Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trao đổi mậu dịch quốc tế hụt hơi

usa-economy-trade


Hải cảng Newark của New York, Hoa Kỳ.REUTERS/Mike Segar

 
Tổ Chức Thương Mại Thế Giới giảm dự báo tăng trưởng.

Lần đầu tiên từ ba thập niên qua, GDP tăng nhanh hơn so với kinh ngạch xuất nhập khẩu.

TAFTA, CETA, NAFTA hay TPP không còn là những từ khóa « ăn khách » kể từ khi đàm phán tự do mậu dịch giữa Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu bị khai tử, Bruxelles và Canada ký kết hiệp định kinh tế và thương mại trễ mất hai tuần so với dự kiến.

Ở Hoa Kỳ, chính quyền mới đã rút khỏi hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương và đang đòi đàm phán lại thỏa thuận với hai đối tác Bắc Mỹ là Canada và Mêhicô.
Làn sóng bảo hộ lại càng gia tăng sau Brexit và sự kiện Donald Trump đắc cử tổng thống.

Trớ trêu thay, tháng 11/2016 một trong những lãnh đạo quốc tế đầu tiên gửi điện chúc mừng Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ là tổng giám đốc Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (OMC/Wto) Roberto Azevedo.
Trong suốt thời kỳ vận động tranh cử, ứng viên đảng Cộng Hòa không ngừng tuyên bố « WTO /OMC là một tai họa ».

Xu hướng chung

Theo nghiên cứu của tổ chức mang tên Global Trade Alert, trong năm 2016 các biện pháp bảo hộ trên thế giới tăng 7 %.
 Riêng WTO ghi nhận mỗi tháng trong năm 2016 có 22 biện pháp bảo hộ được tung ra trên thế giới, thay vì 20 trong năm 2015 và 14 vào năm 2014.
Mỹ không phải là quốc gia duy nhất gây trở ngại.

Bruxelles tăng thuế nhập khẩu thép của Trung Quốc và Nga vào thị trường châu Âu. Bên cạnh đó là hàng loạt các biện pháp bảo hộ trá hình, chẳng hạn như thay đổi các chuẩn mực về y tế, an toàn thực phẩm, lao động … để loại bớt các công ty nước ngoài.

Tại Đức, tỷ lệ ủng hộ tự do mậu dịch đang từ 88 % cách nay hai năm, rơi xuống còn 56 %.
Báo cáo của Ngân Hàng Trung Ương Pháp (Banque de France) được công bố tháng 9/2016, đưa ra con số bất lợi cho giao thương quốc tế : trong thời gian từ 2001 đến 2007, ngành công nghiệp Pháp đánh mất từ 90.000 đến 180.000 việc làm vì bị các công ty Trung Quốc cạnh tranh.

Trong bối cảnh đó, ngày 20/01/2017 Donald Trump chính thức trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ và trong bài diễn văn đầu tiên, tân chủ nhân Nhà Trắng đã nhắc lại ưu tiên « bảo vệ quyền lợi, công ăn việc làm, ngành công nghiệp của Hoa Kỳ là trên hết ».

Trả lời đài RFI Pháp ngữ, giáo sư Akiko Suwa Einsenmann, Trường Kinh Tế Paris PSE, lưu ý đây là lần đầu tiên một vị tổng thống Hoa Kỳ xem các đối tác thương mại như những kẻ thù- ít ra là trong lời nói :

« Đây đúng là một sự thay đổi rất quan trọng. Trong vỏn vẹn một câu nói, tổng thống Trump tuyên bố Hoa Kỳ cần bảo vệ biên cương, bảo vệ việc làm cho người Mỹ, bảo vệ nền công nghiệp của Hoa Kỳ.

Ông xem những đối tác thương mại của Mỹ như kẻ thù muốn cướp đoạt những gì thuộc về người Mỹ … Qua tuyên bố này, tổng thống Donald Trump đã tấn công trực tiếp vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, ông nhắm thẳng vào những khuôn khổ pháp lý quốc tế về trao đổi mậu dịch đã được các thành viên của WTO lập ra.

Nhưng bên cạnh đó chủ trương bảo hộ của ông Donald Trump có nhiều giới hạn, hay nói đúng hơn ban cố vấn của cho tổng thống Hoa Kỳ dường như có những hiểu biết nông cạn : đòi tăng thuế nhập khẩu, hàng nhập vào Mỹ sẽ đắt hơn và khoản phụ trội đó do người tiêu dùng Mỹ hứng chịu.

Chúng ta cũng đừng quên là nhiều tập đoàn Mỹ đã di dời cơ sở sản xuất ra nước ngoài, để giảm chi phí, nhưng hàng làm ra lại được bán trở lại trên thị trường Hoa Kỳ. Đánh thuế nhập khẩu thì chính các hãng của Mỹ cũng bị vạ lây.

Đương nhiên ông Donald Trump có hứa hẹn là đền bù bằng biện pháp giảm thuế doanh nghiệp, nhưng mọi việc không đơn giản như vậy.
Hơn nữa, các hãng của Mỹ hiện nay đều nhập khẩu hàng -hay nói chính xác hơn là nhập cảng các linh kiện được sản xuất từ những nơi có nhân công rẻ để tạo ra sản phẩm rồi từ đó xuất khẩu trở lại.

Điển hình là điện thoại thông minh : điện thoại có thể sản xuất tại Mỹ, tức là được lắp ráp ở Hoa Kỳ, nhưng phụ tùng là hàng mua của châu Á hay Mêhicô … »

Bỏ đàm phán đa phương để xoay qua đối thoại song phương

Giáo sư kinh tế Benjamin Coriat, đại học Paris XIII, xem quyết định của tổng thống Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định tự do mậu dịch Xuyên Thái Bình Dương TPP và đòi đàm phán lại hiệp định Bắc Mỹ NAFTA là một sai lầm :

« Tôi nghĩ là sự tồn tại của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới đang bị chính quyền Trump đe dọa và hơn thế nữa tổng thống Hoa Kỳ còn nhắm thẳng luôn cả vào hai hiệp định tự do mậu dịch quan trọng là TPP và Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ NAFTA.

Đây là điều hết sức đáng quan ngại. Thực tế ai cũng biết WTO đã bị đình trệ từ vài ba năm trở lại đây và Tổ Chức Thương Mại Thế Giới không là một định chế hoàn hảo, nhưng ít ra đấy cũng là một rào cản, bảo đảm là các thành viên phải tôn trọng một số quy định chung và không có WTO thì mậu dịch trên thế giới rơi vào "luật rừng" .

Nước Mỹ của tổng thống Trump chủ quan cho rằng, xóa bỏ các hiệp định đa phương, mang tính ràng buộc, để đàm phán song phương với từng đối tác, và trong cuộc đàm phán đó Hoa Kỳ là nước mạnh sẽ dễ dàng áp đảo đối phương.

Tôi nghĩ đây là một sai lầm, không chỉ với bản thân nước Mỹ và cả với thế giới nữa. Chúng ta cũng biết, thiếu sót của WTO là tổ chức này không đề ra những chuẩn mực về mặt xã hội hay môi trường, nhưng Donald Trump đâu có đề nghị điều gì để cải thiện tổ chức ấy đâu.

Chủ nhân Nhà Trắng chỉ muốn xóa sổ hẳn WTO, xây dựng lại một trật tự thương mại mới mà ở đó tất cả mọi quốc gia phải nghe theo Mỹ, tất cả những quyết định đều phải có lợi cho Hoa Kỳ và phải được xoay quanh những quyền lợi của Mỹ.
 Thử hỏi có ai chịu để Washington áp đặt như vậy hay không ? »

Mỹ tìm cách giải quyết tình trạng nhập siêu

Giới quan sát cho rằng, sở dĩ tân lãnh đạo Nhà Trắng tập trung vào vế thương mại là bởi vì Hoa Kỳ luôn trong tình trạng nhập siêu với các bạn hàng chính, từ Trung Quốc đến Nhật Bản, từ Đức đến Mêhicô.
Chỉ riêng với Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm 2016, thâm hụt của Mỹ lên tới 320 tỷ đô la.

Có điều, như ghi nhận của giáo sư Akiko Suwa Einsenmann, Trường Kinh Tế Paris PSE, tổng thống Trump không phải là người đầu tiên phát minh ra chính sách bảo hộ và Hoa Kỳ không phải là nền kinh tế duy nhất áp dụng chiến lược này.

 Chủ tịch Tập Cận Bình ngoài mặt, tự coi mình là thành trì bảo vệ tự do mậu dịch, nhưng trên thực tế, Trung Quốc là một thị trường cực kỳ « chặt chẽ » và trước Trung Quốc, Nhật Bản cũng đã từng áp dụng các biện pháp ưu đãi doanh nghiệp trong nước để xây dựng mạng lưới công nghiệp trên xứ hoa anh đào.

Giáo sư Akiko Suwa Einsenmann, giải thích :

« Chúng ta đang tập trung nói về chính sách bảo hộ của Hoa Kỳ, nhưng đừng quên rằng Trung Quốc cũng là một nhà vô địch trong lĩnh vực này.
 Rất khó để các tập đoàn ngoại quốc vào Trung Quốc làm ăn. Trong khi đó thì Trung Quốc quảng bá và tìm mọi cách để xuất khẩu hàng hóa của mình, các tập đoàn Trung Quốc đua nhau mua lại các công ty nước ngoài để mở ra những cánh cổng mới, những thị trường mới.

Trước Trung Quốc thì từ những năm 1980-1990 Nhật Bản cũng đã có chiến lược tương tự. Thế rồi, cũng chính Hoa Kỳ khi đó đã gây áp lực với Nhật, đòi Tokyo tăng giá đồng yen so với đô la.
 Mỹ dưới chính quyền Reagan cũng đã đơn phương giới hạn nhập khẩu hàng của Nhật. Để thích nghi với tình huống, các tập đoàn Nhật đã quyết định nâng cấp các mặt hàng bán sang thị trường Mỹ.

Thí dụ như xe hơi bán sang Hoa Kỳ cao cấp hơn và đương nhiên là đắt tiền hơn. Thế nhưng hàng Nhật tốt, nên người Mỹ vẫn mua. Vì vậy các biện pháp bảo hộ đôi khi lại phản tác dụng ».

Chính sách bảo hộ có « truyền thống »

Giáo sư kinh tế Benjamin Coriat, đại học Paris XIII trở lại với truyền thống bảo hộ của Mỹ từ hơn 200 năm qua :

« Thật ra chính sách bảo hộ của Mỹ đã có từ lâu rồi, nhưng tùy từng thời kỳ.
Tôi thấy là có ba giai đoạn đáng chú ý : thứ nhất là sau khi nước Mỹ giành được độc lập và đã phải áp dụng chính sách bảo hộ để phát triển mạng lưới công nghiệp.
 Có thể nói giai đoạn này kéo dài đến tận những năm 1929/1930 khi cuộc đại khủng hoảng bùng nổ.

Kế tới là sau khủng hoảng tài chính 1929, nước Mỹ đã cho ra đời hàng loạt các "công cụ" pháp lý, từ đạo luật Buy American Act (1933) bắt buộc các cơ quan nhà nước phải mua hàng của Mỹ, đến luật Hawley-Smoot (1930) cho phép Hoa Kỳ nâng thuế nhập khẩu từ 39 % lên 53 % …

Ở giai đoạn ba, như vừa nói là chính sách bảo hộ nhắm vào Nhật Bản.
Lần này với tổng thống Trump, ông còn đi xa hơn khi muốn áp đặt một trật tự kinh tế và thương mại mới cho cả thế giới.

 Chúng ta đừng quên rằng không chỉ có vế thương mại, mà chính quyền Washington còn đang muốn xóa bỏ hết mọi luật lệ ràng buộc đối với ngành tài chính ngân hàng.

 Cũng Hoa Kỳ chỉ trích Trung Quốc áp dụng chính sách trợ giá tạo cạnh tranh bất bình đẳng về xuất nhập khẩu, nhưng bản thân nước Mỹ thì đang chuẩn bị áp dụng chính sách trợ giá lợi hại không kém, với biện pháp giảm thuế cho doanh nghiệp ».

Vào lúc mà xu hướng chống toàn cầu hóa đang dâng lên khắp mọi nơi, điều không thể phủ nhận đó là thương mại trên thế giới năm 1993 chỉ chiếm 18 % tổng sản lượng của toàn cầu, năm 2014 tỷ lệ đó này vọt lên thành 30 %.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về triển vọng kinh tế thế giới CEPII, Sébastian Jean cho rằng, trong một chừng mực nào đó, các làn sóng di dời cơ sở sản xuất từ các nền kinh tế phát triển đến những vùng kém phát triển hơn đã « ở phía sau lưng chúng ta », nhưng đòi các tập đoàn thu hồi cơ sở ở rải rác năm châu về nguyên quán là điều không tưởng.

Trong một thế giới cạnh tranh như hiện tại, tập đoàn nào cũng làm tất cả để có thể tiết kiệm được từng xu, từng đồng trên mỗi sản phẩm làm ra.

Giao thương trên thế giới đang trong điểm giao thời, nhưng rồi tiến trình toàn cầu hóa sẽ lại được tiếp tục dưới những hình thức khác, những con lộ rộng thênh thang vẫn đang mở ra cho trao đổi mậu dịch của thế giới.

Switch mode views: