Đầu tư nước ngoài vào Cuba, một cuộc đua vượt chướng ngại vật
- Thứ Năm, 12 tháng Mười Một năm 2015 21:50
- Tác Giả: Anh Vũ
Một trạm bơm dầu tại tỉnh Mayabeque, Cuba. Ảnh chụp ngày 15/10/2015.
REUTERS/Enrique de la Osa
Tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba diễn ra êm đẹp, những cải cách, cho dù còn dè dặt, của chính quyền La Habana từ gần một năm nay đang cuốn hút ngày càng đông các doanh nghiệp nước ngoài đổ đến Cuba làm ăn.
Nhưng cuộc chạy đua này không phải là không có chướng ngại vật, Cuba chưa hẳn đã là vùng đất trống cho các nhà đầu tư.
Từ sau khi La Habana và Washington khởi động tiến trình xích lại gần nhau hồi cuối năm 2014, hàng loạt các đoàn ngoại giao, doanh nghiệp đã nối gót nhau đến hòn đảo Cuba để tìm cơ hội làm ăn.
Tuần qua, một Hội chợ Quốc tế diễn ra tại thủ đô La Habana đã thu hút sự tham gia của 570 doanh nghiệp nước ngoài. Con số kỷ lục này đã phác họa một cuộc chạy đua đầu tư vào Cuba trong thời gian tới đây.
Ông Philippe Garcia, giám đốc Business France, một cơ quan Nhà nước chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp Pháp làm ăn ở nước ngoài nhận định : « Mặc dù người ta vẫn còn chưa nắm được nhịp độ mở cửa hay mô hình kinh tế của Cuba trong thời gian tới nhưng đây sẽ là một thị trường lớn của khu vực ».
Ngay từ giờ các chuyên gia kinh tế đều đã nhận thấy không ít thế mạnh của một đất nước Cuba đang trên đường mở cửa ra thế giới bên ngoài. Đó là, Cuba có một lực lượng nhân công tay nghề cao, có vị trí địa lý chiến lược, các khu vực kinh tế trọng yếu nhưng năng lượng, du lịch, chế biên nông phẩm, công nghệ sinh học đều đã được chính phủ quan tâm phát triển.
Những bước cải cách dưới chính quyền Raul Castro đã bắt đầu tạo chuyển biến tích cực cho nền kinh tế Cuba, vốn đang khát đầu tư và tài chính.
Từ năm ngoái, một luật mới được ban hành tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, 320 dự án có tổng giá trị khoảng 8 tỉ đô la đã được chính phủ lên danh sách để mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên trong cũng như bên ngoài đều đã sẵn thiện chí làm ăn, nhưng cuộc đua tìm một mảnh đất cắm chân ở Cuba không phải bằng phẳng dễ dàng.
Cản trở đầu tiên là lệnh cấm vận của Mỹ. Ban hành từ năm 1962, mặc dù đã có một số biện pháp giảm nhẹ nhưng lệnh trừng phạt này vẫn chưa được gỡ bỏ hoàn toàn.
Theo đó, các doanh nghiệp Mỹ cũng như của nước ngoài có dính dáng với Mỹ bị cấm đầu tư làm ăn với Cuba.
Chừng nào lệnh cấm vận này chưa được gỡ bỏ hoàn toàn thì các doanh nghiệp nước ngoài vẫn còn phải giữ khoảng cách với Cuba nếu không muốn bị Hoa Kỳ giở luật ra phạt.
Trường hợp hai ngân hàng Pháp, BNP Paribas và Crédit Agricole, năm ngoái bị tư pháp Mỹ phạt hơn 9 tỉ đô la vì vi phạm cấm vận này là một bài học nhãn tiền.
Ngoài cấm vận Mỹ, một trở ngại nữa từ bên trong nước cũng có thể là vật cản cho các nhà đầu tư nước ngoài đến Cuba. Đó là đặc thù của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa tồn tại từ hơn nửa thế kỷ qua, với những định hướng, chỉ đạo, lên kế hoạch từ Nhà nước và nhất là tệ quan liêu hành chính có thể khiến cho các thủ tục, các quyết định cho các thương vụ làm ăn bị kéo dài vô ích.
Theo bà Gabriel Santoyygo, điều phối viên của Access Cuba, cơ quan tư vấn cho các doanh nghiệp muốn vào Cuba đầu tư, thì người ta phải đáp ứng được hai tiêu chí căn bản để làm ăn ở Cuba : « phải biết kiên nhẫn và thích ứng được với cái mà Cuba muốn », tức là chờ đợi, mà theo chuyên gia trên, thời gian đó đôi khi kéo tới dài một năm rưỡi cho một thương vụ làm ăn.
Mặt khác, điều kiện không thể thiếu để xâm nhập thị trường Cuba là dự án đưa ra phải đồng bộ, phù hợp với kế hoạch 5 năm của đất nước đã được đảng quyết.
Những khó khăn nội tại của Cuba tựu chung cũng chỉ là vấn đề môi trường đầu tư, có thể cải thiện trong ngày một ngày hai, nếu như Cuba có nhu cầu và thiện chí thực sự mở cửa với bên ngoài.
Còn với các nhà đầu tư nước ngoài, theo ông Philippe Garcia, điều cốt yếu là họ phải hiện diện càng sớm càng tốt, dưới những hình thức khác nhau.
Chẳng hạn các tập đoàn của Pháp như Total, Alcatel-Lucent, Pernod-Ricard hay Bouyges, đã cắm chân trong các công ty liên doanh ở Cuba.
Chuyên gia Garcia nhận định các doanh nghiệp tới Cuba khi mà tất cả đã thành hình hài rồi và mô hình kinh tế đã được chọn lựa, thì khi đó là đã quá muộn.