Bầu cử tổng thống Pháp : Làm gì để giải quyết thất nghiệp ?
- Thứ Tư, 29 tháng Ba năm 2017 02:43
- Tác Giả: Thanh Hà
5 ứng cử viên "lớn" trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2017.REUTERS/Patrick Kovarik/Pool
Vẫn còn gần 10 % dân Pháp trong tuổi lao động không có việc làm.
Tổng thống François Hollande coi nhiệm vụ giải quyết thất nghiệp là điều kiện tiên quyết để ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai.
Ông đã thất bại trên mục tiêu này. Một tháng trước bầu cử tổng thống 2017, các ứng viên có trọng lượng đề nghị những gì trên hồ sơ nóng bỏng đó ?
Báo cáo mới nhất của Viện Thống Kê Quốc Gia INSEE cho thấy, trong tháng 2/2017 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp có giảm đôi chút nhưng vẫn còn 3,47 triệu người không có việc làm.
Trong thời gian từ 1975 đến 2012, công nghiệp Pháp mất gần 3 triệu việc làm, 1,4 triệu bị giải tản trong lĩnh vực nông nghiệp và 125.000 chỗ làm trong ngành xây dựng đã bị xóa sổ.
Riêng lĩnh vực dịch vụ, trong cùng thời gian, gần 10 triệu chỗ làm được tạo ra.
Một phần dân Pháp mệt mỏi vì sợ bị gạt ra ngoài thị trường lao động.
Số khác chán nản do không tìm lại được việc làm.
Trong quý đầu 2008, tức là trước khủng hoảng tài chính, thất nghiệp ở Pháp là 6,8 % để rồi dâng cao lên đến 10,2 % vào quý 3 năm 2015 trước khi giảm xuống còn 9,7 % năm 2016.
Nhưng tỷ lệ này cao hơn so với 8 % trung bình trong Liên Hiệp Châu Âu.
Trả lời ban Việt ngữ RFI, chuyên gia kinh tế Eric Heyer, giám đốc Đài Quan Sát Tình Hình Kinh tế Pháp- OFCE lần lượt trình bày và phân tích về các đề xuất của 5 ứng viên đang dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận.
Eric Heyer : “ Một bên là hai ứng cử viên tổng thống Benoît Hamon và Jean-Luc Mélenchon, họ quan niệm thất nghiệp chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ quá kém, người dân không chịu- hay không có phương tiện- để mua sắm và sử dụng các các dịch vụ khác nhau.
Cỗ máy sản xuất, cũng như các công ty cung cấp dịch vụ không thể tuyển dụng thêm nhân viên - thậm chí phải sa thải bớt lực lượng lao động, gây ra thất nghiệp.
Chính vì thế ông Mélenchon chủ trương một chương trình đầu tư quy mô vào cơ sở hạ tầng, tương tự như kế hoạch của Donald Trump ở bên Mỹ. Ứng cử viên của đảng Xã Hội, Benoît Hamon, thì đề nghị bảo đảm một mức thu nhập nhất định cho những thành phần nghèo khó nhất để họ cũng có sức mua, tạo đà cho tăng trưởng và nhờ vậy, giải quyết thất nghiệp.
Mặt khác, ứng cử viên của cánh hữu, đảng Những Người Cộng Hòa LR cho rằng, thất nghiệp ở Pháp là hậu quả của một chính sách tuyển dụng người lao động quá bó buộc.
Thủ tục hành chính quá rườm rà, thuế doanh nghiệp và các khoản đóng góp xã hội của giới chủ quá nặng. Tất cả những yếu tố đó là rào cản, khi một doanh nhân muốn tuyển dụng nhân công.
Nhìn vấn đề dưới lăng kính này, ông François Fillon đề nghị kéo dài thời gian lao động của giới làm công ăn lương, giảm mạnh các khoản trợ cấp xã hội, trợ cấp thất nghiệp sao cho giới chủ được nhẹ gánh. Ông nghĩ rằng đây là giải pháp tốt nhất để đem lại công việc làm cho nước Pháp.
Thế rồi có một lô-gic thứ ba do bà Marine Le Pen, đại diện cho đảng Mặt Trận Quốc Gia cựu hữu đề xuất.
Ở đây quyền lợi quốc gia được đặt lên trên hết nghĩa là nước Pháp cần bảo đảm công ăn việc làm cho ngươi Pháp.
Vẫn theo đảng này, thất nghiệp ở Pháp là do người ngoại quốc đến tranh chỗ làm của các công dân Pháp.
Song song với việc người ngoại quốc tước đoạt việc làm của dân Pháp, còn phải kể tới hiện tượng các hãng di dời cơ sở sản xuất đến những nơi có nhân công rẻ, hàng sản xuất tại Pháp bị hàng ngoại quốc cạnh tranh một cách không bình đẳng, dẫn tới hiện tượng các công ty Pháp phải đóng cửa, sa thải nhân viên.
Cuối cùng, còn một con đường khác mà ông Emmanuel Macron, ứng cử viên phong trào Tiến Bước- En Marche đã chọn : đó là để giải quyết nạn thất nghiệp đã kéo dài thì cần phải sử dụng cùng một lúc hai biện pháp.
Một là kích cầu, để hàng sản xuất ra thì phải có người mua. Hai là giảm bớt gánh nặng cho giới chủ, để họ không ngần ngại khi cần tuyển dụng thêm nhân công. Luật lao động cần phải được linh hoạt hơn ”.
RFI : Theo ông thì giải pháp nào có hiệu quả hơn cả ?
Eric Heyer : “ Không thể nói như François Fillon, là trong trường hợp của Pháp, thất nghiệp do bên các doanh nghiệp không được thuận lợi để dễ tuyển dụng người.
Cho dù chúng ta có cởi trói cho thị trường lao động, cho phép giới chủ dễ mượn thêm người, dễ sa thải khi cần, giảm thuế cho doanh nghiệp, giảm các khoản đóng góp xã hội của giới chủ, nhưng nếu hàng sản xuất mà không có người mua thì liệu rằng các hãng xưởng có tiếp tục tuyển dụng hay không ?
Tôi nghĩ rằng cần phải cải tổ luật lao động và có lẽ đó là điều kiện cần thiết nhưng điều kiện đó không đủ đề giải quyết công việc làm cho 3,5 triệu người thất nghiệp hiện nay tại Pháp.
Những biện pháp kích cung, mà không đi kèm với một số giải pháp để kích cầu thì cũng vô ích. Ngược lại nếu chỉ chú trọng vào vế bơm thêm mãi lực cho người tiêu dùng, như trong chương trình của hai ứng viên đảng Xã Hội và phong trào Nước Pháp Bất Khuất- thì cũng là một sai lầm.
Bởi vì đừng quên là chúng ta đang sống trong một thế giới mở rộng.
Pháp mà đơn phương áp dụng chính sách kích cầu, thì kim ngạch nhập khẩu của Pháp sẽ tăng, tức là người tiêu dùng sẽ mua hàng nhập từ nước ngoài, vì thường họ mua được rẻ hơn.
Chính vì thế tôi cho rằng giải pháp hiệu quả nhất để giải quyết thất nghiệp tại Pháp là dung hòa cả hai quan điểm của một bên là Fillon và bên kia là cặp bài trùng Hamon - Mélenchon.
Điều nguy hiểm trong chương trình của ứng viên cánh hữu Fillon là ông này chủ trương thắt lưng buộc bụng.
Mạnh tay siết lại các khoản đầu tư công hay đứng về phía các doanh nghiệp, giảm đóng góp xã hội của khu vực sản xuất sẽ làm phương hại tới tiêu thụ, một đầu máy của tăng trưởng.
Vấn đề đặt ra là tăng trưởng của Pháp hiện còn mong manh ”.
RFI : Có nghĩa là để đẩy lui thất nghiệp ở Pháp, chúng ta cần chú ý tới cả hai vế « cung và cầu », và nói một cách ví von, thì cái khó là sử dụng « đúng liều » lượng các loại thuốc khác nhau ?
Eric Heyer : “ Đúng. Tất cả vấn đề nằm ở chỗ ‘sử dụng thuốc đúng liều’. Hiện tại chúng ta có những đề nghị vừa thuận lợi cho cả phía các doanh nghiệp, vừa cho tư nhân – tức là những người tiêu dùng, có phương tiện tạo đà cho tăng trưởng.
Ứng cử viên tổng thống Macron, nếu thực hiện đúng chương trình vận động, theo tôi ông này là người có giải pháp tốt hơn cả để đối đầu với nạn thấp nghiệp ở Pháp.
Macron không chủ trương áp dụng biện pháp kích cầu như hai ứng viên cánh tả và cực tả, nhưng cũng không cắt giảm chi tiêu như lập trường của bên cánh hữu.
Tôi nghĩ rằng chương trình của đại diện phong trào Tiến Bước, Emmanuel Macron, sẽ có hiệu quả, bởi vì sẽ không gây trở ngại cho tiêu thụ, qua đó không ảnh hưởng đến tỷ lệ tăng trưởng.
Biện pháp đó không nguy hiểm như những gì François Fillon đề nghị ”.
RFI : Ông nghĩ gì về chiêu bài “ Công việc làm cho người Pháp ” như trong chương trình vận động tranh cử của đảng cực hữu, Mặt Trận Quốc Gia ?
Eric Heyer : " Cần nhớ rằng, trên thị trường lao động, không phải ai cũng có thể làm được bất kỳ việc gì.
Sở dĩ mà nước Pháp phải tuyển dụng người lao động ngoại quốc, bởi vì đó là những công việc là không có người Pháp nào làm được hay chịu làm.
Cũng tương tự, khi người Pháp đi làm việc ở nước ngoài và họ ký được hợp đồng, bởi vì họ có một chuyên môn mà công ty ngoại quốc ấy cần.
Ý tưởng người ngoại quốc vào Pháp cướp công việc làm của người Pháp là hoàn toàn sai lệch.
Thứ hai nữa, cũng cần nhắc lại là kinh thế giới ngày nay thịnh vượng là nhờ các luồng giao thương, nhờ các luồng di dân và tự do đi lại.
Đương nhiên là trong thế giới mở rộng, cần bảo đảm là tất cả các bên đều tôn trọng những luật chơi chung, mà ở đó giới chủ không được phân biệt đối xử, trả lương rẻ hơn cho người lao động ngoại quốc so với người Pháp …
Chỉ có tự do đi lại đó mới cho phép kinh tế tăng trưởng trở lại ".
RFI : Có một điều lạ, là các ứng cử viên tổng thống Pháp không thấy có những đề nghị để tăng năng suất lao động ?
Eric Heyer : " Năng suất lao động đã được nhắc tới nhiều trong cuộc tuyển chọn sơ bộ để chỉ định đại diện cho cánh tả ra tranh cử tổng thống.
Đó chính là động cơ khiến ông Benoît Hamon nói tới khái niệm thu nhập phổ quát.
Điểm khởi đầu của lo-gic đó là máy móc đang từng bước thay thế một số công việc làm của con người, chủ yếu là trong lĩnh vực công nghiệp.
Nói cách khác, tiến bộ kỹ thuật là một trong những nguyên nhân gây ra thất nghiệp trong ngắn hạn.
Thế rồi, đúng như chị nói, 3 tuần trước bầu cử, không ai nói tới năng luất lao động của Pháp nữa. Nhưng cần nhắc lại, Pháp là một trong những nền kinh tế có năng suất lao động cao nhất thế giới.
Trong số các nền công nghiệp phát triển, năng suất lao động tại Pháp vẫn không ngừng gia tăng. Điều đó có nghĩa là để bảo đảm công việc làm cho người dân, Pháp cần có một tỷ lệ tăng trưởng cao hơn so với những nơi khác. Đây chính là một trong những nét đặc trưng và cũng là một mâu thuẫn rất lớn của thị trường lao động Pháp ".
Related news items:
Tin mới
- Syria : Loại trừ Assad không còn là « ưu tiên » của Mỹ - 31/03/2017 17:25
- Nga muốn mở rộng ảnh hưởng ở vùng Bắc Cực - 31/03/2017 02:03
- Chính sách nhập cư của TT Trump: Liệu người châu Á ở Mỹ có bị vạ lây? - 31/03/2017 01:56
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30-03-2017 - 30/03/2017 23:16
- Quan hệ Mỹ-ASEAN : 5 khuyến cáo cho chính quyền Trump - 30/03/2017 22:19
- Cựu Tổng thống Nam Hàn Park Geun Hye bị bắt - 30/03/2017 21:53
- Giới trẻ ''thế hệ Putin'' chống Putin - 29/03/2017 18:00
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 29-03-2017 - 29/03/2017 17:50
- Vương Quốc Anh khởi động tiến trình ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu - 29/03/2017 15:53
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 28-03-2017 - 29/03/2017 03:33
Các tin khác
- Lá chắn THAAD: Ép Hàn Quốc, Bắc Kinh bị phản đòn - 29/03/2017 02:11
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-03-2017 - 28/03/2017 02:28
- Hàng nghìn người biểu tình chống tham nhũng trên khắp nước Nga - 28/03/2017 02:05
- Xâm hại tình dục trẻ em: Phần nổi của tảng băng chìm - 27/03/2017 16:30
- Viện Công Tố Hàn Quốc yêu cầu bắt giữ cựu tổng thống Park Geun Hye - 27/03/2017 16:18
- Hồng Kông: Tân lãnh đạo là một phụ nữ thân Bắc Kinh - 27/03/2017 02:41
- Vòng loại World Cup 2018 : Châu Á đua tranh sôi động - 27/03/2017 02:25
- « Putin muốn phương Tây phải đến gặp ông ta » - 26/03/2017 06:43
- Trung Quốc cưỡng chế tu viện Tây Tạng để "uốn nắn ý thức hệ" - 26/03/2017 01:13
- Hồng Kông chuẩn bị bầu lãnh đạo mới - 26/03/2017 00:47