Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tổng Thống Trump và NFL

LePhan

Thử tưởng tượng một Hoa Kỳ mà không có football?

Lời tấn công của Tổng Thống Donald Trump nhắm vào các cầu thủ của Liên Đoàn Bóng Bầu Dục (NFL) và các cuộc phản đối của họ nằm gọn trong một bài diễn văn dài một giờ rưỡi trong một cuộc vận động tranh cử ở Alabama.

Đám đông hò reo hưởng ứng – như họ đã hoan hô những lời khiêu khích ông Trump đưa ra đối với cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton, lãnh tụ Kim Jong Un của Bắc Hàn, và Thượng Nghị Sĩ John McCain, và những lời khoe khoang của ông về chiến thắng bầu cử, và bức tường xinh đẹp, mà ông sẽ xây dựng dọc theo biên giới Hoa Kỳ và Mexico.

Nhưng chính lời nhận xét về NFL đã được sự chú ý, tạo phản ứng giận dữ và lên án từ các cầu thủ nổi tiếng và chủ nhân các đội bóng.

Các trận đấu của NFL hôm Chủ Nhật vừa qua là một sân khấu cho hàng trăm cầu thủ phản đối theo đủ mọi kiểu.
Trong khi đó, tổng thống, như thường lệ khi bị thách thức, xông vào cuộc tranh cãi, phóng ra một loạt những tweet khiêu khích về đề tài này.

Một trong những “phát đạn” mà tổng thống bắn ra là “Khán giả cho NFL và rating trên truyền hình ngày càng xuống.
Trò chơi boring đúng, nhưng nhiều người không đi xem vì yêu nước. NFL phải ủng hộ Hoa Kỳ.”

Tổng thống có vẻ thích thú trong việc thúc đẩy ngọn lửa tranh cãi, đi đến chỗ kêu gọi tẩy chay môn thể thao được ưa chuộng nhất của Hoa Kỳ.
Thử tưởng tượng một Hoa Kỳ mà không có football?

Nhưng tại sao ông Trump lại nhảy vào vụ này? Có một số lý do có thể giải thích.

Đây là một hành động có tính cách chiến lược.
Mọi sự mấy ngày gần đây hơi khó khăn cho tổng thống.

Một lần nữa, có vẻ như Quốc Hội không thể hủy bỏ và thay thế được Obamacare, mặc dầu tổng thống đã bảo đảm là thực hiện việc đó thật “dễ dàng.”

Còn cái bức tường cao đẹp và trong suốt mà ông thường khoe khoang thì sao?
Nay có vẻ như là triển vọng cho việc tổng thống đạt được một thỏa thuận với bên Dân Chủ để bảo vệ bằng luật lệ cho những di dân vào Hoa Kỳ khi còn thơ ấu còn nhiều hơn là đạt được bức tường.

Dĩ nhiên việc này hoàn toàn tối kỵ đối với ủng hộ viên trung thành của ông nhưng thật khó mà Quốc Hội có thể chuẩn thuận cho nhiều tỷ đô la xây tường trong khi cắt giảm thuế và thâm thủng ngân sách đang đe dọa.

Thành ra, mặc dầu tuần rồi, mấy mảnh tường mẫu đã được dựng thử gần San Diego, số tiền để xây tường chưa thấy đâu cả.
Và cũng đừng quên là tổng thống đến Alabama để ủng hộ cho Thượng Nghị Sĩ Luther Strange chống lại một người mà ủng hộ viên của ông ưa thích, và ông Strange đã thua.

Thật là một cử chỉ cho thấy, những ủng hộ viên trung thành nhất của ông Trump coi như khiển trách ông.

Với rất nhiều tin xấu trong thời gian gần đây, và sẽ còn nhiều nữa, với cuộc đấu khẩu với Bắc Hàn có thể trở thành chiến tranh thật, còn cách gì tốt hơn là bắt đầu thay đổi đề tài và bắt đầu một cuộc tranh luận về sự thích đáng của các cử chỉ phản đối chính trị chống lại quốc ca: một cuộc tranh luận vốn cho phép tổng thống, với sự hoan hô nồng nhiệt của các ủng hộ viên, lên tiếng ca ngợi quân đội Hoa Kỳ và khoác lá cờ lấp lánh sao vào mình.

Cũng còn một lý do mà ít người để ý đến, đó là tổng thống có một mối hận lâu nay với NFL.

Số là trước khi ông Donald Trump trở thành một chính trị gia, ngay cả trước khi ông trở thành một tài tử Reality TV, ông là chủ nhân của một đội trong liên đoàn đá banh chuyên nghiệp.
Liên đoàn của ông là United State Football League (USFL) vốn có rất nhiều ngôi sao nổi tiếng trong thời giữa thập niên 1980, và đội của ông là đội New Jersey Generals.

 Ông tỷ phú địa ốc mua đội tuyển này năm 1984 và giúp khuyến khích USFL, vốn thi đấu và mùa Xuân, chuyển sang mua Thu, nơi họ trở thành đối thủ của NFL.

Tiếc thay NFL đè bẹp liên đoàn USFL mới chào đời.
Ông Trump đi kiện NFL là vi phạm luật chống độc quyền, nhiều đội tuyển phá sản, và rồi USFL sập tiệm.

Bẵng một thời gian đến năm 2014, ông Trump lại một lần nữa đụng độ với NFL, khi ông tìm cách mua đội Buffalo Bills.
Ông thua một tỷ phú trong khu vực năng lượng và – trong một hành động mà nay chúng ta ai cũng quen thuộc – ông lên Twitter đã bày tỏ sự tức giận.

Ông tweet: “Mặc dầu tôi từ chối trả một số tiền nực cười cho Buffalo Bills, tôi đáng lẽ sẽ sản xuất ra một kẻ thắng. Nay chuyện đó sẽ không xảy ra.”
Ông cũng tweet là các cuộc thi đấu của NFL là “buồn chán” và “quá yếu,” và nói thêm là ông nay mừng đã không mua được đội banh.

Nói cách khác, tổng thống đã ôm hận lâu nay với NFL – và nếu có điều gì chúng ta biết về tổng thống thì điều đó là ông thù dai và muốn phục thù.
Nhưng diễn dịch xa gần nhiều khi lại không đúng, mà đơn giản nhất chỉ có thể là tổng thống có cái tính bốc đồng.

Khi nói chuyện về hành động của tổng thống, thường rất nhiều người tìm cách để tìm một lý do thầm kín nào đó để có thể có được trật tự trong sự rối loạn mà ông tạo ra.
Thành ra, chúng ta muốn là có một nguyên nhân gì sâu xa trong khi một giải thích đơn giản là đúng nhất.
Tổng thống nào có muốn chơi cờ tướng ba chiều, hay đưa ra những âm mưu đằng sau những âm mưu khác.

Với sự bực tức về NFL, tổng thống có thể đã phản ứng với sự kiện thay vì điều khiển nó.

Hôm tối Thứ Sáu, trước những tiếng hò reo và hoan hô của các ủng hộ viên, tổng thống đã trình bày một bài diễn văn dài trong đó có vẻ gồm đủ thứ đột nhiên xuất hiện trong đầu ông.

Và thế là chúng ta có một cơn thịnh nộ và những lời bàn ra tán vào về các cầu thủ quỳ gối, chào cờ, bảo vệ tự do ngôn luận và trách nhiệm của người làm công cũng như của chủ nhân.

Trong khi đó, trên tờ New York Times, cô Kelly Mchugh-Stewart kể lại kinh nghiệm của cô khi lần đầu tiên đi xem một trận football hồi Tháng Mười Hai, 2010.

Cô kể là lúc đó cha cô, Đại Tá Bộ Binh John McHugh vừa tử trận ở Afghanistan có sáu tháng, và cô đi xem vì được đội Kansas City Chiefs gửi tặng cho gia đình Gold Star, gia đình tử sĩ, những vé đặc biệt ở khán đài danh dự.

 Cô kể lại là mở đầu trận đấu cô biết là lễ chào quốc kỳ sắp xảy ra và chuẩn bị tinh thần. Cô bảo cho đến ngày nay cô vẫn không thể nghe bài The Star-Bangled Banner mà không ứa lệ vì cứ mỗi lần nghe bài hát là nhớ đến cha mình.

Cô kể tiếp: “Nhưng khi chúng tôi đứng lên để nghe Eli Young Band thì mọi sự đều sai. Họ hát sai lời hai, rồi lại sai lần nữa khi họ làm lại. Một người đàn bà ngồi đằng sau chúng tôi la lớn ‘Cút đi, đồ say!’

Bà này mặt sơn vàng và đỏ và có vẻ cũng say bí tỉ.” Chưa hết cô kể tiếp: “Khi ban nhạc hát đến đoạn cuối của bài quốc ca, thay vì hát ‘home of the brave,’ toàn thể sân vận động la lớn ‘home of the Chiefs!’

Họ đã thay thế chữ ‘brave’ – một chữ mà, đối với tôi, nó tiêu biểu cho cha tôi, một người đã trải qua 24 năm trong quân ngũ và hy sinh mạng sống của mình cho tổ quốc- Máu tôi sôi lên.”

Cô viết tiếp: “Khi nói đến ‘bất tôn trọng quốc kỳ’ người ta làm điều này lâu nay rồi. Người ta làm vậy vì người ta say rượu hay vì đó là truyền thống hay vì họ đã bỏ ra $200 mua vé và họ đã bị kích thích trong sân vận động với nhiều chục ngàn người khác.
Tôi đã làm việc cho cả thể thao nhà nghề và đại học trong năm năm qua, và ở tất cả những nơi này, tôi chưa bao giờ cảm thấy bài ‘The Star-Spangled Banner’ được sự kính nể nó đáng được.

Đối với cổ động viên, tôi nhận thấy đó chỉ là một thủ tục phải qua trước chuyện chính là cuộc thi đấu.
Thành ra tôi ngạc nhiên khi thấy một số những người da trắng bực tức trên Facebook khi các cầu thủ da đen quỳ xuống cho quốc kỳ.

Là một con gái Gold Star, tôi không bị điều đang xảy ra ở NFL hiện nay xúc phạm.

 Ít nhất những cầu thủ đó ‘bất tôn trọng quốc kỳ’ vì một lý do. Không một lần nào trong những cuộc phản đối ôn hòa này tôi có cảm tưởng là các cầu thủ có ý định bất kính với quân đội.

Không một lần nào tôi cảm thấy là họ coi sự hy sinh tột đỉnh của cha tôi là chuyện bình thường.
Thay vì vậy, họ đã hành xử đúng những quyền tự do mà cha tôi đã mang mạng sống bảo vệ.”

Cô kết luận: “Tôi sẽ luôn luôn kính nể lá quốc kỳ của đất nước tôi và quốc ca. Đối với tôi đó là những biểu tượng của tự do, của sự hy sinh của cha tôi.

Nhưng cha tôi không chết cho những biểu tượng. Cha tôi chết cho con người. Ông chết cho quyền của mọi người Mỹ bất kể chủng tộc hay tôn giáo.

Hiện nay, một số người Mỹ vẫn còn đối diện với bất bình đẳng. Thành ra họ phản đối để tạo thay đổi. Và tôi hoan hô họ.”

Riêng với kẻ viết bài này, ít nhất trong giai đoạn rối loạn hiện nay, khi chính trị như một mớ bòng bong, cử chỉ phản đối trên chứng tỏ là vẫn còn người tin tưởng vào tự do, bình đẳng và công lý để tranh đấu ở Hoa Kỳ.


Lê Phan

Switch mode views: