Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08-02-2016

Vụ phóng tên lửa: Bắc Kinh dù « muối mặt » vẫn phải che chở Bình Nhưỡng

NKOREA-SATELLITE 3

Ảnh phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên, ngày 07/02/2016
REUTERS/Yonhap

Ngay trước thềm năm mới Bính Thân, Bắc Triều Tiên đã dành cho thế giới một món quà « không mong muốn » khi thông báo phóng thành công một tên lửa đưa vệ tinh lên quỹ đạo.

 Vụ việc được báo chí Pháp ngày 08/02/2016 phân tích mổ xẻ. Một lần nữa « Kim Jong Un lại thách thức các cường quốc », tựa nhận định của Le Figaro.
 Một thất bại lớn nhất của cộng đồng quốc tế trong việc ngăn chặn phổ biến hạt nhân, là nhận xét của Libération.

Bác sĩ « Kim Folamour »

Hầu hết các báo Pháp đều trích dẫn nhận định của một chuyên gia Hoa Kỳ đánh giá Bình Nhưỡng có lẽ đã phóng « thành công » tên lửa.
 Theo Les Echos, « Bất chấp lệnh trừng phạt, Bình Nhưỡng thúc đẩy chương trình phát triển các tên lửa chiến lược của mình ».

Vụ phóng tên lửa này đã diễn ra đúng một tháng sau vụ thử bom nhiệt hạch hồi đầu tháng Giêng năm nay.
Như vậy là một lần nữa chế độ theo tư tưởng Staline, do Kim Jong Un lãnh đạo đã khinh thường những cảnh báo của cộng đồng quốc tế và thúc đẩy nhanh hơn nữa việc phát triển kho vũ khí hạt nhân của mình.
 Đương nhiên, « quốc tế đã đồng loạt lên án vụ phóng tên lửa » ngày hôm qua.

Hội Đồng Bảo An đã phải vội vã họp khẩn cấp ngay trong ngày để đưa ra một quyết định hợp lẽ với hành động « khiêu khích điên rồ » của Bắc Triều Tiên.

 Một hành động điên rồ đến mức nhật báo Libération trên trang nhất đã đưa tít « Kim Folamour ».
Tờ báo so sánh lãnh đạo họ Kim với vị bác học điên khùng Bác sĩ Folamour, trong một bộ phim của Kubrick.

Một thất bại của cộng đồng quốc tế

Câu hỏi đặt ra vì sao Bắc Triều Tiên lại phóng tên lửa vào thời điểm này ?
Libération trong bài giải mã « Bắc Triều Tiên, trường hợp tên lửa đạn đạo » cho rằng vụ phóng tên lửa thành công này có một tầm quan trọng trước kỳ đại hội đảng Lao Động lịch sử sắp tới, kỳ đại hội đầu tiên trong vòng 36 năm qua.

Libération trích lời giải thích của chuyên gia Nhật Bản, Hajime Izumi, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Triều Tiên, đại học Shizuoka, cho là:

« Đây sẽ là cơ hội để Kim Jong Un tái khẳng định những thành tựu đạt được trong quá khứ và đề xuất một tầm nhìn cho tương lai.
 Vụ phóng có vẻ không những khẳng định sự thành công trong việc đưa lên quỹ đạo mà còn cho thấy đã đạt được một mức độ cao hơn trong việc làm chủ vũ khí hạt nhân.

Nói một cách khác, Kim Jong Un, con trai của Kim Jong Il, người đã trang bị cho Bắc Triều Tiên bom nguyên tử, đã nâng quốc gia lên ngang tầm một cường quốc kể từ giờ được trang bị một bom nhiệt hạch, dù là tôi vẫn còn nhiều nghi ngờ về thực tế của quả bom này.
 Giờ đây, Kim Jong-Un có trong bảng thành tích những thành tựu của chính mình ».

Đây thật sự là một « mối nguy hiểm » cho cả thế giới, như tựa đề bài xã luận của Libération.
Tờ báo đánh giá : « Là chế độ kế thừa tư tưởng Staline lố bịch vừa cuồng ám vừa không thể đoán trước được, Bắc Triều Tiên kể từ giờ đã sở hữu bom A và các tên lửa tầm xa.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, điều đó cũng không đồng nghĩa với việc vũ khí nguyên tử của Bắc Triều Tiên đã có thể đưa vào hoạt động, nhưng nguy cơ vẫn còn đó.

Một quốc gia bị cô lập và nghèo đói, đã trở thành một cường quốc hạt nhân khi chỉ dựa vào bằng chính sức mạnh của mình.
Đây là một thất bại lớn nhất trong cuộc chiến chống phổ biến hạt nhân. (…) Nhờ vào sự ủng hộ mạnh mẽ của Bắc Kinh tại Hội Đồng Bảo An, vương quốc « khép kín » nhất công khai thách thức cộng đồng quốc tế.
Và không ai biết được làm sao buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ một quả bom mà các quốc gia láng giềng xem đó như là một mối đe dọa lớn ».

Bắc Kinh « muối mặt » nhưng vẫn che chở

Đây thật sự là một món quà « mừng tuổi » không mong muốn dành cho người anh bảo hộ Bắc Kinh.
 Theo ghi nhận của Le Figaro, đối với hàng triệu người dân Trung Quốc, vụ phóng tên lửa tầm xa của lãnh đạo « tối cao » Kim Jong Un là một trò đùa chẳng vui chút nào, vào lúc mà nhà nhà chuẩn bị đón thời khắc giao thừa mừng năm mới Bính Thân với các màn pháo hoa rực trời.

Trên các trang mạng xã hội, người dân Trung Quốc đón nhận sự kiện giữa những lời châm chọc và sự chua cay.
«Sau nhiều năm hữu nghị, hàng ngàn binh sĩ Trung Quốc đã hy sinh và hàng tỷ đồng trợ giúp, Trung Quốc đã sản sinh ra một nhà nước côn đồ», một cư dân mạng đã bình phẩm như trên.

Địa điểm phóng tên lửa nằm không xa thành phố biên giới Đan Đông.
Tại nơi đây, một cây cầu « hữu nghị » đã được xây để nối liền tình bằng hữu giữa hai dân tộc, nảy sinh từ cuộc chiến Triều Tiên đẫm máu.

 Đây quả là một cú tát thứ hai trong vòng có một tháng dành cho Bắc Kinh. Điều đó cũng cho thấy sự bất lực của chính quyền Trung Quốc trong việc uốn nắn quốc gia láng giềng theo nề nếp kỷ luật, dù đó là một trong những quốc gia nghèo nhất hành tinh.

Bắc Kinh đã phải vất vả chạy ngược chạy xuôi cho đến tận giây phút cuối cùng để cảnh báo vụ phóng tên lửa này, khi gởi đặc sứ Vũ Đại Vĩ (Wu Dawei), đặc trách về Bắc Triều Tiên đến Bình Nhưỡng hồi tuần rồi, nhưng cũng vô ích.

Sự khiêu khích mới này một lần nữa cho thấy đây là một bài toán hóc búa dành cho các chiến lược gia Trung Quốc, vì giờ đây Bình Nhưỡng đang đặt Bắc Kinh vào thế đối đầu với Washington trên mặt trận ngoại giao.

Hành động này của Bình Nhưỡng còn mang đến cho Hoa Kỳ một cái cớ tuyệt vời để củng cố hơn nữa vị thế của họ tại vùng Đông Bắc Á.

Trước mắt, Seoul tuyên bố đang trong quá trình thương thuyết để thiết lập hệ thống chống tên lửa khu vực của Hoa Kỳ, mang tên THAAD, gây bất lợi và làm cho Bắc Kinh lo ngại.
Dù vậy, Trung Quốc cũng sẽ không bỏ rơi đồng minh khó bảo này. Lời tuyên bố « lấy làm tiếc » của Bắc Kinh cho thấy một thái độ phản ứng khá khiêm tốn.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh kêu gọi «các quốc gia phải bình tĩnh hành động», nhấn mạnh đến quyền tự do khai thác không gian « hòa bình » của Bình Nhưỡng, hiện đang « bị các Nghị quyết Liên Hiệp Quốc trừng phạt ».

Bắc Kinh sát cánh cùng đồng minh Bắc Triều Tiên đó là do thực tế địa chiến lược. Sự sụp đổ của chế độ Bình Nhưỡng có khả năng mở ra một vùng bất ổn mới ngay sát biên giới đông bắc của đế chế.
Nhẹ là một làn sóng tị nạn kinh tế đổ vào nước này. Còn nặng hơn nữa là đội GI của Hoa Kỳ ngay sát cửa nhà.

 Nhất là trên bình diện đối nội, bối cảnh hiện nay không cho phép thay đổi đường hướng, vào thời điểm ông Tập Cận Bình đang tìm cách nắm lấy quyền kiểm soát lên quân đội, trong khi giới sĩ quan quân đội nước này rất ủng hộ Bình Nhưỡng.
Theo phân tích của một nhà ngoại giao trong khu vực này, « xem xét lại mối quan hệ hiện nay với Bình Nhưỡng có lẽ sẽ là một hành động đầy rủi ro cho ông Tập Cận Bình.

 Nếu như ông có thể nắm lấy hết được quyền hành cho nhiệm kỳ thứ hai, ông rất có thể sẽ thay đổi lập trường. »
Nói tóm lại, « dù bị muối mặt nhưng Bắc Kinh không thể bỏ rơi đồng minh khó bảo », như tựa đề bài viết của Le Figaro.

Trung Quốc : Đầu năm lo sợ « tiền ra »

Vẫn liên quan đến khu vực châu Á, nhưng trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, báo Les Echos có bài « Áp lực gia tăng đối với dự trữ hối đoái Trung Quốc ».

Bài báo mở đầu với câu hỏi : liệu Bắc Kinh có lập « bức màn sắt » để ngăn chặn luồng vốn ngoại tệ đổ ra nước ngoài, gây áp lực mạnh đối với dự trữ hối đoái ?
Theo các số liệu được Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc công bố ngày 07/02/2016, trong tháng Giêng, dự trữ hối đoái của nước này giảm 99,5 tỷ đô la và tổng dự trữ của Bắc Kinh xuống còn 3230 tỷ đô la, mức thấp nhất kể từ năm 2012.

Tuy mức giảm không lớn như các dự báo, nhưng vấn đề gây quan ngại là xu hướng giảm này còn có thể tiếp tục kéo dài.
Các chuyên gia của ngân hàng Société Générale báo động : chỉ trong vài tháng tới, dự trữ hối đoái của Trung Quốc sẽ xuống còn 2800 tỷ đô la.

Theo nhận định của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, đây là ngưỡng giới hạn, xuống dưới mức này, Trung Quốc sẽ mất khả năng can thiệp và phải để cho thị trường quyết định giá trị đồng tiền quốc gia.

Như vậy, sau nhiều năm tích lũy dự trữ ngoại tệ với việc tăng cường xuất khẩu và tập trung đầu tư trong nước, giờ đây, Trung Quốc đang trong giai đoạn quá độ chuyển đổi mô hình kinh tế, hướng vào tiêu thụ nội địa và phát triển dịch vụ. Bắc Kinh đang từng bước tiến hành đồng thời mở cửa thị trường và để cho đồng tiền có khả năng chuyển đổi.

Thế nhưng, có nhiều yếu tố gây lo ngại : tăng trưởng của Trung Quốc giảm mạnh, chỉ đạt 6,9% trong năm 2015, mức thấp nhất từ 25 năm qua, thay đổi cơ chế xác định tỷ giá đồng nhân dân tệ so với đô la Mỹ và trong tháng Giêng, Bắc Kinh đã bốn lần phá giá đồng tiền quốc gia.

 Mỗi biến động này đều làm cho thị trường tài chính quốc tế chao đảo và giới đầu tư cho rằng Trung Quốc phá giá tiền tệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh xuất khẩu.

Hậu quả là luồng vốn đổ ra ngoài ngày càng tăng. Công ty phân tích tài chính Bloomberg cho rằng trong năm 2015, khoảng 1000 tỷ đô la đã được chuyển ra bên ngoài Trung Quốc.

Ngân hàng HSBC nêu ra con số 650 tỷ. Bắc Kinh đã áp dụng nhiều biện pháp hành chính để ngăn chặn làn sóng này : từ nay, mỗi người dân Trung Quốc chỉ được phép chuyển ra bên ngoài tối đa là 50.000 đô la mỗi năm.

Các ngân hàng thương mại được yêu cầu giám sát chặt chẽ các luồng di chuyển vốn, đề phòng đầu cơ tiền tệ.

Trong khi đó, Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc ra sức trấn an, khẳng định rằng một phần ngoại tệ được chuyển ra ngoài để trả nợ hoặc để tiến hành các hoạt động kinh doanh tài chính ở nước ngoài.

Và mức dự trữ hiện nay đủ để đối phó với mọi tình huống. Theo Les Echos, các tuyên bố này không có sức thuyết phục.
Giới đầu tư và chuyên gia nghi ngờ về mức dự trữ cũng như khả năng huy động vốn trong ngắn hạn của Trung Quốc.
Ngân hàng HSBC tỏ ra lạc quan hơn với dự báo : Nếu dự trữ ngoại hối tiếp tục giảm theo xu hướng hiện nay thì Trung Quốc vẫn có thể cầm cự được trong khoảng hai năm nữa.

Trung Quốc cứu tinh cho giá dầu

« Năm mới Trung Quốc cứu giá dầu », đó là tựa một bài viết cũng trên báo Les Echos.
 Từ lâu nay, giới chuyên gia thường nói đến tác động ngắn hạn của « driving season – mùa lái xe » - tức là mùa nghỉ hè - đến việc tiêu thụ xăng dầu tại Mỹ.

Hiện tượng này giờ đây đang diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán tại Trung Quốc với hàng trăm triệu người di chuyển, về quê ăn Tết.
Giới chuyên gia đánh giá đây là cuộc di dân lớn nhất trên hành tinh với khoảng một tỷ người đi lại trong khoảng 40 ngày trước vào sau Tết.

Ông Mark Keenan, chuyên gia thuộc ngân hàng Société Générale thẩm định, trong thời gian lễ hội này, Trung Quốc có tới 3,2 tỷ lượt di chuyển trên đường bộ, tức là khoảng 2,6 triệu lượt mỗi ngày, cao hơn mức trung bình trong năm là 890 ngàn mỗi ngày.

Cũng vào dịp Tết, có tới 42 triệu lượt hành khách đi máy bay và mỗi ngày có tới 62 ngàn chuyến bay.
Chính các con số khủng khiếp này giải thích vì sao việc tiêu thụ dầu lửa tại Trung Quốc tăng mạnh vào dịp Tết. Theo quan sát trong vòng 5 năm qua, vào tháng Giêng hàng năm, tiêu thụ dầu lửa tại Trung Quốc cao hơn 217 ngàn thùng mỗi ngày, so với mức trung bình hàng ngày trong năm, tháng Hai cao hơn 292 ngàn thùng.

Bên cạnh đó, số lượng xe hơi bán ra tại Trung Quốc cũng tăng mạnh. Riêng trong tháng 12/2015, 2,4 triệu xe hơi được bán ra, như vậy, tính trung bình theo tháng, thì còn cao hơn cả tổng số xe bán ra trong một năm tại Pháp.

Theo giới chuyên gia, trong tương lai, « driving season » Trung Quốc sẽ ngày càng trở nên quan trọng và cũng giống như tại Mỹ, đây sẽ là một yếu tố chính tác động đến việc định ra giá dầu trên thế giới.

Cuộc gặp lịch sử giữa hai lãnh đạo giáo hội La Mã và Chính thống giáo Nga

Một hồ sơ nổi cộm khác đáng chú ý là cuộc gặp giữa Giáo hoàng Phanxico và Thượng phụ Chính Thống giáo Nga Kirill tại Cuba, vào ngày thứ Sáu 12/02/2016 tới đây. Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa hai lãnh đạo Giáo hội Công giáo và Chính Thống Giáo. Cuộc gặp này đã được kín đáo chuẩn bị từ hai năm qua.

Trên trang với tấm ảnh lớn đăng hình hai vị lãnh đạo tinh thần, La Croix trên trang nhất cho hay « Roma – Matxcơva, các bí ẩn của một cuộc gặp thượng đỉnh ».
 Tờ báo dành hai trang lớn để tường thuật lại « chuyện hậu trường của một cuộc gặp lịch sử », tựa bài viết trên trang hai.

Theo nhật báo, cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Giáo hoàng Phanxicô và Thượng phụ Chính Thống giáo Nga, ông Kirill sắp diễn ra vào ngày 12/02/2016 tới đây là kết quả của hai năm dài thương thuyết ngoại giao đằng đẵng.

Cuộc gặp dự kiến diễn ra tại Cuba, và hai bên sẽ cùng ký kết một tài liệu, mà từng lời từng chữ đã được xem xét một cách kỹ lưỡng.
La Croix đánh giá một cuộc gặp như vậy còn là một cơ hội ngoại giao tốt không những cho Giáo hội chính thống giáo mà cả cho chủ nhân điện Kremli.

Bính Thân : năm dịch bệnh Zika ?

Dịch virus Zika tiếp tục làm hao tốn giấy mực trên báo chí Pháp. Le Monde trên trang nhất cho hay « Dịch bệnh Zika mở lại cuộc tranh luận về phá thai tại châu Mỹ Latinh ».

Bài phóng sự dài hai trang của nhật báo cho thấy « Dịch Zika đang là một tai họa mới cho người nghèo ».

Tại bang Pernambuco của Brazil, nơi có rất nhiều ca mắc tật chứng teo não thai nhi do virus, cuộc sống của hàng nghìn phụ nữ đã bị đảo lộn.
 Tính trên toàn quốc, 78% bà mẹ của các trẻ bị tật nguyền đều bị phụ bạc.

Trong bối cảnh hiện nay, Liên Hiệp Quốc kêu gọi các nước bị dịch bệnh nên cho phép phá thai.

Một quan điểm có vẻ như không được nhật báo công giáo La Croix đồng tình. Trong bài xã luận đề tựa « Zika, nguyên nhân và hậu quả », tờ báo cho rằng có hai điểm chính đánh được quan tâm.

 Thứ nhất, tuyên bố của Liên Hiệp Quốc quá chú trọng đến hệ quả mà không quan tâm đến nguyên nhân.
Việc cần phải làm là tiêu diệt loài muỗi mang mầm bệnh, phát triển công tác dự phòng (điều này có thể đi kèm chung với phòng tránh thai), triển khai khẩn cấp các cách điều trị.

Thứ hai, khi đề xuất cho phép phá thai trong trường hợp trẻ có khả năng bị tật nguyền, Liên Hiệp Quốc đang đi ngược lại với các giá trị phổ quát của nhân quyền của một đứa trẻ ngay từ trong bụng mẹ.

Switch mode views: