Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ban bố tình trạng khẩn cấp trong 3 tháng

Tho nhiky-anninh

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan chủ trì cuộc họp của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia (MGK) tại phủ tổng thống, Ankara, ngày 20/07/2016
Kayhan Ozer/Presidential Palace/Handout via REUTERS

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào tối hôm qua, 20/07/2016, thông báo ban hành tình trạng khẩn cấp trong vòng 3 tháng.

Cuộc đảo chính hụt tuần qua đã làm rung chuyển chế độ Ankara. Quyết định áp đặt tình trạng khẩn cấp được đưa ra sau cuộc họp với Hội Đồng An Ninh và nội các.

Từ Istanbul, thông tín viên RFI Alexandre Billette nhận định :

« Đây là lần đầu tiên từ sau cuộc đảo chánh 1980 mà tình trạng khẩn cấp được ban hành ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngoài các vùng đông dân cư người Kurdistan ở phía đông-nam.

Biện pháp này được tổng thống Erdogan cho là cần thiết để bảo vệ nhà nước pháp quyền và dân chủ vào lúc mà âm mưu đảo chính chưa dứt. Theo ông, biện pháp này « cho phép diệt trừ nhanh chóng tất cả những phần tử của tổ chức khủng bố liên can trong vụ đảo chính hụt ».

Tổng thống Erdogan ám chỉ các mạng lưới của giáo sĩ Fethullah Gülen, đối thủ bị ông tố cáo là đứng sau vụ đảo chính tuần qua.
Đang lưu vong tại Hoa Kỳ, giáo sĩ Gülen đã hoàn toàn bác bỏ mọi liên can đến sự cố.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng cam kết « không thỏa hiệp » trên vấn đề dân chủ, trong lúc chế độ đang bị quốc tế chỉ trích gay gắt về các vụ thanh trừng sau cuộc đảo chính : đã có ít ra là 60 000 người bị tác động, bị bắt, bị sa thải hay bị đình chỉ công việc.

Trong bài diễn văn tại Ankara, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nhấn manh : Tình trạng khẩn cấp không đi ngược lại dân chủ, luật pháp và các quyền tự do mà ngược lại là nhằm bảo vệ, củng cố các giá trị này.

Vị tổng thống cũng nhắn nhủ các đối tác nước ngoài của Thổ Nhĩ Kỳ : « Không ai có quyền chỉ trích quyết định của chúng tôi ».

Với việc ban hành tình trạng khẩn cấp, chính quyền có thể áp đặt lệnh giới nghiêm, tiến hành khám xét mà không cần lệnh tòa án, kiểm soát báo chí, chương trình truyền hình và kéo dài vô thời hạn các vụ tạm giam».

Ngay sau khi tổng thống Erdogan ban hành tình trạng khẩn cấp, ngoại trưởng Đức, Frank-Walter Steinmeier, đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ không nên tung chiến dịch càn quét các nhà đối lập chính trị.
Đồng thời, ông cũng kêu gọi Ankara tôn trọng các nguyên tắc của một « Nhà nước pháp quyền » và giữ « giới hạn công bằng của sự việc » trong việc áp dụng tình trạng khẩn cấp.

Phát biểu trên đài phát thanh nhà nước O1, ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz, cho biết ngày 21/07/2016, Áo đã triệu tập đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Vienna để giải thích rõ ràng hơn về diễn biến ngày càng trở nên độc tài của chính phủ Ankara.

Ông Kurz đánh giá những quyết định gần đây của Ankara là « không chấp nhận được » liên quan đến việc sa thải hàng nghìn công chức, can thiệp vào hệ thống tư pháp và bắt giữ nhiều quan chức cao cấp .

Trước đó, vào tối ngày 15 và 16/07, hàng nghìn người gốc Thổ Nhĩ Kỳ thuộc cộng đồng khoảng 300.000 người Thổ sống tại Vienna đã xuống đường biểu tình ủng hộ tổng thống Erdogan.

Ngoại trưởng Áo cho biết : « Theo các thông tin của chính phủ Áo, các cuộc biểu tình ủng hộ ông Erdogan được trực tiếp điều hành từ Thổ Nhĩ Kỳ. Không thể chấp nhận được điều này và chúng tôi muốn phản đối ».
Ông muốn châu Âu gây sức ép, kể cả về mặt tài chính, đối với Ankara.

Switch mode views: