Những nhịp cầu để Hoàng Sa không đi vào quên lãng
- Thứ Tư, 02 tháng Tư năm 2014 18:50
- Tác Giả: Thụy My
Tưởng niệm 40 năm trận hải chiến Hoàng Sa (DR)
Khúc nhạc mở đầu chương trình là bài hát « Tiếng sóng Vân Đồn », trước đây được hạm trưởng Vũ Hữu San của khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) chọn làm nhạc hiệu cho tàu.
Sau trận hải chiến Hoàng Sa, sáng 20/01/1974 tàu HQ-4 về đến cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, bài hát ca ngợi danh tướng Trần Khánh Dư trong trận hải chiến với quân Nguyên, đã đập tan đội thủy quân của Ô Mã Nhi, cũng được phát trên loa khi cập cảng.
Sau đó vài tiếng đồng hồ đến lượt tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5), rồi tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16) bị thương tích nặng cũng về đến nơi.
Chiến hạm này bị nghiêng hẳn về bên phải, bên hông tàu bị lủng một lỗ thật lớn ở hầm máy. Chỉ có hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10) không bao giờ trở về.
Chiếc tàu nhỏ bé và cũ kỹ nhất trong bốn chiến hạm của quân đội Việt Nam Cộng Hòa trận hải chiến bi hùng đã chìm xuống lòng biển quê mẹ cùng với hạm trưởng, trung tá Ngụy Văn Thà và các đồng đội.
Trong một bài báo đăng trên tờ Thanh Niên gần đây, cựu binh Trần Văn Hà, nguyên là thợ máy trên HQ-10 kể lại, khi tàu đã bị hư hại cả động cơ lẫn hệ thống điện đàm, phải dùng bè để rời tàu thì hai chiến hạm chi viện của Trung Quốc xuất hiện.
Nhưng các đồng đội bị thương nặng còn ở lại trên tàu đã tiếp tục nhả đạn vào tàu địch, mãi cho đến khi HQ-10 chìm hẳn.
Có rất nhiều câu chuyện hào hùng như thế, mà lớp hậu sinh bây giờ mới được biết đến.
Trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19/01/1974 đã đi vào lịch sử, là bản hùng ca bi tráng với 74 quân nhân Việt Nam Cộng Hòa hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Sau trận đánh này, tại miền Nam đã diễn ra những cuộc mít-tinh của sinh viên học sinh và đồng bào các giới phản đối hành động thô bạo bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
Báo chí thời ấy tràn ngập những bức tâm thư, những bài thơ của thanh niên miền Nam thề sẽ lấy lại Hoàng Sa.
Nhưng miền Bắc thì hoàn toàn im lặng. Im lặng cho đến tận bốn mươi năm sau, hải chiến Hoàng Sa mới được đường hoàng xuất hiện trên báo chí chính thức.
Thật ra trước đó, rải rác cũng đã có một số bài viết dè dặt nói đến sự kiện này.
Năm 2011, lần đầu tiên các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh để bảo vệ Hoàng Sa mới được vinh danh nhân buổi lễ kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27/7 tổ chức tại Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình, từ sáng kiến của các nhân sĩ trí thức Saigon.
Bốn mươi năm, những người vợ góa con côi của những tử sĩ năm xưa trôi dạt về đâu, mưu sinh như thế nào, không ai biết rõ.
Họ chẳng những không được hưởng bất cứ chế độ gì mà thường là còn bị phân biệt đối xử vì là « thành phần ngụy quân, ngụy quyền ». Nhiều người có cuộc sống hết sức cơ cực.
Được biết, trong số con cái của các quân nhân Việt Nam Cộng Hòa bỏ mình vì nước tại Hoàng Sa, có hai người được đặt tên là Hoàng Sa.
Nhưng đối với người con trai của hạm phó tàu HQ-10 Nguyễn Thành Trí, thì Hoàng Sa là biệt danh, dù có ghi trong khai sanh.
Còn con trai của trung sĩ Nguyễn Thành Trọng, phụ trách trọng pháo trên tàu HQ-10, sinh năm 1974, một tháng sau khi người cha hy sinh, có tên khai sinh là Nguyễn Hoàng Sa.
Anh Nguyễn Hoàng Sa học đến lớp 9 rồi đi học nghề làm nhôm, làm kiếng và hiện giờ thất nghiệp, cuộc sống hết sức khó khăn. Mẹ anh, bà Nguyễn Thị Lựa, hiện ở xã Tân Thạnh huyện Thới Lai thành phố Cần Thơ cho biết khi chồng hy sinh bà chỉ mới 23 tuổi, đang mang thai tám tháng.
Bà ở vậy nuôi con đến nay, và vẫn giữ nguyên được những giấy tờ, hình ảnh của chồng, được chôn giấu từ nhiều năm qua, chỉ mới đào lên sau này.
Gần đây, chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa do các nhà báo Huy Đức, Thế Thanh, Kim Hạnh…khởi xướng, nhằm giúp các cựu binh và thân nhân các quân nhân đã hy sinh tại Hoàng Sa và Trường Sa đã được nhanh chóng hưởng ứng.
Trước mắt, chương trình đang xúc tiến mua nhà cho bà Huỳnh Thị Sinh, quả phụ của trung tá Ngụy Văn Thà, nhưng hiện đang có một số trở ngại về thủ tục hành chính.
Kỹ sư hàng hải Đỗ Thái Bình, người mà suốt mười lăm năm qua miệt mài thu thập tài liệu về Hoàng Sa, cho biết đến nay đã có 446 cá nhân và tập thể gởi tặng số tiền 1 tỉ 471 triệu đồng.
Theo trang web nhipcauhoangsa.com, nhiều văn nghệ sĩ và trí thức nổi tiếng cũng như nhiều người Việt trong và ngoài nước đã ủng hộ bằng các bán sách, tranh ảnh, các kỷ vật quý…Một trong những trường hợp « góp gió thành bão » như vậy là doanh nhân Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch hội đồng quản trị công ty Lửa Việt đóng góp bằng cách bán sách.
Bà quả phụ Ngụy Văn Thà, người đầu tiên được chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa giúp đỡ tâm sự, bà rất vui khi sau bốn mươi năm tên tuổi của người chồng anh hùng được nhắc tới.
Tuy nhiên bà vẫn đang chờ đợi có được căn nhà mới, để có nơi hương khói cho người hạm trưởng tàu HQ-10 đã gởi thân nơi đáy biển.
« Hoàng Sa mang chiến sử vàng
Chờ con trở lại cùng vinh quang này »
Đó là hai câu thơ lục bát tuy lạc vần nhưng sôi sục lòng yêu nước, của một thanh niên miền Nam vô danh nào đó, trong số vô số bài thơ đăng trên một tờ báo Saigon ngay sau trận hải chiến Hoàng Sa.
Đến bốn mươi năm sau khi Việt Nam Cộng Hòa không còn nữa, các báo nhà nước mới cho đăng một loạt bài về Hoàng Sa, đặc biệt là loạt bài trên tờ Thanh Niên, gây xúc động cho nhiều bạn đọc. Có người bình luận mỗi một câu : « Đã lâu rồi tôi mới khóc ».
Nhịp cầu Hoàng Sa, chỉ mới là một đốm lửa vừa được thắp.
Có lẽ sẽ còn nhiều nhịp cầu nữa, nhiều đốm lửa khác được thắp lên, để Hoàng Sa mãi mãi được khắc ghi trong tâm khảm người Việt.
Tin mới
- Phe "Áo Đỏ" xuống đường bảo vệ chính phủ - 05/04/2014 18:05
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-04-2014 - 05/04/2014 07:52
- Đài Loan nhượng bộ trước áp lực đòi quan hệ bình đẳng với Hoa Lục - 04/04/2014 23:20
- Úc tăng nỗ lực tuyển mộ cựu quân nhân Mỹ - 03/04/2014 20:58
- Người trúng số Powerball $425 triệu muốn giữ sự riêng tư - 03/04/2014 20:50
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-04-2014 - 03/04/2014 20:05
- Mỹ hứa giúp quân đội ASEAN đối phó tốt hơn với thiên tai - 03/04/2014 19:30
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02-04-2014 - 02/04/2014 20:14
- Pháp công bố tân chính phủ : Ségolène Royal trở lại - 02/04/2014 19:45
- Hội nghị Quốc phòng Mỹ-ASEAN : Mỹ nhấn mạnh lại ưu tiên Châu Á - 02/04/2014 19:01
Các tin khác
- Thủ tướng Malaysia đi Việt Nam: Cơ hội phối hợp hành động về Biển Đông - 02/04/2014 18:39
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 01-04-2014 - 01/04/2014 22:16
- Năng lượng : Mỹ giúp châu Âu giảm bớt áp lực của Nga ? - 01/04/2014 22:03
- Một tướng lãnh Trung Quốc bị truy tố về tội biển thủ - 01/04/2014 19:20
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 31-03-2014 - 31/03/2014 19:59
- Hội Cựu tù nhân lương tâm Việt Nam lên án việc bắt giam vô cớ dân oan - 31/03/2014 18:43
- Việt Nam cần nỗ lực chống đập Don Sahong tại Lào - 31/03/2014 18:32
- Trung Quốc tịch thu 14,5 tỉ đô la tài sản liên quan đến Chu Vĩnh Khang - 30/03/2014 19:28
- Châu Âu cấm nhập cá từ Cam Bốt, vì đánh bắt sai luật quốc tế - 30/03/2014 19:16
- Trường Sa : Tàu Philippines phá vòng vây Trung Quốc, đổ bộ lên Bãi Cỏ Mây - 30/03/2014 18:13