Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hồng Kông: Tân lãnh đạo là một phụ nữ thân Bắc Kinh

Carrie Lam-HK

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã được bầu làm trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông. (Ảnh chụp ngày 23/03/2017).
REUTERS/Tyrone Siu

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), 59 tuổi, đắc cử trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông trong cuộc bỏ phiếu ngày 26/03/2017.

Các thăm dò dư luận cho đến tận ngày bầu cử đều cho thấy đối thủ của bà dẫn đầu cuộc đua với hơn 30 điểm.

Nhưng chung cuộc, bà Lâm được 777 trên tổng số 1.194 đại cử tri ủng hộ.
Ứng viên về thứ nhì là ông Tăng Tuấn Hoa chỉ được 365 phiếu.

Theo giới quan sát, kết quả bầu cử Hồng Kông đúng như điều Bắc Kinh mong đợi.

Thông tín viên đài RFI tại Hồng Kông, Florence de Changy phác họa chân dung bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga :

« Tân lãnh đạo Hồng Kông, Lâm Trịnh Nguyệt Nga, 59 tuổi đã từng bước vươn lên trong chính quyền mà bà đã bắt đầu tham gia từ năm 1980, ngay sau khi tốt nghiệp đại học Hong Kong University.

Khi đó bà mới 22 tuổi và trong những năm tháng còn là sinh viên, Nguyệt Nga từng tham gia một vài cuộc biểu tình.

Từ đó tới nay, bà đã hoàn toàn vào khuôn phép. Bà từng được cử làm lãnh đạo cơ quan Xã Hội, rồi Phát Triển, trước khi được đề bạt làm nhân vật số 2 trong chính quyền mãn nhiệm của ông Lương Chấn Anh (Leung Chun Ying).

Uy tín của bà đã sứt mẻ trong 5 năm vừa qua vì tham gia chính quyền của ông Lương Chấn Anh. Dù vậy, bà vẫn được công luận xem là một phụ nữ có năng lực : làm việc hiệu quả, quyêt tâm, kín đáo và rất giỏi giang.
 Thêm vào đó, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga lại là một phụ nữ có tài hùng biện.

Về hình thức bề ngoài, bà để tóc ngắn, đeo kính và ăn mặc rất lịch sự, đúng với hình ảnh một phụ nữ nắm vững các hồ sơ.

Tân lãnh đạo Hồng Kông từng theo học ở các trường công giáo và bà luôn là một tín đồ ngoan đạo.
Lập gia đình với một giáo sư toán, bà có hai con trai. Lớn lên tại Wan Chai, một trong những khu bình dân của Hồng Kông trong những năm 1960, bà Lâm đã trở thành một trong những nhân vật ưu tú trong xã hội, kiểm soát một phần lớn kinh tế Hồng Kông.

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga thừa hưởng một Hồng Kông đang bị chia rẽ và phẫn nộ, với xu hướng muốn Hồng Kông độc lập đối với Bắc Kinh tăng cao trong lúc nền kinh tế phần nào bị suy yếu. Tựu chung là tân lãnh đạo Hồng Kông sẽ phải đương đầu với những khó khăn trên mọi phương diện ».

Theo hãng tin Úc Skynews, vào lúc gần 1.200 đại cử tri Hồng Kông bầu chọn tân trưởng đặc khu, ở bên ngoài phòng phiếu, hơn 200 người biểu tình vào sáng nay để đòi quyền bầu lãnh đạo Hồng Kông theo thể thức phổ thông đầu phiếu.

Trong số những người biểu tình, có đông đảo các gương mặt đấu tranh vì dân chủ Hồng Kông thuộc phong trào học sinh, sinh viên, như Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), Lương Quốc Hùng (Leung Kwok Hung) hay dân biểu trẻ tuổi nhất trong Hội Đồng Lập Pháp Hồng Kông, La Quán Thông (Nathan Law).

Switch mode views: