Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-01-2017

« Thất bại ngoại giao » : Điểm đen trong bảng thành tích của Obama

usa-obama-ngoaigiao



Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc họp cuối cùng tại Nhà Trắng ngày 16/12/2016.
REUTERS/Carlos Barria

Giờ đã điểm. Tổng thống mãn nhiệm Barack Obama tối nay có bài diễn văn cuối cùng tại Chicago.

 Đấy cũng là lúc điểm lại những gì ông đã làm được và không làm được trong suốt tám năm cầm quyền.

Theo Les Echos và Le Figaro hôm nay, 10/01/2017, ngoài việc công nhận những thành công kinh tế-tài chính, nước Mỹ dưới sự điều hành của ông Obama đã bị mất đi tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Les Echos trên trang nhất thông báo : « Sau tám năm ở Nhà Trắng, lời biện hộ cuối cùng của Obama ».
Trong bài diễn văn cuối cùng tối nay tại Chicago, tổng thống Mỹ mãn nhiệm có thể tự hào về một nền kinh tế trong tình trạng tốt nhất.
 Mười một triệu việc làm đã được tạo ra (Le Figaro đưa con số 16 triệu).

Tuy thấp hơn dưới thời Bill Clinton đến một nửa (23 triệu) nhưng cao hơn rất nhiều so với tám năm cầm quyền của G. Bush (chỉ có 1,3 triệu).

Dù vậy, sức tăng trưởng kinh tế vẫn rất thấp và mức thu nhập bình quân vẫn còn thua xa thời kỳ trước khủng hoảng.
Điều nghịch lý là dưới tám năm cầm quyền của ông Obama, xã hội Mỹ vẫn chia rẽ sâu sắc, mà vấn đề chủng tộc ngày càng trở nên tồi tệ.

Nhưng có lẽ điều gây ngạc nhiên nhất là chính trong tám năm đó, nước Mỹ đã mất dần tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Les Echos chua chát cho rằng giờ khó có thể tìm được một ai bảo vệ di sản kế thừa từ ông Obama trên phương diện ngoại giao, kể cả trong số các đồng minh và những người ngưỡng mộ ông.

Đương nhiên, không ai phủ nhận thành công của ông trong việc triệt hạ Ben Laden, bình thường hóa quan hệ với Cuba, hay thỏa thuận hạt nhân đạt được với Iran.
Nhưng điều đó cũng không đủ xóa đi hai điểm chính yếu : tính nhu nhược và không kiên định.
Mà ví dụ điển hình là việc ông thay đổi ý kiến vào giờ chót, quyết định không can thiệp vào Syria năm 2013, sau khi đã lên tiếng cảnh cáo tổng thống Bachar Al Assad về lằn ranh đỏ.
Một quyết định đã gây bực bội cho nhiều nước đồng minh, đứng đầu là Pháp.

Tệ hơn nữa, người ta cáo buộc chính sách không can thiệp của ông Obama đã góp phần làm sa lầy cuộc khủng hoảng tại Syria.

Việc chính quyền Damas chiếm lại được Aleppo khẳng định thất bại hiển nhiên theo như quan điểm này.
Thượng nghị sĩ Bob Corker thuộc đảng Cộng hòa đã chỉ trích mạnh mẽ :
« Tôi không ủng hộ việc chúng tôi làm sen đầm quốc tế, nhưng việc vắng vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ đang tạo ra một khoảng trống mà ở đó mọi vấn đề đang bị dồn vào trong đó ».

Một điều sỉ nhục

Thái độ chần chừ của ông Obama trước những hành động phô trương thế lực của Trung Quốc (trên Biển Đông) và của Nga tại Ukraina, Syria.. đã làm cho nhiều quốc gia đồng minh thất vọng.

Bị quốc tế cấm vận sau khi cho sáp nhập Crimée vào lãnh thổ Nga, tổng thống Vladimir Putin giờ đã lấy lại được hoàn toàn vị thế của mình trong chính trường quốc tế.

Cùng với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, Nga thành lập một liên quân chống Daech, cạnh tranh trực tiếp với liên quân do Mỹ dẫn đầu được cho là kém hiệu quả.
Và việc Donald Trump vào Nhà Trắng có nguy cơ củng cố thêm vị thế này của ông Putin. Đến mức, nhật báo cánh hữu Le Figaro thốt lên rằng :
« Tại Ukraina và Syria, Obama đã tạo cảm giác đang bị một Putin thắng thế dắt mũi ».

Nhưng đối với Obama, đó là một điều sỉ nhục, Les Echos nhận xét.
Và từ một năm nay ông đã cố gắng khoác lên người vai trò lãnh đạo một liên quân quốc tế lớn trong cuộc chiến chống Daech tại Irak và Syria.

Thế nhưng các cuộc oanh kích tại hai nơi này vẫn chưa đem lại kết quả như mong đợi. Các chiến dịch không quân đó chỉ tạm thời cản trở đà bành trướng, nhưng không ngăn chặn được quân thánh chiến.

Điều hối tiếc cuối cùng đó là Barack Obama vẫn không lật sang trang được cuộc chiến Irak và Afghanistan.
Một lời hứa ông đã đưa ra trong suốt chiến dịch tranh cử và đã mang lại cho ông giải Nobel Hòa Bình năm 2009.
Hơn 8.000 binh sĩ Mỹ còn đồn trú tại Afghanistan để chống lại mối họa taliban. Và gần 4600 binh lính Mỹ đang được triển khai tại Irak.

Nói tóm lại, như nhận xét của Le Figaro, giấc mơ ra đi với khúc khải hoàn, mang vòng nguyệt quế đi vào lịch sử nước Mỹ của ông Obama đã bị người kế nhiệm Donald Trump làm cho phá sản.

Với việc ông Trump kiên quyết hủy bỏ phần lớn các chính sách mà ông Obama đề ra trong tám năm qua, thời kỳ chuyển giao quyền lực đã biến trong con người ông, thành một cuộc chiến đấu nhằm khẳng định dấu ấn và bảo vệ bảng thành tích của mình.
Đó cũng chính là « Cuộc chiến đấu cuối cùng của Obama cho về sau », như hàng tựa nhận định trên Le Figaro.

Và bài diễn văn giã biệt tối nay tại Chicago sẽ là điểm nhấn cho nỗ lực đó.
 Có điều, « Những lời giã biệt đó của Obama lại mang một hương vị cay đắng » như hàng tít lớn thông báo trên Le Figaro.

Bẫy thiết bị bay không người lái, bảo bối mới của Daech

Liên quan đến cuộc chiến Daech, Le Monde công bố một báo cáo điều tra mô tả chi tiết làm thế nào một thiết bị bay điều khiển từ xa phát nổ làm hai binh sĩ Pháp bị thương nặng tại Mossoul, Irak.

Vụ việc xảy ra vào một ngày đầu tháng 10/2016. Đó một con chim lớn bụng phệ bằng chất polistiren, một loại nhựa dẻo chịu nhiệt.
 Đôi cánh to cắt cụt quấn đầy băng dính màu xám, rơi từ trên trời tại phía bắc thành phố Mossoul.
Khi thiết bị bay của EI hạ xuống, chúng trông có vẻ như bị hỏng hóc. Các chiến binh Kurdistan sau một hồi đợi lâu đã nhặt chúng đem về.

 Hai lính dù Pháp đã được mời đến để xem xét thiết bị. Trong quá trình thao tác, thiết bị phát nổ, hai binh sĩ Kurdistan bỏ mạng tại chỗ, còn hai lính Pháp bị thương nặng.

Theo Le Monde, về mặt chiến thuật, thiết bị bay điều khiển từ xa không là một loại vũ khí đáng gờm. Nhưng chúng có thể có một tác động lên mặt tâm lý.
Các thử nghiệm cho thấy, với chiều ngang sải cánh khoảng 1,2m, trông rất nhẹ, những thiết bị bay này có thể đâm thẳng vào xe các đơn vị chiến đấu, « đi xuyên qua kính che gió và nổ ở bên trong giết chết hay làm bị thương nặng những người ngồi bên trong buồng lái ».

Bắc Cực : Nạn nhân đầu tiên của biến đối khí hậu

Trên lĩnh vực khí hậu, Libération mở một hồ sơ dài hai trang với tựa đề báo động hiện tượng băng tan tại Bắc Cực.
Theo nhật báo, Bắc Cực vừa là nạn nhân đầu tiên của biến đổi khí hậu, vừa là chỉ số biến đổi của cả hành tinh.
Khu vực này giờ đang trở thành một vùng chiến lược, nơi tranh chấp của 6 quốc gia, nhất là trên phương diện giao thông hàng hải.

Tại đây, các nước như Canada, Hoa Kỳ, Nga, Na Uy, Iceland và Groenland đều đòi hỏi một phần chủ quyền lãnh thổ.
 Trong bối cảnh đó, Nga đã tái quân sự hóa vùng biên giới phía bắc và gia tăng các hoạt động quân sự, đe dọa các nước láng giềng.

Donald Trump và Hollywood khẩu chiến

Một đề tài khác được nhiều tờ báo Pháp hôm nay bàn nhiều đó là bộ phim « Elle » của đạo diễn Paul Verhoeven đoạt hai giải thưởng lớn của điện ảnh Hoa Kỳ với Quả Cầu Vàng (Golden Globes) dành cho phim ngoại quốc và nữ diễn viên xuất sắc nhất.
Le Monde trên trang nhất chạy tựa lớn : « Isabelle Huppert tuyệt vời ».
 Le Figaro khiếm tốn nhận định :'' Isabelle Huppert, thắng cuộc vòng một''

Bởi vì với giải Quả Cầu Vàng trong hạng mục vai nữ chính xuất sắc nhất trong bộ phim « Elle » của đạo diễn Paul Verhoeven, con đường hướng tới giải Oscar cũng đang rộng mở.
Nhưng từ đây đến đó vẫn còn nhiều thách thức. Giải Quả Cầu Vàng thường được xem như là một phiên bản ngược của Oscars do chức năng vận hành của hai giải thưởng điện ảnh này là trái ngược nhau hoàn toàn.

Golden Globes do Hiệp hội các nhà báo nước ngoài tại Hollywood tổ chức, quy tụ khoảng 100 phóng viên, chủ yếu đến từ châu Âu vốn dĩ đánh giá cao phim nước ngoài.
Trong khi đó, giải Oscars tập trung đến hơn 6000 chuyên gia của mọi lĩnh vực trong nền nghệ thuật thứ 7 (diễn viên, nhà sản xuất, biên kịch, trang phục, âm thanh,…). Hai đối tượng khác nhau nên gu thưởng thức cũng khác nhau.

Giải Oscars thường chú trọng đến các loại phim dạng kinh điển như bi kịch lịch sử hay những phim ca tụng quyền lực điện ảnh.
Nhưng giải Quả Cầu Vàng lần này có điểm đặc biệt vì đây là dịp để các sao Hollywood chỉ trích Donald Trump, tổng thống đắc cử Hoa Kỳ.

Trong bài viết đề tựa « Khi Hollywood thách thức Donald Trump », Les Echos cho biết đấu khẩu đã xảy ra giữa các sao điện ảnh với tổng thống tân cử. Đặc biệt bài phát biểu của ngôi sao điện ảnh kỳ cựu Meryl Streep đã được tán thưởng nồng nhiệt.

Bà nói : « Hollywood rung chuyển là nhờ những người đến từ phương khác và người nước ngoài. Không có họ, nước Mỹ sẽ chẳng có gì để mà xem ngoài bộ môn bóng bầu dục và vài môn võ nghèo nàn, những bộ môn không đến từ nghệ thuật ».
 Nhân dịp này, nữ nghệ sĩ nhắc lại vụ việc ông Donald Trump đã từng mỉa mai một ký giả tật nguyền của tờ New York Times hồi năm 2015.
 Bà cho rằng : « Thiếu tôn trọng dẫn đến sự không tôn trọng. Bạo lực khơi dậy bạo lực ».

Lời chỉ trích đó đã được ông Donald Trump giận dữ đáp trả trên Twitter cho rằng Meryl Streep là « một tên đầy tớ của Hillary, người đã thất bại ê chề ».

Khi trả lời phỏng vấn tờ New York Times qua điện thoại, ngoài việc tấn công « điện ảnh Mỹ là theo cánh tả », ông cũng giận dữ đáp trả lời phê phán của nữ nghệ sĩ rằng :
 « Tôi chưa bao giờ mỉa mai một nhà báo tật nguyền (tôi có lẽ sẽ không bao giờ làm) nhưng đây là lần thứ 100 tôi đã chỉ cho thấy anh ta đã quỵ lụy như thế nào khi anh ta thay đổi hoàn toàn một câu chuyện mà anh ta đã viết cách đây 16 năm trong mục đích bôi nhọ hình ảnh của tôi. Chỉ toàn là những tờ báo không trung thực ».

Switch mode views: