Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-02-2017
- Thứ Sáu, 10 tháng Hai năm 2017 20:19
- Tác Giả: Thanh Phương
Donald Trump đặt Đài Loan vào một tình thế tế nhị
Tổng thống Mỹ Donald Trump
REUTERS/Kevin Lamarque
Nhân chuyến công du Hoa Kỳ của thủ tướng Nhật Shinzo Abe, tờ Le Figaro hôm nay điểm qua những hồ sơ lớn mà chính quyền Trump phải giải quyết, trong đó đặc biệt có vấn đề Đài Loan.
Với hàng tựa « Đài Loan trong tình thế tế nhị », tờ Le Figaro mở đầu bài viết với câu hỏi : « Phải chăng Donald Trump đã tặng một món quà tẩm độc cho tổng thống Đài Loan khi nhận cú điện thoại của bà, vài tuần sau khi đắc cử tổng thống Mỹ ? ».
Khi muốn bảo đảm sự yểm trợ quân sự của Hoa Kỳ, bà Thái Anh Văn thừa biết rằng hành động này sẽ khiến Bắc Kinh phẫn nộ.
Nhưng chắc là bà không ngờ rằng vị tỷ phú Mỹ sẽ dùng Đài Loan như là món hàng trao đổi trong tương quan lực lượng với Trung Quốc.
Trong vai trò bia đỡ đạn, Đài Bắc có nguy cơ chịu áp lực ngày càng mạnh từ Hoa lục vào lúc quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã trở nên căng thẳng kể từ khi bà Thái Anh Văn lên làm tổng thống.
Thật ra, theo Le Figaro, chính quyền hiện nay ở Đài Loan không hề muốn cắt đứt mọi liên hệ với Bắc Kinh, trong khi vẫn tìm kiếm sự bảo vệ của Mỹ.
Trong kịch bản tồi tệ nhất, Đài Loan thậm chí sẽ bị Trung Quốc trừng phạt kinh tế, bị Hoa Kỳ bỏ rơi, nếu Bắc Kinh chấp nhận những thỏa hiệp với Mỹ, như nhận định của chuyên gia Valérie Niquet, đặc trách châu Á của Tổ chức Nghiên cứu Chiến lược (FRS), được Le Figaro trích dẫn.
Một bộ phận người dân Đài Loan đang sợ rằng Trung Quốc sẽ dùng vũ lực để thống nhất đảo này với Hoa lục, mà tổng thống Mỹ, vốn theo xu hướng biệt lập, sẽ không can thiệp.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định rằng Hoa Kỳ có thể, một mặt duy trì áp lực lên Bắc Kinh và mặt khác, tăng cường quan hệ không chính thức với Đài Loan, nhất là về mặt quân sự.
Hy Lạp lại gây lo ngại
Về châu Âu, Libération đặc biệt quan ngại về nguy cơ Grexit đang trở lại, tức là nguy cơ mà Hy Lạp cũng sẽ ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu do khủng hoảng nợ công.
Mặc dù người dân Hy Lạp từ nhiều năm qua đã thắt lưng buộc bụng, nhưng chính phủ Athens vẫn đang vất vả cố đạt được những mục tiêu mà các chủ nợ đề ra.
Theo Libération từ nhiều tháng qua, đàm phán giữa Hy Lạp và các chủ nợ giậm chân tại chỗ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo rằng cho dù thực hiện đầy đủ những cải tổ đã được thông qua trong khuôn khổ kế hoạch trợ giúp của quốc tế, về dài hạn, nợ công cũng như nhu cầu tài chính của Hy Lạp sẽ « bùng nổ ».
Chính vì vậy mà theo Libération, ở Hy Lạp nay người ta lại nói đến viễn cảnh nước này ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (Grexit), giống như Anh Quốc (Brexit).
Theo lời một nhà nghiên cứu được Libération trích dẫn, người dân Hy Lạp chưa muốn ra khỏi khu vực euro ngay bây giờ, nhưng số người ủng hộ phương án này đang gia tăng đều đặn.
Báo động về Hồi Giáo cực đoan tại Bỉ
Vẫn tại châu Âu, tờ Le Figaro chú ý đến tình trạng Hồi Giáo cực đoan chi phối ngày càng nhiều đền thờ và trung tâm Hồi Giáo ở Bỉ.
Đó là báo động của một tổ chức độc lập đặc trách thẩm định dùm chính phủ Bỉ nguy cơ khủng bố tại vương quốc này.
Trong một báo cáo mật vào tháng 11/2016 và vừa được báo chí Đức công bố, tổ chức OCAM cho biết là ngày càng có nhiều đền thờ và trung tâm Hồi giáo chịu ảnh hưởng của hệ phái wahabisme, tức Hồi Giáo cực đoan.
Hiện tượng này cũng diễn ra trên « mặt trận » truyền hình và Internet. Các tu sĩ theo xu hướng ôn hòa không thể chống cự được và ngày càng bị thua trong « trận chiến » này tại một quốc gia có đến 800 ngàn người Hồi Giáo.
Theo Le Figaro, nhiều nghị sĩ Quốc hội Bỉ đã yêu cầu công khai nguồn tài chính cho những nơi thờ phượng, với hai quốc gia bị nhắm đến nhiều nhất là Ả Rập Xê Út và các quốc gia vùng Vịnh.
Những nước này đào tạo các tu sĩ Hồi Giáo và tài trợ trực tiếp cho các trung tâm Hồi Giáo ở Bỉ.
Thật ra thì những chuyện đó người ta cũng đã biết từ lâu, nhưng cái mới, theo nhấn mạnh của tổ chức OCAM, là có mối liên hệ rõ ràng giữa Hồi Giáo cực đoan với khủng bố.
Đức lo ngại xu hướng bảo hộ mậu dịch
Năm 2016, Đức đã đạt mức thăng dư mậu dịch kỷ lục, nhưng kết quả đó lại gây khó khăn cho cường quốc kinh tế hàng đầu châu Âu này trước các đối tác thương mại. Đó là vấn đề được Les Echos đề cập đến.
Theo số liệu thống kê được công bố hôm qua, trong năm 2016, Đức đã đạt mức thặng dư lên tới 253 tỷ đôla, nhưng chính quyền Berlin lại không dám tỏ ra đắc thắng, trong bối cảnh mà chính sách kinh tế của nước này bị tân tổng thống Mỹ Donald Trump cho là « không công bằng » và bị chủ nhân mới của Nhà Trắng dọa chiến tranh thương mại.
Theo Les Echos, chính phủ Đức ý thức mối nguy hiểm từ sự trỗi dậy trở lại của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, đe dọa đến mô hình kinh tế của nước họ.
Sau Brexit và Donald Trump, nay Berlin lo ngại đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia thắng cử ở Pháp. Cho nên, họ lại rất mừng khi thấy từ tháng 11 đến tháng 12/2016, xuất khẩu của Đức đã sụt đến 33%, trong khi nhập khẩu vẫn ổn định !
Daech và cuồng tín tôn giáo
Tờ nhật báo Công giáo La Croix hôm nay báo động về tình trạng cả trăm thánh địa ở miền Bắc Irak đã bị lực lượng Daech xâm phạm hoặc phá hủy.
Tờ báo nhắc lại rằng, kể từ khi chiếm miền bắc Irak vào năm 2014, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo muốn xóa bỏ mọi vết tích các nhiều thiểu số tôn giáo ở Irak.
Một báo cáo của chính quyền địa phương của vùng Kurdistan Irak đã liệt kê hàng trăm tòa nhà thiêng liêng bị phá hoại hoặc bị xóa hoàn toàn khỏi bản đồ, tại vùng ranh giới giữa vùng Kurdistan với các tỉnh nằm dưới quyền kiểm soát của chính quyền trung ương Bagdad.
Trong số đó có đến khoảng 50 nhà thờ Hồi giáo, cho thấy là lực lượng Daech tấn công cả vào những nơi thờ phụng Hồi Giáo mà họ cho là không « thuần khiết ».
Đau nhất là đền thờ Jonas, được xây từ trước Công nguyên, đã bị những kẻ Hồi giáo cuồng tín đặt mìn giật sập.
Phần hầm của đền thờ này, nơi trước đây là một cung điện và chưa bao giờ được khai quật, đã bị các chiến binh Nhà nước Hồi Giáo, cướp phá sạch.
Như vậy là cho dù đã chiến bại, Daech có thể ăn mừng một chiến thắng của họ : sửa đổi lại địa lý tôn giáo của Irak, đặc biệt là địa lý của Hồi giáo, nay không còn tính chất đa dạng ở địa phương nữa.
Chính trị và kỳ thị tôn giáo, đẳng cấp tại Ấn Độ
Sự phân biệt đẳng cấp vẫn đè nặng lên bầu cử ở Ấn Độ. Đó là đề tài mà La Croix nêu lên qua bài viết của thông tín viên tờ báo này từ New Delhi, nói về cuộc vận động tranh cử ở bang Uttar Pradesh.
Cử tri tại bang đông dân nhất Ấn Độ, với 200 triệu người, sẽ bầu hội đồng lập pháp mới, từ ngày 11/02 đến 08/03.
Đây là một cuộc trắc nghiệm quan trọng đầu tiên, nếu không muốn nói là quan trọng nhất, trong số 5 cuộc bầu cử địa phương đầu năm nay.
Theo La Croix, cũng như vào mỗi lần tranh cử tại quốc gia Ấn Độ giáo này, các ứng cử viên lại dùng chiêu bài phân biệt cộng đồng, đẳng cấp và tôn giáo.
Chiến lược này vẫn rất phổ biến, mặc dù về mặt chính thức không ai thừa nhận việc này.
Tờ La Croix cho biết, tuy Tòa án Tối cao Ấn Độ năm nay đã muốn áp đặt tính chất « phi tôn giáo » của bầu cử, nhưng thói quen tranh cử khó mà bị xóa đi tại một bang mà tổ chức xã hội chủ yếu vẫn dựa trên đẳng cấp.
Ứng cử viên này thì hứa sẽ ban hành lệnh giới nghiêm tại các vùng có đông người Hồi Giáo, ứng cử viên kia thì cam kết sẽ không cho các tín đồ Hồi Giáo đi bỏ phiếu
Pháp và năng lượng tái tạo
Về năng lượng, tờ Libération hôm nay dành đến hai trang để nói về gỗ, năng lượng tái tạo được sử dụng nhiều nhất ở Pháp, qua bài phóng sự ở vùng Côte d’Or.
Tờ báo nhắc lại rằng, từ thuở xa xưa, khi biết làm ra lửa, nhân loại đã sử dụng củi làm năng lượng. Hiện nay, trên thế giới cũng như ở Pháp, củi là năng lượng tái tạo hàng đầu, chiếm tỷ trọng 40% tổng năng lượng tái tạo, hơn nhiều với thủy điện (20 %), điện gió (8%) và điện Mặt trời (3%).
Mục tiêu mà Pháp đề ra là nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên đến 23% vào năm 2020 và trong đó củi vẫn chiếm hàng đầu.
Theo Libération, để năng lượng củi tiếp tục phát triển, không thể chỉ dựa vào nhu cầu sử dụng cá nhân, mà còn phải gia tăng sử dụng củi trong các hệ thống sưởi của các chung cư, nhà máy, trong nông nghiệp hoặc trong ngành dịch vụ.
Trang nhất các báo
Trên trang nhất số đề ngày hôm nay, tờ Le Monde chú trọng đến ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron, đang bị thúc ép phải công bố chương trình tranh cử của ông.
Với hàng tựa « Aulnay. Cây dùi cui ô nhục », tờ Libération trở lại vụ cảnh sát Pháp đánh đập dã man một thanh niên mà họ bắt giữ ở thị trấn ngoại ô Paris này, gây nên một làn sóng bạo động mới.
Nhật báo Công giáo La Croix thì đăng bài phóng sự của phóng viên tờ báo này về những thánh địa bị lực lượng Nhà Nước Hồi Giáo phá hủy ở miền Bắc Irak.
Le Figaro thì nêu bật mối nghi ngại của dân Pháp đối với các loại thuốc chích ngừa và nguy cơ các dịch bệnh sẽ trở lại nếu số người được chích ngừa sụt giảm.
Nhật báo kinh tế Les Echos thì quan tâm đến bảo hiểm nhân thọ tại Pháp, nay không còn được hưởng những lãi suất cao như trước đây nữa.
Tin mới
- Chính sách Biển Đông của tân chính quyền Mỹ đang ở bước đầu - 13/02/2017 15:03
- Mỹ bắt hàng trăm người nhập cư bất hợp pháp - 13/02/2017 01:20
- Mỹ: Trump khoe tài giảm giá xây tường biên giới với Mêhicô - 13/02/2017 00:42
- Đức bầu một chính khách “chống Trump” lên làm tổng thống - 13/02/2017 00:35
- Số phận nhà sáng lập WikiLeaks trong cuộc bầu tổng thống Ecuador - 13/02/2017 00:28
- Edward Snowden bác bỏ khả năng bị Nga bán đứng - 12/02/2017 23:49
- Tranh cử tổng thống Pháp : Truyền thông đoàn kết chống tin giả - 11/02/2017 23:36
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-02-2017 - 11/02/2017 20:01
- Irak : Một chiến binh Daech người Pháp rất nguy hiểm bị tiêu diệt - 11/02/2017 19:01
- Brazil : Huy động quân đội tái lập trật tự, vì cảnh sát đình công - 11/02/2017 16:00
Các tin khác
- Pháp : « Chia sẻ », linh hồn của Thế Vận Hội 2024 - 10/02/2017 18:28
- Tổng thống Donald Trump giữ lời hứa bổ nhiệm thẩm phán phò sinh - 10/02/2017 03:26
- Giáo hội Nhật Bản tôn phong kiếm sĩ Justo Takayama lên hàng chân phước - 10/02/2017 03:13
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09-02-2017 - 09/02/2017 23:31
- Trung Quốc nâng cấp các cơ sở quân sự ở Hoàng Sa - 09/02/2017 21:43
- Mỹ-Trung: Donald Trump gửi thư cho Tập Cận Bình - 09/02/2017 21:00
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08-02-2017 - 08/02/2017 19:12
- Hiu hắt ngành ngoại giao Mỹ những ngày đầu dưới thời Trump - 08/02/2017 17:18
- Quân đội Mỹ nay bị xem là trong tình trạng yếu kém - 08/02/2017 17:06
- Patriots thắng Falcons: 34-28, lập kỷ lục 5 lần thắng Super Bowl - 08/02/2017 03:01