Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-01-2017

Cả thế giới chạy đua vũ trang, châu Á dẫn đầu

sipri yearbook 2016

Báo cáo 2016 về vũ khí trên thế giới, được công bố ngày 21/09/2016.
SIPRI

Các mối đe dọa khủng bố, xung đột vũ trang, sự trở lại của cuộc cạnh tranh sức ảnh hưởng trên trường quốc tế đã thúc đẩy « một cuộc chạy đua vũ trang trên toàn thế giới », với mức chi kỉ lục năm 2016 là 1.568 tỉ đô la, theo nhận định của nhật báo kinh tế Les Echos, trên trang nhất và mục quốc tế, trong số ra ngày 11/01/2017.

Sau nhiều thập kỷ duy trì hoặc giảm chi phí quân sự, cuộc đua vũ trang quay trở lại vào giữa năm 2015 với số tiền lên đến 1.676 tỉ đô la, tương đương với 2,3% GDP của toàn thế giới, theo thẩm định của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Sipri.
Trong đó, riêng Hoa Kỳ đã chiếm 40%, với khoảng 622 tỉ đô la.
Tổng thống tân cử Donald Trump có lẽ còn đi xa hơn khi hứa khôi phục vũ khí hạt nhân và mạnh tay chi cho Hải Quân.

Sau 15 năm tương đối giải trừ vũ khí, châu Âu chuyển sang chiến lược phòng thủ vì « thời kỳ vô lo đã chấm dứt », như lời cảnh báo vào cuối tháng 12/2016 trên tờ Les Echos của tham mưu trưởng quân đội Pháp, tướng Pierre de Villiers.

Trong khu vực Liên Hiệp Châu Âu, hiện chỉ có bốn nước trên tổng số 28 thành viên tôn trọng mục tiêu 2% GDP dành cho quốc phòng do khối Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương NATO ấn định.
Nếu các nước khác cũng phải tuân theo mục tiêu trên, tổng chi phí của toàn khối sẽ ở mức 100 tỉ đô la hàng năm.

Pháp, đứng thứ 7 trên thế giới, dành 1,7% GDP cho quốc phòng. Năm 2017, Paris sẽ tăng thêm ngân sách lên 32,7 tỉ euro, trong khi đó Đức sẽ chi khoảng 37 tỉ euro (tăng khoảng 7%) và mục tiêu là đạt đến 39 tỉ euro vào năm 2020.

Các nước vùng Baltic cũng muốn tăng đầu tư cho quốc phòng để đối phó với sức ép của Nga (đứng hàng thứ 6 trên thế giới về chi phí quốc phòng với khoảng 48 tỉ đô la, theo IHS Markit). Từ năm 2008, Nga đã thúc đẩy kế hoạch hiện đại hóa quân đội để chiếm lại vị thế cường quốc quân sự.
Matxcơva đã khẳng định được quyết tâm trên khi bắn nhiều tên lửa hành trình Kalibr từ biển Caspi đến các mục tiêu tại Syria.

Tại khu vực Trung Đông, các nước vùng Vịnh liên tục tăng số lượng đơn đặt hàng vũ khí để đối phó với tình hình bất ổn trong vùng do khủng bố thánh chiến và do cuộc chạy đua vũ trang giữa Ả Rập Xê Út (đứng thứ năm trên thế giới với 48,6 tỉ đô la) và Cộng hòa Hồi Giáo Iran.

Châu Á chạy đua vũ trang vì… Trung Quốc

Thế nhưng, theo nhật báo Les Echos, hiện tượng tăng ngân sách quân sự một cách chóng mặt lại diễn ra ở châu Á.

Tổng chi cho quốc phòng của châu Á hơn 100 tỉ đô la so với tổng chi của toàn Liên Hiệp Châu Âu. Chính thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc đã buộc các nước láng giềng phải đầu tư nhiều hơn cho quốc phòng.

Từ bỏ thái độ ôn hòa, Bắc Kinh đã tăng ngân sách quốc phòng hơn 132% trong vòng 10 năm trở lại đây.
Với khoảng 191 tỉ đô la để hiện đại hóa quân đội, Trung Quốc hiện là nước thứ hai trên thế giới có ngân sách quốc phòng « khủng » để phục vụ cho những lợi ích chiến lược, đặc biệt là trên biển.

Tầu sân bay Liêu Ninh hiện đại của nước này vừa mới thực hiện đợt tập trận quy mô đầu tiên. Chiếc thứ hai đang được đóng.

Ngoài lực lượng hùng hậu khoảng 9.000 xe bọc thép tân tiến, 2,3 triệu quân nhân Trung Quốc được huấn luyện chuyên nghiệp, chứ không còn là những người nông dân chân đất đứng lên cầm súng như trong cuộc chiến biên giới với Việt Nam năm 1979.

Không chỉ dừng trên lĩnh vực quân sự, Bắc Kinh còn có tham vọng mở con đường tơ lụa hiện đại và cảng Gwadar ở Pakistan, khiến nhiều nước láng giềng « nóng mắt ».
Chính vì vậy, Ấn Độ vừa quyết định tăng ngân sách quốc phòng thêm 8%, vượt lên đứng vị trí thứ 4 trên thế giới.

Estonia tăng cường tập huấn quân sự để đối phó với sự đe dọa từ Nga

Nếu như tại châu Á, Trung Quốc khiến các nước trong khu vực dè chừng, thì tại Đông Âu, Nga trở thành một mối đe dọa đối với các nước lân cận nhỏ hơn.
Phóng viên của nhật báo Le Monde đã tham dự một buổi huấn luyện quân sự của Liên Đoàn Quốc Phòng Estonia (LDE) để đối phó với « các hình thức tấn công khác nhau mà Nga có thể thực hiện », theo lời tướng Ramus Lippur, tư lệnh Liên Đoàn Quốc Phòng Estonia tại quận Lääne, phía tây nước này.

Được thành lập năm 1918 và hiện có 25.000 tình nguyện viên nhiều hơn cả số lượng quân nhân (trong khi dân số là 1,3 triệu người), từ 10 năm nay, Liên Đoàn Quốc Phòng Estonia « luôn đề cao cảnh giác trước thái độ ngày càng hiếu chiến của Nga và quá trình tái vũ trang của nước này ».

Họ được bộ Quốc Phòng cung cấp một phần trang thiết bị, trong đó có cả xe bọc thép. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, lực lượng này sẽ nằm trực tiếp dưới quyền của bộ Quốc Phòng.
Thực vậy, bối cảnh quốc tế đã thay đổi từ Washington đến Matxcơva hay Kiev khiến các nước Baltic ngày càng lo ngại.

Theo nhận xét của nhà sử học David Vsevivov, chuyên gia về thời kỳ Liên Xô, ''sợ hãi đã nằm trong gien của người Estonia từ năm 1939.
Tâm trạng này bị đánh thức vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimée và cuộc xung đột vẫn tiếp diễn tại vùng Donbass của Ukraina, và hiện nay là nỗi sợ về một hiệp ước Molotov-Ribbentrop mới''.

Nhắc lại hiệp ước bí mật 1939 được Staline và Hitler kí kết cho phép Matxcơva chiếm một phần Đông Âu, trong đó có Estonia, nhà sử học muốn ám chỉ đến những lời tuyên bố của ông Donald Trump về tổng tổng Nga, cũng như khối NATO. Các nước vùng Baltic sợ rằng tổng thống tân cử Hoa Kỳ có thể chấp nhận tư tưởng « phạm vi ảnh hưởng » của Nga tại một phần châu Âu.

Trong bối cảnh này, các nhà lãnh đạo Estonia cố tự trấn an.
Trước hết, họ cho rằng tổng thống tân cử Donald Trump có những cố vấn « đáng tin cậy và chuyên nghiệp ».

 Tiếp theo, khối NATO còn có những thành viên « năng động ».
Tháng 06/2018, khoảng 1.000 quân nhân Mỹ rút khỏi Estonia nhưng thay vào đó là 800 quân nhân Anh và 300 lính Pháp.

Vẫn theo các quan chức Estonia, nguy cơ Nga xâm chiếm trực tiếp sẽ khó xảy ra, nhưng Matxcơva đã có rất nhiều hành động gây mất ổn định nhằm giảm uy tín của NATO và phá hoạt sự thống nhất của khối, bằng hàng loạt vụ tấn công tin học hay vi phạm không phận, bắt cóc một nhân viên tình báo Estonia, mua chuộc cộng đồng người nói tiếng Nga (chiếm khoảng 30% dân số Estonia)…

Để đối phó, tổng thống Estonia hứa duy trì mức chi phí cho quân sự trên 2% GDP của nước này, vượt qua ngưỡng quy định của NATO.

Cánh tả Pháp bị chia cắt thành « từng mảnh »

Thời sự nước Pháp nổi bật với cuộc tranh luận giữa các ứng viên tổng thống trong vòng bầu cử sơ bộ trong đảng Xã Hội Pháp diễn ra ngày 12/01/2017 và được truyền hình trực tiếp.
Sự kiện này được nhật báo công giáo La Croix đề cập trên trang nhất và trong bài xã luận.

Cuộc bầu cử sơ bộ của cả hai phe có sự trùng hợp ngẫu nhiên là cũng có bẩy ứng viên và một phụ nữ duy nhất.
Thế nhưng, nhật báo La Croix đánh giá, lục đục nội bộ của đảng Xã Hội dường như khó lòng hòa giải được.
 Hiện giờ, không còn một khối khuynh tả duy nhất mà nội bộ đảng Xã Hội đã bị chia thành ba khuynh hướng khác nhau.

Nguyên nhân không chỉ do những tham vọng cá nhân mà còn do những ý kiến trái ngược nhau về các chương trình cải cách.
Bài xã luận cho rằng cánh hữu cũng không muốn phải đổi mặt với đảng cựu hữu Mặt trân Quốc gia (Front national) trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào năm 2017.
 Chính vì vậy, việc tái cấu trúc cánh tả cũng nằm trong lợi ích chung của cả nước Pháp.

Mùa Soldes không còn « quyền lực thần thánh »

Trên lĩnh vực kinh tế-xã hội, mùa « Soldes » trở thành một sự kiện truyền thống, không thể bỏ qua, của người dân Pháp cũng như du khách nước ngoài.
Trong vòng hơn một tháng, bắt đầu từ ngày 11/01/2017, người mua sẽ truy tìm những mặt hàng ưa thích mà không có điều kiện mua khi không có giảm giá. Trong khi đó, các cửa hàng cố bán hết hàng tồn kho để đón mùa mới.

Nhật báo kinh tế Les Echos nhận định trên trang nhất : « Mùa Soldes giúp tìm lại thú vui mua sắm ».
 Thực vậy, mùa Soldes không còn hấp dẫn người Pháp như trước.

Một mặt do dư âm các vụ tấn công khủng bố tháng 11/2015 tại Paris và 14/07/2016 tại Nice khiến lượng khách đến cửa hàng giảm rõ rệt trong năm 2016.
Thứ hai, thay vì chỉ có hai mùa Soldes lớn trong năm, các cửa hàng thường tung nhiều đợt khuyến mại lớn kể cả trên internet, hay gần đây phải nói đến thành công của ngày Black Friday.
 Chính vì vậy, khách hàng có nhiều cơ hội lựa chọn và ngày càng đòi hỏi hơn.

Có chung nhận định trên, Le Figaro cho biết : « Trước mùa Soldes lỗi thời, các thương hiệu xem lại chiến lược » về giá và các bộ sự tập để chiều lòng các vị thượng đế chuộng sản phẩm mới và các đợt giảm giá thường xuyên.

Theo kết quả thống kê, người tiêu dùng thích mua hàng giảm giá ngoài mùa Soldes (chiếm khoảng 23% thị trường trong năm 2015).
 Họ cũng sẵn sàng bỏ các thương hiệu hay cửa hàng ưu thích nếu tìm được đồ rẻ hơn trên internet chẳng hạn.
 Primark, trang bán hàng vente-privée và Amazon nằm trong danh sách 30 nhà bán quần áo may sẵn được ưa chuộng nhất ở Pháp.

Chính vì vậy, các thương hiệu buộc phải xem lại chiến lược để thích nghi với các đợt khuyến mại trong năm hiện đang làm đảo lộn cách quản lý của họ : từ các bộ sưu tập đến đơn đặt hàng hay giá cả.

Trang nhất các nhật báo

Trang nhất các nhật báo Pháp số ra ngày 11/01/2017 quan tâm đến nhiều chủ đề khác nhau.
Nếu như « khuynh hướng tân tư duy bảo thủ » được Le Monde đăng trên trang nhất, thì La Croix thì quan tâm đến đảng Xã Hội Pháp đang bị chia rẽ và « Tìm những ý tưởng mới » nhân vòng bầu cử sơ bộ sắp diễn ra.

Trong khi đó, Le Figaro lại chú ý đến nội bộ cánh hữu, đặc biệt là chương trình tranh cử tổng thống của ứng viên François Fillon với hàng tựa : « Fillon bảo vệ « tính cấp tiến » của kế hoạch ».

Nhật báo thiên tả Libération giới thiệu cuốn sách về lịch sử Pháp, một tác phẩm tập thể của 122 nhà sử học Pháp, do nhà sử học Patrick Boucheron chủ biên.
Les Echos quan tâm đến cuộc chạy đua vũ trang đang được thúc đẩy trên khắp thế giới, đặc biệt tại châu Á.

Switch mode views: