Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 06-02-2016
- Chúa Nhật, 07 tháng Hai năm 2016 04:15
- Tác Giả: Anh Vũ
Châu Âu nhượng bộ nhiều để giữ Anh ở lại
Thủ tướng Anh, David Cameron (P) và chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Luân Đôn ngày 31/01/2016.
REUTERS/Toby Melville
Nhật báo Le Monde trở lại câu chuyện ra đi hay ở lại Liên Hiệp Châu Âu của nước Anh, sau khi thủ tướng David Cameron thương lượng được thỏa thuận sơ bộ với chủ tịch Hội đồng châu Âu Donal Tusk hôm 02/02/2016 để chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý sắp tới.
Le Monde chạy tựa bài xã luận « Brexit : Sự nhượng bộ thái quá » của châu Âu để giữ nước Anh ở lại.
Đầu tuần này, sau nhiều tháng ngược xuôi đến các nước trong Liên Hiệp Châu Âu để thảo luận, thương lượng hay mặc cả, cuối cùng thủ tướng Anh David Cameron cũng đã đạt thỏa thuận sơ bộ với Bruxelles.
Đây là văn kiện giúp thủ tướng Cameron có cơ sở thuyết phục dân chúng bỏ phiếu chống lại việc nước Anh ra khỏi Liên Hiệp trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới.
Tờ báo nhận xét, đạt được thỏa thuận với châu Âu là do tài thương thuyết khéo léo của David Cameron và thỏa thuận này đã được các nước châu Âu đều hoan nghênh.
Với Le Monde, việc ra đi hay ở lại của nước Anh không đơn giản. Cuộc trưng cầu dân ý, sẽ diễn ra sớm nhất vào cuối tháng Sáu, lại rơi vào một thời điểm xấu, trong lúc mà châu Âu đang trong một loạt khủng hoảng : đồng euro, nhập cư, khủng bố ….. Nhưng đã quá muộn để có thể lùi.
Chỉ còn cách chọn một trong hai điều xấu : Nước Anh ra khỏi châu Âu hay nhượng bộ thật nhiều cho David Cameron.
Xã luận báo Le Monde phân tích : « Châu Âu quá nhiều rủi ro khi đánh liều để nước Anh ra đi.
Sự có mặt của Vương quốc Anh là một bảo đảm duy trì một thị trường thống nhất và sự cạnh tranh của châu Âu. …
Dưới cái nhìn của thế giới, việc ra đi của Vương quốc Anh sẽ đánh dấu sự cáo chung của Liên Hiệp Châu Âu.
Đó sẽ là một tai họa cho các nước trong lục địa, đang gắn với nhau bằng đồng tiền euro và không gian Schengen ».
Sự nhượng bộ của châu Âu là chấp nhận cho nước Anh được sử dụng chính sách phân biệt đối với làn sóng lao động di cư từ lục địa sang, chủ yếu là người Ba Lan. Những lao động nhập cư đó sẽ không còn được hưởng các quyền trợ cấp như công dân Anh, nếu như không có 4 năm làm việc tại nước này.
Le Monde nhận định : « Vương Quốc Anh đang phá hỏng một trong những trụ cột của thị trường thống nhất, đó là tự do đi lại của người lao động.
Châu Âu thắt lại tự do lưu thông vốn và hàng hoá thì sẽ không còn là châu Âu ban đầu nữa ».
Sự nhượng bộ quá nhiều này được cho là giúp David Cameron thuyết phục được cử tri, giành thắng lợi ở trưng cầu dân ý giữ nước Anh ở lại trong Liên Âu.
Nhưng chưa có gì chắc thắng nếu như chiến dịch vận động cho cuộc trưng cầu dân ý lại quay sang chủ đề nhập cư.
Le Monde kết luận : Nếu ông Cameron thua thì các nước châu Âu cũng sẽ thua mọi mặt.
Trung Quốc: Khủng hoảng kinh tế nhìn từ trong nước
Liên quan đến châu Á chỉ có tuần báo Courrier International nhìn về những khó khăn của nền kinh tế thứ 2 thế giới, với hình vẽ trên trang nhất một chiếc máy bay mang cờ hiệu Trung Quốc đang bay trong giông bão, rơi vào hố khí loãng.
Tuần báo Pháp trở lại các căn nguyên của cuộc khủng hoảng kinh tế Trung Quốc qua cái nhìn của báo chí trong nước.
Courrier International trích đăng lại bài phân tích trên tờ « Quan sát kinh tế báo – Jingji Guangcha Bao », một tuần báo có lượng phát hành lớn của Bắc Kinh để cho thấy, những khó khăn của kinh tế Trung Quốc trong năm qua giờ đây là một sự báo động thực sự.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc 2015 ở mức thấp nhất từ 25 năm qua.
Lo lắng cho tình trạng này, các nhà lãnh đạo của đất nước đang cố gắng định hướng lại nền kinh tế, vốn chủ yếu dựa vào xuất khẩu, sang một mô hình dựa trên cơ sở dịch vụ và tiêu thụ.
Theo báo chí Trung Quốc thì đó là sự chuyển hướng đòi hỏi những lựa chọn khó khăn. Ưu tiên trong năm 2016 sẽ là tái cấu trúc ngành công nghiệp khu vực Nhà nước, đang bị bóp nghẹt bởi sản xuất quá tải và nhất là nợ nần.
Theo tuần báo Quan sát Kinh tế thì nợ nần là « tâm điểm của khủng hoảng » của kinh tế Trung Quốc hiện nay.
Năm 2015, kinh tế Trung Quốc được đánh dấu chủ yếu bởi những khó khăn liên quan đến việc hoàn nợ.
Vay nợ quá lớn đã dẫn đến ttình trạng nhiều nhà máy chế biến phải đóng cửa. Hiện tượng này giờ bắt đầu phổ biến sang khu vực kinh tế Nhà nước.
Tuần báo kinh tế Trung Quốc dẫn số liệu của bộ tài chính nước này cho biết lợi nhuận của các công ty Nhà nước trong năm qua đã sụt giảm 9,5%.
Các tập đoàn lớn như dầu lửa, hóa dầu, luyện kim, cán thép đều trong tình trạng thâm hụt thu nhập.
Rất nhiều công ty đang trong tình trạng cầm cự để tồn tại. Hiện tại các doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc mắc nợ tới 11 nghìn tỷ euro.
Một thực tế nữa là tình trạng nợ nần của các địa phương Trung Quốc đã lên đến mức quá lớn. Năm 2015, bộ Tài chính Trung Quốc đã phải tái cơ cấu nợ, tức chia lại thời hạn đáo nợ cho các địa phương, với số tiền lên tới lên tới trên 400 tỷ đô la.
Trong tình trạng hiện nay, chính phủ dường như đã sẵn sang buông xuôi để các công ty Nhà nước nào không làm ăn được thì cho phá sản.
Thế nhưng làm sao có thể để cho một doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ « chết » khi mà 100 nghìn con người đang sống nhờ vào nó ? Đó là câu hỏi không dễ trả lời.
Ba Lan điều tra lại vụ máy bay tổng thống rơi tại Smolensk
Tiếp tục với nhật báo Le Monde. Tờ báo trở lại sự kiện vụ tai nạn máy bay gây rúng động Ba Lan tại Smolensk hồi năm 2010.
Ngày 10 tháng Hai năm 2010, tổng thống Ba Lan Lech Kaczynsky cùng 95 chính khách của nước này bay đến Nga dự lễ kỷ niệm 70 năm vụ Hồng quân Liên Xô thảm sát hàng loạt các sĩ quan Ba Lan tại Katyn.
Khi đến Smolensk, chiếc máy bay đã bị lâm nạn, làm toàn bộ số người đi trên chiếc máy bay bị thiệt mạng.
Gần đến ngày kỷ niệm 6 năm sự kiện đau thương, chính phủ hiện nay tại Ba Lan lại khơi lại vụ việc, quy trách nhiệm cho Mátxcơva và chỉ trích chính quyền thời tổng thống Donald Tusk đã lơ là điều tra nguyên nhân tai nạn.
Theo Le Monde, hôm 04/02/2016 vừa rồi đích thân bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Macierewicz đã thông báo với gia đình các nạn nhân lập ủy ban điều tra mà ông là lãnh đạo để đi tìm sự thậ tvụ tai nạn .
Theo bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan, những thông tin mới cho thấy rõ ràng có trách nhiệm của Nga trong vụ máy bay rơi tại Smolensk.
Cuộc điều tra mới mở ra theo yêu cầu của đảng cầm quyền Luật pháp và Công lý do ông Jaroslaw Karzynsky lãnh đạo và ông cũng là người em song sinh của cố tổng thống Lech Karzynsky.
Đảng cầm quyền hiện nay đều khẳng định vụ máy bay của tổng thống rơi ở Smolensk không phải là tai nạn kỹ thuật,mà đó là một vụ khủng bố có tính toán, chuẩn bị từ trước.
Việc mở lại điều tra vụ này có nguy cơ sẽ làm dấy lên những căng thẳng quan hệ với Nga và gây chia rẽ chính trị ở trong nước.
Khủng hoảng nhập cư : hệ lụy đến chính trị châu Âu
Chuyển qua với hồ sơ đau đầu của châu Âu là người nhập cư nhưng là tác động của nó lên chính trị của châu Âu.
Le Figaro chạy tựa trang nhất : « Châu Âu trước sức lớn mạnh của các đảng chống người nhập cư ».
Tờ báo ghi nhận : Từ Thụy Điển qua Đông Âu rồi đến nước Ý, phong trào cực hữu đang lớn mạnh cùng với làn sóng hàng trăm nghìn di dân tị nạn đổ về lục địa châu Âu. Cùng lúc, nỗi sợ hãi khủng bố Hồi giáo cực đoan cũng lan rộng.
Theo Le Figaro , « sau 10 tháng châu Âu bất lực trước cuộc khủng hoảng di dân, giờ đây các đảng truyền thống đang phải đối phó tranh đấu cho sự sống còn.
Các đảng đó đang bị các phong trào cực đoan hoặc dân túy đẩy lùi trên chính trường châu Âu ».
Tờ báo điểm lại khắp nơi ở châu Âu, phần tây cũng như đông, đâu đâu cũng thấy các đảng cực hữu nổi lên như là một lực lượng chính trị quan trọng với các diễn văn bài ngoại, chống nhập cư và ngày càng thuyết phục được cử tri
Mỹ : Chung kết Super Bowl, cuộc so tài quảng cáo
Phần cuối mục điểm báo hôm nay là câu chuyện kinh tế thể thao tại Mỹ xung quanh trận chung kết bóng bầu dục Mỹ được gọi là trận Super Bowl, diễn ra vào ngày mai tại California, giữa hai đội bóng Broncos của Denver với đội Santa Clara.
Chưa nói đến tính chất thể thao của trận đấu, sự chú ý lúc này là những con số kỷ lục bên ngoài sân cỏ.
Mỗi năm có một ngày như vậy không chỉ cho thể thao mà còn cho cuộc so tài của các nhà quảng cáo.
Năm nay, trận đấu được truyền trực tiếp trên kênh CBS.
Năm 2015, Super Bowl đã thu hút được 114 triệu khán giả truyền hình. Điều này có thể lý giải cho cái giá cắt cổ cho quảng cáo trong trận đấu.
Theo Le Figaro, giá năm nay là 5 triệu đô la cho 30 giây quảng cáo trên màn hình của CBS.
Tất cả các nhà sản xuất các nhãn hiệu đều thấy đây là cơ hội tốt nhất để quảng bá hình ảnh của mình.
Năm 2015, chi phí cho các quảng cáo xung quanh trận đấu lên tới 345 triệu đô la, chắc chắn năm nay kỷ lục sẽ còn bị phá vì các nhà tổ chức mở rộng các quảng cáo không chỉ trên truyền hình mà còn trên nhiều ứng dụng có sử dụng phương tiện internet.
Riêng tiền sản xuất video quảng cáo trong trận Super Bowl trung bình là 160 nghìn đô la cho 1 giây !
Để tiện so sánh, bộ phim Star Wars vừa mới ra cuối năm ngoái có giá thành chỉ 25 nghìn đô la cho một giây phim !
Tin mới
- Bình Nhưỡng ra lệnh toàn bộ người Hàn Quốc rời khỏi Kaesong - 11/02/2016 17:00
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-02-2016 - 10/02/2016 21:32
- Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN : Obama sẽ có thông điệp cứng rắn về Biển Đông - 10/02/2016 17:29
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09-02-2016 - 10/02/2016 00:48
- Mỹ - Thái Lan tập trận Hổ mang vàng - 09/02/2016 17:09
- « Ly rượu mừng » : Vẫn bất tử mỗi độ Xuân về - 09/02/2016 17:02
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08-02-2016 - 09/02/2016 00:57
- Bính Thân với nhiều bất trắc chính trị và kinh tế chờ đón - 08/02/2016 17:43
- Đồng Nhân dân tệ sẽ phải phá giá - 08/02/2016 17:36
- Ấn Độ, thị trường điện thoại thông minh lớn thứ nhì thế giới - 08/02/2016 00:06
Các tin khác
- Giáo hoàng thúc đẩy hòa giải giữa các Giáo hội Thiên chúa giáo - 07/02/2016 04:00
- Biểu tình bài Hồi giáo tại nhiều thành phố châu Âu - 07/02/2016 02:56
- Động đất ở Đài Loan, núi lửa ở Nhật Bản - 07/02/2016 01:58
- Một ủy ban Liên Hiệp Quốc đòi trả tự do cho nhà sáng lập Wikileaks - 05/02/2016 18:38
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-02-2016 - 05/02/2016 18:00
- Ca ngợi Trung Quốc, giáo hoàng bị chỉ trích - 05/02/2016 17:04
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-02-2016 - 04/02/2016 23:51
- So sánh hai cuộc tuần tra của Mỹ tại Hoàng Sa và Trường Sa - 04/02/2016 23:08
- Hiệp định TPP thành lập vùng mậu dịch lớn nhất thế giới được ký kết - 04/02/2016 14:11
- Tổng thống Obama thăm đền thờ Hồi giáo ở Mỹ - 03/02/2016 21:41