Khủng hoảng Bắc Triều Tiên : Ngoại giao châu Âu có thể giúp gì ?
- Thứ Hai, 25 tháng Chín năm 2017 18:17
- Tác Giả: Trọng Thành
Logo của Chương Trình Các Đại Sứ Trẻ Nhật Bản - Trung Quốc - Hàn Quốc, tổ chức ngày 02/08/2017, tại Seoul. Sự kiện được Liên Hiệp Châu Âu tài trợ.
Trang web của TCS tcs-asia.org
Sau vụ Bình Nhưỡng bắn thử tên lửa đạn đạo lần thứ hai xuyên qua bầu trời Nhật Bản, Hội Đồng Bảo An ra nghị quyết mới, Mỹ hối thúc tăng trừng phạt.
Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu cho thấy là chỉ riêng các trừng phạt kinh tế có thể buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ mục tiêu.
Can thiệp quân sự Mỹ là một viễn cảnh mà nhiều người nghĩ đến. Để tìm một lối thoát cho khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên, thông thường người ta chỉ tập trung vào các cường quốc đã từng tham gia vòng bàn phán 6 bên, hiếm khi vai trò của châu Âu được nhắc đến.
Về vấn đề này, báo mạng La Croix ngày 21/07/2017 có bài phỏng vấn ông Benjamin Hautecouverture, một chuyên gia về giải trừ vũ khí và vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân (Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược/Fondation pour la recherche stratégique).
Nhà nghiên cứu Pháp trước hết lưu ý đến ba điểm. Thứ nhất, với nhịp độ phát triển như từ năm 2012 đến nay, có rất nhiều khả năng lục địa châu Âu sẽ sớm nằm trong tầm bắn của hỏa tiễn Bắc Triều Tiên.
Thứ hai là việc Bắc Triều Tiên rút khỏi Hiệp Ước Không Phổ Biến Vũ Khí Hạt Nhân (TNP) (năm 2003) trực tiếp làm tổn hại đến chiến lược chống phổ biến vũ khí hạt nhân của Liên Hiệp Châu Âu.
Và thứ ba là, xung đột Đông Bắc Á nếu bùng nổ sẽ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế châu Âu, bởi trao đổi thương mại với các quốc gia trực tiếp liên quan trong cuộc khủng hoảng này chiếm đến 45% tổng trao đổi thương mại của châu Âu.
Về mặt chiến lược, chính trị và kinh tế, khủng hoảng Bắc Triều Tiên liên quan mật thiết đến quyền lợi của Liên Hiệp Châu Âu.
Chuyên gia Benjamin Hautecouverture thừa nhận « sẽ là phóng đại khi khẳng định rằng châu Âu nắm trong tay chìa khóa của cuộc khủng hoảng.
Thế nhưng, ngoài công cụ chính là các trừng phạt, các thế mạnh khác của châu Âu là không thể coi thường ».
Châu Âu có nhiều kênh ngoại giao
Nhà nghiên cứu Pháp nhấn mạnh đến việc Liên Hiệp Châu Âu hiện duy trì nhiều quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Triều Tiên, kể từ năm 2001.
Hơn một chục đối thoại chính trị đã được tổ chức giữa hai bên kể từ đó. 26 quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu có quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng, nơi có bảy nước đặt sứ quán, trong đó có Đức và Anh.
Các quan hệ với châu Âu là « quan trọng » đối với chế độ Bắc Triều Tiên, bởi cho phép Bình Nhưỡng gia tăng uy tín về mặt quốc tế.
Các quan hệ này cũng có thể trở thành một kênh truyền thông sẽ giúp làm giảm căng thẳng, một khi được kích hoạt.
Liên Hiệp Châu Âu vốn đã có « một uy tín đáng kể, được cộng đồng quốc tế thừa nhận, cụ thể là trong việc xử lý cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran ».
Theo chuyên gia Benjamin Hautecouverture, để « đổi mới khả năng hành động » của châu Âu trong vấn đề khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên, cần phải có mục tiêu rõ ràng.
Đó là không nên đặt « phi hạt nhân hóa » như « một mục tiêu ngắn hạn », hay « một điều kiện tiên quyết » cho việc khởi động đàm phán.
Tác giả nói rõ : Khăng khăng một quan điểm như vậy sẽ « phản tác dụng ».
Ngược lại, các nhà ngoại giao có thể nhắm đến việc « tạo lập một không gian đối thoại sơ khởi, để có cơ sở thảo luận về khuôn khổ của các đàm phán tương lai ».
Hỗ trợ Đông Bắc Á gây dựng lòng tin
Để đối thoại thực sự, cần « gia tăng hợp tác theo chiều sâu » và « gây dựng lòng tin ».
Chuyên gia về châu Á người Ý, ông Nicola Casarini – tác giả một cuốn sach vừa ra mắt về chủ đề này (1) - nhấn mạnh đến nhiều thế mạnh về ngoại giao của châu Âu « còn rất ít được nhìn nhận và khai thác đúng mức ».
Một bài phân tích, được báo mạng The Diplomat đăng tải (ngày 21/09/2017), lưu ý đến một nghịch lý là : Khu vực Đông Bắc Á (bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) với các nền kinh tế có mức tăng trưởng chiếm một nửa tăng trưởng toàn cầu lại là một khu vực mà các định chế « gây dựng lòng tin » và « gia tăng hợp tác theo chiều sâu » giữa các nước trong vùng mới phát triển ở mức độ thấp.
Liên Hiệp Châu Âu chính là « thế lực hậu thuẫn kiên định nhất » cho cơ chế hợp tác ba bên Trung–Nhật–Hàn.
Thượng đỉnh ba bên Đông Bắc Á – do Hàn Quốc đề xuất tổ chức năm 2004 – là một cuộc gặp bên lề cơ chế ASEAN+3 (Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á cùng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc). Bản thân cơ chế này lại là hệ quả của Diễn Đàn Hợp Tác Á-Âu (ASEM) ra đời năm 1996.
Ba nước Đông Bắc Á – từ đó đến nay - đã thiết lập được hơn 100 dự án hợp tác. Năm 2011, một Ban Thư Ký Hợp Tác Ba Quốc Gia (TCS/Trilatéral Cooperation Secrétariat) đã được khởi sự, với Seoul là trụ sở.
Chính phủ mỗi nước đóng góp một phần ba ngân sách.
TCS là một tổ chức quốc tế có vai trò cổ vũ cho hòa bình và thịnh vượng tại ba quốc gia nói trên.
Hợp tác ngay trong thời kỳ bất lợi
Điều đáng tiếc là từ năm 2012 đến 2017, thượng đỉnh ba bên chỉ được tổ chức duy nhất một lần (vào tháng 11/2015), do các căng thẳng về tranh chấp chủ quyền và bất đồng về lịch sử, cho dù hợp tác vẫn tiếp tục giữa chính quyền cấp dưới, doanh nghiệp và xã hội dân sự ba nước.
Bất chấp bối cảnh bất lợi này, Liên Hiệp Châu Âu vẫn tiếp tục có « những vận động hậu trường » để hỗ trợ cho quá trình siết chặt quan hệ giữa ba nước Đông Bắc Á.
Một ví dụ mới đây là việc Phái bộ Liên Âu tại Seoul đã hỗ trợ Ban Thư Ký Hợp Tác Ba Quốc Gia Đông Bắc Á tổ chức Chương Trình Các Đại Sứ Trẻ ngày 02/08/2017, với sự tham gia của sinh viên, nhằm « cổ vũ cho sự hiểu biết lẫn nhau và tình bạn giữa các lãnh đạo trẻ tương lai » của ba nước nói trên.
Bản thân Liên Âu, cùng Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ, từng đóng góp nhiều cho Tổ Chức Phát Triển Năng Lượng Triều Tiên (KEDO), được thành lập nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng nguyên tử vì mục tiêu hòa bình tại Bắc Triều Tiên, ngăn ngừa tham vọng hạt nhân quân sự của Bình Nhưỡng.
Hoạt động tạm ngưng từ năm 2006, sau khi Bắc Triều Tiên bắt đầu thử vũ khí nguyên tử.
Kể từ đó, chính sách của Liên Âu thiên về hướng siết chặt trừng phạt, theo các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An.
Tuy nhiên, chính trong bối cảnh quan hệ căng thẳng gia tăng tại Đông Bắc Á, khả năng Liên Âu thúc đẩy các quốc gia trong khu vực đi theo con đường « gia tăng hợp tác theo chiều sâu » và « gây dựng lòng tin » lại có bước phát triển mới, với việc thành lập cơ quan đối ngoại của Liên Hiệp Châu Âu (EEAS), vào cuối năm 2009.
Kể từ năm 2010 và 2011, Liên Âu và Trung Quốc bắt đầu các đối thoại cấp chiến lược về ngoại giao và quốc phòng.
Kể từ năm 2013, Liên Âu và Nhật Bản khởi sự đàm phán về Thỏa Thuận Đối Tác Chiến Lược (SPA).
Năm 2014, Hàn Quốc là quốc gia châu Á đầu tiên ký kết một thỏa thuận cho phép Seoul tham gia vào các hoạt động trong khuôn khổ Chính Sách An Ninh và Quốc Phòng Chung của khối (CSDP/The Common Security and Defence Policy).
Đối với Bắc Triều Tiên, Liên Âu cũng có các cuộc đối thoại chính trị, được tổ chức hàng năm.
Vẫn có cơ chế cho các nước đối địch
Phân tích của chuyên gia Nicola Casarini khép lại với kết luận : Thỏa thuận Helsinki - được ký kết ngay vào thời cao điểm của Chiến tranh Lạnh năm 1975 – cho thấy hợp tác là có thể được giữa các quốc gia đối địch sở hữu vũ khí hạt nhân.
Vấn đề hiện nay là khu vực Đông Bắc Á cần phải có được một tổ chức hợp tác an ninh đa phương và mang tính khu vực, như kiểu Cơ Quan An Ninh và Hợp Tác Châu Âu (OSCE), để cảnh báo sớm, ngăn ngừa xung đột, quản lý khủng hoảng và tái khôi phục sau khủng hoảng.
Hình ảnh chủ yếu là « dân sự » của Liên Âu, với « các thế mạnh an ninh mềm », khiến cho khối các nước châu Âu có thể được thừa nhận như là một nhân tố đóng góp quan trọng cho tương lai hòa bình của khu vực Đông Bắc Á.
Riêng trong lĩnh vực hạt nhân, theo tác giả, thành công mới đây của Liên Hiệp Châu Âu trong việc đúc kết một thỏa thuận hạt nhân với Iran khiến Liên Âu có thể trở thành một đối tác hữu ích trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, nếu các bên liên quan mong muốn.
Châu Âu, một xúc tác cho phối hợp Mỹ-Trung-Nga ?
Trở lại với cuộc vận động ngoại giao nhằm giải quyết khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên, điều đáng chú ý là bên cạnh tuyên bố cổ vũ cho quan điểm hợp tác đa phương của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tại diễn đàn Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc trong tuần lễ vừa qua – là quan điểm của thủ tướng Đức Angela Merkel phản đối hoàn toàn giải pháp quân sự của tổng thống Mỹ, ưu tiên giải pháp ngoại giao.
Theo AP, hôm 18/09, trong một cuộc trả lời phỏng vấn nhật báo Đức Bild, ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel khẳng định cộng đồng quốc tế nên bình tĩnh chờ đợi các kết quả trừng phạt kinh tế, nhưng cũng cần phải có « những cách nhìn sáng tạo và biện pháp dũng cảm ».
Cụ thể trong vấn đề Bắc Triều Tiên, « cần phải (giúp quốc gia này được) bảo đảm về an ninh bằng một cách khác, chứ không phải bằng bom hạt nhân ».
Trước đó, Chủ Nhật 17/09, theo hãng tin Nga RT, trong chuyến công du Bắc Kinh, ngoại trưởng Đức đã hội kiến với lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì (Yang Jiechi).
Nói chuyện với báo giới, ngoại trưởng Sigmar Gabriel kêu gọi bộ ba Mỹ, Trung, Nga phối hợp giải quyết khủng hoảng.
Theo ông, nếu không có sự tham gia tích cực của ba quốc gia nói trên « thế hệ con cháu chúng ta sẽ phải lớn lên trong một thế giới hết sức nguy hiểm ».
----
(1) « Promoting Security Cooperation and Trust Building in Northeast Asia. The Role of the European Union », NXB Nuova Cultura, 2017.
Tin mới
- Trung Quốc : Lòng dân không «đỏ» như ý Đảng - 23/10/2017 03:01
- Ông Trump và ông Kim - 16/10/2017 23:52
- Trung Cộng nuôi tư bản địa ốc - 15/10/2017 02:34
- Hậu Sự Cho CS Bắc Hàn - 08/10/2017 22:17
- Trung Quốc nên chuẩn bị hậu sự cho Triều Tiên? - 05/10/2017 00:39
- Kịch bản nào nếu Trung Quốc bỏ rơi Bắc Triều Tiên ? - 02/10/2017 17:06
- Tập Cận Bình lên nguy hiểm hơn - 02/10/2017 00:12
- Tổng Thống Trump và NFL - 01/10/2017 23:35
- Donald Trump đang gây hoảng loạn cho giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam? - 01/10/2017 19:14
- Vụ Trịnh Xuân Thanh: Đức nhất quyết đòi Việt Nam đáp ứng các yêu cầu - 28/09/2017 02:44
Các tin khác
- Cuộc Chiến Mậu Dịch : Hoa Kỳ đơn độc và nan giải - 13/09/2017 02:08
- HAI ÔNG HỌ TRỊNH LÀM KHỔ HAI ÔNG HỌ NGUYỄN - 03/09/2017 21:59
- AI MUỐN TRUẤT PHẾ TT TRUMP ĐỂ THAY ĐỔI HIẾN PHÁP HOA KỲ ? - 02/09/2017 01:00
- Báo Nhật: Sự "biến mất" bí ẩn của ông Trần Đại Quang và Đinh Thế Huynh gây lo ngại - 27/08/2017 23:21
- Cách Trung Quốc xâm lược láng giềng : Kết ước rồi bội ước - 23/08/2017 19:24
- Chính quyền Hồng Kông trấn áp mạnh giới dân chủ theo lệnh Bắc Kinh ? - 18/08/2017 23:12
- Mỹ cho tàu sân bay ghé Việt Nam để tỏ quyết tâm can dự vào Biển Đông? - 11/08/2017 00:23
- Biển Đông : ASEAN vẫn lộ thế yếu trước Bắc Kinh - 07/08/2017 18:26
- Truyền thông quốc tế nói gì về vụ Trịnh Xuân Thanh? - 06/08/2017 03:09
- Tổng Thống Trump tuyên bố tại cuộc biểu tình: Hoa kỳ luôn khẳng định rằng sự tự do đến từ Đấng Tạo Hóa. - 26/07/2017 00:22