Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Pokémon Go, thế giới ảo trong cuộc sống thực

pokemon go

Trò chơi Pokémon Go.pokemon.com

Pokémon Go, từ đầu tháng 07/2016, tên gọi này không chỉ làm mưa làm gió trong giới game thủ, mà ngay cả nhiều cơ quan truyền thông lớn cũng không bỏ lỡ cơ hội để nói về hiện tượng này.

Sau Mỹ, Úc và New Zealand, Pokémon Go lần lượt xuất hiện tại nhiều nước phương Tây.

Chỉ trong vòng hai tuần, sản phẩm của công ty Mỹ Niantic, thuộc tập đoàn Nitendo, đạt được thành công ngoài sức tưởng tượng trên khắp thế giới, bỏ xa trò chơi vua Candy Crush Saga vẫn làm mưa làm gió.

Pokémon Go, mối dọa an ninh

Phải nói là các “game thủ Pokémon” nhiệt tình hết mình, như trường hợp một thanh niên người New Zealand xin nghỉ phép hai tháng để đi bắt hết những con thú có mặt trên đất nước xinh đẹp của mình.

Hay một thanh niên người Pháp, 27 tuổi, công tác tại Indonesia đã bị bắt giữ ngày 19/07 khi đi lạc vào một doanh trại quân đội… để săn Pokémon.
Sau sự kiện hi hữu này, phát ngôn viên quân đội Indonesia kêu gọi công chúng cẩn trọng, và cho rằng Pokémon Go có thể là cái cớ cho các hành vi mờ ám.

 Chính quyền Jakarta cũng cấm cảnh sát và quân đội chơi Pokémon Go trong giờ làm việc.
Ngày 26/07, đến lượt quân nhân Trung Quốc đóng tại Hồng Kông cũng bị cấm chơi Pokémon Go và cấm mọi cá nhân xâm nhập vào các doanh trại quân đội.

Vẫn vì lý do an ninh và tôn giáo, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Ả Rập Xê Út cũng lần lượt chặn cơn cuồng phong Pokémon Go vì trò chơi này “xúc phạm Hồi Giáo” và có liên quan đến tiền bạc, một điều cấm kỵ trong đạo Hồi. Hay chỉ vì Pokémon Go là một âm mưu của phương tây.

 Vì vậy, các nước này còn khuyến cáo người chơi không nên sử dụng camera khi đang ở nhà hoặc trong phạm vi gia đình do nguy cơ bị theo dõi.
Còn tại Bosnia, khi trò chơi xuất hiện từ ngày 19/07, chính quyền khuyến cáo các Pokémon thủ tránh xa những khu vực có mìn, tàn tích từ cuộc nội chiến (1992-1995).

nintendo-pokemon-delay

REUTERS/Sam Mircovich

Đội ngũ “dính mũi vào màn hình”

Dĩ nhiên là tại Pháp cũng hừng hực khí thế và liên tục xuất hiện những thông báo tổ chức săn Pokémon tập thể tại nhiều địa điểm nổi tiếng ở Paris, Toulouse, Lille, Lyon…, bất chấp tình trạng khẩn cấp vẫn đang có hiệu lực.

Sự mong mỏi này rồi cũng được đền đáp. Ngày 24/07, Pokémon Go chính thức xuất hiện trên Apple Store và Google Play sau khi bị hoãn vì sự kiện khủng bố tại Nice đêm Quốc Khánh Pháp 14/07.

Nhờ giải thích của Trịnh Mai Linh, một game thủ Pokémon, tôi đã được gia nhập đội ngũ “dính mũi vào màn hình” để hỗ trợ “công trình nghiên cứu” cả đời của giáo sư Saul (trong phiên bản tiếng Pháp hay giáo sư Willow trong phiên bản tiếng Anh) với nhiệm vụ là đi tìm và sưu tập những chú Pokémon “có mặt khắp nơi trên hành tinh.

 Một số con sống ở những vùng đồng bằng rộng lớn, một số khác sống trên không, ở những nơi núi cao, rừng sâu và đầm lầy…” (giải thích khi đăng ký chơi).
Trịnh Mai Linh : "Đơn giản là người ta sử dụng một phần mềm GPS, kiểu Google Maps. Rồi người ta để bất kỳ một con Pokémon nào ở đâu đó và mình phải đi tìm chúng.

Mình phải thực sự đi chứ không thể ngồi ở nhà và chờ Pokémon đến. Những con thú này sẽ hiện trên bản đồ. Người chơi sẽ đi tìm những con Pokémon khác.
 Cứ mỗi lần bắt được thì họ sẽ có thêm kinh nghiệm và được lên level (trình độ).
Khi đạt tới level 5, người chơi sẽ được chọn một trong ba “team” (đội đỏ Valor, vàng Instinct, và xanh nước biển Mystic) để thi đấu với các đội khác".

Còn theo nhận xét của Quốc Anh, một kỹ sư tin học người Pháp gốc Việt và cũng là một game thủ : "Trò chơi này cũng mang một chút hơi hướng chính trị. Vì ngoài sưu tập những chú Pokémon, đây cũng là một trò chơi “tranh giành quyền kiểm soát lãnh thổ” mà trong trò chơi được gọi là những “Arènes” (PokéGym).

Tại những võ đài này, game thủ, thuộc ba nhóm khác nhau, cho các con thú của mình thi đấu. Qua đó, người chơi cố kiểm soát lãnh địa của mình, dù chỉ mang tính biểu tượng.
Ví dụ cách đây vài ngày, rất nhiều game thủ Trung Quốc đã “lừa” được GPS trên điện thoại của họ để chiếm Nghị Viện Nhật Bản, trong khi đáng lẽ ra phải có mặt tại chỗ mới làm được.

Còn ở Pháp, tại những địa điểm nổi tiếng, như tháp Eiffel, cũng có rất nhiều nhóm giành nhau kiểm soát những công trình mang tính biểu tượng".
Trong trò chơi còn có những PokéStop và PokéGym. PokéStop được đánh dấu bằng một chấm màu xanh trên bản đồ, thường là những tòa nhà, tượng đài hoặc địa điểm mang tính văn hóa.

Tại các PokéStop, game thủ có thể “thả thính” để thu hút Pokémon tới và bắt chúng, hoặc mua được một số mặt hàng như PokéBall hoặc trứng Pokémon, dùng công cụ ấp trứng và nó sẽ nở ra một con Pokémon mới. Còn PokéGym là nơi để thi đấu và để huấn luyện những chú Pokémon.

Với trình độ còn non tay, trong vòng bốn ngày, tôi bắt được ba Pokémon. Chiến lợi phẩm thứ ba là một chú Soporifik/Drowzee, ngay trước trụ sở của đài RFI, và bắn trúng ngay cú đầu tiên. Con thú nửa voi nửa heo cũng là chú to nhất : nặng 33,29 kg và cao 1,04 m.

Ba con thú bị sập bẫy chưa thấm vào đâu so với con số 250 theo quy định và để đạt đến cấp độ 5 mới được phép mang thú đi thi đấu hay gia nhập nhóm với những game thủ khác.
 Nhưng có lẽ hành trình đi bắt thú là quãng thời gian thú vị nhất và phải đi bộ nhiều nhất, như trải nghiệm của một bạn trả lời câu hỏi của tôi trên một diễn đàn của sinh viên Việt Nam tại Pháp.

“Sau khi chơi, “khuyến khích” là nếu bạn mới ở Paris và chưa có thời gian khám phá các địa điểm kì bí mà bình thường ta không để ý thì Pokémon Go sẽ giúp bạn khám phá nó, tăng hiểu biết. Thêm nữa, bạn sẽ trải nghiệm đi các tuyến bus trong Paris để ấp trứng.
Nhưng nếu bạn là người theo phong cách metro-boulot-dodo (tầu điện ngầm-đi làm-đi ngủ) (như mình), thì thôi xóa đi bạn ạ, không thì ấm ức với bạn bè khi họ khoe thú lắm!”

Nhược điểm của Pokémon Go, theo nhận xét của Mai Linh, là khi “người chơi quá tập trung thì sẽ không chú ý đến giao thông và việc này rất nguy hiểm”. Đây cũng chính là lời cảnh báo khi game thủ bật trò chơi :
“Luôn luôn chú ý và quan sát quanh bạn”.

Thậm chí, trước khi Pokémon Go xuất hiện tại Nhật Bản, chính phủ nước này đã phát hành một tờ rơi gồm một loạt lời khuyên nhỏ, như tránh đi săn Pokémon bằng xe đạp, đội mũ nón khi đi săn lúc trời nắng lớn, không nên đi vào những nơi nguy hiểm, luôn có pin dự phòng, đăng kí dưới một biệt danh để bảo vệ đời tư, cẩn trọng trước những nguy cơ bị đánh cắp dữ liệu…

Pokémon Go, trò chơi “đôi bên cùng có lợi”

Pokémon Go được tải miễn phí, nên game thủ là người được lợi nhất. Điều này cũng giải thích số lượng người tham gia trò chơi này rất đông.
Ngoài ra, ai còn có lợi trong trò chơi này ? Quốc Anh giải thích :

“Công ty phát triển trò chơi này là Niantic, cho đến khoảng tháng 11/2015, vẫn là một công ty con của tập đoàn Google. Chỉ cách đây vài tháng, Niantic mới tách ra “hoạt động độc lập”, nhưng Google vẫn đầu tư vào công ty này.

Ngoài ra, còn có công ty Nitendo, nhà sản xuất trò chơi điện tử của Nhật Bản, đồng sở hữu bản quyền các trò chơi liên quan đến Pokémon cùng với Pokémon Company, một công ty mà Nitendo là cổ đông, giống như trường hợp của Niantic với Google.
 Tất cả những công ty này đều thu được lợi từ trò chơi Pokémon Go. Đây là trường hợp chưa từng có khi rất nhiều tập đoàn lớn cùng “có lợi” trong một dự án như vậy.

Trò chơi được tải miễn phí. Nhưng để khuyến khích các game thủ “tự vệ” nên tại các PokéStop trong trò chơi, họ có thể tiếp tế một số “mặt hàng” bằng PokéPiece, được mua bằng tiền thật (các gói PokéPiece có giá từ 0,99 euro đến 99,99 euro).

Một chú Pokémon xuất hiện trên màn hình gần một người phụ nữ cũng đang chơi Pokémon Go ở công viên Bryant, New York, ngày 11/07/2016.
REUTERS/Mark Kauzlarich

nintendo-pokemonCác tập đoàn cũng kiếm tiền được bằng cách này. Tiền sẽ được Niantic thu về, sau đó ba tập đoàn mẹ sẽ chia nhau số tiền đó.

Hình như Nitendo đã thông báo mỗi ngày thu về khoảng 1 triệu đô la từ khi phát hành Pokémon Go.

Hiện tại, tôi chưa thấy có các thông tin chính xác về việc các tiểu thương tìm cách đàm phán với các nhà phát triển trò chơi để trở thành một PokéStop nhằm thu hút khách hàng.

 Nhưng McDonald đã làm việc với Niantic để các tiệm ăn nhanh này trở thành một PokéStop để có thể nâng số lượng khách hàng”.

Switch mode views: