Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Serguei Kislyak, nhà ngoại giao Nga khiến Trump lúng túng

Serguei Kislyak.


Đại sứ Nga tại Mỹ S. Kislyak (giữa). Ảnh tháng 3/2017.
Brendan SMIALOWSKI / AFP

Sau Michael Flynn đến Jeff Sessions bị cáo buộc có những mối liên hệ mờ ám với chính quyền Matxcơva, qua trung gian một nhân vật then chốt : đại sứ Nga tại Washington Serguei Kislyak.

 Từ tháng 07/2016 nhà ngoại giao này thường xuyên liên hệ với những cố vấn thân cận của ứng cử viên tổng thống, rồi tổng thống tân cử Hoa Kỳ Donald Trump.

Những cuộc điện đàm hay những lần gặp gỡ đó đã buộc cố vấn an ninh của tổng thống Mỹ, tướng Flynn, từ chức sau chưa đầy một tháng chính thức làm việc ở Nhà Trắng.

Cũng những cuộc trao đổi giữa đại sứ Nga tại Washington với thượng nghị sĩ bang Alabama, Jeff Sessions, một những người đầu tiên ủng hộ ứng cử viên Donald Trump, hồi tháng 7 và 9/2016, tức là thời điểm mà chính quyền Obama và tình báo Hoa Kỳ bắt đầu nghi ngờ Matxcơva can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ, có nguy cơ đe dọa chiếc ghế bộ trưởng Tư Pháp của ông này.

 Vậy Serguei Kislyak là ai ?
Năm nay 66 tuổi, Serguei Ivanovitch Kislyak là một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm, đã ba lần được cử sang làm việc ở Mỹ. Tốt nghiệp kỹ sư vật lý tại Matxcơva năm 1973, nhưng chỉ bốn năm sau đó, đã chuyển về làm việc cho bộ Ngoại Giao.

Từ năm 1981 đến 1985, Kislyak được để cử làm thư ký thứ hai của sứ quán Liên Xô tại Liên Hiệp Quốc, trụ sở tại New York. Khi mãn nhiệm, ông được chuyển về sứ quán Liên Xô tại Hoa Kỳ, ở thủ đô Washington cho đến năm 1989 khi bức tường Berlin sụp đổ.
Trong thời gian này, nhà ngoại giao xuất thân là một kỹ sư vật lý có trọng trách theo dõi hồ sơ giải trừ vũ khí nguyên tử.

Bẵng đi một thời gian, từ 1998 đến năm 2003, Serguei Ivanovitch Kislyak được chính quyền Matxcơva đề cử sang Bruxelles làm đại sứ của Nga bên cạnh Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO.
Khi hồi hương, ông được chỉ định làm thứ trưởng Ngoại Giao trong 5 năm.

Tháng 07/2008, Serguei Kislyak trở lại thủ đô Washington trên cương vị đại sứ, trong bối cảnh xẩy ra xung đột giữa Nga và Gruzia.
 Tháng 7/2008 cũng là thời điểm Hoa Kỳ chuẩn bị bầu cử tổng thống, với ứng viên sáng giá nhất là Barack Obama.

Theo như nhận định của giáo sư chính trị học Mỹ Michael McFaul, đại học Stanford, Serguei Kislyak đã nhanh chóng giành được cảm tình của các chính trị gia ở Washington, tạo dựng uy tín trong hàng ngũ các cố vấn của hai chính quyền Mỹ, từ những cộng tác viên thân tín của tổng thống George W.Bush cho đến các quan chức trong chính quyền Obama.

Nicholas Burns, một trong số các quan chức ngoại giao « to » nhất dưới thời tổng thống Bush ghi nhận, đại sứ Serguei Kislyak « rất thông minh, giàu kinh nghiệm, là một nhà ngoại giao luôn chuẩn bị các hồ sơ của ông rất kỹ lưỡng, cho dù là nhân vật này có lối hành xử cứng nhắc, được đào tạo theo trường phái Liên Xô và thường tỏ thái độ thù nghịch đối với Mỹ ».

Sự nghiệp của Serguei Kislyak tưởng như đã phải rẽ sang một khúc quanh khác khi năm 2012, Vladimir Putin quay lại điện Kremlin.
Nhiều người đã tưởng rằng Kislyak bị cựu trùm KGB thất sủng. Nhưng một lần nữa, nhà ngoại giao này lại chứng minh ông có « khả năng thính ứng với mọi tình huống ».
Đại sứ Nga ở Washington đã nhanh chóng sử dụng đúng ngôn ngữ, giọng điệu của Putin để mua chuộc lòng tin của chủ nhân điện Kremlin.
Serguei Kislyak không ngần ngại lên án thái độ « áp đặt » của Mỹ, điều mà « Matxcơva không thể chấp nhận ».

Cũng đại sứ Kislyak đã công khai nhìn nhận, quan hệ Nga-Mỹ đang trải qua thời kỳ « tệ hại nhất, kể cả so với thời kỳ Chiến Tranh Lạnh ».
Lại cũng Serguei Kislyak đã mạnh mẽ lên án Hoa Kỳ và Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO triển khai lực lượng tại Ba Lan và các nước trong vùng Baltic.

Khi phương Tây lên án Nga sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina năm 2014 hay yểm trợ phe nổi dậy ở miền đông Ukraina thì hiếm nhà ngoại giao nào lại thẳng thừng tuyên bố với các quan chức Mỹ rằng « Matxcơva thừa sức để sống mà không cần phải trông chờ vào Âu Mỹ ».

Giới phân tích Pháp lấy làm lạ, là với những tuyên bố « đao to búa lớn » như vậy, với cá tính mạnh mẽ như vậy mà sao các cộng tác viên của tổng thống Trump như bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions hay cựu cố vấn an ninh Michael Flynn lại có thể dễ quên những lần gặp gỡ hay các cuộc tiếp xúc với ông đại sứ Nga.

Câu hỏi mà giới truyền thông Mỹ đang đặt ra là liệu đại sứ Serguei Kislyak được tình báo Nga trao cho những nhiệm vụ gì và ở mức độ nào ?
Trước những nghi vấn Nga can thiệp gây nhiễu bầu cử tổng thống Hoa Kỳ mùa thu năm ngoái, phát biểu tại đại học Stanford tháng 11/2016, đương sự khẳng định « vai trò và nhiệm vụ của ông nằm trong khuôn khổ ngoại giao .

Công việc của ông là tìm hiểu tình hình, hiểu mọi người, cả bên đảng Dân Chủ lẫn Cộng Hòa.
Cá nhân ông do đã làm việc từ lâu năm ở Washington nên ông biết gần hết các chính khách Mỹ ».

Serguei Kislyak sắp trở lại Matxcơva khi mãn nhiệm kỳ đại sứ tại Hoa Kỳ.
Người thay thế ông rất có thể là thứ trưởng Ngoại Giao, đại tướng Anatoly Antonov.
Việc bổ nhiệm này còn phải đợi Hạ Viện Douma thông qua.

Nhìn từ Paris, mọi người chờ đợi, làm đại sứ Nga tại Mỹ dưới thời tổng thống Trump sẽ không phải là công việc nhàn hạ chút nào.

Switch mode views: