Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Khủng hoảng vùng Vịnh : Ả Rập Xê Út không cho «chư hầu» ly khai

gulf-qatar-kuwait

Thủ đô Qatar - Doha.REUTERS/Fadi Al-Assaad

Một cuộc khủng hoảng mới đe dọa Trung Đông từ đầu tháng 6/2017 nhân danh chống khủng bố.

Với sự đồng ý của tổng thống Mỹ, Ả Rập Xê Út thống lĩnh ba vương triều Ả Rập vùng Vịnh, cùng với Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao và cấm vận kinh tế Qatar.

Vì sao xảy ra cuộc khủng hoảng này ? Đâu là những căn nguyên nguồn cội gây ra xung khắc giữa Riyad và Doha ?

Chiến thuật liên hoàn

Đầu tháng 6/2017 Ả Rập Xê Út và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, một thành viên trong Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh, đồng minh trong liên quân chống khủng bố.

Tiếp theo đó, ba vương quốc trong liên minh này gồm Ả Rập Xê Út ,Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Bahrain - trừ Koweit và Oman - ra tối hậu thư buộc Qatar tuân thủ những điều kiện khó khăn như giảm quan hệ với Iran, đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và đài truyền hình Al-Jazeera.

Ai Cập, cũng liên đới với Ả Rập Xê Út, nhà tài trợ hào phóng của Cairo, tham gia vào chiến dịch cô lập Doha.
Vụ việc có thể nói bắt đầu từ sau chuyến công du của tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 5/2017.

Khác với tổng thống tiền nhiệm Barack Obama, lãnh đạm với Riyad để thuyết phục Teheran ký hiệp định từ bỏ hạt nhân quân sự, tổng thống Donald Trump làm ngược lại tất cả, dọa xé hiệp định hạt nhân với Iran để vuốt ve Ả Rập Xê Út.

Câu hỏi đầu tiên là tại Riyad, tổng thống Donald Trump đã cam kết gì với Ả Rập Xê Út mà chỉ vài tuần sau Qatar bị lên án là « bao dung » chế độ Iran và các nhóm khủng bố ?

Chuyên gia Denis Bauchard, nguyên là nhà ngoại giao Pháp ở Liên Hiệp Quốc, đại sứ ở Jordani, vụ trưởng vụ Bắc Phi và Trung Đông ở bộ Ngoại Giao, cựu chủ tịch Trung Tâm Thế Giới Ả Rập tại Paris, một người am tường tình hình Trung Đông, giải thích trong chương trình Địa Chính Trị của RFI:

"Tôi không có mặt trong buổi họp đó. Nhưng Mohamad ben Salman, bộ trưởng Quốc Phòng Ả Rập Xê Út là một người có quyền lực đã trình bày kế hoạch với Donald Trump và đã được tổng thống Mỹ chấp thuận.

Qua các tuyên bố trên Twitter, Donald Trump tỏ ra rất hài lòng vì Riyad tham gia chống khủng bố Hồi Giáo và đồng hóa Qatar với khủng bố.

Về mặt ngoại giao, tình hình diễn biến cách khác. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tìm cách hạ nhiệt.
 Washington chợt nhớ là còn một căn cứ không quân tại Qatar, với 2000 quân, từ đó tung máy bay oanh kích Daech ở Irak và Syria.

Thêm vào đó, Washington vừa ký một hợp đồng quân sự 15 tỷ đô la bán máy bay chiến đấu cho Qatar. Sự kiện tổng thống Donald Trump bật đèn xanh cho Riyad chống Qatar không hợp lý cho lắm".

Thùng thuốc nổ của Trump và Salman

Theo nhiều nhà quan sát, cho dù Mỹ có kích động thì cũng không phải là nguyên nhân chính nếu Riyad không có những toan tính riêng.

Sử gia Pierre Conesa, tác giả nhiều công trình nghiên cứu về mặt trái chính trường Ả Rập Xê Út và chiến lược ngoại giao tôn giáo của Ả Rập Xê Út (La Fabrication de l’ennemi ou Comment tuer avec sa conscience pour soi và Docteur Saoud et Mister Djihad : la diplomatie religieuse de l'Arabie saoudite) phân tích:

"Donald Trump bật đèn xanh nhưng thật ra tình thế đã bắt đầu sôi sục từ lâu nay. Trong hoàng gia Xê Út, có nhiều xu hướng xung khắc nhau, lúc thì chi nhánh này nổi lên, khi thì dòng dõi kia thắng thế.
Khi có một nhân vật trẻ năng nổ lên cầm quyền thì đường lối chính trị thay đổi.

Tuy nhiên, hoàng gia Xê Út với khoảng 10.000 hoàng tử, hoàng thân vây quanh, đồng nhất trên hai điểm. Một là họ sinh hoạt như mafia, giải quyết tranh chấp trong nội bộ với nhau, không bao giờ đưa ra báo chí, công luận.

Điểm đồng nhất thứ hai là về tư tưởng : tất cả đều chống người Ba Tư (Iran) và thù hệ phái Shia một cách bản năng.

Hoàng gia Xê Út không dung thứ một thái độ « ly khai » nào.

Thế mà Qatar là một thành phần ly khai cần phải kéo về « đường ngay nẻo chánh ». Riyad đòi hỏi các nước vùng Vịnh phải đứng sau lưng mình cho dù trong cuộc chiến chống khủng bố cũng như trong việc « xử lý » Qatar.

Do vậy, theo tôi, âm mưu giữa Donald Trump và quốc vương Ả Rập Xê Út nguy hiểm như một thùng thuốc nổ với những hệ quả khó lường".

Thiếu kinh nghiệm ngoại giao

Tổng thống Barack Obama trước đây đã nhẫn nại từng bước dọ tìm những đồng thuận cho dù nhỏ nhất để hòa giải với Iran và cân bằng tương quan lực lượng giữa hai phe, Shia do Teheran lãnh đạo và Suni do Riyad đứng đầu.

Vì sao Donald Trump quay ngược 180 độ ?

Theo chuyên gia Pierre Conesa, chẳng qua là do tình trạng thiếu kiến thức chính trị quốc tế của chủ nhân Nhà Trắng và ông vua vương quốc dầu hỏa Ả Rập:

"Trước tiên, Donald Trump không có một chút kinh nghiệm về quan hệ quốc tế. Ông ấy là một doanh nhân địa ốc, một sớm một chiều trở thành lãnh đạo siêu cường thế giới. Quốc vương Salman của Ả Rập Xê Út cũng thế.

Chúng ta đừng quên không có một ông vua Ả Rập Xê Út nào lên đại học. Họ được đào tạo trong các trường dạy kinh điển, giáo lý đạo Hồi.

Ngay quốc vương Salman, có tiếng cải cách, nhưng chỉ học đại học hoàng gia, học luật Hồi Giáo chứ không phải luật quốc tế.
Do vậy, khi hai người không kinh nghiệm ngoại giao ngồi lại với nhau để luyện phép thì chỉ tạo ra một nồi thuốc nổ.

Thật ra, thông điệp gửi thế giới Hồi Giáo của tổng thống Donald Trump được các nhà bình luận chính trị khen ngợi là rất khôn ngoan, hoàn toàn khác hẳn với những lời tuyên bố bốc đồng, đồng hóa người theo đạo Hồi với khủng bố.
Lời đe dọa Iran chắc là phải có tính toán".

Chuyên gia Denis Bauchard phân tích thêm :

"Phải nghe kỹ tuyên bố của tổng thống Mỹ. Donald Trump pha trộn lẫn lộn, gom hết vào một giỏ : Daech, Al Qaida, tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo, Iran, tất cả đều là khủng bố.

Trong chuyến công du Trung Đông hồi tháng 05/2017, tổng thống Mỹ gửi thông điệp hâm nóng quan hệ giữa Hoa kỳ với thế giới Hồi Giáo nhưng ông lại kêu gọi thay đổi chế độ chính trị tại Iran.

Đúng là Donald Trump quay ngược lại chính sách của Barack Obama hoà giải với Iran. Chính lời kêu gọi này đã làm hài lòng Ả Rập Xê Út và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.

Tuy nhiên, cho đến bây giờ, những tuyên bố hùng hổ nói trên chỉ dừng lại ở đó chưa có những hệ quả cụ thể cũng như chưa thấy Hoa Kỳ có động thái tiến tới hủy bỏ hiệp định hạt nhân tháng 7 năm 2015".

Thóat vòng ảnh hưởng của Hồi Giáo Salafi

Ngoài những lý do nêu trên, xung khắc giữa Riyad và Doha thật ra bắt nguồn từ những tính tóan chiến lược. Phải đi ngược thời gian về năm 1981.

Cảm thấy Iran, dưới sự thống lĩnh của Cách Mạng Hồi Giáo trở thành mối đe dọa, các nước ven biển như Koweit, Bahrain, Qatar và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, hy sinh một phần chủ quyền quốc gia, gia nhập Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh để được Ả Rập Xê Út, hùng mạnh nhất bảo vệ.

Thế nhưng, vào năm 1990, Irak của Saddam đánh chiếm Koweit, đàn anh Ả Rập Xê Út bất lực không bảo vệ các nước nhỏ trong quỹ đạo mà phải cần Hoa Kỳ đưa quân giải cứu dưới ngọn cờ Liên Hiệp Quốc.
Do vậy, Koweit và Qatar ý thức phải tìm cách khác để tự vệ mà vũ khí hiệu quả nhất là phát huy văn hóa ra khắp địa cầu.

Qatar, với lợi thế có trữ lượng khí đốt đứng hàng thứ ba trên thế giới, không ngần ngại đầu tư vào thể thao, giáo dục, du lịch,nghệ thuật, những địa hạt chinh phục cảm tình và thán phục quốc tế.

 Mà muốn khai phóng văn hóa thì phải chống lại những giáo điều hủ lậu. Phải giải phóng ra khỏi Hồi Giáo nguyên thủy Salafi của Ả Rập Xê Út.
Vương triều Riyad, cảm thấy uy thế bị đe dọa, không chấp nhận « ly khai ».

Sử gia Pierre Conesa : "Có rất nhiều nguyên nhân trong đó có lý do tay mơ thiếu kinh nghiệm mà Denis Bauchard đã phân tích.
Ngay trong chính quyền Mỹ cũng có nhiều người ngạc nhiên trước lập trường cực đoan đối với Qatar.

Các hồ sơ bất đồng giữa Ả Rập Xê Út và Qatar rất nhiều và phát sinh từ lâu.
Nhưng theo tôi, xung khắc lớn nhất là chuyện tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo.

Trước thời chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất- năm 1991, Ả Rập Xê Út cũng như Qatar cho thành viên Hồi Giáo chính trị này tị nạn. Từ thời Nasser, Huynh Đệ Hồi Giáo bị Ai Cập truy nã, đàn áp, giải thể.

Khi xảy ra chiến tranh vùng Vịnh, Huynh Đệ Hồi Giáo lên án Hoa Kỳ tấn công Irak. Là đồng minh của Mỹ, Riyad trục xuất Huynh Đệ Hồi Giáo trong khi đó Qatar tiếp tục cho thành viên tổ chức này dung thân.

Chuyện bất đồng thứ hai là Qatar ủng hộ phiến quân Houti ở Yemen chống lại chính quyền trung ương do Riyad hậu thuẫn.
Còn chuyện đài truyền hình Al Jazeera, mà Riyad đòi đóng cửa thì lúc ban đầu mới thành lập, đài truyền hình này được khen là độc lập và có tinh thần phản biện.

Sau đó, Al Jazeera dần dần trở thành công cụ phục vụ đường lối ngoại giao của Qatar, chỉ trích chế độ vương quyền Ả Rập Xê Út cũng như phê phán giới lãnh đạo các nước Ả Rập.

Nhưng nguyên nhân sâu xa làm Ryad căm giận Qatar là một nước nhỏ bé với 200.000 dân bản địa (không kể 2 triệu dân nhập cư) Qatar có tham vọng đóng vai trò quan trọng, ngang ngửa với các nước lớn trên bàn cờ Trung Đông.

Một lý do nữa, cũng rất quan trọng, là lúc xảy ra phong trào Mùa Xuân Ả Rập, Qatar ủng hộ cách mạng đường phố qua tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo ở Tunisie và Ai Cập trong khi Ả Rập Xê Út cố gắng tổ chức kế hoạch phản cách mạng".

Hy sinh Al Jazeera ?

Từ khi khủng hoảng nổ ra, dù bị bao vây, Qatar không đơn độc.
Doha một mặt tuyên bố đủ sức tự cường tự túc lương thực.
Iran tổ chức cầu không vận , Thổ Nhĩ Kỳ cam kết không bỏ rơi Qatar.

Trong hậu trường, các quốc gia Tây phương như Anh, Pháp, Mỹ vận động các bên xuống thang. Đồng minh của Iran, Matxcơva cũng tỏ thái độ chừng mực.
Theo nhiều suy đóan, một giải pháp dung hoà sẽ được các bên chấp thuận để không bên nào bị mất mặt.

Rất có thể đài Al Jazeera, mà một phóng viên đang bị giam không xét xử tại Ai Cập, với cáo buộc tiếp tay tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo bị giải thể, sẽ làm vật tế thần, theo nghĩa phải bớt công kích các chế độ Ả Rập.

Switch mode views: