Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trung Quốc : Vương quốc tôm nhiễm độc

shrimp-VN

Tôm, món ăn hấp dẫn nhưng tiềm ẩn nhiều hiểm họa Ảnh : Wikimedia

Có lẽ Trung Quốc khó nhường chức vô địch về thực phẩm độc hại cho bất cứ quốc gia nào.
 Tuần san Bloomberg Businessweek, trung tuần tháng 12/2016, có một phóng sự điều tra công phu cho thấy hải sản độc hại, chứa đầy kháng sinh, từ Trung Quốc, đe dọa toàn thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ, nơi 90% tôm tiêu thụ trong nước là hàng nhập khẩu.

 Nạn thủy sản Trung Quốc nhiễm độc treo lơ lửng nguy cơ bùng phát « đại dịch » vi khuẩn kháng thuốc toàn cầu.

Tạp chí Thế Giới Đó Đây của RFI tuần này trước hết xin giới thiệu.

Bài « Hải sản nhiễm kháng sinh từ Trung Quốc kết thúc trên bàn ăn của bạn như thế nào ? » đưa độc giả đến với vùng châu thổ sông Châu Giang (Zhujiang), tỉnh Quảng Đông, trung tâm của nền công nghiệp nuôi thủy sản lớn nhất thế giới.

Từ trên không nhìn xuống, có thể thấy hàng chục nghìn ao nuôi tôm cá lớn nhỏ, chiếm lĩnh không gian giữa các đô thị và đường xá.
Tại một trang trại nuôi hải sản, phóng viên chứng kiến cảnh nước rửa chuồng trại nuôi heo và ngỗng được trút thẳng xuống ao, nơi đàn cá quẫy, nhảy tưng bừng trong bữa ăn chiều.

a china pond



Một trại cá ở Tứ Xuyên (Xichuan), Trung Quốc. Ảnh chụp năm 2013.
REUTERS/Stringer

Từ hàng ngàn năm nay, người nông dân khu vực này đã quen với nền kinh tế liên hoàn vườn-ao-chuồng.

Tuy nhiên, việc sử dụng nhiều loại thuốc kháng sinh cực mạnh trong chăn nuôi, gắn liền với một nền sản xuất chạy đua nâng cao sản lượng, với bất cứ giá nào, đã phá vỡ thế cân bằng sinh thái, và trở thành một mối đe dọa đối với nền y tế toàn cầu.

Tháng 11/2016, Trung Quốc mới ra lệnh cấm sử dụng kháng sinh Colistin, một loại kháng sinh đặc biệt chỉ được sử dụng trong trường hợp bất khả kháng.
Colistin đã được dùng rộng rãi, như một thành phần phổ biến trong thức ăn cho vật nuôi.

 Tại một trại nuôi thủy sản ở Châu Giang, phóng viên phát hiện gần mười loại kháng sinh được dùng trong thức ăn chăn nuôi, trong đó có nhiều loại bị Tổ Chức Y Tế Thế Giới coi là « nguy hiểm cho sức khỏe con người ».

Theo các nhà nghiên cứu, 90% kháng sinh được dùng cho heo, sẽ được thải qua đường phân và nước tiểu sau đó, và tác động trực tiếp đến môi trường nuôi thủy sản.
Một năm ước tính có đến hơn 200 tấn kháng sinh được thải ra cửa sông Châu Giang.

Việc sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi trong chăn nuôi là nguyên nhân trực tiếp của tình trạng vi khuẩn kháng thuốc gia tăng đột biến.
Một cuộc điều tra trên toàn Trung Quốc cho thấy khoảng từ 42% đến 83% dân cư khỏe mạnh có các vi khuẩn đường ruột mang « men beta-lactamase phổ rộng (ESBL) », tức có khả năng kháng lại thuốc peniciline và nhiều biến thể của kháng sinh này.

Theo điều tra của tuần san Bloomberg Businessweek, trong một thời gian dài, người ta cho rằng nguyên nhân của vi khuẩn kháng thuốc gắn liền với việc lây nhiễm qua con đường du lịch.

 Nhưng vào năm 2015, nhà vi sinh học  Michael Mulvey, thuộc Phòng thí nghiệm quốc gia vi sinh tại Manitoba, tỉnh bang miền tây Canada, là người đầu tiên nhấn mạnh đến nguyên nhân hàng đầu của vi khuẩn kháng thuốc là do thủy sản, sau một loạt xét nghiệm, điều tra.

Tôm độc Trung Quốc tàng hình vào Mỹ

Theo một số nghiên cứu y tế, hàng năm có khoảng 700.000 người chết vì vi khuẩn kháng thuốc.
 Với đà hiện nay, các nhà khoa học cảnh báo, chỉ trong vài thập niên nữa, số người thiệt mạng vì nguyên nhân trên có thể lên đến hơn 10 triệu người, tức tương đương với số người tử vong do ung thư hiện nay.

Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu thủy sản đứng đầu thế giới, chiếm khoảng 60% thủy sản (nuôi trên đất liền) xuất khẩu toàn cầu, với doanh số 90 tỉ đô la. Nạn thủy sản nhiễm độc tại Trung Quốc (và những nơi có cách làm ăn tương tự) đang treo lơ lửng trên đầu nhân loại nguy cơ bùng phát « đại dịch » vi khuẩn kháng thuốc toàn cầu.

Phóng viên Bloomberg ghi nhận một thực tế là, trước năm 2011, 75% lượng tôm nhiễm kháng sinh nặng vào Hoa Kỳ có nguồn gốc Trung Quốc, chỉ có 6% là từ Malaysia.

 Tuy nhiên, trong năm 2015, 77% tôm nhập vào Mỹ bị phát hiện nhiễm kháng sinh là từ Malaysia. Như vậy, liệu có thể nói trong hiện tại Trung Quốc không còn là trung tâm xuất khẩu tôm độc ?
Vi khuẩn Escherichia coli bacteria (còn gọi là vi khuẩn đại tràng) có khả năng tiết ra Men beta-lactamase phổ rộng (ESBL), kháng lại nhiều thuốc kháng sinh mạnh.

coli


Vi khuẩn Escherichia coli bacteria
Ảnh : Wikipedia

Đối chiếu lượng tôm sản xuất một năm tại Malaysia khoảng 32.000 tấn, trong đó phần lớn tiêu thụ tại chỗ (18.000 tấn) và xuất sang Singapore (12.000 tấn), với lượng tôm (được coi là của) Malaysia xuất trực tiếp sang Hoa Kỳ (trung bình 20.000 tấn/năm), Bloomberg nhận xét : Lượng chênh lệch là quá lớn ! (gần 20.000 nghìn tấn tôm chênh lệch ắt hẳn phải đến từ một nước thứ ba).

Nhiều thông tin từ các nhà điều tra Mỹ cho thấy doanh nghiệp Trung Quốc đã sử dụng Malaysia làm địa điểm trung chuyển chính, để xuất tôm nhiễm độc kháng sinh sang Hoa Kỳ.

Sau khi con đường trung chuyển qua Malaysia bị phát hiện, có dấu hiệu cho thấy, trong năm 2016, doanh nghiệp Trung Quốc lại sử dụng ngả đường Ecuador, một quốc gia Nam Mỹ (1).

Alibaba buộc phải tấn công doanh nghiệp hàng giả

Thực phẩm độc hại là một mối lo hàng đầu trong số 10 nỗi lo lớn của chính người Trung Quốc trong năm 2016, theo một nghiên cứu của đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh.
Đích thân ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, trong một phát biểu đầu năm mới 2017, đã phải hối thúc trừng phạt nặng tay hơn đối với các cơ sở vi phạm.

Một báo cáo của chính quyền Trung Quốc, công bố ngày 24/12/2016, thừa nhận riêng trong ba quý đầu năm 2016, đã phát hiện được hơn 500.000 trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm.
Bắc Kinh tỏ ra kiên quyết trong vấn đề này. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng rất có thể đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Thực phẩm độc hại và hàng giả là các tệ nạn lớn của Trung Quốc, để lại những hệ quả vô cùng lớn cho thế giới.
Một trong những con đường phổ biến hàng giả, độc hại chính hiện nay là qua thương mại điện tử. Nhưng dường như gió đang xoay chiều.

Một sự kiện được truyền thông đặc biệt chú ý là việc, ngày 21/12/2016, mạng thương mại điện tử Taobao của tập đoàn Alibaba của tỉ phú Jack Ma bị lọt vào danh sách đen của Mỹ (USTR – Văn phòng đại diện Thương Mại Mỹ), với tư cách là « một trong những thị trường nổi tiếng » vì « cho phép và tạo điều kiện cho bán hàng giả ».

Trước các áp lực bị đưa vào danh sách các công ty bất hảo, Alibaba hồi tháng 10/2016 thông báo đã rút khỏi mạng 380 triệu sản phẩm trong vòng 12 tháng, gấp đôi so với năm 2015.
Trong một cuộc điều tra do chính Trung Quốc tiến hành, tỉ lệ hàng được coi là thật trên Taobao của Alibaba chỉ là 37,3%, so với mức 58% trung bình của thế giới.

Ngày 05/01/2017, Alibaba thông báo khởi kiện hai công ty bán hàng trên mạng Taobao, vì quảng cáo các đồng hồ giả mạo, với khoản tiền đề nghị bồi thường tương đương 193.000 euro.

Đây là lần đầu tiên Alibaba buộc phải tấn công vào các khách hàng doanh nhân, vốn là nguồn thu màu mỡ của tập đoàn thương mại điện tử số một Trung Quốc (xem thêm : « Alibaba, bộ mặt mới của tư bản Trung Quốc », RFI, 23/09/2014).

Tăng trưởng thương mại và đà diệt vong của sinh giới

Trong lĩnh vực sinh thái, có một nghiên cứu quan trọng được công bố vào đầu năm 2017 này.
Theo AFP, ngày 04/01, một nhóm các nhà khoa học đã cho ra đời một bản đồ atlas toàn cầu, chỉ rõ hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản đe dọa nghiêm trọng sự sống còn của rất nhiều giống loài sinh vật.

Tấm bản đồ, được đăng tải trên tạp chí Nature Ecology and Evolution, đã chỉ rõ mối liên hệ mật thiết giữa xu thế diệt vong của nhiều loài động, thực vật và các sản phẩm nhập khẩu.
 Gần 7.000 giống loài bị đe dọa diệt vong, theo Liên Minh Quốc Tế vì Bảo Tồn Thiên Nhiên (UICN/IUCN), và nơi phát xuất và nơi nhập hàng trăm sản phẩm thương mại đã được nhóm nghiên cứu xem xét.

Để sản xuất cà fê hay đậu tương, nhiều diện tích rừng rộng lớn bị tiêu hủy tại đảo lớn Sumatra (Indonesia) hay tại vùng Mato Grosso (Brazil), dẫn đến hàng chục loài động vật, thực vật không còn môi trường sống.
Cụ thể như việc Malaysia xuất khẩu gỗ sang châu Âu và Trung Quốc, đã tước đi môi trường của voi, gấu Mã Lai hay loài chim ưng Clanga Clanga....

Một trong hai tác giả của nghiên cứu nói trên, nhà khoa học Keiichiro Kanemoto, đại học Shinshu Matsumoto (Nhật Bản), giải thích : Atlas này cho phép xác định được « những điểm nóng » tuyệt chủng, có mối liên hệ trực tiếp với tình trạng tiêu thụ sản phẩm ở một số quốc gia.

Công trình nói trên « có thể tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa người tiêu thụ và người sản xuất » để xác định các vùng ưu tiên can thiệp khẩn cấp.
Vẫn theo nhà nghiên cứu Nhật Bản, hiện nay, 90% trong số 6 tỉ đô la được huy động hàng năm để cứu các giống loài đang lâm nguy được sử dụng tại các nước nghèo, trong khi đó tuyệt đại đa số các « điểm nóng » nằm ở các nước đang phát triển. Atlas nói trên cho phép điều chỉnh lại xu thế lệch lạc này.

Các tính toán nói trên không bao hàm tình trạng buôn lậu động vật (với doanh số lên đến khoảng 150 tỉ đô la/năm) hay các nguyên nhân khác dẫn đến tuyệt chủng, như đô thị hóa hay Biến đổi khí hậu.

 Theo giới chuyên gia, Trái đất đang đứng trước đợt Tuyệt chủng sinh giới lần thứ 6 kể từ 500 triệu năm qua.
Trong vòng vài thế kỷ trở lại đây, số loài tuyệt chủng tăng gấp hàng trăm lần.

Châu Âu : Dùng drone truy lùng ô nhiễm biển

Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có một tin vui. Hôm thứ Ba, 10/01, một công ty Pháp (CLS), chuyên về đại dương học không gian, thông báo cùng với một đối tác Bồ Đào Nha, bắt đầu cung cấp cho Cơ Quan An Ninh Biển Châu Âu (ASEM) các máy bay không người lái, có chức năng truy tìm ô nhiễm trên biển, do dầu mỏ.
 Theo công ty CLS, đây là lần đầu tiên thế giới sử dụng phương tiện này để thực hiện nhiệm vụ nói trên.

Drone của CLS, có sải cánh 4 mét, hoạt động độc lập trong vòng 8 đến 10 giờ, cũng có thể sử dụng vào các hoạt động chống buôn lậu hay đánh bắt hải sản lậu.
Ước tính hàng năm khoảng 6 triệu tấn dầu rớt xuống biển. Cho đến nay, việc theo dõi ô nhiễm trên biển chủ yếu do các vệ tinh, nhưng các phương tiện này không theo dõi được thường xuyên các vùng biển của châu Âu.

« Công trái định cư » Hung phá sản

Khép lại chương trình Tạp chí Đó đây tuần này, xin giới thiệu với quý vị về một đề tài khác : Đó là sự phá sản của chính sách khuyến khích mua công trái, đổi lấy thẻ định cư của chính quyền Hungary.

Trong vài năm trở lại đây, cũng giống như một số nước châu Âu, Budapest tung ra chính sách nói trên, với các điều kiện được đánh giá là rất dễ dãi, để hy vọng thu hút ồ ạt ngoại tệ.
Nhưng trước nhiều chỉ trích ngày càng mạnh mẽ trong xã hội, đặc biệt nhắm vào tính chất mờ ám của chương trình, chính quyền Hungary quyết định đình chỉ « công trái định cư » vào cuối tháng 3/2017.

 Thông tín viên Hoàng Nguyễn từ Budapest giải thích :

« Lý do chính quyền đưa ra là trong năm qua nền kinh tế Hung có sự hồi phục và phát triển, không cần đến nguồn ngoại tệ thông qua công trái định cư nữa.
Tính cho đến đầu năm nay, Bộ Nội vụ Hungary cho hay đã có hơn 10.000 người ngoại quốc được thẻ định cư vĩnh viễn tại Hungary - đồng nghĩa với định cư tại Liên Âu - thông qua chương trình này, trong đó đại đa số là người Hoa, sau đó tới Nga, Pakistan, Iran, Irak, Ukraine, Syria và Liban.

Theo một số bình luận thì mục tiêu ban đầu của chính quyền Hung là "khiến đất nước có nguồn đầu tư rẻ và đảm bảo", đã không đạt được trong thực tế vì các lý do sau.

Về kinh tế, theo tính toán của nhật báo "Dân tộc Hungary", Budapest đã bán ra được lượng "quốc trái" trị giá 1 tỷ euro, nhưng kỳ thực nước Hung không những không có lợi lộc gì với chương trình này mà còn thiệt hại nhiều, vì các khoản phí thu được đều vào hết túi những “công ty ma”, những nhóm lợi ích thân chính phủ, được trao nhiệm vụ bán “quốc trái” thông qua những thủ tục trung gian nhiêu khê.

Nhiều tính toán cho thấy, với lãi suất mà sau 5 năm chính quyền Hung phải trả, nước Hung có thể vay vốn ở bất cứ đâu vẫn có lợi hơn là thông qua chương trình này.

Về an ninh, chương trình công trái định cư có lợi cho người ngoại quốc nhiều tiền, nhưng cũng bị phe đối lập Hungary kịch liệt chỉ trích, vì họ cho rằng chính quyền luôn bài xích người tỵ nạn (thật ra hiện chỉ có chừng 500 người đang trong thủ tục cứu xét), nhưng lại mở rộng vòng tay đón những người nhập cư giàu có, với những điều kiện hết sức dễ dãi.

 Đây là yếu tố có thể ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của Hung. Bởi lẽ, theo thông tin của truyền thông đối lập, đã có một số nhân vật từng phạm tội hoặc có những mối quan hệ mờ ám đã lọt vào Hungary qua con đường công trái định cư.

Báo giới Hung cho hay, trong những tháng cuối, thị trường bán công trái định cư vẫn sôi động, đặc biệt là tại một số quốc gia Ả Rập, Trung Á... nơi công trái được rao bán trong cả... siêu thị, và nhất là ở Trung Quốc ».

Riêng về Trung Quốc, theo một số người quan tâm đến chủ đề này, trong chiến dịch quảng bá cho chương trình « công trái định cư », người ta thường lưu ý khách hàng đến hai ưu thế lớn của nước Hung, cũng như của châu Âu nói chung, đó là giáo dục và môi trường, y tế.

Các quảng cáo bán công trái định cư trên báo chí Trung Quốc nhấn mạnh đến tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hàng đầu thế giới tại nước này, như một lý do chủ yếu khiến những người khá giả tại Trung Quốc cần tính đến mục tiêu « tị nạn môi trường ».

----

(1) Tuần san Bloomberg Businessweek cũng nêu một ví dụ cho thấy chính quyền Mỹ dường như bất lực trước các đường dây xuất khẩu tôm từ Trung Quốc qua các ngả trung gian.
Cuối năm 2014, bộ Thương Mại Mỹ có được các tài liệu cho biết công ty nuôi thủy sản Trung Quốc Zhangjiang Newpro đã đưa hàng vào Mỹ, nhưng không nộp thuế, thông qua một số công ty trung chuyển.

Nhân viên của công ty thủy sản Trung Quốc nói trên, tên là Kai Hua Tan, cũng chính là chủ nhân của Ocean Rancho, đặt trụ sở tại California, chuyên nhập khẩu tôm từ Malaysia. Kai Hua Tan lại có quan hệ với Tasty Goody Chinese Fast Food, chuỗi tiệm ăn nhanh, gồm 11 quán ăn tại California.

Bị bộ Thương Mại Mỹ yêu cầu nộp phạt, công ty Ocean Rancho tuyên bố phá sản và giải thể.
Cùng trong thời gian đó, xuất hiện một công ty mới, mang tên Mita Group, có cùng địa chỉ và số điện thoại mà Ocean Rancho đã sử dụng.
 Hồi 2015, vẫn theo Bloomberg Businessweek, Mita Group khẩu nhập ít nhất là hơn 300 tấn tôm vào Mỹ từ Ecuador.

Switch mode views: