Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thế Vận Hội Rio trong cơn khủng hoảng chính trị Brazil

olympics-rio-rowing


Biểu tượng Thế Vận Hội Olympic 2016 tại Rio de Janeiro, Brazil. Ảnh chụp ngày 05/08/2016.
REUTERS/Carlos Barria

Thế Vận Hội Rio khai mạc vào đêm 05/08/2016 không phải là niềm vui của tất cả dân Brazil.

Trong bối cảnh khủng hoảng chính trị và kinh tế, đa số dân xứ samba chống lễ hội bị cho là tốn kém không đúng lúc, theo một kết quả thăm dò ý kiến.

 Hàng ngàn người đe dọa sẽ xuống đường phản đối quyền tổng thống Michel Temer sau khi đã gây xáo trộn lễ rước đuốc ngày hôm trước.

Vào năm 2009, khi thành phố Rio được tuyển chọn làm nơi tổ chức Thế Vận Hội 2016, tổng thống Brazil lúc bấy giờ là Lula da Silva rất phấn chấn khi thấy đất nước vươn lên sân khấu quốc tế.

Cũng vào thời điểm đó, quốc gia Nam Mỹ với 200 triệu dân đang lướt trên ngọn sóng tăng trưởng kinh tế ngoạn mục và kỳ vọng vào Thế Vận Hội 2016 để phô trương sức mạnh của một cường quốc kinh tế mới.

Brazil ước mơ sử dụng hai đại hội thể thao quốc tế tiếp nối nhau, Cúp Bóng Đá Thế Giới 2014 và Thế Vận Hội 2016, để canh tân và xây dựng thêm hạ tầng cơ sở.
Tuy nhiên, thiên đường tăng trưởng của 2009 đã ra đi và từ năm 2015, Brazil rơi vào suy thoái.
 Theo một kết quả thăm dò ý kiến do viện Ibope thực hiện hồi tuần qua, 60% dân Brazil nghĩ rằng Thế Vận Hội chỉ đem lại thiệt hại cho đất nước vì tình hình chính trị và kinh tế đều xấu.

Theo AFP, tổng thống Dilma Rousseff bị tạm đình chỉ chức vụ theo một tiến trình truất phế gây tranh cãi, nhưng phe ủng hộ bà vẫn còn mạnh.
Nhân Thế Vận Rio, họ biểu dương lực lượng và bày tỏ bất bình trước công luận thế giới. Đối với phe tả, thủ tục truất phế tổng thống Dilma Rousseff là một cuộc « đảo chính trá hình ».

Không ít người dân Brazil chỉ trích Thế Vận Hội chỉ nhằm « phục vụ người giàu » theo nhu cầu của khách nước ngoài trong khi đất nước bị khủng hoảng kinh tế và bị chấn động vì tai tiếng tham ô trong tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.
Tai tiếng này liên lụy đến hầu hết giới lãnh đạo chính trị, tả cũng như hữu.

Tuy lực lượng biểu tình chỉ độ vài ngàn nhưng phe cánh tả cho biết sẽ tập trung « đả đảo » quyền tổng thống Michel Temer khi ông lên khán đài tuyên bố « khai mạc » Olympic 2016.

Michel Temer, nguyên là phó tổng thống của bà Dilma Rousseff trước khi trở thành đối thủ chính trị, tuy theo Hiến Pháp, ông chỉ là « quyền tổng thống », nhưng từ tháng 5/2016 đến nay, ông đã đưa Brazil vào hướng bảo thủ.

Dự kiến buổi lễ khai mạc có thể bị xáo trộn quyền tổng thống Brazil cho biết đã « chuẩn bị kỹ » và nhắc lại rằng vận động trường Maracana, ngôi đền của bóng đá Brazil luôn là một « lò lửa ».

Theo báo chí Brazil, ban tổ chức đã chuẩn bị mở nhạc thật to ngay sau khi diễn văn của quyền tổng thống chấm dứt để át tiếng la ó phản đối.
Tin này không được ban tổ chức xác nhận.

Ngoài căng thẳng chính trị, tổng thống bị tạm ngưng chức là bà Dilma Rousseff và người tiền nhiệm Lula da Silva đều từ chối tham dự lễ khai mạc Thế Vận Hội mặc dù bà Dilma Rousseff cận lực chuẩn bị cho đại hội thể thao này và ông Lula da Silva đóng vai trò then chốt mang lại chiến thắng cho Rio.

Cho dù nữ tổng thống Dilma Rousseff bị mất chức một phần cũng vì bà bị đa số dân chúng mất tín nhiệm nhưng sự kiện Michel Temer lên thay cũng gây bất bình trong công luận vì các biện pháp cắt giảm ngân sách xã hội.

Theo nhật báo cánh tả Folha de Sao Paulo, Olympic Rio là Thế Vận Hội « của trục xuất, của phí phạm, của trấn áp từ một chính phủ không có tính chính đáng ».

Switch mode views: