Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Việt Nam : Luật sư bị trấn áp trước khi tuần hành phản đối đồng nghiệp bị hành hung

tranvuhai


Luật sư Trần Vũ Hải được người dân chào đón khi ra khỏi đồn công an ở Hà Nội ngày 12/11/2015.
Facebook

Sáng nay 12/11/2015 luật sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội đã bị cưỡng bức đưa về đồn công an ở phường Xuân La, quận Tây Hồ và bị câu lưu suốt buổi sáng.

Ông vốn là một trong những luật sư tích cực kêu gọi các đồng nghiệp tham gia cuộc tuần hành đến Viện Kiểm sát Tối cao, Bộ Tư pháp để yêu cầu khởi tố vụ hai luật sư Trần Thu Nam và Lê Văn Luân bị hành hung mới đây, đồng thời yêu cầu bỏ quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa cho các luật sư.

Vừa được trả tự do, luật sư Trần Vũ Hải tuy rất mệt mỏi cũng đã cố gắng trả lời RFI Việt ngữ.
Luật sư cho biết tuy không còn bị câu lưu nhưng ông vẫn ở lại cùng với nhiều luật sư khác, yêu cầu gặp giám đốc công an Hà Nội về vụ bắt giữ người trái phép này.

RFI : Thân chào luật sư Trần Vũ Hải, thưa ông sự việc sáng nay diễn ra như thế nào ?

LS Trần Vũ Hải : Tôi chỉ nói tóm tắt thôi vì điện thoại cũng sắp hết (pin) rồi. Sáng nay, họ gồm mười người không mặc quân phục đến trước cửa nhà tôi ngăn chặn tôi đi ra. Tôi đã yêu cầu vợ con tôi chứng kiến. Một lúc sau có anh công an hộ khẩu đến, và tôi nói con trai tôi xem xét việc này, vì con trai tôi là luật sư học ở Mỹ về.

Các anh này hoàn toàn không cho xem lệnh chi cả. Mười anh này đã khênh, vác, đã dùng bạo lực đẩy tôi lên xe như con chó, con lợn, như súc vật, và tôi đã phản đối điều đó. Hiện nay các anh chuyển tôi lên Xuân La. Tôi đang yêu cầu phải lập biên bản bắt giữ người trái pháp luật.

Sáng nay tôi và luật sư Lê Văn Luân, Trần Thu Nam và một số luật sư khác dự kiến sẽ đến nộp đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự tại Công an Hà Nội, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố và sang công an quận Hai Bà, thành phố Hà Nội để gặp ông Nguyễn Đức Chung - giám đốc công an, đại biểu Quốc hội - để làm rõ một số việc mà bản thân chúng tôi tuần trước đã có văn bản đề nghị nhưng ông chưa trả lời. Đồng thời luật sư Trần Thu Nam cũng có văn bản yêu cầu cùng với luật sư Lê Văn Luân về vấn đề này.

Thế thì phải chăng ông ta tìm mọi cách ngăn chặn tôi về việc hành nghề luật sư ? Cho nên tôi cũng đề nghị là ông Nguyễn Đức Chung phải có mặt ở đây để làm rõ việc công an Hà Nội chủ trương bắt người như thế là đúng hay không, và đối thoại với tôi, với tư cách đại biểu Quốc hội cũng như giám đốc công an, chứ không thể coi thường cử tri như vậy. Hiện nay tôi, con trai tôi và các luật sư đang ngồi ở đây để yêu cầu lập biên bản về việc bắt giữ trái pháp luật.

Nhưng công an phường Xuân La nói rằng họ không liên quan đến việc bắt. Còn công an Hà Nội, các anh đều không mặc quân phục và cũng không chịu lập biên bản. Tôi sẽ ngồi ở đây và sẽ tuyệt thực cho đến khi những yêu cầu của chúng tôi được thực hiện, để tránh việc đi ra không có biên bản nào cả, cuối cùng sẽ bất lợi cho chúng tôi sau này khi giải quyết công việc.

RFI : Việc này có liên quan đến sự kiện 200 luật sư dự định tuần hành như đã loan báo ?

Về vấn đề này tôi không bình luận gì cả, mà chỉ thông báo rằng luật sư Trần Thu Nam, Lê Văn Luân và tôi cùng một số luật sư khác dự kiến nộp hồ sơ tại Công an, Viện Kiểm sát đúng theo quy định pháp luật, và muốn gặp ông Nguyễn Đức Chung, giám đốc Công an Hà Nội. Bởi vì khi nói vụ đánh hai luật sư cũng như vụ Đỗ Đăng Dư thì có những không tin rất không hay về giới luật sư nên chúng tôi đề nghị đối thoại làm rõ, theo Luật tiếp công dân, Luật Đại biểu Quốc hội.

RFI : Có thể nói các luật sư có nhiệm vụ bảo vệ nạn nhân bây giờ lại trở thành nạn nhân ?

Chúng tôi khẳng định rằng nếu chúng tôi - các luật sư - không bảo vệ được mình và bảo vệ cho nhau được, thì không thể hành nghề luật sư được ở Việt Nam này. Do đó chúng tôi phải tìm mọi cách để bảo vệ lấy mình và bảo vệ lẫn nhau. Và tôi tin rằng chúng tôi sẽ thực hiện được nhiệm vụ ấy, vì đó là con đường cuối cùng của chúng tôi.

Được biết rất nhiều bà con dân oan và một số thân chủ của luật sư Trần Vũ Hải sau đó đã đến trước công an phường Xuân La để ủng hộ các luật sư.

Trước đó hôm 3/11, hai luật sư Trần Thu Nam và Lê Văn Luân sau khi làm việc với gia đình của Đỗ Đăng Dư - một thiếu niên bị chết trong một trại tạm giam ở Hà Nội - đã bị một nhóm người hành hung khiến hai luật sư bị thương.

Báo chí trong nước cho biết công an Hà Nội trong một cuộc họp báo hôm 10/11 đã công bố danh tính tám người đã tham gia vụ hành hung, kết luận rằng do khi lái xe vào xã Đông Hưng Yên, huyện Chương Mỹ, các luật sư đã làm « tung bụi bẩn », nên mới bị những người này tấn công.

Phản ứng trước kết luận trên, hai luật sư hôm qua 11/11 đã gởi đơn lên Cơ quan Cảnh sát Điều tra và Viện Kiểm sát Hà Nội yêu cầu khởi tố hành vi « cố ý gây thương tích » và « cướp tài sản ». Bên cạnh đó, luật sư Trần Thu Nam trên Facebook đã loan báo khoảng 200 luật sư sẽ tuần hành ở Hà Nội để phản kháng.

Trả lời RFI Việt ngữ hôm qua, luật sư Trần Quốc Thuận ở Saigon nhận định :

LS Trần Quốc Thuận : Việc luật sư hành nghề ở Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn. Khi trình bày lý luận thường bị cắt, và nếu tranh luận gay gắt quá thì cũng có khi bị đe dọa đuổi ra khỏi phòng xử. Như một vụ trước đây tôi có tham gia là vụ Cù Huy Hà Vũ, bào chữa trước phiên tòa rất căng thẳng. Chủ tọa phiên tòa rồi Viện Kiểm sát hăm he, quát tháo để không bào chữa được.

Bị đe dọa rút thẻ hành nghề luật sư không cho bào chữa, luật sư bị chận đánh, bị tạt a-xít…đều có xảy ra khá nhiều lần. Lần này thì nghiêm trọng hơn : sự kiện xảy ra ngay giữa thủ đô Hà Nội, mà đông người đánh luật sư, gây thương tích nặng.

Sự kiện đó đã gây bức xúc. Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng đã yêu cầu khởi tố vụ án, Đoàn Luật sư Hà Nội cũng lên tiếng, như vậy tương đối tốt. Vừa qua Công an Hà Nội lại họp báo cho rằng do đi xe có bụi cho nên những người đó chận đánh lại. Ai nghe chuyện đó cũng buồn cười.

Không hiểu ông tướng Chung, giám đốc Công an Hà Nội có chỉ đạo vụ này không, mà theo dự kiến ông sẽ lên làm Chủ tịch thành phố Hà Nội. Hà Nội là thủ đô, vậy ông là Đô trưởng. Ông Đô trưởng mà hành xử như vậy, thử hỏi đủ để người ta tín nhiệm cho ông đứng đầu một thành phố bậc nhất của Việt Nam hay không.
 Cho nên việc các luật sư tỏ thái độ, tôi nghĩ rằng đã đến lúc cần thiết có tiếng nói mạnh mẽ hơn, yêu cầu những người có trách nhiệm cao phải tôn trọng những hoạt động của giới luật sư.

Gần đây những cuộc sinh hoạt của luật sư thường được những người lãnh đạo cao nhất của Nhà nước này, từ Chủ tịch nước đến Thủ tướng đến dự và phát biểu ý kiến. Tôi nghĩ đây cũng là một thử thách đối với các ông ấy, để có chỉ đạo điều tra làm sáng tỏ sự việc, chứ không thể để tình trạng đó kéo dài mãi như thế được.

Vừa qua có những blogger, rồi những người biểu tình cũng bị chận đánh. Khi hỏi công an họ bảo rằng không biết là ai, chứ công an không bao giờ đánh dân cả. Cho nên có lần gặp Thượng tướng Tô Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an tôi cũng nói rằng các anh phải làm rõ những chuyện đó, chứ không thôi người ta nói công an là côn đồ thì xấu cho ngành lắm. Ông mới nói với tôi rằng không có chuyện đó, nếu có người bị đánh nên báo cho công an liền, thì sẽ điều tra đến nơi đến chốn. Tôi nghĩ ông Tô Lâm chắc còn nhớ lời nói với tôi và có lẽ với nhiều người khác.

RFI : Việc các luật sư phải xuống đường tuần hành có lẽ chưa có tiền lệ tại Việt Nam ?

Nếu cuộc tập họp xảy ra, thì đây là lần đầu tiên một tổ chức của luật sư xuống đường để nêu nguyện vọng, biểu lộ ý kiến của mình.


Switch mode views: