Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07-03-2017

« Tin giả : Lá bài được các chế độ độc tài châu Á ưa dùng »

cambodia-politics


Kim Sok (G), một tiếng nói chống đối thủ tướng Cam Bốt Hun Sen tại Phnom Penh (Ảnh chụp ngày 17/02/2017)
REUTERS/Stringer

Đây là tựa đề bài nhận định trên báo Le Monde ngày 07/03/2017.
Theo tờ báo, cách tốt nhất để dập tắt các chỉ trích và làm cho phe đối lập mất uy tín là nhấn mạnh đến những sai lệch của truyền thông và tung tin sai lệch.

Việc tố cáo tin giả tỏ ra rất cần thiết đối với các chế độ muốn ngăn chặn phe đối lập chính trị.
Nếu tổng thống Hoa Kỳ - nước từ lâu nay vẫn lên lớp về đạo lý – sử dụng thủ đoạn này thì tại sao các chế độ độc tài lại không áp dụng ?

Le Monde cho biết, ông Hun Sen, làm thủ tướng Cam Bốt từ ba thập niên qua, thường xuyên ngăn chặn phe đối lập bằng cách kiện họ vu khống.
 Từ khi tân tổng thống Mỹ vào ngày 24/02 vừa qua, cấm cửa đối với báo New York Times, đài truyền hình CNN hoặc BBC, thủ tướng Cam Bốt Hun Sen đã nhanh chóng sử dụng lập luận của ông Donald Trump để bịt miệng báo chí.

Ngày 27/02, thủ tướng Cam Bốt nói : "Donald Trump hiểu rằng báo chí là một nhóm vô chính phủ".

Trước đó, phát ngôn viên chính phủ Phnom Penh còn hoan nghênh tân tổng thống Mỹ đã nhìn thấy rõ là các thông tin do những cơ quan truyền thông đăng tải không phản ánh đúng tình hình.
Quan chức này "nhắc nhở" báo chí ngoại quốc làm việc tại Cam Bốt và đe dọa là họ có thể bị đóng cửa hoặc bị đuổi về nước.

« Mối đe dọa lớn nhất »

Thủ tướng Malaysia Najib Razak, bị tình nghi tham nhũng, cũng tham gia vào "cuộc đấu tranh chống tin giả".
Ngày 25/02, ông tố cáo làn sóng tin sai lệch được phe đối lập khai thác với mục đích lật đổ chính phủ của ông.
 Thủ tướng Malaysia coi tin giả là "mối đe dọa lớn nhất" và cần "đấu tranh không ngơi nghỉ chống lại mối đe dọa này".

Bộ máy tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc cũng nhanh chóng sử dụng phương pháp trên để bác bỏ những bài viết trên báo chí phương Tây, tiết lộ các vụ tra tấn bạo hành nhắm vào một luật sư đấu tranh cho nhân quyền, ông Tạ Dương (Xie Yang).
Người này bị giam cầm từ một năm nay và đang chờ ngày ra tòa xét xử với tội danh tìm cách "lật đổ" chính quyền.

Sau nhiều tháng bị giam cầm bí mật, ông Tạ Dương đã được gặp luật sư và tiết lộ về các hành động tra tấn.

 Những thông tin này được chuyển đến báo chí. Thế nhưng, vào ngày 02/3, Tân Hoa Xã đã tấn công một luật sư của ông Tạ Dương, tố cáo người này đã sử dụng công luận để gây áp lực đối với cảnh sát và bôi nhọ chính phủ Trung Quốc.
Và hãng tin này kết luận rằng các bài viết về những hành động tra tấn luật sư Tạ Dương chỉ là thông tin giả, sai lệch.

Thực ra, theo báo Le Monde, Trung Quốc chẳng cần đợi ông Trump để áp dụng thủ thuật "hư giả tân văn", khai thác sự lan truyền tin đồn trên internet để bác bỏ các tin thật nhưng về mặt chính trị gây khó chịu.

Sau khi Donald Trump đắc cử, các tranh luận về vai trò trung tâm của mạng xã hội Facebook trong thế giới thông tin tại Hoa Kỳ nẩy sinh và được Bắc Kinh coi là một trắc nghiệm "phê duyệt" các biện pháp mà họ áp dụng : Trung Quốc đã ngăn chặn Facebook từ năm 2009.

Ngày 21/11/2016, Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc nhấn mạnh : "Internet tích chứa một năng lượng tràn trề đi kèm với những rủi ro chính trị bất khả đoán định".

Bình Nhưỡng thử tên lửa, xóm giềng hoảng loạn

Về thời sự Đông Bắc Á, Le Monde cho biết "Bình Nhưỡng lại bắn thử tên lửa".
Vụ thử này đã khiến cho các nước láng giềng xung quanh "hoảng loạn" theo như ghi nhận của Le Figaro.

Nhật Bản và Hàn Quốc đã có những phản ứng tức thì xem đấy như là một hành động "khiêu khích", "vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc", "những hành động cực kỳ nguy hiểm"…
 Về phần mình, Hoa Kỳ cam kết sử dụng "tất cả các phương tiện có sẵn để đối phó với mối đe dọa ngày càng lớn".
Riêng Trung Quốc kêu gọi các bên nên "kềm chế".

Rõ ràng là Bắc Triều Tiên không những đang vừa "thử 4 tên lửa" mà còn vừa thử "lòng nhẫn nại của thế giới" theo như nhận định của nhật báo công giáo La Croix.
Một chi tiết được Le Monde nêu ra một ngày trước khi Bình Nhưỡng thử tên lửa, hôm Chủ Nhật 05/3, Hoa Kỳ đã thông báo nghiên cứu khả năng triển khai việc trang bị vũ khí hạt nhân chiến lược tại Hàn Quốc nhằm mục đích để "răn đe".

« Lotte » :  Tập đoàn Hàn Quốc, nạn nhân của THAAD

Nhưng trong vụ việc này, quốc gia bị "đau đầu" nhất có lẽ là Hàn Quốc. Vì lo sợ cho an ninh, Seoul và Washington hôm qua đã quyết định thúc đẩy nhanh hơn nữa chương trình lắp đặt hệ thống lá chắn tên lửa THAAD tại Hàn Quốc.

Một quyết định không làm cho Bắc Kinh mấy hài lòng. Theo ghi nhận của Le Monde và Les Echos, "Trung Quốc đang gia tăng gây áp lực lên Hàn Quốc" .

Mà nạn nhân đầu tiên chính là tập đoàn phân phối thực phẩm Lotte của Hàn Quốc. Hôm Chủ Nhật, 05/3 nhiều cuộc biểu tình nhỏ đã diễn ra tại thành phố Cát Lâm (đông bắc Trung Quốc) và Tân Trịnh, thuộc tỉnh Hà Nam (đông Trung Quốc). Những người biểu tình đã trương ảnh Mao Trạch Đông, kêu gọi tẩy chay hàng hóa Hàn Quốc.

Theo hai nhật báo Pháp, sai lầm của tập đoàn Lotte là đã chấp nhận nhượng một sân golf cho quân đội Hàn Quốc sử dụng để lắp đặt hệ thống lá chắn tên lửa THAAD.

Le Monde còn cho rằng vụ biểu tình này gợi nhắc lại những gì đã xảy ra cho hãng phân phối Carrefour của Pháp năm 2008 liên quan đến những sự cố diễn ra trong vụ đón đuốc Olympic tại Paris.
Hay như vụ Tokyo quốc hữu hóa một số đảo trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang có tranh chấp với Bắc Kinh năm 2012.

Le Monde cho biết hôm thứ Tư 01/3, tờ Global Times, cơ quan ngôn luận "hiếu chiến" của đảng Cộng Sản đã kêu gọi "người tiêu thụ Trung Quốc hãy là lực lượng chính dạy cho Seoul một bài học".

"Hàng không mẫu hạm" : mốt "thời thượng" cho Hải quân

Trên lĩnh vực quốc phòng, nhất là trên phương diện hải quân, báo Le Monde nhận thấy hàng không mẫu hạm đang trở thành một công cụ rất được ưa chuộng để biểu dương sức mạnh.

"Từ Hoa Kỳ cho đến Trung Quốc, Hải quân đều được trang bị hàng không mẫu hạm", tựa đề bài viết. Hoa Kỳ dưới thời Donald Trump được hứa hẹn cung cấp một hạm đội gồm 12 chiếc tầu sân bay thay vì là 10 như hiện nay.

Hải quân Trung Quốc sau khi đánh trống rềnh rang phô trương chiếc Liêu Ninh mua lại của Nga, cũng đang chuẩn bị hạ thủy chiếc thứ hai Sơn Đông và dự định đóng thêm hai chiếc khác, chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Ấn Độ từ nay đến năm 2020 cũng sẽ trình làng chiếc Vikrant, chiếc tầu thứ hai trước khi đóng thêm một chiếc khác cũng bằng năng lượng hạt nhân.
Anh quốc, sau khi đã cho tạm ngưng hoạt động chiếc HMS-Queen-Elisabeth vào năm 2010 trong vòng 10 năm, sẽ phải đưa ra sử dụng lại vào năm 2021.

Việc quân sự hóa các không gian hàng hải, các tham vọng biển cả của nhiều đại cường mới đang làm thay đổi cục diện.
Và đương nhiên, trong cuộc chơi chiến lược lớn này Pháp cũng không muốn vắng mặt.

Theo Tạp chí Quốc Phòng, số ra mới nhất, được Le Monde trích dẫn “tầu sân bay của Pháp đang tìm lại vị thế của mình trong đời sống chính trị Pháp".
Trong suốt hai đời tổng thống gần đây nhất, từ năm 2008-2016, chiếc hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle đã 6 lần được các tổng thống đến thăm.

Theo các chuyên gia Pháp, việc tham gia các chiến dịch quân sự tại Libya, Irak và Syria đã cho phép chiếc Charles-de-Gaulle tăng cường hợp tác quân sự với đồng minh Mỹ, tích lũy kinh nghiệm và trưng bày những tính năng kỹ thuật có lợi cho ngành xuất khẩu vũ khí của Pháp.

Donald Trump và sở thích "thuyết âm mưu"

Với hàng tựa "Donald Trump dùng thuyết âm mưu mới và nhắm vào Barack Obama", báo Le Figaro nhận định : Ông Trump không giữ lâu được tư thế và "tầm cao" của một vị tổng thống mà ông đã thể hiện khi đọc diễn văn trước Quốc Hội Hoa Kỳ, hồi đầu tuần trước.

Do một số nhân vật trong tân chính quyền đang bị điều tra về việc bí mật liên hệ với Nga trong lúc vận động tranh cử, tân tổng thống Mỹ đã tìm cách đánh lạc hướng bằng cách tố cáo người tiền nhiệm cho nghe lén ông.
Thế nhưng, do không có bằng chứng cáo buộc cụ thể, vụ việc này có thể gây bất lợi cho chính ông Trump.

Hôm Chủ Nhật, 05/03, ông James Clapper, lãnh đạo tình báo quốc gia dưới thời Obama đã kịch liệt bác bỏ thông tin của ông Trump. Đồng thời, giám đốc Cục Điều Tra Liên Bang Mỹ FBI, James Comey, đã đề nghị bộ Tư Pháp cải chính thông tin của tổng thống.

Theo Le Figaro, chỉ có tư pháp Liên Bang, trên cơ sở báo cáo của chính phủ bao gồm những thông tin, chỉ dấu về hoạt động tội phạm hoặc làm tình báo cho kẻ thù, mới có quyền cho phép giám sát công dân Mỹ.
Nếu quả thật là hệ thống điện thoại và các máy tính của ông Trump bị tư pháp cho phép nghe lén, thì có nghĩa là có những nghi ngờ nghiêm trọng đối với ông và cộng sự.

Le Figaro phác họa lại "hành trình" tạo dựng thông tin tố cáo ông Obama nghe lén điện thoại.
Trước tiên, dường như ông Trump có ý tưởng này dựa vào một bài viết đăng trên website Breibart News, do ông Steve Bannon lãnh đạo cho đến tháng Tám năm ngoái.
 Hiện nay, ông Bannon là cố vấn chiến lược của tân tổng thống Mỹ.

Website có xu hướng cánh hữu và thường xuyên chạy theo các thuyết âm mưu, đã nhắc lại những phát biểu của Mark Levin, một nhà báo có tư tưởng cực kỳ bảo thủ.
Ông này khẳng định rằng chính quyền Obama đang chuẩn bị một "cuộc đảo chính thầm lặng" chống lại ông Trump.

Nhà báo này dựa vào một bài viết trên blog HeatStreet, hay đưa tin giật gân, không chính xác, cho rằng chính quyền Obama hồi tháng 10 năm ngoái đã được tư pháp cho phép nghe lén tháp Trump (Trump Tower) vì nghi ngờ có những hành động hợp tác gián điệp với nước ngoài.
Thế nhưng, không một nguồn tin độc lập nào khẳng định là có lệnh nói trên của tư pháp Liên Bang.

Le Figaro kết luận, ông Trump đã cho thấy là ông ưa thích các học thuyết âm mưu, ví dụ trong vòng 5 năm, ông liên tục đưa ra những tuyên bố sai lệch về nơi sinh của tổng thống Obama.

Theo Josh Earnest, nguyên là phát ngôn viên của ông Obama thì tổng thống Mỹ không có quyền đơn phương ra lệnh giám sát công dân Hoa Kỳ.
Đây là cách xử lý khủng hoảng trong nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump bằng cách tung ra các tweet hoặc đưa ra các phát biểu gây bê bối nhằm đánh lạc hướng sự chú ý vào một vụ việc bê bối khác.

Về điểm này, báo Le Monde trong bài "Trump cáo buộc Obama nghe lén, nhưng FBI cải chính" cũng có cùng nhận định với Le Figaro.
Theo quan điểm của tờ báo, các tweet của ông Trump cho thấy hai việc : thứ nhất là tân tổng thống Mỹ muốn đánh lạc hướng công luận trong lúc nhiều nhân vật trong chính quyền đang bị điều tra về việc có liên hệ với Nga.
 Thứ hai, là tổng thống Mỹ đang rất tức giận về việc có nhiều thông tin bị rò rỉ, tiết lộ cho báo chí, gây khó khăn cho chính quyền của ông.

Le Monde còn cho biết thêm là ban phụ trách báo chí và thông tin của tân tổng thống Mỹ đã im lặng trong 24 giờ sau các tweet của ông Trump vì dường như họ cũng bị bất ngờ.
Một ngày sau, phát ngôn viên của tổng thống Mỹ mới ra thông cáo là trong khuôn khổ cuộc điều tra về các hoạt động can thiệp của Nga, các tiểu ban phụ trách tình báo của Quốc Hội nên xác định xem chính quyền Obama trong năm 2016, có hành động vượt quá thẩm quyền hay không.
Thế nhưng, bản thông cáo này cũng không đưa ra được các bằng chứng nhắm vào chính quyền Obama.

Ô nhiễm môi trường, trẻ em là nạn nhân đầu tiên

Đây là lời cảnh báo của các chuyên gia thuộc Tổ Chức Y Tế Thế Giới, được Le Monde trích dẫn lại.
Theo hai nghiên cứu của tổ chức này được công bố hôm qua, ô nhiễm không khí, hít phải khói thuốc lá, uống nước không sạch, thiếu hệ thống y tế và vệ sinh là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của 1,7 triệu trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

Bên cạnh những rủi ro kể trên, báo cáo Tổ Chức Y Tế Thế Giới còn báo động những mối nguy hiểm môi trường "mới" ngày càng đáng lo ngại, có liên quan đến các hoạt động công nghiệp trên thế giới như phơi nhiễm các chất gây ô nhiễm, các chất thải điện và điện tử cũng như là hiện tượng biến đổi khí hậu.

Béo phì : Kẻ thù ẩn mặt của thận

Cũng trong lĩnh vực sức khỏe, Le Figaro báo động mối liên hệ giữa béo phì và chứng suy thận.
 Một mối liên hệ nguy hiểm từ lâu không được để tâm tới.
Thừa cân luôn đi kèm với nhiều bệnh tật có ảnh hưởng trực tiếp đến thận, nhất là các chứng huyết áp cao và tiểu đường, hai căn bệnh chính dẫn đến bệnh suy thận giai đoạn cuối.

Switch mode views: