưa có chương trình thảo luận tại phiên toàn thể về hiệp định quan trọng này, trong khi Ủy Ban dường như đang vội vã xúc tiến các đàm phán với Tokyo ?
Trong khi đó, báo Libération có bài phân tích dài giới thiệu về thỏa thuận thương mại « rất được giữ kín » giữa Liên Âu và Nhật Bản.
Tờ báo dẫn lại quan điểm của Greenpeace, theo đó « các vấn đề môi trường ít được nêu ra ».
Greenpeace đặc biệt lên án nạn nhập khẩu gỗ lậu vào Nhật. Theo một báo cáo của Cơ Quan Điều Tra Môi Trường EIA (6/2016), Nhật là thị trường nhập gỗ lậu lớn nhất thế giới.
Làn sóng vượt biển vào Ý : SOS !
Làn sóng vượt biển vào châu Âu qua ngả nước Ý khiến ít nhất 2.200 người thiệt mạng là chủ đề trang nhất của Libération, với hình ảnh thi thể người trôi trên mặt biển. Tờ báo thiên tả chất vấn : « Người di cư : Ai sẽ chịu trách nhiệm. Liệu Liên Âu vẫn sẽ thúc thủ ?
Con đường qua bán đảo Balkan đã bị cắt, dòng người di cư giờ đây chọn ngả Libya hỗn loạn… Chính quyền Ý kêu gọi sự hỗ trợ của các đối tác, nhưng đa số đều giả điếc ».
Theo Libération, chắc chắn là không có giải pháp triệt để, nhưng nếu có thiện chí cải thiện tình hình, thì có nhiều cách. Ví dụ như việc phân bổ lượng người tiếp nhận một cách hợp lý, tăng cường các phương tiện cấp cứu, kiểm soát…
Pháp : Cuộc cải cách « không vội vã »
Trở lại nước Pháp, chủ đề chính của Le Monde là chính sách của thủ tướng Pháp Edouard Philippe, được công bố trước Quốc Hội hôm thứ Ba, 04/07, với hồ sơ trang nhất : « Dự án của Philippe nhằm đưa xã hội Pháp thoát khỏi bế tắc ».
Các lĩnh vực chủ yếu được nêu ra là việc làm, nhà ở, giáo dục hay công nghệ. Để không gây sốc cho dân Pháp, thủ tướng Pháp lưu ý « Chúng ta sẽ tiến lên, nhưng không vội vã ».
Các cam kết giảm thuế sẽ được đẩy lùi lại, để không làm ảnh hưởng đến mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách công, với quyết tâm rút xuống dưới mức 3% GDP trong nhiệm kỳ năm năm.
Về chủ đề này, Le Monde có bài xã luận « Con đường hẹp của thủ tướng », nhấn mạnh đến việc tổ chức của giới chủ Medef bất bình về việc hoãn giảm thuế, trong lúc công đoàn CGT lên án chính sách « thắt lưng buộc bụng » của chính phủ.
Theo Le Monde, « chỉ một bước đi sai (của chính phủ) cũng có thể làm núi lửa thức dậy ».
Pháp : Simone Veil yên nghỉ cùng chồng tại Panthéon
Vẫn về nước Pháp chính quyền Pháp tổ chức nghi lễ trọng thể đưa chính trị gia, Simone Veil, vào điện Panthéon, nơi chôn cất những tên tuổi lớn của nước Pháp.
Nhà tranh đấu cho nữ quyền, nổi tiếng với việc hợp pháp hóa quyền phá thai của phụ nữ Pháp, sẽ mãi mãi yên nghỉ nơi đây cùng chồng.
Quyết định được tổng thống Pháp đưa ra, sau khi thỏa thuận với gia đình.
Le Figaro nói đến mối tình thắm thiết 65 năm của Simone Veil và người chồng, ông Antoine, chính là nguồn gốc của quyết định « hiếm có ».
Tham dự nghi thức long trọng này có hầu hết các lãnh đạo chính trị Pháp, hai cựu tổng thống Nicolas Sarkozy và François Hollande, « ít nhất » tám cựu thủ tướng.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ca ngợi các « cuộc chiến » thường trong đơn độc của Simone Veil, vì nhân quyền.
Ông Macron cảnh báo là những chiến thắng của Simone Veil không phải là những thành quả « vĩnh viễn », « rất nhiều nơi trên thế giới, kể cả châu Âu, các quyền tự do đang bị đe dọa ».
Tin mới
- Donald Trump : Cuộc gặp gỡ với ông Putin là « tuyệt vời » - 09/07/2017 02:17
- Mỹ, Nga đạt thỏa thuận ngưng bắn tại miền nam Syria - 09/07/2017 02:02
- Tin tặc Nga bị nghi tấn công vào nhà máy điện nguyên tử Mỹ - 09/07/2017 01:27
- Quầy sách cổ, sách cũ: nét chấm phá dọc bờ sông Seine - 08/07/2017 23:15
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08- 07-2017 - 08/07/2017 22:52
- Bắc Triều Tiên phát triển mạng thông tin nội bộ để làm gì ? - 08/07/2017 14:13
- Đức: Đụng độ dữ dội giữa người biểu tình và cảnh sát bên lề thượng đỉnh G20 - 07/07/2017 23:15
- Làm lại cuộc đời sau khi thoát khỏi địa ngục Bắc Triều Tiên - 07/07/2017 17:59
- Biển Đông: Việt Nam dùng dầu khí công phá đường lưỡi bò Trung Quốc - 07/07/2017 16:48
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07- 07-2017 - 07/07/2017 16:41
Các tin khác
- Khủng hoảng vùng Vịnh : Ả Rập Xê Út không cho «chư hầu» ly khai - 06/07/2017 21:53
- Venezuela : Phe ủng hộ tổng thống gây hỗn loạn ở Quốc Hội - 06/07/2017 18:19
- Biển Đông : Hải Quân Mỹ – Việt diễn tập tại cảng Cam Ranh - 06/07/2017 15:05
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05- 07-2017 - 05/07/2017 18:42
- Châu Âu cần làm gì trước sức mạnh hải quân Trung Quốc ? - 05/07/2017 17:10
- Mỹ-Hàn tập trận tên lửa đáp lại vụ bắn hỏa tiễn liên lục địa của BTT - 05/07/2017 16:18
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04- 07-2017 - 04/07/2017 21:51
- Pháp : Vườn ươm mầm start-up, Station F - 04/07/2017 21:08
- Nga - Trung hợp lực đối đầu với Mỹ - 04/07/2017 17:24
- Bình Nhưỡng bắn thử tên lửa đúng ngày Quốc khánh Mỹ - 04/07/2017 15:12