Tại sao chính quyền Hồng Kông lo sợ bầu cử địa phương ngày 24/11?
- Chúa Nhật, 17 tháng Mười Một năm 2019 22:53
- Tác Giả: Trọng Thành
Giới tranh đấu đeo mặt nạ tại căng tin của Đại học Bách Khoa Hồng Kông, ngày 14/11/2019.
REUTERS/Thomas Peter
Một tuần trước cuộc bầu cử địa phương, đặc khu Hồng Kông gần như bên bờ vực nội loạn.
Đối đầu giữa phong trào phản kháng và chính quyền thân Bắc Kinh dường như không lối ra.
Bầu cử địa phương, vốn ít được chú ý, đột ngột trở nên quan trọng.
Trong lúc chính quyền để ngỏ khả năng hoãn bầu cử, phe dân chủ coi đây là cơ hội tìm giải pháp hòa bình cho khủng hoảng.
Cử tri quyết định dùng sức mạnh của lá phiếu để ủng hộ dân chủ, đây là điều mà chính quyền lo ngại.
Dân biểu cấp quận có thể tham gia Ủy Ban bầu lãnh đạo đặc khu
Trả lời báo The Washington Post, bà Maggie Shum, nhà nghiên cứu tại Đại học Notre Dame (Indiana, Hoa Kỳ), người gốc Hồng Kông, chuyên về các đảng phái, các tổ chức dân sự Hồng Kông, cho biết cuộc bầu cử ngày 24/11/2019 rất mang tính địa phương, liên quan đến 18 quận của thành phố.
Cử tri sẽ bầu ra 452 đại biểu hội đồng cấp quận. Trung bình một đại biểu cho khoảng 17.000 dân.
Các dân biểu địa phương, có nhiệm kỳ bốn năm này, không có thẩm quyền lập pháp, cũng không có khả năng tác động đến chính sách xã hội của đặc khu.
Tuy nhiên, trong cơ cấu chính trị của Hồng Kông, việc tham gia vào các hội đồng cấp quận là con đường ảnh hưởng đến việc bầu chọn các dân biểu Nghị Viện Hồng Kông, và Ủy Ban bầu lãnh đạo đặc khu hành chính.
Đọc thêm : Bầu cử địa phương Hồng Kông ngày 24/11: 70% dân phản đối hoãn
Giáo sư chính trị học Chow Po Chung (Đại học Trung Văn Hồng Kông), trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Libération, nhấn mạnh là, thông thường lâu nay đa số các ghế dân biểu hội đồng cấp quận là do các đảng phái thân Bắc Kinh kiểm soát, thế nhưng giờ đây, trong không khí tranh đấu dâng cao, đã có hàng trăm thanh niên xuất thân từ phong trào đòi dân chủ ra ứng cử vào các hội đồng quận.
Nếu họ giành chiến thắng đông đảo, nhiều người tranh đấu dân chủ sẽ lọt vào Ủy Ban bầu lãnh đạo đặc khu.
Đây là điều mà chính quyền tìm mọi cách ngăn cản.
Phân hóa mới trong cử tri
Cụ thể tình hình hiện nay ra sao ?
Nhà nghiên cứu Maggie Shum dẫn lại kết quả thăm dò dư luận của Viện Nghiên Cứu Công Luận Hồng Kông (PORI), tỉ lệ ủng hộ dành cho lãnh đạo đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga xuống chỉ còn 20,2% hồi tháng 10, mức thấp chưa từng thấy đối với một người đứng đầu Hồng Kông.
Điều tra của PORI, về 10 đảng phái chính trị chủ chốt của đặc khu, cho thấy có một sự phân hóa mới trong công luận Hồng Kông.
Tỉ lệ cử tri ủng hộ các đảng thân chính quyền (đảng ĐBA, đảng Tân Nhân Dân, đảng Liên Minh các Nghiệp Đoàn) sụt giảm 20% trong năm vừa qua.
Một điểm đáng ghi nhận khác là uy tín của các đảng dân chủ truyền thống (đảng Dân Chủ, đảng Công Dân) gần như ổn định trong năm vừa qua.
Các đảng phái, vốn bị coi là cực đoan, như đảng Demosito (Quyền Lực của Nhân Dân), được thêm từ 5 đến 7% cử tri ủng hộ.
Một điểm mới khác là tham gia vào cuộc bầu cử địa phương lần nay có thể có đến gần 400.000 cử tri trẻ, lần đầu tiên đi bầu cử.
Đa số cử tri trẻ vốn ủng hộ dân chủ. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Đại học Notre Dame cũng cảnh báo là cử tri thuộc nhóm tuổi từ 40 trở lên vẫn chiếm hơn nửa số cử tri đăng ký.
Và nhìn chung cử tri thuộc nhóm tuổi này thường có xu hướng bảo thủ hơn.
Trọng tài cho ''trận đấu'' giữa Phe Dân Chủ và Chính Quyền
Giáo sư chính trị học Chow Po Chung cảnh báo là tình hình diễn ra trong những ngày gần đây là vô cùng đáng ngại, đặc biệt với việc cảnh sát lần đầu tiên xâm nhập vào khuôn viên Đại học.
Và nếu cuộc bỏ phiếu bị đình hoãn, con đường bày tỏ quan điểm ôn hòa bị chặn lại, không loại trừ khả năng phong trào phản kháng sẽ lựa chọn các biện pháp cực đoan hơn.
Ngày 12/11 vừa qua, 125 nhân vật nổi tiếng ở Hồng Kông đã ra một tuyên bố chung, kêu gọi chính phủ bảo đảm tổ chức bầu cử đúng hạn.
Trong số những người ký tên vào tuyên bố chung có cựu bộ trưởng Tài Chính Hồng Kông John Tsang Chun-wah, cựu bộ trưởng phụ trách Nhà Ở và Giao Thông Anthony Cheung Bing-leung, hay ông Allan Zeman chủ tịch hiệp hội doanh nhân nổi tiếng Lan Kwai Fong (thuộc một đảng phái thân Bắc Kinh).
Tuyên bố chung khẳng định : ''Một cuộc bầu cử ôn hòa và công bằng, được tổ chức theo đúng luật pháp, không chỉ là quyền của người dân, mà cũng là một phương tiện hòa bình, mang tính lý trí, để giải quyết các chia rẽ trong xã hội. (…)
Kết quả bỏ phiếu có thể cho phép chính quyền hiểu được các quan điểm của cử tri và mong muốn của họ.
Tỉ lệ tham gia bỏ phiếu càng cao thì tầm quan trọng càng lớn.
Chúng tôi kêu gọi cử tri đông đảo đi bầu để tham gia, vào bước đi quan trọng này, nhằm giải quyết các những khó khăn mà Hồng Kông đang phải đối mặt''.
Trên Minh Báo (Ming Pao), một cơ quan truyền thông có tiếng tại Hồng Kông, một nhóm công dân Hồng Kông đăng lời kêu gọi cử tri ''dùng lá phiếu chống lại bạo lực, cứu Hồng Kông''.
Theo nhà báo kỳ cựu người Anh Mark O’Neil, làm việc nhiều năm tại Hoa lục và Hồng Kông, thì các số liệu cho thấy cử tri đăng ký đông đảo chưa từng thấy, cho dù đây vốn được coi là một bầu cử ít quan trọng.
Nếu ứng cử viên đối lập đạt kết quả cao, lãnh đạo đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga sẽ đứng trước áp lực phải đáp ứng các đòi hỏi của phong trào đòi dân chủ những tháng vừa qua.
Một trong các đòi căn bản của phong trào là điều tra độc lập về các bạo lực của các bên, trong hơn 5 tháng phong trào xã hội vừa qua.
Nếu bầu cử ngày 24/11 diễn ra, liệu cử tri Hồng Kông có sử dụng các quyền lực Hiến định của mình, cho dù còn bị hạn chế, để góp phần vào cuộc tranh đấu vì một nền dân chủ triệt để hơn tại Hồng Kông ?
Tin mới
- Bình Nhưỡng dồn dập thử tên lửa : Thùng rỗng kêu to ? - 09/12/2019 20:53
- Pháp : Chống cải cách hưu bổng hay khủng hoảng niềm tin vào chính quyền ? - 06/12/2019 03:22
- Đòn thuế của Donald Trump làm phức tạp thêm đàm phán thương mại - 04/12/2019 18:26
- Trung Quốc : Kế hoạch « con đường tơ lụa » và mưu kế thứ 36 - 02/12/2019 15:06
- Báo Pháp: Ngày mà “Bác Tập” bị Hồng Kông làm mất mặt - 30/11/2019 22:49
- Hồng Kông cản trở việc giải quyết tranh chấp thương mại Mỹ-Trung ? - 29/11/2019 05:55
- Phe dân chủ thắng cược, tương lai Hồng Kông vẫn mịt mù - 25/11/2019 23:10
- Hồng Kông : Thua ở đại học Bách Khoa nhưng phong trào sẽ tiếp diễn - 20/11/2019 22:11
- Chuyên gia Mỹ: Việt Nam cần đấu tranh mạnh hơn trong đối sách chống Trung Quốc - 20/11/2019 02:27
- Bóng ma Thiên An Môn lởn vởn trên khu Đại Học Bách Khoa Hồng Kông - 19/11/2019 18:27
Các tin khác
- Hồng Kông: Giới tranh đấu chuyển sang chiến thuật ''du kích'' - 15/11/2019 23:25
- Tập Cận Bình đến Hy Lạp để củng cố đầu cầu thâm nhập vào LHCA - 14/11/2019 03:44
- Điều tra luận tội Tổng thống Mỹ bước vào giai đoạn mới - 12/11/2019 01:06
- ĐCSTQ: Hội Nghị Trung Ương 4 chỉ để củng cố quyền lãnh đạo tuyệt đối - 29/10/2019 18:07
- Thủ lĩnh Daech bị tiêu diệt, nguy cơ khủng bố vẫn nguyên vẹn - 28/10/2019 14:28
- Phớt lờ phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ tìm đến Nga bàn về số phận người Kurdistan - 22/10/2019 17:23
- Chính quyền Hồng Kông khó có giải pháp cho khủng hoảng - 21/10/2019 22:15
- Putin làm chủ Syria - 20/10/2019 20:09
- Syria : Donald Trump chà đạp lên các mục tiêu truyền thống của Mỹ - 15/10/2019 19:22
- Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Kurdistan làm thay đổi « thế cờ » tại Syria - 14/10/2019 20:42