Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trung Quốc - Liên Hiệp Châu Âu, đồng minh bất đắc dĩ

eu-china

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean Claude Juncker (T), thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (G) và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk tại Bruxelles, Bỉ ngày 29/06/2015.
REUTERS/John Thys/File Photo

Nhân thượng đỉnh song phương tại Bruxelles, mở ra trong hai ngày 01 và 02/06/2017, Liên Hiệp Châu Âu - Trung Quốc tạm gạt sang một bên những bất đồng, để cùng bảo vệ chính sách tự do mậu dịch và thỏa thuận về môi trường đạt được tại thượng đỉnh Paris COP21.

Theo bà Marie Holzman, chuyên gia về Trung Quốc đương đại, "liên minh" Bruxelles - Bắc Kinh là do hoàn cảnh đẩy đưa, vì còn quá nhiều bất đồng cơ bản giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc.

 Marie Holzman là tác giả nhiều cuốn sách về Trung Quốc đương đại, chủ tịch hiệp hội Solidarité Chine, giúp đỡ nạn nhân vụ thảm sát Thiên An Môn.

Chuyên gia Marie Holzman-Paris 01/06/2017

RFI : Kính chào bà Marie Holzman và cảm ơn bà tham gia vào chương trình của RFI Việt ngữ.
Thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu - Trung Quốc lần thứ 19 mở ra tại Bruxelles trong bối cảnh tại Hoa Kỳ, tổng thống Donald Trump chuẩn bị thông báo rút khỏi thỏa thuận chống biết đổi khí hậu.

Trên phương diện thương mại, kể từ khi lên cầm quyền, ông Trump đẩy mạnh chính sách bảo hộ, bảo vệ công việc làm cho người Mỹ.

Bruxelles và Bắc Kinh tỏ ý định liên minh chặt chẽ với nhau hơn để đối mặt với Hoa Kỳ. Bà đánh giá thế nào về bối cảnh chung trong bang giao giữa Liên Hiệp Châu Âu với Trung Quốc ?

Marie Holzman : Không chỉ mới gần đây mà từ lâu nay, quan hệ giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc luôn khá phức tạp.
Nhìn từ phía Bắc Kinh, Mỹ mới là đối tác thương mại chính và Trung Quốc thực ra cũng chỉ nể nang đối tác này thôi.

Còn với châu Âu, Trung Quốc luôn áp dụng đòn "chia để trị". Bề ngoài thì Bắc Kinh luôn khẳng định đối xử bình đẳng với tất cả các thành viên trong Liên Hiệp, nhưng về thực chất, Trung Quốc lại thương lượng riêng với từng nước.
Thậm chí còn không ngần ngại đặt các nước châu Âu trong thế cạnh tranh lẫn với nhau, chẳng hạn như giữa Đức với Pháp, với Ý, hay với Thụy Điển

Nhưng Trung Quốc không mấy quan tâm đến những đòi hỏi của Liên Hiệp Châu Âu trên tất cả mọi vấn đề, như các chuẩn mực lao động, về môi trường

Bên cạnh đó, hồ sơ gai góc nhất trong quan hệ song phương liên quan tới quy chế kinh tế thị trường của Trung Quốc.
Cho tới nay, Liên Hiệp Châu Âu vẫn không công nhận nước này là một nền kinh tế thị trường. Đây là một cuộc đọ sức kéo dài giữa đôi bên.

Trung Quốc rất bực mình về vụ này và đã từng vận động riêng từng nước để được mục tiêu mong muốn.

Trong đợt biểu quyết gần đây nhất về quy chế này cho Trung Quốc, các thành viên châu Âu đã đưa ra nhiều ý kiến khác nhau.
 Không khí cuộc họp rất căng thẳng. Từ đó tới nay, mọi việc đã lắng xuống, nhưng đây vẫn là một chủ đề hết sức nhạy cảm với cả đôi bên.

Đến Bruxelles lần này, phái đoàn Trung Quốc báo trước, quy chế kinh tế thị trường là một "xung khắc" quan trọng với Liên Hiệp Châu Âu.

RFI : Tuy nhiên, Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc dường như đang nỗ lực tìm ra đồng thuận trên ít nhất là hai hồ sơ : khí hậu và thương mại.
Thượng đỉnh Bruxelles mở ra trong bối cảnh nước Mỹ đang chuẩn bị rút lui khỏi hiệp định về môi trường, đã được 196 quốc gia cam kết …

Marie Holzman : Chính xác. Tôi xin nói thêm là quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump trên thỏa thuận COP21 được ký kết tại Paris năm 2015 đang tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc.

Bắc Kinh nghiễm nhiên được cộng đồng quốc tế coi là một quốc gia tiên phong trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu - ít ra là qua lời nói.

Ngược lại, Hoa Kỳ không ngớt bị chỉ trích trên hồ sơ này. Đừng quên rằng năm 2009, tại thượng đỉnh Copenhagen, Trung Quốc đã từ chối cam kết hành động vì môi trường.

 Chỉ sáu năm sau, tại Paris, Bắc Kinh đã thay đổi thái độ. Tôi cho là trong lĩnh vực này, đối thoại Liên Hiệp Châu Âu - Trung Quốc sẽ tích cực và về mặt lý thuyết, đây sẽ là một điều rất tốt cho môi trường.

Tuy nhiên, chúng ta cần thận trọng. Thứ nhất, những tuyên bố về thiện chí chống biến đổi khí hậu là một chuyện, Trung Quốc thực hiện được đến đâu lại là một chuyện khác.
 Bằng chứng rõ rệt nhất là lượng than đá nhập vào Trung Quốc cho đến giờ vẫn không ngừng tăng lên.

Thứ hai là qua việc rút khỏi thỏa thuận COP21, tổng thống Trump một cách gián tiếp nói với các doanh nghiệp Trung Quốc rằng họ cứ việc tiếp tục gây ô nhiễm, mà không sợ bị áp lực của Hoa Kỳ.
Theo tôi đây là tín hiệu xấu đối với môi trường.

RFI : Về vế thương mại thì sao? Donald Trump chủ trương chính sách bảo hộ, trong khi ông Tập Cận Bình thì ra sức bảo vệ tự do mậu dịch.

Marie Holzman : Đấy chính là lý do vì sao lãnh đạo Trung Quốc đã được tiếp đón rất nồng nhiệt tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos.
Tuy vậy, chúng ta cần lưu ý trên vài điểm : ông Tập Cận Bình mạnh dạn bảo vệ tự do giao thương, nhưng ngay trên lãnh thổ Trung Quốc, lại thiếu vắng tự do.

Trung Quốc cần bảo vệ nguyên tắc tự do giao thương, vì chủ yếu sống nhờ xuất khẩu, trong lúc mà sức mua của chính người dân xứ này còn rất thấp. Đó là nguyên nhân dẫn tới dự án Con Đường Tơ Lụa thế kỷ 21 - Một Vành Đai Một Con Đường - mà Bắc Kinh đang nỗ lực thuyết phục quốc tế.
Đây là giải pháp tốt nhất để đưa hàng Trung Quốc sang châu Âu, Trung Cận Đông và châu Phi.

Nhưng ngược lại, ngay trên lãnh thổ Trung Quốc, các dự án đầu tư của Âu - Mỹ lại bị hạn chế đáng kể.

Người Trung Quốc đã mua ruộng nho ở Pháp, nhưng đã có doanh nhân Pháp, hay châu Âu nào mua được cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc hay chưa? Tự do mậu dịch theo cách diễn giải của Trung Quốc chỉ có một chiều.

RFI : Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc liệu có là những đồng minh bất đắc dĩ hay không ?

Marie Holzman : Vâng, có thể nói Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc xích lại gần nhau vì "tình thế".
Nhưng tôi nghĩ chúng ta cần trở lại với cốt lõi của vấn đề. Liên Hiệp Châu Âu về bản chất là một nền dân chủ, cho dù là một nền dân chủ không hoàn hảo.

Còn Trung Quốc thực chất là một quốc gia toàn trị, mà ở đó đảng và Nhà nước kiểm soát tất cả. Người nước ngoài đến Trung Quốc làm việc ngày càng bị kiểm soát chặt chẽ hơn, thậm chí là họ có thể bị bắt giữ dù mang quốc tịch nước ngoài.
Trung Quốc lại thường xuyên vi phạm nhân quyền.

Thành thử tôi cho rằng, đây chỉ là một cuộc hôn nhân khập khiễng. Có quá nhiều khác biệt, đôi bên khó mà chung sống được với nhau một cách lâu dài.

Khó đoán trước là thượng đỉnh tại Bruxelles lần này sẽ đem lại những kết quả cụ thể nào.
Trên thế giới có quá nhiều bất trắc như hiện nay, nếu Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc tìm ra được một mối quan hệ hữu hảo vững bền là điều mà ai cũng mong muốn.

 Nhưng chỉ cần nhìn vào thực tế, Bắc Kinh luôn phủ quyết tất cả các nghị quyết tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trên các hồ sơ như Syria hay Iran trước kia …
Thành thử tôi thiển nghĩ, thượng đỉnh giữa Liên Âu và Bắc Kinh lần này chỉ là một thao tác ngoại giao với những tuyên bố chung chung dễ được tất cả các bên chấp nhận.

Tôi không mấy tin tưởng là châu Âu và Trung Quốc sẽ tạo được một mối liên kết lâu bền.

Switch mode views: