Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-02-2017

Trump bảo hộ mậu dịch : Mỹ cũng bị hại

usa-trump-mattis 2

Donald Trump trong buổi lễ tuyên thệ của bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis, ngày 27/01/2017.
REUTERS/Carlos Barria

Courrier International tuần này dành hồ sơ quan trọng với tựa trang bìa cho nước Mỹ : « Toàn cầu hóa : Nước Mỹ rời cuộc chơi ».

Bên dưới tuần báo ghi nhận là chủ trương bảo hộ mậu dịch của Donald Trump gây xáo trộn thương mại toàn cầu.

Courrier International tự hỏi : Phải chăng đó là một mối đe dọa đối với Châu Âu và một cơ may đối với Trung Quốc ?

Ở trang trong tạp chí nói rõ hơn : Với Trump, Hoa Kỳ chơi lá bài yêu nước trên bình diện kinh tế, để thế giới mỗi người tự lo liệu.
Khúc quanh này là một mối đe dọa đối với Châu Âu nhưng có thể giúp Trung Quốc xuất khẩu mô hình của mình.

Nhưng trước khi trích dẫn những phân tích về tác động đối với các nước khác, Courrier International trong bài xã luận phân tích hệ quả đối với nước Mỹ.

Dưới tựa đề « Ảo tưởng bảo hộ », tạp chí nhìn thấy nước Mỹ, nước nhập khẩu hàng đầu thế giới và xuất khẩu thứ nhì toàn cầu, sẽ lãnh hậu quả đầu tiên, nếu ông Trump đi đến tận cùng trong dự tính của ông và trở lại truyền thống bảo hộ từ thời Chiến Tranh Nam Bắc đến thời giữa hai Thế Chiến (tức cuộc khủng hoảng đầu những năm 1930).

Thời đó thì cũng  « Nước Mỹ trước tiên » để bảo vệ mức sống người lao động Mỹ.
Ngày nay thì Donald Trump cũng có lập luận tương tự, bảo vệ công việc làm người Mỹ trước mối đe dọa hàng nhập khẩu Trung Quốc.

Theo Courrier International, đây là một lập luận mang tính dân túy và không thực tế. Tuần báo nhắc lại là ngay năm 1930, luật Hawley-Smoor quy định đánh thuế 59% trên hàng nhập đã đẩy mạnh xu thế bảo hộ mậu dịch, nhưng Hoa Kỳ đã thụt lùi trên thương trường quốc tế.

Đối với Courrier International, đây là một bài học cần nghiền ngẫm đối với một quốc gia sẽ mất mát nhiều với một chính sách co cụm.

Tại một số thành phố miền Middle West rất lệ thuộc vào xuất khẩu, ví dụ như Colombus-Indiana, một thành phố rất ủng hộ Trump, mà kinh tế dựa hơn 50% vào xuất khẩu, người dân sẽ khám phá hậu quả của chính sách bảo hộ.

Courrier International còn trích dẫn tính toán của báo Anh The Economist, ước tính nếu đánh thuế 35% trên hàng nhập từ Mêhicô và 45% trên hàng nhập từ Trung Quốc và Nhật Bản, thì sức mua của người dân trung bình giảm sụt, và nêu lên con số 11.500 đô la mà mỗi gia đình Mỹ chịu thiệt trong 5 năm, có nghĩa là số 10% gia đình nghèo nhất phải trả một khoản thuế tiêu thụ cao đến 18%.

Ly dị với Mỹ rất khó

Về hệ quả đối với quốc tế, dưới tựa đề « Khó mà ly dị với Mỹ », Courrier International nhìn sang Châu Âu và thấy là Đức sẽ là nạn nhân đầu tiên.
Trích dẫn tờ báo Đức Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung, cho biết là các kinh tế gia đều trong tình trạng báo động, không loại trừ khả năng một cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Hiện thời thì chỉ mới nói đến Mêhicô nhưng chính sách bảo hộ sẽ lan ra những nước có thặng dư thương mại với Mỹ và Đức là nước Châu Âu dễ kích động Trump nhất vì xuất sang Mỹ nhiều hơn là nhập từ Mỹ.
Và nếu áp dụng chính sách bảo hộ thì Đức sẽ mất 1 triệu công việc làm trong các công ty xuất khẩu. Riêng ngành xe hơi xuất sang Hoa Kỳ sử dụng 200.000 người.

Nhiều người đang tự lên tinh thần : Thì đi tìm khách hàng khác ! Thế nhưng điều này không dễ.

Trung Quốc khéo lợi dụng thời cơ

Trung Quốc dĩ nhiên nằm trong tầm nhắm của ông Trump, nhưng thái độ co cụm của Mỹ đã bị Trung Quốc khai thác.
Trích dẫn tờ Minh báo Hồng Kông, bài viết nhắc lại phát biểu của chủ tịch Tập Cận Bình ở Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos (Thụy Sĩ) ngày 17/01, đã lên tiếng bảo vệ toàn cầu hóa kinh tế, ca ngợi tự do mậu dịch, gây hứng thú, nơi cử tọa vốn lo âu trước hướng đi của tổng thống Mỹ Donald Trump.

Không nêu đích danh tổng thống Mỹ, nhưng ông Tập Cận Bình cho là bảo hộ mậu dịch là tự khép mình trong phòng kín.
Phải biết giữ lời hứa, phải tôn trọng luật chơi, không thể chấp nhận hay bãi bỏ tùy hứng. Ông còn hứa « Trung Quốc luôn mở cửa, không bao giờ khép lại ».

Trung Quốc đã thông báo một số điều kiện cho các công ty nước ngoài vào Trung Quốc về vốn liếng hay vấn đề niêm yết ở thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Trung Quốc đã cố cho thấy mình sẵn sàng gánh vác trách nhiệm của một cường quốc.

Trump quả là đã tạo điều kiện cho Tập Cận Bình trên trường quốc tế.
Trước một Trump khó lường, một Châu Âu đón làn sóng tỵ nạn ồ ạt và nghèo đi, chủ nghĩa dân túy lan tràn, và đứng bên bờ tan rã, thì ông Tập Cận Bình đề nghị thế giới đi theo mô hình Trung Quốc.

Nhưng tờ Minh Báo cũng nhắc nhở lãnh đạo Trung Quốc là phải hiểu rằng nếu chỉ dựa trên sức mạnh kinh tế, quân sự, thì chưa đủ mà còn phải cho thấy làm cách nào nâng cao khả năng điều hành đất nước trên bình diện đổi mới định chế, tỏ sự bao dung đối với con người.

Pháp: Fillon là Tartuffe, một ‘'ngụy quân tử'’ phương Tây ?

Ngoại trừ Courrier International – nhìn sang nước Mỹ hay Le Point – dành tựa trang bìa cho nhà văn '‘bất khuất'’ Kamel Daoud người Algeri -các tạp chí đều chú trọng đến ứng viên tổng thống cánh hữu Pháp, François Fillon, bị cuốn vào trong vụ tai tiếng tiền nong và việc làm giả.

Mỗi báo mỗi vẻ, đánh giá sự kiện và tìm hiểu những gì xẩy ra chung quanh và trong hậu trường, với câu hỏi là liệu cánh hữu có thể tìm được '‘kế hoạch B'' thay thế người được cử tri cánh hữu chọn hay không. Đa số có cái nhìn khá chỉ trích về ông Fillon.

Nổi bật nhất là tuần báo L’Obs, thiên tả, trên trang bìa gọi ông Fillon là « Tartuffe Fillon ».
Tartuffe là nhân vật biểu tượng của một kẻ ngụy quân tử đạo đức giả trong tác phẩm của nhà biên kịch cổ điển Pháp Molière.
Tạp chí cũng nhắc lại ở trang trong là nhiều người, trong đó có cựu tổng thống Sarkozy, từng gọi ông Fillon là kẻ gian xảo.

L’Obs quả là không ưa thích ông Fillon, mô tả ông như là một người thích xa hoa, mặc những bộ quần áo đến hơn 8000 euro, mê xe hơi cho dù ông chỉ có một chiếc Toyota và một Peugeot mua cách đây 15 năm.
 Ông có một công ty cố vấn tài chính, môi trường, vấn đề là tên tuổi khách hàng của ông… rất khó tìm.

Đối với báo giới Pháp, một người như thế làm sao có thể kêu gọi người dân chịu khó chịu khổ. Mỗi khi ông nói hay làm điều gì chắc chắn sẽ bị chất vấn. Chẳng hạn như ông không thể giảm biên chế công chức, nói đến tinh thần liên đới mà không bị hỏi ngay là vợ của ông trong nhiều năm đã hưởng trợ cấp hậu hĩnh.

L’Express nói đến « những ngày nghiệt ngã », và nhân dịp này mở rộng chủ đề tìm hiểu những đặc quyền, đặc lợi đối với các nghị sĩ mà theo tạp chí « nên bỏ đi », nhất là khi họ luôn vắng mặt ở nghị trường.

Trong diễn các biến hiện nay, L’Express ghi nhận thái độ nghi kỵ của ứng viên Fillon đối với truyền thông, bị ông chỉ trích là đã bới móc.

Tạp chí đã đặt câu hỏi với chuyên gia về truyền thông Marcel Gauchet. Chuyên gia này công nhận là truyền thông từ vai trò đối trọng cần thiết trong một nền dân chủ, nay đã bị tố cáo là chống quyền lực, tức là cản trở việc thi hành quyền lực, vì muốn tìm hiểu những gì diễn ra ở hậu trường và những mục tiêu thực sự của các chính khách.

Theo ông Gauchet, trong hồ sơ Fillon, truyền thông cũng chỉ làm một nửa công việc của mình, và độc giả cũng như khán giả vẫn cảm thấy chưa thỏa mãn.
 Người ta cũng muốn biết ai đứng sau vụ tiết lộ về Fillon.

Dân Hàn Quốc muốn chấm dứt chế độ ‘'con vua vẫn làm vua'’

Về Châu Á, Courrier International quan tâm đến Hàn Quốc, năm nay, 2017, mừng 30 năm dân chủ hóa, nhưng với cái nhìn không mấy lạc quan. Dưới tựa đề « Chấm dứt với chế độ tài phiệt gia đình trị », tạp chí ghi nhận : Người Hàn Quốc nhận thấy một cách phẫn nộ là nền dân chủ mà họ giành được qua đấu tranh đã dần dà biến thái thành một chế độ ‘'quý tộc'’ gia đình trị.

Courrier trích bài viết trên của một nhà nghiên cứu Chung Sok Jun trên báo Pressian, Seoul, Hàn Quốc, phân tích là những cuộc biểu tình phản đối diễn ra ồ ạt từ tháng 11/2016, có mục tiêu chính là phế truất tổng thống Park Geun Hye, tập hợp những người từ mọi tầng lớp và không hẳn cùng quan điểm trên mọi vấn đề như lương tối thiếu hay lá chắn chống tên lửa.
 Và trên nguyên tắc, thì cuộc tập hợp này kết thúc lúc tòa Bảo Hiến thông qua việc phế truất tổng thống.

Nhưng theo tác giả bài viết, điều này không thể xẩy ra. Sự huy động đông đảo người có khi lên đến cả triệu, bắt nguồn từ việc người dân ý thức họ đang đứng trước một cuộc khủng hoảng, lo ngại nền dân chủ mà họ giành được cách đây 30 năm, vào tháng 6/1987, tụt hậu và trở nên một chế độ quý tộc cha truyền con nối.

Dĩ nhiên Hàn Quốc không còn là chế độ độc tài của Park Chung Hee, cha của bà Park Geun Hye hay của Chun Doo Hwan, nhưng người xuống đường tức giận khi thấy đất nước trong tay một số gia đình.

Bài viết nêu ví dụ vụ xì căng đan lạm quyền của quân sư Choi Soon Sil nằm trong giới quyền thế, thân cận với bà Park Geun Hye từ đời cha, Choi Tae Min, rồi đến chị em, cháu và con của bà, Chung Yoo Ra mà qua những tiết lộ cho thấy đang chuẩn bị '‘nối nghiệp''.

Dĩ nhiên bà Choi không phải trường hợp duy nhất, nhưng là điểm bị phơi ra ánh sáng một thực tế.
Theo bài viết, những người như bà Choi nắm quyền lực rất lớn, người ta càng ủng hộ tổng thống Park, thì quyền lực bà Choi càng lớn.

Liếc nhìn sang lãnh vực kinh tế với các đại tập đoàn Chaebol, thì cũng là hiện tượng cha truyền con nối gia đình trị, như trong vụ Samsung, mà vụ tai tiếng về bà Choi đã rọi sáng.

Bài viết cho là ai cũng biết là các đại tập đoàn công nghiệp vốn như thế, và người ta đã đành chấp nhận. Nhưng một lần nữa chế độ này bị soi rọi với mối lo ngại là cả nước rơi vào tay ‘các người thừa kế’, thế hệ thứ 3, như Lee Jae Yong của Samsung dính vào vụ tai tiếng Choi, là cốt lõi của của nhóm quý tộc mà bà Park Geun Hye là biểu tượng.

Trong bối cảnh này, thế hệ giành được dân chủ, nay vào tuổi hơn 50, đã trở lại biểu tình ồ ạt thời gian qua.

Ngành dễ tìm việc ở Pháp: kỹ thuật số, y tế, kỹ sư, kế toán

Trở lại với nước Pháp, tạp chí L’Obs tuần này dành nguyên một ‘hồ sơ đặc biệt về bằng cấp’ lược qua những lãnh vực bảo đảm tìm được việc làm : kỹ thuật số, y tế, kỹ sư, kế toán. Nhưng hãy thận trọng với các ngành báo chí, in ấn và dịch thuật, việc làm khó khăn hơn nhiều.

Switch mode views: