Vở kịch Pháp Việt "Sài Gòn"
- Thứ Sáu, 13 tháng Giêng năm 2017 20:12
- Tác Giả: Thanh Phương
Tòa Đô Chánh Sài Gòn năm 1956.DR
Kết nối nước Pháp của năm 2017 với Sài Gòn thời năm 1956, đó chính là mục tiêu của vở kịch Pháp Việt mang tên « Sài Gòn », quy tụ 3 diễn viên trẻ của Việt Nam, 5 diễn viên Pháp và 3 diễn viên Việt Kiều, dự kiến sẽ ra mắt khán giả Pháp vào năm tới.
Đứng ra dàn dựng vở kịch này là Caroline Guiela Nguyen, một cô gái mang hai dòng máu Pháp Việt, thuộc đoàn kịch Les Hommes Approximatifs, ở Valence, vùng Rhones-Alpes.
Nhân chuyến viếng thăm của tổng thống Pháp François Hollande tại Việt Nam ( từ 05/09 đến 07/09/2016 ), tối ngày 06/09, trong khuôn viên Tòa Tổng lãnh sự Pháp ở Sài Gòn, chúng tôi đã có dịp gặp cô Caroline Nguyen và ông Trần Nghĩa Hiệp, một trong 3 diễn viên Pháp gốc Việt sẽ tham gia vở kịch « Sài Gòn ».
Caroline Nguyen thổ lộ rằng, tuy đã được biết về Việt Nam qua người mẹ, nhưng chỉ đến gần đây cô mới thật sự hiểu hơn về quê hương của mẹ mình :
« Mẹ tôi vẫn thường trở về quê hương của bà và tôi đã lớn lên với những phong cảnh Việt Nam ở nhà tôi.
Nhưng tôi cũng đã mất nhiều thời gian mới thật sự gặp được Việt Nam, vì lần đầu tiên tôi về thăm đất nước, đi cùng với bố tôi, là vào năm 16 tuổi.
Chỉ đến thời gian gần đây tôi mới hiểu rõ hơn về Việt Nam, bỏ nhiều thời gian hơn cho Việt Nam, khi tôi bắt đầu làm việc ở Việt Nam, bởi vì lúc đầu đất nước này đối với tôi vẫn còn là cái gì khá trừu tượng, cho dù mẹ tôi thường nói chuyện qua điện thoại bằng tiếng Việt, ở nhà tôi thường ăn các món Việt Nam, và 9 người cậu mợ tôi, ông bà ngoại tôi đều là người Việt.
Có thể nói là nhờ làm việc cho dự án này mà tôi thật sự hiểu rõ hơn về quê hương gia đình tôi. »
Chính là qua việc gặp gỡ các diễn viên Việt Nam, tuyển dụng họ cho vở kịch, tiếp xúc với những người phiên dịch, thuê rạp, tập dợt mà cô Caroline Nguyen có những hoạt động cụ thể với thành phố Sài Gòn và hiểu rõ hơn về thành phố này.
Cô cũng tự hào là đến Việt Nam lần này không phải là với tư cách một du khách, mà là đến bằng visa làm việc.
Nhưng vì sao cô chọn Sài Gòn là bối cảnh cho vở kịch, thay vì chọn Hà Nội, một thành phố khác cũng mang đậm dấu ấn của Pháp ở Việt Nam. Cô Croline Nguyen giải thích :
« Trước hết là vì mẹ tôi sinh ra ở Sài Gòn, tôi cũng rất thường đến Sài Gòn, và Sài Gòn không có cùng lịch sử thời thuộc địa như Hà Nội.
Vở kịch của chúng tôi là nhằm kể về câu chuyện quá khứ cũng như hiện tại giữa Pháp và Việt Nam.
Sài Gòn là mảnh đất lý tưởng nhất cho cuộc tìm kiếm của chúng tôi.
Cũng như tất cả những vở mà đoàn kịch chúng tôi đã dàn dựng, vở kịch này không có kịch bản cố định, mà chính các diễn viên và các thành viên khác trong đoàn sẽ tự ứng khẩu ra kịch bản.
Chúng tôi cần đến các diễn viên Việt Nam, diễn viên Việt kiều, lẫn diễn viên người Pháp, chính là vì vở kịch sẽ được dựng dựa trên những câu chuyện từ những người có nguồn gốc khác nhau đó. »
Đối với ông Trần Nghĩa Hiệp, việc chọn Sài Gòn làm bối cảnh của vở kịch cũng là một điểm thuận lợi vì ông biết rõ thành phố này hơn :
« Đó là một điểm rất thuận lợi, vì từ lâu tôi vẫn ao ước và vẫn nhớ mãi cái tên Sài Gòn trong tim.
Trong vở kịch này cô Caroline Nguyen muốn dựng lại một câu chuyện, câu chuyện của những người xa quê hương và của những người trẻ sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn.
Chúng tôi muốn mang về những gì chúng tôi biết từ xưa ( về thành phố Sài Gòn ) cho những người trẻ ở Việt Nam.
Đó là điều chúng tôi vẫn nghĩ đến và chúng tôi rất hãnh diện được tham gia vào một chương trình văn hóa Pháp Việt này.
Đây là một vở kịch tựa là « Sài Gòn », nên sẽ có những người lớn tuổi sống xa quê hương gặp gỡ với những người trẻ lớn lên ở Việt Nam và gặp gỡ những người Pháp về viếng thăm Sài Gòn.
Người Pháp vẫn muốn tìm hiểu về văn hóa Việt Nam trước đây và hiện nay có khác biệt như thế nào, và để cho hai dân tộc chúng ta biết nhau nhiều hơn qua vở kịch này."
Khung cảnh của vở kịch chính là một nhà hàng Việt Nam, nơi mà mọi người có thể vừa ăn uống, ca hát, khiêu vũ và kể cho nhau những câu chuyện.
Nhưng khung cảnh này sẽ đưa khán giả du hành trong không gian lẫn thời gian vì trong đó ta có thể nhìn thấy nước Pháp của thời điểm 2017 và Sài Gòn của thời năm 1954.
Theo Caroline Nguyen, họ không gặp khó khăn gì đặc biệt khi làm việc với các diễn viên có nguồn gốc, có ngôn ngữ khác nhau, mà trái lại chính sự khác biệt đó làm phong phú thêm cho vở kịch :
« Chúng tôi không gặp khó khăn, mà chỉ đối diện với những thực tế khác, và đó chính là điều mà chúng tôi muốn tìm đến.
Thực tế là chúng tôi làm việc với những người không có cùng ngôn ngữ với mình, trước hết phải làm sao hiểu nhau và từ đó cùng tạo ra những ý tưởng cho vở kịch.
Tôi cũng học hỏi từ cách làm việc của họ, từ quan niệm của họ về sân khấu, mọi thứ đều khác với chúng tôi. Nhưng mọi người đều cố gắng thúc đẩy dự án tiến triển.
Chúng tôi mới tập dợt với nhau buổi đầu tiên hôm qua ( 05/09/2016 ) và hôm nay là buổi tập thứ hai.
Có thể nói là hiện nay chúng tôi chỉ mới ở giai đoạn gặp gỡ, tìm hiểu nhau và phải cần nhiều thời gian cho giai đoạn này.
Dự án kịch này được sự hỗ trợ của Viện Pháp. Họ giúp tìm người thông dịch, tìm nhà ở cho đoàn kịch.
Họ cũng hỗ trợ chúng tôi về mặt nghệ thuật, giúp chúng tôi gặp gỡ những người trong ngành.
Chúng tôi cũng làm việc với Trường Đại học sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh, nơi mà chúng tôi tuyển 3 diễn viên cho vở kịch.
Họ cũng rất hứng thú với dự án này. Họ còn chấp nhận tạm hoãn thi tốt nghiệp cho 3 diễn viên đó, vì những diễn viên này sẽ theo chúng tôi sang Pháp trong suốt hai năm. »
Về phần ông Trần Nghĩa Hiệp thì rất hài lòng với các diễn viên trẻ và những người thông dịch trẻ làm việc cho đoàn kịch :
« Hiện giờ còn trong lúc tập, nhưng mấy cháu ( tôi gọi mấy cháu là các em mới 21, 22 tuổi, ba người gồm hai cô và một cậu ).
Các cháu rất nhanh nhạy, bởi vì chúng tập từng nhóm và phải gọi là « chương » vì vở kịch không có viết kịch bản.
Khi nói lên thì các cháu đối đáp, theo dõi câu chuyện rất nhanh chóng.
Còn hai cháu thông dịch tiếng Pháp cho các diễn viên thì cũng còn rất trẻ, sống ở Việt Nam, nhưng rất thông minh, nói tiếng Pháp giỏi như những người Việt sống bên Pháp.
Hiện giờ không có gì là xung khắc hết vì ai cũng được đưa ra ý kiến của mình và những ý kiến đó đều hợp với nhau, chứ không đối chọi.
Mục đích của cô Caroline Nguyen khi làm vở kịch này là để hai dân tộc Pháp Việt tìm hiểu nhau, để thấy rằng hai nền văn hóa tuy khác biệt nhưng vẫn có thể hòa đồng với nhau ».
Theo dự kiến vở kịch sẽ được trình diễn lần đầu tiên ngày 01/06 đến 03/06/2017 tại Nhà hát Valence trong khuôn khổ liên hoan mang tên Ambivalence và năm 2018 sẽ được trình diễn tại nhà hát Odéon ở Paris và tại một số thành phố khác.
Related news items:
Tin mới
- Hàn Quốc: Tư pháp muốn bắt giam chủ tập đoàn Samsung - 16/01/2017 17:25
- Ấn Độ bán vũ khí cho Việt Nam: Bắc Kinh dọa New Delhi và ép Hà Nội - 16/01/2017 16:05
- Chính quyền Ý đồng ý với Giáo Hội Công Giáo nhận 500 người tị nạn - 16/01/2017 00:07
- Quan hệ Việt-Trung: 2 đảng Cộng Sản muốn “xử lý tốt” vấn đề Biển Đông - 15/01/2017 22:34
- Vì sao phương Tây lại để Bắc Kinh làm mưa làm gió trên Biển Đông ? - 15/01/2017 03:13
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-01-2017 - 15/01/2017 01:47
- Trung Quốc : Vương quốc tôm nhiễm độc - 15/01/2017 01:18
- Liệu Trump có chuyển tòa đại sứ ở Israel đến Jerusalem? - 13/01/2017 22:31
- Mỹ chấm dứt quy chế đặc biệt đón nhận người nhập cư Cuba - 13/01/2017 22:18
- Bất đồng trong chính quyền Mỹ tương lai về Iran và Nga - 13/01/2017 21:52
Các tin khác
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-01-2017 - 13/01/2017 19:23
- Philippines : Tiếp Abe tại Davao, Duterte bỏ mọi nghi thức - 13/01/2017 18:31
- Nguy cơ khủng hoảng Mỹ - Trung sau tuyên bố của Tillerson về Biển Đông - 13/01/2017 17:45
- Vatican cứu xét Phong Thánh 188 Thánh Tử Đạo Nhật - 13/01/2017 00:30
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-01-2017 - 13/01/2017 00:01
- Biển Đông: Ứng viên ngoại trưởng Mỹ “khai chiến” với Trung Quốc ? - 12/01/2017 23:46
- Tây phương từng chủ quan trước trận đồ phục hồi Đại Nga - 12/01/2017 23:34
- Ngoại trưởng tương lai của Mỹ coi Nga là một nguy cơ - 12/01/2017 17:04
- Kinh tế thế giới chùng bước chờ đợi tân tổng thống Mỹ - 11/01/2017 22:02
- Tình báo Mỹ: Nga nắm nhiều thông tin bất lợi cho Donald Trump - 11/01/2017 21:08