Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc ngày 03-12-2015

Khẩu chiến Nga - Thổ : Putin đã dữ, Erdogan chẳng vừa

Erdogan -putin


Ảnh minh họa.
CC DonkeyHotey/Wikimedia

Mặt trận chống Daech bắt đầu lộ rõ. « Phương Tây tăng cường sức mạnh chống Daech », tít lớn thông báo trên Le Figaro ngày 03/12/2015.

Mười lăm ngày sau loạt khủng bố tại Paris, liên quân chống Daech bắt đầu tăng cường lực lượng. Hoa Kỳ thông báo bổ sung 200 lính đặc nhiệm đến Irak và tăng cường không kích tại Syria, chủ yếu nhắm vào các đoàn xe chở dầu của quân thánh chiến.

 Đức đề nghị cung cấp máy bay trinh sát và tiếp tế cùng với một tàu chiến. Và hôm qua, Quốc hội Anh cuối cùng cũng đã cho phép chính phủ mở rộng các cuộc không kích nhắm vào Daech tại Syria.

Tuy vậy, Le Figaro vẫn tỏ ra dè dặt trên hai điểm : Thứ nhất, các cuộc không kích này chưa đủ để diệt trừ hoàn toàn quân thánh chiến. Cam kết đưa quân đánh bộ vẫn còn là một điều xa vời, do bởi « các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh không có chút thiện chí gởi lính đánh bộ để chiến đấu chống quân thánh chiến Hồi giáo cực đoan ».

Thứ hai, « tăng cường quân sự như thông báo của liên quân không che giấu được những bất đồng tồn tại giữa các cường quốc trong cuộc khủng hoảng tại Syria, nhất là giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Căng thẳng giữa hai nước này hiện đang gây khó khăn cho việc thành lập một liên minh lớn và duy nhất chống lại Daech ».

Đấu khẩu leo thang giữa "Sa hoàng" và "Quốc vương"

Một quan điểm cũng được tờ thiên tả Libération đồng chia sẻ. Theo Libération, sự đối đầu giữa hai nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ và Nga giờ khó có thể lắng dịu dù rằng từ lâu cả hai bên rất ngưỡng mộ lẫn nhau.

Một bên là « Sa hoàng » và bên kia là « Quốc vương », cả hai đều có cùng quan niệm về quyền lực chuyên chế.
Cả hai đều tự cho rằng được Chúa Trời giao phó trách nhiệm mang lại ánh hào quang như xưa cho đất nước của mình.
Cả hai đều không chịu đựng được bất kỳ chỉ trích nào, ghét cay ghét đắng phe đối lập và rất thích giương oai diễu võ hô hào chủ nghĩa dân tộc trước các cử tri của họ.

Do đó, ông chủ điện Kremlin đã nổi giận khi chiếc Su-24 bị chiếc F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rớt gần với biên giới Syria.
Còn người đầy quyền lực tại Ankara cũng không chịu được việc Nga vô số lần xâm phạm không phận.
Thổ Nhĩ Kỳ từ chối xin lỗi, Nga ra lệnh trừng phạt kinh tế.
Khẩu chiến như thế tiếp tục leo thang.

Ngay tại lễ khai mạc COP 21, không những Tổng thống Nga từ chối gặp đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn khai mào cuộc tranh cãi khi tố cáo Ankara bắn hạ máy bay để « bảo vệ việc giao nhận dầu khí từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo ».
Lẽ đương nhiên, Tổng thống Erdogan phải la to, cho đấy là « vu khống » và nhắc lại rằng chế độ Assad là kẻ hưởng lợi đầu tiên trong vụ buôn lậu này.
Matxcơva còn tố cáo là « ông Erdogan và gia đình của ông có liên can trong phi vụ bất hợp pháp đó ».

Sự việc đã làm cho Tổng thống Mỹ quan ngại, e sợ rằng căng thẳng sẽ ngăn chặn một cuộc chiến chung chống Daech.
Nhưng theo Libération, đối đầu Nga - Thổ đã làm lộ rõ những lợi ích đối lập nhau hoàn toàn của hai phe chính trong cuộc khủng hoảng Syria.

Nga một mặt tuyên bố tham gia chống Daech, nhưng trên thực tế các cuộc không kích của nước này chủ yếu nhắm vào các vị trí của quân nổi dậy ôn hòa, Quân đội Tự do Syria và các đồng minh nói tiếng Thổ khác, được Ankara hỗ trợ.
Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu lại có thái độ mập mờ đối với các phần tử thánh chiến cực đoan, thậm chí với cả Daech, cho nên các cáo buộc của Nga không phải là không có cơ sở.

Theo quan sát của nhật báo, mục tiêu quan trọng trong chiến dịch tuyên truyền của Nga là làm mất tính chính đáng của tất cả những nước như Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như là Ả Rập Xê Út, và từ lâu là nước Pháp.
Những quốc gia ủng hộ hết mình quân nổi dậy và luôn cho rằng không thể có được hòa bình nếu vẫn duy trì ông Bachar al-Assad.

Dù rất làm mình làm mẩy với các nước khác, Matxcơva cũng muốn phần nào buông rơi « đao phủ » Damas, nhưng khốn nỗi hiện vẫn chưa thấy được ai có thể thay thế ông Assad, mà không làm sụp đổ cả hệ thống cho đến khi tiến hành chuyển tiếp chính trị.

Và nhất là ông Putin không muốn tạo ra một tiền lệ có thể cho các nước trong khối Xô viết cũ noi theo, thậm chí một ngày nào đó ngay chính tại nước Nga.
Chính vì thế, việc « Putin chống Erdogan », chẳng khác nào « cuộc chiến giữa hai anh em sinh đôi », đó cũng là tựa bài xã luận của Libération.

Libya : Tổng hành dinh tương lai của Daech ?

Ngày 01/12/2015, các nước lân cận với Libya, trong khối Liên Hiệp Châu Phi và Liên đoàn Ả Rập, đã tụ họp tại Alger.
 Các nước này đã bày tỏ « mối lo lắng trước sự bành trướng của quân khủng bố tại Libya ».

Trước đó, ngày 30/11, Thủ tướng Pháp Manuel Valls trên đài Europe 1, tuyên bố là Lybia « trong những tháng sắp tới sẽ là một hồ sơ lớn ».
Tờ báo La Croix phỏng vấn ông Alaya Allani, sử gia đại học La Manouba tại Tunis, giải đáp « Những mối đe dọa nào của Daech tại Libya ? »

Theo chuyên gia Allani, có nhiều lý do giải thích cho việc Daech chuẩn bị cắm quân tại Libya.
Trước hết, vùng Cận Đông không còn an toàn nữa. Trong khi đó, tại Libya, quân thánh chiến Daech đã kiểm soát toàn bộ vùng Syrte và một phần vùng Derna, viễn đông Libya.
Mặt khác, đây cũng là vùng giàu nguồn dầu khí nhất của Libya. Và nhất là vùng sa mạc bao la không thể kiểm soát dễ dàng các đường biên giới.

Từ trung tuần tháng 11/2015, thủ lĩnh quân khủng bố Al Baghdadi âm thầm cử người đến Libya, bề ngoài là để yêu cầu viện binh và vũ khí cho Syria, nhưng trên thực tế là đang chuẩn bị địa bàn để di dời một phần tổng hành dinh về Libya.

Sở dĩ Daech có thể tăng cường sự hiện diện tại Libya nhờ vào việc tuyển mộ binh sĩ Bắc Phi, cũng như nhiều nước khác.
Chắc chắn là quân Daech đang di chuyển về phía Libya.
Như vậy, đội quân chủ đạo của Daech tại đây, ước tính có khoảng từ 3.000-5.000 quân sẽ còn tăng lên nữa trong tương lai.

Không chỉ thế, Daech còn thực hiện chính sách cài đặt người vào các bộ tộc. Mục đích gieo rắc bất hòa ngay trong lòng các bộ tộc và liên kết với các đội quân tự phát, thuyết phục họ đừng chống lại Daech.
 Đương nhiên, Daech cũng sẽ áp dụng các phương pháp bạo tàn và thị uy để gây sợ hãi cho người dân và các nhóm phản kháng.

Đối với vị chuyên gia về khủng bố, chính việc Liên Hiệp Quốc không có được một giải pháp chính trị nào cho Libya đã tạo đà phát triển cho Daech.
Nếu như sự trung gian hòa giải của Liên Hiệp Quốc đã bị thất bại, đó là vì tổ chức thế giới này phạm nhiều sai lầm.
Liên Hiệp Quốc đã đánh giá thấp các lực lượng tại chỗ và gạt ra bên lề các đội quân tự phát trong các cuộc thương lượng.

Một điều chắc chắn là không những Daech sẽ không buông Libya, mà còn tập trung hết nỗ lực, nhờ sự đồng lõa của Boko Haram (nhóm khủng bố thánh chiến gốc Nigeria) và một số nhóm chính trị hồi giáo cực đoan khác.
Chính những nhóm này đã tìm mọi cách phá hủy mọi đồng thuận để đưa ra một thỏa hiệp cho tương lai chính trị đất nước.

Sai lầm khi đưa đồng nhân dân tệ vào rổ tiền tệ quốc tế ?

Sự kiện đồng nhân dân tệ được quốc tế công nhận như là một ngoại tệ vẫn còn nóng hổi chưa kịp nguội thì đã bị chỉ trích.

Mục Quan điểm của báo Le Monde, đăng bài phân tích của tác giả Benjamin J.Cohen, giáo sư kinh tế chính trị quốc tế đại học California tại Santa Barbara cho rằng : « Đây là một sai lầm khi đưa đồng nhân dân tệ vào rổ tiền tệ » của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế - IMF.

Sai lầm là vì quyết định trên của IMF không có một sự chứng minh thật sự về mặt kinh tế mà chỉ mang tính chính trị, và như vậy sẽ có một hệ quả đáng tiếc trong dài hạn.
Ngay cả về mặt kỹ thuật, cách thức kết nạp đồng nhân dân tệ cũng đáng bị phê phán.

 IMF cho đến giờ chỉ dựa trên hai tiêu chí : Thứ nhất, quốc gia phát hành ngoại tệ phải là một nước xuất khẩu lớn.
 Về điểm này, Trung Quốc đã đáp ứng được. Nhưng Bắc Kinh lại không hội đủ được điều kiện thứ hai : đồng tiền của Trung Quốc phải có thể được sử dụng và thương lượng trên diện rộng.

Trên thực tế, đồng nhân dân tệ vẫn còn xa mới ngang hàng được với 4 đồng ngoại tệ hiện nay : đô-la Mỹ, euro của Liên Hiệp Châu Âu, bảng Anh và yên Nhật.
Đồng tiền của Trung Quốc trong năm 2014 đứng hàng thứ 7 trong kho dự trữ ngoại tệ của các ngân hàng trung ương, hàng thứ 8 trên phương diện phát hành công trái ở cấp độ quốc tế và thứ 11 trong các hoạt động giao dịch ngoại tệ.

Hơn nữa, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc vẫn chưa thể hoán đổi được trong phần lớn các giao dịch tài chính. Thị trường tài chính Trung Quốc còn rất sơ khai và vẫn do Nhà nước ấn định tỷ giá hối đoái.

Nếu như hồi tháng 8/2015, IMF còn tỏ ra dè dặt và cho rằng tốt hơn hết đợi đến năm 2016 mới đưa ra quyết định, Trung Quốc đã tung ra các chiến dịch để thuyết phục thế giới.
Chẳng hạn, thả nhẹ tỷ giá hối đoái, phát hành trái phiếu yết giá bằng đồng nhân dân tệ tại Luân Đôn, dự kiến mở nhiều cuộc thương thuyết mới để đưa đồng nhân dân tệ vào các trung tâm tài chính Châu Âu và nhất là cho thấy khả năng giáng trả trong trường hợp có những quyết định tiêu cực.

Nhiều người tin rằng đó là một sự tiến triển tích cực. Phương Tây cho là kết nạp đồng nhân dân tệ có thể tạm thời đẩy lùi mối nguy hiểm đến từ sáng kiến thành lập Ngân hàng đầu tư hạ tầng Châu Á, do Trung Quốc đưa ra để cạnh tranh với các định chế tài chính do Phương Tây kiểm soát.

Thế nhưng, theo tác giả, sự việc có thể tạo ra một tiền lệ đáng lo khi chỉ xem xét đến khía cạnh chính trị trong một lãnh vực đòi hỏi các yếu tố kinh tế khách quan là chính.
 Trong dài hạn, thành công của Trung Quốc rất có thể khuyến khích nhiều nước khác gây áp lực để hội nhập đồng nội tệ của họ vào rổ tiền tệ quốc tế của IMF.
 Tại sao không đưa đồng franc Thụy Sĩ, đô-la Canada, đồng rúp Nga hay đồng ru-pi Ấn Độ chẳng hạn ?

Tác giả công nhận trong tương lai mức tăng trưởng của đồng nhân dân tệ sẽ là cấp số nhân.
Tuy nhiên, ông cho rằng phải tính đến yếu tố bất định của xu hướng đó và cũng không nên đánh giá quá cao triển vọng của đồng nhân dân tệ.

Trên phương diện đầu tư hay như một nguồn dự trữ ngoại tệ, đồng nhân dân tệ vẫn chưa phải là một ngoại tệ đầy hứa hẹn do việc Bắc Kinh vẫn kiểm soát chặt chẽ các dòng vốn và mức độ phát triển tài chính thấp tại Trung Quốc.

Cuối cùng tác giả kết luận : Lý do chính trị đưa đồng nhân dân tệ vào trong rổ tiền tệ quốc tế là quá rõ. Nhưng các rủi ro hoạt động lại không mấy được xem trọng.

Switch mode views: