Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Đàm phán giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên : Hà Nội có thể làm trung gian ?

nuclear test



Tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên khiến thế giới lo ngại. Trong ảnh, một vụ thử hạt nhân thập niên 1950 tại Mỹ.
Ảnh : Wikipedia

Với các vụ thử hạt nhân liên tiếp, bất chấp các trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, tham vọng của Bình Nhưỡng trở thành cường quốc nguyên tử dường như không còn có thế lực nào kìm hãm được.

Trong bối cảnh, mọi giải pháp ngoại giao cho đến nay đều rơi vào bế tắc, một số chuyên gia cho rằng Việt Nam có thể làm môi giới đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Đó là quan điểm được giới thiệu trong bài « Can Vietnam Help Mediate With North Korea ? », trên trang mạng The Diplomat, ngày 21/09/2016, của nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế Samuel Ramani, đại học Oxford. Sau đây là phần lược dịch.

Tác giả bài viết nhắc lại sự kiện ngày 23/05/2016, chính phủ Mỹ ra một thông cáo ca ngợi sự ủng hộ kiên quyết của Việt Nam đối với việc thực thi các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc chống lại Bắc Triều Tiên.

Lập trường của Hà Nội phản đối thái độ hung hăng gây hấn của Bắc Triều Tiên được đưa ra cùng lúc với việc Washington quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam, được áp đặt từ nhiều thập niên, và cam kết hỗ trợ Việt Nam về an ninh để đối phó với các tham vọng bành trướng Trung Quốc tại Biển Đông.

Lập trường của chính phủ Việt Nam ủng hộ quan điểm của Mỹ về Bắc Triều Tiên khiến một số nhà quan sát ngạc nhiên, bởi Hà Nội vốn có « quan hệ đối tác chiến lược » lâu dài với Bình Nhưỡng.

Tác giả nhận xét : dù có một mối quan hệ như vậy, nhưng việc Việt Nam lên án Bắc Triều Tiên thực ra là đỉnh điểm của các căng thẳng song phương đã tích tụ từ nhiều thập niên.

Sự phản đối quyết liệt các vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng, từ phía Hà Nội, khiến một số nhà bình luận cho rằng Việt Nam có đủ khả năng trở thành một nhà môi giới cho các thương lượng giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên.
 Nếu đảm nhiệm thành công vai trò này, Hà Nội sẽ có được một vai trò chiến lược quan trọng đối với Hoa Kỳ.

Quan hệ đồng chí lâu đời nhiều hiềm khích

Tác giả nhấn mạnh trước hết đến quan hệ phức tạp giữa hai quốc gia. Cho dù Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Triều Tiên từ đầu những năm 1960, quan hệ Hà Nội – Bình Nhưỡng thường vấp phải nhiều bất đồng chính trị lớn.

Căng thẳng nổi lên mạnh vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là vào năm 1968, khi Hà Nội bắt đầu đàm phán với Washington.

Vào thời điểm đó, Kim Nhật Thành đã phản đối quyết liệt các đàm phán hòa bình giữa Bắc Việt và Hoa Kỳ, bởi lãnh đạo Bắc Triều Tiên cho rằng việc Mỹ sa lầy tại Việt Nam sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc gia tăng ảnh hưởng địa chính trị của khối Cộng sản tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

 Kim Nhật Thành sợ rằng các đàm phán này có thể mang lại lợi thế ngoại giao rất lớn cho Việt Nam Cộng Hòa, vốn là đồng minh mật thiết của Hàn Quốc.

Giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên cũng thất vọng trước việc Việt Nam bác bỏ đề nghị của Trung Quốc lập một liên minh giữa các lực lượng cách mạng tại khu vực Đông Nam Á, dưới sự lãnh đạo của Bắc Kinh.

 Quan điểm của Việt Nam là không chấp nhận một liên minh khu vực mà không có sự tham gia của Liên Xô, và Hà Nội lo ngại ảnh hưởng truyền thống của mình trên bán đảo Đông Dương bị Trung Quốc xóa bỏ.

 Bắc Triều Tiên lên án quyết liệt việc Việt Nam xâm chiếm Cam Bốt lật đổ chế độ Khmer Đỏ tháng 12/1978.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, quan hệ Việt Nam – Bắc Triều Tiên tiếp tục trở nên tồi đi. Hà Nội thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc năm 1992, khi chính quyền Việt Nam quyết định từ bỏ ý thức hệ cộng sản giáo điều để chuyển sang một lối làm ăn kinh tế thực dụng.

 Sau vụ Bắc Triều Tiên không trả được khoản nợ 18 triệu đô la, để mua 20.000 tấn gạo năm 1996, Hà Nội chuyển hướng hoàn toàn sang làm thân với Seoul.

Các lợi ích do hợp tác kinh tế với Hàn Quốc và việc tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung năm 2001 xin lỗi về việc Seoul đưa 300.000 binh sĩ vào miền Nam Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh trước đây, khiến Hà Nội càng thêm chống lại thái độ hiếu chiến của Bình Nhưỡng.

Sau vụ thử hạt nhân 2006, Việt Nam tuyên bố ủng hộ một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân.
Sau vụ chiếc tàu chiến Cheonan bị Bắc Triều Tiên đánh chìm năm 2010, chính phủ Việt Nam đã bày tỏ tình đoàn kết với Seoul.

Chuyến công du Việt Nam hồi tháng 6/2016 của một số lãnh đạo cấp cao Bắc Triều Tiên cũng không lay chuyển được lập trường của Hà Nội.
Tuân thủ các quyết định trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, chính quyền Hà Nội không cho phép 12 công dân Bắc Triều Tiên nhập cảnh hồi tháng 7/2016.

Vì sao Bình Nhưỡng có thể chấp nhận môi giới của Hà Nội ?

Về khả năng Bắc Triều Tiên chấp nhận môi giới của Việt Nam, theo tác giả, trong quá khứ đã từng có các tiền lệ.

Trong thời Chiến tranh Lạnh, một số nước cộng sản Đông Âu có quan hệ gần gũi với Mỹ, như Nam Tư thời Tito và Rumani của Nicolae Ceausescu, đã đứng ra làm trung gian cho đối thoại giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên.
Những nhà môi giới Đông Âu đã có vai trò kiềm chế thái độ hiếu chiến của Bắc Triều Tiên trong những năm 1970, sau khi Nixon quyết định rút một phần lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc.

Theo tác giả, Bắc Triều Tiên có thể chấp nhận vai trò trung gian của Việt Nam bởi Kim Jong-un có thiện cảm với chế độ cộng sản Hà nội.

Nhiều quan chức Bắc Triều Tiên xem việc Việt Nam thống nhất sau 1975 dưới chế độ cộng sản là một thắng lợi. Sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam cũng có thể mang lại cho Bắc Triều Tiên một mô hình phát triển phù hợp, không giống như Trung Quốc.

Chuyến công du của bộ trưởng Quốc Phòng Bắc Triều Tiên Pak Yong-Sik tới Việt Nam cuối năm 2015 đã được truyền thông Bình Nhưỡng đưa tin rầm rộ.
Theo tác giả, biện pháp đe dọa đình chỉ quan hệ ngoại giao để phản đối các vụ thử hạt nhân, nếu được Hà Nội áp dụng, cũng có thể có khiến Kim Jong-un phải điều chỉnh thái độ trong vấn đề này.

Tác giả bài viết hy vọng Việt Nam có thể đứng ra làm trung gian và thành công trong vai trò này, để duy trì hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
Nếu đóng được một vai trò như vậy, Việt Nam chắc chắn sẽ nhận được thêm nhiều hậu thuẫn từ Hoa Kỳ, đặc biệt về quân sự, để tăng cường khả năng phòng thủ trước các đe dọa của Trung Quốc tại Biển Đông.

Switch mode views: